Không có gì mà ầm ĩ cả

Mượn chuẩn?

Thứ Bảy, 10/12/2016, 09:25
Trong ngôn ngữ có quy luật là luôn tinh lược những gì đã nói quá nhiều bằng chữ viết tắt. Thí dụ PCCC thì ai cũng hiểu là phòng cháy chữa cháy. Tất nhiên, chữ viết tắt phải phù hợp với ngữ cảnh. Người xưa nói chữ xem thượng hạ văn là biết nghĩa.

Việc viết tắt cho ngắn gọn và khoa học nhiều khi cũng dậy sóng trái chiều. Vậy phải phát âm thế nào cho đúng?  Pê xê xê xê hay Pi Xi Xi Xi hay Pờ cờ cờ cờ? Xướng ngôn viên nhà đài nhiều khi cũng dùng Vê En hay Vi En (VN). Chẳng ai nói Vờ nờ vì nó không quen tai.

Ai cũng khăng khăng bỏ trong túi mình một chân lý tuyệt đối để phản bác người khác. Mọi người huyễn tưởng rằng có một thứ chuẩn nào đó của một quốc gia khác có thể áp dụng cho âm thanh người Việt. Người học tiếng Pháp thì thích đọc VN là Vê en (Không có âm Nờ sau e vì tiếng Việt luôn bỏ phụ âm cuối). Người mê tiếng Anh thì thích đọc là Vi en. Thế là chuẩn nọ đánh nhau với chuẩn kia bất phân thắng bại.

Ngay cả hai thứ tiếng có ảnh hưởng lớn là Anh và Pháp cũng gặp khó khăn khi biểu đạt âm thanh của nước khác. Họ buộc phải phiên âm và quá trình này làm méo âm là đương nhiên.

Minh họa của Lê Tâm.

Tiếng Việt có thể diễn đạt khá giống tên Thủ đô Nga là Mát - xcơ - va (như người Nga phát âm) nhưng tiếng Anh thì không thể. Họ viết là Moscow và đọc gần như là Mớt - xcào. Còn tiếng Pháp thì viết là Moscou và đọc hơi giống Mút - xcu.

Vậy thực ra tiếng ta lấy đâu làm chuẩn? Giáo trình sách dạy vỡ lòng và lớp một, ai cũng đã từng biết bảng chữ cái của chúng ta là A, Bờ, Cờ và chữ  Bờ, Cờ không đọc là bê, xê. Đặc điểm chữ quốc ngữ rất khoa học với việc ghi âm. Nếu đọc chữ C là Xê thì tương đương chữ X. Con cào cào sẽ phải đọc là Xon xào xào. Điều này đương nhiên sai. Vậy sao phải băn khoăn mà không đọc đúng chuẩn Việt là A Bờ Cờ?

Viết tắt mà người đọc và nghe không hiểu thông tin thì đó là thất bại. Viết tắt chỉ dành cho những trường hợp nghĩa đã sáng rõ nên lược bớt thời gian đọc.

Thí dụ đọc một khẩu hiệu thế này sẽ khiến cho bất cứ người đọc nào cũng nản: "Nhân dân khu phố 2 quyết tâm thực hiện tốt cuộc vận động "TDĐKXDĐSVHƠKDC". Có thể đoán cụm viết tắt là "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư".

Có một số sinh viên hay ăn cầy tơ ở một quán mà không tài nào đoán nổi dòng sau đây viết trên tường của quán: “Thịt chó 7 món NNCC". Sau nhiều tháng thì một sinh viên thẽ thọt hỏi bác chủ quán chữ NNCC là gì? Bác chủ quán ớ người ra hỏi: "Tôi tưởng các chú đầy mình chữ nghĩa thì hiểu nhiều biết rộng, chứ có 4 chữ cái mà cũng không luận được ra à. NNCC là NGÀY NÀO CŨNG CÓ".

Vấn đề của viết đầy đủ hay viết tắt chỉ để cho thông tin đi nhanh hay chậm. Thật tiếc là nhiều người chỉ ỉ ôi cái vỏ phát âm mà họ chẳng biết lấy gì làm chuẩn. Một Facebooker cho rằng "… chẳng biết có bao nhiêu người thường phát âm USD là "U ét đê" thay vì "Đô la Mỹ"? Trong khi đó, cùng một bản tin tài chính, câu trên là U ét đê, câu dưới là Đô la Hồng Công rồi đồng Bảng Anh, đồng Yên Nhật hoặc Nhân dân tệ..."

Chúng ta đang lẫn lộn giữa việc làm trong sáng tiếng Việt và nỗ lực tôn sùng loại ngoại ngữ mà niềm tin cho rằng nó vô địch. Khi không biết chuẩn là gì thì xin đừng chê bai những người đọc đúng tiếng Việt!

Còn bạn. Nên dùng chuẩn của ta hay đi sang hàng xóm mượn?

Lê Tâm
.
.
.