Mưa rào tháng tư

Thứ Sáu, 03/05/2013, 23:30

Khi chiếc xe khách bắt đầu gài số, lao mình đi vun vút trên những con dốc uốn lượn, ấy cũng là lúc tôi biết mình đã trở về với mảnh đất trung du, với những sắc màu mà tuổi thơ tôi biết.

Nếu như tháng tư về mang theo cái dịu dàng thuần khiết của đóa loa kèn đất Hà thành, sắc xanh biếc của ruộng dâu bên dòng sông Kinh Bắc thì tháng tư về quê tôi lại rực lên màu đỏ của những nụ hoa Vông. Hoa vông thật lạ, lạ ngay cả trong tên gọi của nó. Thậm chí nhiều người từ nơi xa đến còn nhầm tưởng là hoa gạo nhưng với người dân trung du vông như một người bạn gắn chặt trong đời sống hằng ngày. Vông rất dễ trồng nên đi đến đâu cũng thấy có sự hiện diện từ bờ bụi ở ven bên đường, trước cổng nhà để lấy bóng mát, thậm chí cả đình làng vông cũng đứng nghiêng mình lòa xòa cổ kính. Có nhiều cây vông cổ thụ phải ôm trọn cả một vòng tay người lớn mới hết cũng đủ biết sự có mặt của vông ở đây lâu như thế nào. Chắc là do vông chỉ hợp với vùng trung du đất cằn, đá sỏi nên không biết từ bao giờ nó trở thành loài cây cung cấp cho người trung du rất nhiều vật phẩm dùng trong đời sống sinh hoạt.

Ngày trước khi núi đồi gập ghềnh sỏi đá, ngày mưa đường trơn lầy lội vàng quạch màu của đất thì những chiếc gậy vông mảnh mai là người bạn thân thiết của lũ trẻ con mỗi buổi đến trường, là hành trang không thể thiếu của bố, của cậu trong chuyến đi vào rừng lấy măng đầu mùa. Ngày tháng tư, tiết trời bắt đầu nóng nực, cũng là lúc người ta sẽ  hái hết những cành lá già của mùa cũ để cho những chồi non và hoa vông kịp bung nở đỏ như thắp lên muôn vàn ngọn nến xanh đỏ lập lòe trên khắp các đường làng, ngõ xóm. Còn những chiếc lá vông già kia, sẽ được cắt nhỏ, phơi hong trong nắng mới rồi đem xao trên lửa cho vàng, cho thơm. Đem hãm trong ấm tích làm thức uống không thể thiếu được trong canh hát hội, làm mát lòng ngọt dạ gia chủ và du khách gần xa. Ngày nhỏ có nhiều hôm đi nghe canh hát hội mà lỡ uống quá đà nước lá vông là có thể ngủ thiếp đi bất cứ lúc nào không hay. Thế là được bố mẹ cõng về trên lưng mang theo câu hát còn chập chờn trong giấc ngủ. Một đêm trung du thật đẹp và yên bình biết bao.

Tháng tư cái nóng đang bắt đầu thâm nhập dần vào  đất trời vẫn còn vất vương cái lạnh. Thành thử ra cái nóng, cái lạnh – hai cực thái xưa nay vốn đã đối lập phải phân tách thành hai mùa riêng biệt, giờ gặp nhau đành lòng cầu hòa trong vẻ tươi mát, ồn ã của những cơn mưa rào trắng trời trung du. Tháng tư về mang theo những cơn mưa rào tràn trề nhựa sống. Ở miền trung du, điều kiện tự nhiên vốn phân định lờ mờ giữa một bên là đông lạnh ẩm, một bên là tây ngập nắng hanh hao cho nên khí hậu có thể nói là khắc nghiệt hơn những vùng khác. Chính vì thế khi tháng tư về mang theo những cơn mưa rào chẳng khác gì trời đất đang ban tặng những giọt ngọc quý giá cho vùng đất giữa khô cằn này.

