Mùa lễ hội và những nỗi bất an

Thứ Hai, 22/02/2016, 10:57
Lại một mùa lễ hội. Không còn nhiều sự háo hức đón chờ một mùa lễ hội đến mà là nỗi âu lo, thấp thỏm, trước những sự bon chen, những tham sân si đang hiện hữu trong các lễ hội, hay ngay cả những chốn linh thiêng như đền, chùa. Vì sao những điểm đến văn hóa thành chốn eo xèo như chợ vỡ, thành nỗi âu lo đầu năm vì những ứng xử thiếu văn hóa?


Đầu năm 2016, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi Sở Văn hóa các tỉnh, thành về vấn đề tổ chức và quản lý lễ hội. Một sự chỉ đạo và ra tay quyết liệt với mong muốn không lặp lại những tình trạng bát nháo, phản cảm như nhiều năm qua. Nhưng thực tế, lễ hội mới diễn ra hơn một tuần mà vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực.

Ngay từ mồng 6 tháng Giêng, khi lễ hội Đền Gióng diễn ra, hàng nghìn thanh niên đã hò reo và đến khi giò trầu cau được lễ tạ tại đền Mẫu, thanh niên của các làng đã xông vào, bất chấp lực lượng Công an cố hết sức để bảo vệ đồ lễ, thậm chí, họ còn đè lên người các đồng chí Công an để cướp lộc, tạo nên sự lộn xộn. Đặc biệt đã xảy ra va chạm tại 2 lễ rước Giò tre của xã Vệ Linh, từ đền Thượng xuống đền Hạ và rước trầu cau của xã Tân Minh từ đền Thượng xuống đến đền Mẫu.

Người dân tranh nhau cướp lộc tại lễ hội đền Gióng năm 2016.

Rồi cảnh chen lấn ở chùa chiền, nạn chặt chém trong ngày khai hội chùa Bái Đính, chùa Yên Tử… Rất nhiều du khách “ép” tượng La Hán nhận tiền lẻ, chà xát tiền vào các pho tượng để cầu mong sự may mắn. Ngay trong lễ hội chùa Hương, dù đã có các đơn vị chức năng giám sát nhưng vẫn diễn ra tình trạng “cò mồi”, chèo kéo du khách.

Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) - Công an TP Hà Nội đã phát hiện và xử lý hành chính 16 đối tượng “cò mồi”, chèo kéo du khách đi lễ hội. Các đối tượng này đều có hành vi “cò mồi”, lôi kéo khách đi đò, gửi đồ, mua vé, ăn nghỉ, gây mất an ninh trật tự dọc tuyến đường về chùa Hương...

Không ở đâu xa, ngay giữa trung tâm Thủ đô, tình trạng chen lấn, xô đẩy vẫn diễn ra trong những ngày đầu năm mới tại Phủ Tây Hồ, hay Văn Miếu Quốc Tử Giám. Tiền lẻ vẫn được rải đầy trong các đền chùa, thậm chí trên tay các tượng Phật, Thánh. Nhiều nơi, vàng mã, lễ vật còn ngang nhiên hiện diện ngay trong cổng ra vào nhà chùa (chùa Mía).

Không biết đến bao giờ, các lễ hội ở Việt Nam mới được trả lại vẻ đẹp nguyên sơ của nó. Lễ hội chính là một phần văn hóa, hồn cốt của một dân tộc, thể hiện niềm tôn kính đối với các vị anh hùng, các vị thần linh. Lễ hội cũng chính là nơi hội tụ sức sống của dân tộc, sức sống của văn hóa Việt từ ngàn đời truyền lại.

Nhưng đáng tiếc, các lễ hội càng ngày càng bị thế tục hóa theo những mong muốn phàm tục của con người. Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình cho rằng: “Thực ra, chuyện giành giật để lấy lộc, lấy lá, lấy phần ở trong kỳ dịp lễ hội đã diễn ra từ cổ xưa và thời điểm đó theo quan niệm thì việc giành giật như vậy được xem như là giành vinh quang. Nhưng họ cướp đẹp, cướp biểu trưng, ước lệ chứ không đánh nhau bầm dập để cướp bằng được, không bất chấp làm cho đối tác bị thương, người bảo vệ, người khiêng kiệu bị thương. Đây mới chính là điều đáng nhìn nhận suy ngẫm hiện nay về bạo lực ở lễ hội.

