“Mùa xuân, em đi bắt chồng”

Thứ Hai, 27/01/2014, 15:10

Trời Tây Nguyên chớm lạnh, làn gió hanh hao thì thầm mang mùa xuân về trên khắp các nương rẫy, đồng ruộng của buôn làng M'liêng (xã Đắk Liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk). Cô gái M'nông tựa cửa nhà sàn, đôi vồng ngực căng tròn hừng hực, báo hiệu một mùa bắt chồng nữa lại về trên vùng rẻo cao sương giăng trắng trời.

Anh theo em về ở rể

Bên bếp lửa nhà sàn, già làng Y'Lưu Ê Nuôi (83 tuổi) ôm ché rượu cần đã được ủ ấm, trong hơi men chuếnh choáng, đôi mắt đăm đắm rọi về miền ký ức xa xăm thuở "hồng hoang" của một chàng trai lực điền "xé núi, đạp đá", bị cô gái M'nông "trong ngần" bắt về làm chồng. Cũng vào độ xuân sang, khi những nương ngô chỉ còn xơ xác cây, khi những cánh đồng chỉ còn trơ cằn gốc rạ, khi những dòng sông thủng thỉnh xuôi về nguồn, là khi mùa bắt chồng rộn rã khắp buôn.

Chàng trai Y'Lưu cuồn cuộn đánh chiêng, hùng dũng nhảy múa trong đêm trăng văn nghệ giao lưu giữa các buôn làng. Lẫn trong nhịp phách đàn tre, hòa cùng vũ điệu Kông Tur, cô gái H'Thu chiếu thẳng ánh nhìn rực lửa về phía Y'Lưu. Ché rượu cần cứ vơi dần trong đêm duềnh dàng lênh láng ánh trăng. Tàn cuộc, cô gái ra về trong sự luyến lưu, một chút bịn rịn không nỡ.

Mùa rẫy hôm sau, H'Thu băng suối, trèo đèo tìm đến nương ngô chàng Y'Lưu đang vén luống. Trông cái cơ bắp cuộn căng, trông cái dáng chắc nịch lao động hừng hực, giọt mồ hôi phủ tràn tấm lưng trần phơi nắng phơi gió của chàng, cô gái thầm nghĩ về một hạnh phúc trong mùa bắt chồng. Mùa xuân năm 1968, Y'Lưu rưng rưng đón nhận sính lễ cầu hôn của nàng H'Thu, chàng chính thức bỏ cuộc chơi, theo nàng về làm rể. 

Lời ru con tái tê của những cô gái M'nông phải làm chủ gia đình.

Gần 50 mùa xuân trôi qua, chàng Y'Lưu năm nào nay đã trở thành một già làng uy tín, có con đàn cháu đống. Rít một hơi rượu thật dài, già Y'Lưu nhớ về những mùa bắt chồng mang đậm nét truyền thống, còn vẹn nguyên vẻ đẹp chất phác, hồn hậu: "Bắt chồng ngày đó vui lắm, ý nghĩa lắm, mình sống đến chết cũng không quên đâu". Chẳng bao giờ quên được bởi mang tiếng là bị bắt nhưng chàng mang vinh dự lẫn tự hào tràn trề. Bị bắt vì anh chàng có tài, có sức khỏe. Việc thách cưới của nhà trai cũng là một thử thách mà không phải cô gái nào cũng vượt qua. Lắm khi ưng cái bụng đấy, muốn bắt lắm, nhưng bên kia thách cưới nặng quá, đành ngậm ngùi nuối tiếc.

Trong ngôi nhà sàn "mặc áo" xi măng của già làng Y'Lưu Ê Nuôi, vẫn còn bộ chiêng, núm, ghế Kpan, trống cổ. Những cổ vật truyền thống như vậy bây giờ hiếm hoi lắm rồi. Đó là thứ tài sản mà người M'nông sẵn sàng đánh đổi bất cứ thứ gì để bảo vệ nó. Nhà ai sở hữu những đồ vật giá trị đó đều ngầm hiểu rằng gia đình có của ăn của để, việc bắt chồng càng trở nên thuận lợi.

Ngày nay, cùng với sự xói mòn và lụi tàn đi nhiều nếp văn hóa đẹp thì chuyện bắt chồng của con gái M'nông ở đây cũng lắm nỗi buồn. Người con trai M'nông không có quyền chọn vợ, họ có quyền từ chối cuộc bắt phía đằng gái, nhưng chuyện từ chối là rất ít. Một khi bị cô gái cho vào tầm ngắm thì chỉ ngoan ngoãn "theo vợ bỏ cuộc chơi". Tuy nhiên, không phải bị ở rể mà người con trai M'nông mất quyền và vị thế. Việc ngoài xã hội, việc dựng nhà mua đất thì người con trai nắm quyền quyết định. Còn lại việc sinh con đẻ cái, làm ruộng làm rẫy và kiếm tiền thuộc về người phụ nữ.

Tiếng ru con của chị H'Cốc giật tôi về với hiện thực, tiếng ru bằng điệu Pá Yông (điệu hát truyền thống của người M'nông) ngọt ngào, chất chứa nỗi cực nhọc lo toan về một gia đình "ăn nay lo mai". Tiếng ru làm chim ngừng hót, suối ngừng chảy, làm lòng người xốn xang nỗi xót xa thương cảm. Người đàn bà vừa bước qua tuổi 30, dường như mái tóc của chị chưa bao giờ được hấp xả. H' Cốc bắt chồng nhiều người chỉ trỏ là muộn nhất trong buôn. 25 tuổi, cái tuổi người ta đã cho là già, là ế chỏng ế chơ. Chồng H'Cốc vài năm sau ngày bị ở rể, không có việc làm, cũng không biết làm ruộng làm rẫy đành ở nhà trông con và chợ búa.