Ngày trước khi chưa có nước máy lấy từ sông Đà thì nguồn nước ăn uống chủ yếu ở đây vẫn là nước mưa dù các giếng làng đá ong vùng trung du nổi tiếng trong và sạch vô cùng. Vậy là  khi  bầu trời  kéo những đám mây đen xám xịt từ phía núi Hùng là tất cả người dân trung du không kể già trẻ, gái trai, dù đang bận bịu với công việc đồng áng,  cũng bỏ dở lại để chạy về nhà đẩy những chum nước lớn bằng sành ra giữa sân gạch đá ong sần sùi để hứng những giọt nước tinh khiết  của cơn mưa đầu mùa  sau bao tháng khô hạn. Có nước là có sự sống. Nhìn những chum nước sóng sánh, vụng nước ngọt mát lấy từ bầu trời đang thấm dần len lỏi vào những tầng đá ong chìm sâu dưới mặt đất tự dưng cuộc sống cằn cỗi già nua trong những nếp nhà cũng như thay da đổi thịt. Mềm mượt và thơm phức hơn.

Giờ đây cuộc sống hiện đại đã thay đổi nhiều lắm lối sinh hoạt của người dân trung du. Nhưng có sống và gắn bó với nó từ khi sinh ra và trưởng thành thì mới thấy có những điều ở thẳm sâu bên trong vẫn giữ nguyên hình hài cốt cách của mình dù thời gian có nghiệt ngã đến đâu. Tháng tư vẫn cứ đúng hẹn lại mang theo những cơn mưa rào ào ạt đến rồi lại đi mà chẳng lúc nào chịu báo trước. Vẫn mang những chum nước sóng sánh đứng bên cạnh song hành với chiếc vòi nước máy sẵn sàng cung ứng bất kể ngày đêm.

Hiện đại là vậy nhưng trong căn bếp của những gia đình làm mì gạo truyền thống như gia đình tôi những chum nước mưa rào tháng tư còn đáng giá hơn tất thảy số nước máy dùng trong cả nửa năm. Đơn giản bởi không có thứ nước từ trên trời ấy những sợi mỳ gạo không còn mang hương vị rất riêng vốn có nữa. Làm mì gạo không cực nhưng nhiều công đoạn lắm. Từ việc chọn gạo tẻ loại nào thích hợp để có chất bột ngon, đến việc ngâm sát thôi cũng đã mất cả một ngày trời. Thứ gạo tẻ ngon được ngâm trong nước của cơn mưa đầu mùa sau khoảng một đêm thì được đem đi xay thành bột rồi cho vào túi vải đay cột chặt cho hết nước để sang công đoạn cho vào nấu chín. Những nồi bột gạo sau khi được nấu chín cho quánh lại được đem đi cán đùn thành những cọng mì dài trắng muốt. Mì gạo về công đoạn cũng gần giống như làm bún nhưng thay vì ăn ngay thì mì gạo lại có thể giữ được lâu dài bằng cách đem đi phơi khô, Những sợi mì gạo trắng dài sau khi cán xong thì sẽ được chuốt cẩn thận thành bó dài đem đi phơi nắng trên chiếc sào tre dài mắc chật lối trên sân. Cả một khoảng sân trước nhà chỉ sau một loáng dường như đã biến thành một nơi hoàn toàn khác. Lúc mì gạo mới đem ra phơi thì còn ẩm và ướt nên rủ xuống không khác gì tấm buông mành trắng tinh phất phơ trong cơn gió đầu hạ. Nhưng khoảnh khắc đó cũng chỉ kéo dài chỉ độ nửa buổi vì cái nắng mới tháng tư sẽ sẵn sàng làm se khô mọi thứ với sức nắng thừa thãi của mình.

Ngày nhỏ những đứa trẻ trong nhà thích nhất là vào khoảng quá trưa khi mặt trời đã dứng bóng là ra sân trải mo cau để được nằm dưới chiếc sào tre phơi mì gạo. Với người lớn thì những trò của tụi trẻ con vẫn luôn khó hiểu và chẳng có gì thú vị nhưng nằm dưới chiếc sào tre phơi mì ấy cả một thế giới diệu kì đang mở ra trước mắt. Sợi mì gạo lúc này không còn là thực phẩm ngon lành mỗi sáng nữa, mà đã trở thành những đám mây màu trắng đục vắt ngang trên nền trời đầu hè đang bắt đầu cao và sâu hun hút. Thi thoảng cơn gió nhẹ thổi qua, làm đám mì sợi nghiêng hẳn sang một bên, trông như đám mây bồng bềnh đang trôi lờ lững.