Người ta cướp thật, lấy thật và giành giật thật thay vì tham gia diễn xướng của lễ hội ấy như một thứ nghi thức. Họ đã tách phần tâm linh tín ngưỡng này ra khỏi nghi thức, họ tiến công như những hành vi bạo động đích thực. Đó là một thứ tâm lý thực dụng và tâm lý của những người ăn xổi, thậm chí còn mặc cả với thần linh”.

Tâm thế của người tham gia lễ hội giờ đã khác. Họ đi không chỉ để cầu mong may mắn, bình an mà còn cầu thăng quan tiến chức, cầu danh, cầu lợi. Tâm thế thực dụng đó đã quyết định hành vi tham gia lễ hội của nhiều người. Ai đó nói rằng, những ứng xử văn hóa trong lễ hội thể hiện bộ mặt văn hóa của một dân tộc, thì chúng ta, sẽ định hình bộ mặt của mình như thế nào đây?

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền:  Lo ngại về trình độ tín ngưỡng của người dân

Hơn 10 năm trở lại đây, cùng với phong trào phục dựng những giá trị di sản văn hóa dân tộc, các lễ hội tín ngưỡng ở nhiều địa phương trong cả nước cũng dần được khôi phục. Thế nhưng điều đáng nói, trong xã hội hiện đại, đã bắt đầu nảy sinh những hiện tượng biến tướng ở nhiều hình thái tín ngưỡng.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền.

Trong đó có những vấn đề ngày càng trở nên bức xúc, được phản ánh nhiều trên công luận, như hiện tượng kinh doanh các dịch vụ tâm linh ở những cơ sở tín ngưỡng là ví dụ điển hình. Ở đây, trong xu thế phát triển văn hóa nói chung, việc biến các lễ hội thành sản phẩm du lịch trở nên một nhu cầu thiết yếu. Bởi thế việc cố gắng tận thu tiền bạc của du khách 4 phương là một hệ quả không thể khác.

Có thể thấy, nguồn thu từ các hoạt động tâm linh tín ngưỡng quả là siêu lợi nhuận. Xã hội càng tín ngưỡng, càng mê đắm bao nhiêu, các đình, chùa, đền, miếu... càng có nguồn lợi lớn bấy nhiêu. Chính vì vậy ở nhiều nơi, quyền cai quản cơ sở tín ngưỡng đã được chính quyền tổ chức đấu thầu hệt như một đầu mục thương mại địa phương.

Tùy vào tiếng tăm linh thiêng của những ngôi đền mà người ta sẽ quyết định mức giá. Có những nơi sau khi thắng thầu, thủ nhang đồng đền phải nộp vào ngân sách địa phương hàng tỉ bạc mỗi năm.

 Nhiều năm qua, báo chí cùng các phương tiện truyền thông liên tục phản ánh mọi thực trạng đáng quan ngại, được xem như hệ lụy của phong trào đua chen tín ngưỡng với nhiều vấn nạn nhức nhối. Ở đây, hệ thống quản lý Nhà nước dường như phải mở cuộc chạy đua với đời sống tín ngưỡng trong xã hội mới. Cấm/ cho phép/ cấm... luôn là quá trình vận động vá víu, đối phó với thực tiễn từ nhiều chục năm nay của các nhà quản lý.

Chuyện “bắt cóc bỏ đĩa” là thực trạng thường thấy. Trên thực tế, việc đòi hỏi khâu tổ chức lễ hội trở nên quy củ, an toàn lành mạnh và trong sáng dường như là nhiệm vụ bất khả thi. Thứ nhất, xưa các lễ hội chủ yếu chỉ quy tụ dân cư thu hẹp trong từng vùng. Nay với sự quảng bá hấp dẫn của truyền thông, số lượng người hành lễ, chơi hội đổ về luôn quá tải trên mọi địa bàn. Do vậy, việc khống chế, kiểm soát lượng người trong những không gian nhỏ hẹp là điều bất khả kháng với ban tổ chức.