Bởi mang tiếng ở rể, nên người đàn ông M'nông tự cho mình quyền được ngồi chiếu trên, không phải đi làm lụng, không phải lo kinh tế gia đình. Họ say sưa hết mùa này qua mùa nọ, say rồi về túm tóc, kéo váy vợ hành hạ, đánh đập. Tại sao mình là chủ mà để chồng đánh? H'Cốc lý giải: "Vì nó bị bắt là một thiệt thòi, nên nó phải có quyền đánh vợ để bù lại thiệt thòi đó".

Bắt chồng thời "công nghệ số"

Kiểu bắt chồng thời đại kỹ thuật số đã rút ngắn thời gian tìm hiểu, công sức theo dõi, quan sát của người con gái. Trường hợp bắt chồng bằng điện thoại của cô H' Ngoan đã mở đầu cho cuộc cách mạng bắt chồng trên sóng điện nở rộ ở các buôn làng. Cách đây hơn một năm, H' Ngoan được một người bạn mai mối số điện thoại của chàng Y' Thông ở xã buôn Triết bên kia cánh đồng. Sau màn nhầm số, đến nhắn tin làm quen rồi gọi điện để thẩm định chất giọng.

H' Ngoan bẽn lẽn kể rằng: "Ngày nào em cũng nhắn tin cho Y' Thông. Đang đi cấy đi cày cũng phải nhắn một cái mới chịu được. Tốn cả chục ngàn tiền tin nhắn ấy chứ. Tự nhiên nhớ nhau, yêu nhau lúc nào không biết chị ạ. Sau ba tháng "ưng cái bụng" trên sóng điện thoại, em hẹn gặp Y' Thông tại bờ cầu dẫn vào buôn. Quen nhau say đắm trên điện thoại mà lần gặp đầu tiên, hai đứa không dám nhìn thẳng vào mặt nhau, không nói được gì cả". Giai đoạn gặp mặt đánh dấu bước quyết định của người con gái việc có bắt chồng hay không. Gặp để kiểm chứng "nhan sắc" và hình thể của đối phương, H' Ngoan sau đó đã chọn Y' Thông là người cô sẽ bắt để gắn bó suốt đời. Giờ thì H' Ngoan đã có con, lại gánh thêm một miệng ăn nữa là ông chồng biết uống rượu, biết đánh đập.

Già Y'Lưu bên chiếc trống cổ ngày xưa từng tham gia những cuộc bắt chồng.

Từ câu chuyện bắt chồng của H' Ngoan, cuộc cách mạng bắt chồng đã và đang trở nên phổ biến ở những thôn bản, buôn làng miền núi. Từ lâu, đã vắng bóng sự có mặt của trống, chiêng, của những điệu hát Pá Yông mê đắm lòng người. Gái M'nông bắt chồng bằng những tin nhắn thâu đêm, bằng những cuộc gọi di động nối bản nối buôn, nối sông nối suối.

Cô gái H' Thu (19 tuổi) hiện đang hạnh phúc tràn trề với mối tình chưa biết mặt cùng chàng M'nông ở tận huyện M'Đrăk (Đắk Lắk). Quen nhau ba tháng qua điện thoại, H' Thu bắt đầu có cảm giác nhớ da diết "đối tác" phía đầu dây. H' Thu ngây thơ chia sẻ: "Người yêu em giới thiệu là nó cao 1,65m, nặng 55kg. Chúng em dự định mùa xuân này sẽ gặp nhau. Và em cũng có ý định bắt nó về làm chồng rồi".

Mùa xuân là mùa của những cuộc bắt chồng háo hức nhất với những cô gái M'nông. Họ gặp nhau, phải lòng nhau, nửa chuếnh choáng trong hoàng hôn vàng ươm men rượu cay nồng. Họ uống với nhau, khi say lên họ hát cho nhau nghe. Cô gái "căng tràn" theo nhịp phách đều đặn của hai thanh đũa tre, cô lúng liếng mỉm cười đầy toan tính trong bụng. Rằng anh ý sẽ bị ta bắt làm chồng thôi. Trên những liếp phên nhà sàn, những bộ thổ cẩm nguyên chất đang chờ khung cửi thêu dệt bắt đầu đón mùa xuân mới, mùa bắt chồng rạo rực nhất trong năm.

Bà H'Thảo - nhà nghiên cứu văn hóa M'nông:

"Giờ đây, bắt chồng trên sóng điện từ, bắt bằng những cuộc điện thoại nối dài hai bờ sông Krông Ana hùng vĩ, vượt qua những triền đèo Liên Sơn uốn cong như đai thắt lưng ong của người con gái đến tuổi bắt chồng đã trở nên phổ biến ở các buôn làng người M'nông. Lớp trẻ lớn lên, nhanh chóng hòa vào lối sống du nhập phía bên ngoài, họ dần đánh mất đi luật tục của buôn làng. Đời sống nâng cao, kinh tế phát triển thì việc trai gái yêu nhau bình đẳng hơn, công khai và vồn vã hơn là điều không thể tránh khỏi".

Ngọc Thiện
.
.
.