Trong con mắt trẻ thơ, những sợi mì gạo quả thực có sức hút kì lạ. Không chỉ có ấn tượng về thị giác mà mì gạo còn mang tới những mùi thơm trong tiếng nổ lép bép. Tranh thủ những lúc người lớn đang bận bịu với những công việc khác không để ý là túi quần đưa nào, đứa nấy nhét đầy mì gạo để lúc ngồi trông bếp đem hơ những sợi mì gạo trắng trên lửa. Lửa sẽ làm những sợi mì gạo mỏng manh nổ lớn gấp đôi, giống hệt như đang cầm trên tay một chiếc bỏng gạo thổi.

Ăn chẳng được là mấy, thế mà đã qua bao thế hệ trẻ con trong nhà vẫn mê tít trò nướng mì gạo trên bếp nổ tí tách. Mưa rào tháng tư mang tới nguồn nước quý giá để làm những sợi mì gạo trắng mềm, không bị đục khi nấu và dai ngon hơn so với nước máy. Nhưng nếu không chú ý thì chính những cơn mưa rào đến bất chợt lại làm ướt sũng những mẻ mì phơi trên sân mới lúc trước còn vẫn khô cong vì nắng. Mì gạo đã khô mà chẳng may dính nước thì chẳng khác nào đổ đi dù có cố gắng tận dụng đến đâu. Tuổi thơ tôi chắc cũng đã khóc như mưa mấy lần như thế vì tội mải chơi không chạy về cất kịp sào mì gạo và nong bột sắn dây đang phơi trên sân. Mưa rào tháng tư trắng trời, trắng đất và vô tình trắng xóa luôn cả những khoảng sân.

Tháng ba âm lịch (tức tháng tư dương) cư dân khắp nơi lại đổ về trung du trẩy hội Đền Hùng dâng lễ vật thành kính lên tiên tổ. Ai cũng cố gắng chọn cho mình những bộ quần áo đẹp đẽ nhất, món ăn ngon nhất để mang đi trẩy hội nên chẳng bao giờ hội Đền Hùng thiếu những sắc màu nét văn hóa bản địa và những vật phẩm thờ cúng mang đậm dấu ấn địa phương từ miền núi non cao đến miền biển mặn mòi. Bà tôi bảo rằng ngày mùng mười tháng ba là ngày lễ đông nhất trong mười ngày chính hội  rất khó mang lễ vật nhưng dù lễ hội có đông như thế nào thì vẫn phải đi lễ cho bằng được để đem những chiếc bánh tò te - loại bánh được gói bằng nếp và đậu đen giống như sâu kèn lá dâng lên tiên tổ trong không gian quang sạch được gột rửa bằng cơn mưa rửa Đền trước đó ít giờ.

Trong thời khắc linh thiêng đó, đứng chắp tay dưới bàn thờ tiên tổ cầu khấn lời biết ơn tổ tiên, cầu mong những điều tốt đẹp cho mình và mọi người, có lẽ ai trong chúng ta sẽ không khỏi nhen lên xúc cảm tự hào khi được mang trong mình dòng máu “Con Lạc cháu Hồng”, được sinh ra và lớn lên trên một dân tộc anh hùng, có nền văn hiến, lịch sử lâu đời. Nhất là những người con trung du dù đi đâu làm gì cũng sẽ hướng về mảnh đất linh thiêng quê mình nơi có những trận mưa rào rửa Đền huyền bí luôn diễn ra chuẩn xác hàng năm, hàng đêm trong những ngày chính hội để gột rửa đi những vết bụi phàm trần, giữ lại vẻ quang đãng, tôn nghiêm cho nơi thờ tự và trong cả chính hành động, suy nghĩ của con người.

Lộp độp... lộp độp... lộp độp...! Thế là những cơn mưa rào đầu mùa đã đến! Ôi yêu làm sao những cơn mưa rào tháng tư. Chẳng biết từ lúc nào những lớp người sinh ra ở trung du đã lớn lên bằng chính những cơn mưa nhuốm màu cổ tích như thế

Trọng Huy
.
.
.