Thứ hai, khi phục hưng các lễ hội, rất nhiều tín ngưỡng dân dã có dấu vết từ thời nguyên thủy cũng đồng thời “hồi sinh”, đánh thức sự trục lợi bản năng của con người với thần linh. Thực tế cho thấy, sự mê đắm của đám đông tín ngưỡng khổng lồ rất dễ biến thành thảm họa bởi hiệu ứng tâm lý đám đông, khả năng kiểm soát an ninh dường như là điều không thể.

Nhiều năm qua, việc hàng vạn người chen nhau để cướp ấn đền Trần, hay lượng người hành lễ khổng lồ tràn ngập chặn đứng giao thông Ngã Tư Sở trước cổng chùa Phúc Khánh để dâng lễ xin sao giải hạn, cầu tài lộc... đã chứng minh sức mạnh kinh hoàng của niềm tin tín ngưỡng “hồn nhiên” như thế nào! Ở đây, vấn đề không chỉ nằm ở khâu tổ chức, mà điều quan ngại chính là trình độ tín ngưỡng, tạm coi như “tín ngưỡng trí” của xã hội, hiện đang ở mức không thể kiểm soát.

GS.TS Đỗ Văn Trụ, Tổng Thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam: Cái gốc từ tấm lòng của người hành lễ

Qua một số lễ hội diễn ra trong mấy ngày đầu năm vừa qua, tôi thấy rằng văn hóa lễ hội có một số chuyển biến tích cực bước đầu. Cái đó chúng ta phải ghi nhận. Tuy nhiên, nhìn chung, vẫn còn hỗn loạn, bát nháo lắm. Điều này bắt nguồn từ những lí do khác nhau. Tôi thấy hình như trên thế giới, số lượng lễ hội ở Việt Nam vào hàng nhất (?!).

GS.TS Đỗ Văn Trụ, Tổng Thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam.

Theo thống kê, từ Bắc vào Nam, chúng ta có từ 800 – 900 lễ hội trong một năm. Vì lễ hội nhiều quá, trong đó có không ít lễ hội được diễn ra theo kịch bản chung, na ná nhau. Lễ hội không còn giữ được những bản sắc của chính mình. Hay nói cách khác, lễ hội đã mất đi tính thiêng của nó như trước đây.

Dân mình đi lễ theo tâm lí a dua, đám đông là nhiều. Có khi, phần nhiều trong số họ không hiểu mục đích của lễ hội này để làm gì, thờ phụng ai, sự tích ra sao, thấy người khác đi, họ cũng đi theo, vái lạy, xì xụp như những kẻ cuồng tín. Hội chứng đám đông đó làm mất đi vẻ đẹp của lễ hội. Ngày xưa, dân mình đi lễ trong một tâm thế trang nghiêm mà không kém phần trang trọng. Họ thành kính, đúng mực với thần linh. Xưa, lễ hội là của làng, gắn liền với sự tích của một làng nào đó. Ngày nay, tính làng xã, tính cộng đồng đó đã bị biến đổi.

Tôi biết rằng có một số lễ hội không phải của làng đó mà bắt chước nơi khác. Giữ lại và không nên giữ lễ hội nào, đã đến lúc, chúng ta phải nghiêm túc kiểm kê, đánh giá lại. Mặt khác, chế tài xử phạt vẫn còn nhẹ quá. Vì thế nên mới có chuyện, năm nào chúng ta cũng ngán ngẩm trước cảnh dân đổi tiền lẻ, đốt vàng mã để cúng thánh thần.

Nhưng ngán ngẩm thôi, chẳng làm gì để thay đổi cả. Chúng ta cấm ngọn nhưng chưa cấm gốc. Chúng ta cấm đốt vàng mã nhưng không cấm những cơ sở sản xuất vàng mã hoạt động. Vấn đề quản lý, tổ chức lễ hội từ Trung ương tới địa phương cũng chưa thực sự đồng bộ. Nhà nước không thể giải quyết xuể những vấn đề lễ hội đặt ra nếu như ý thức người dân vẫn “giậm” chân một chỗ. Nhà nước chỉ là cơ quan quản lý, còn linh hồn của lễ hội, hay hay dở của một lễ hội, xuất phát từ tấm lòng của người hành lễ.  

Hà - Dung
.
.
.