Muốn đúng hay muốn khéo?

Thứ Tư, 02/08/2017, 21:17
Quản lý thành phố đâu cần phải khéo? Pháp luật là ranh giới thấp nhất phải theo. Nếu cái gì cũng khéo thì đâu còn là thượng tôn pháp luật? Nếu muốn hành xử theo ý mình thì chỉ có cách tìm một hoang đảo như Robinson Crusoe. Trở lại chuyện cậu bé xứ ta. Chưa có giấy phép thì đơn giản là yêu cầu cấp. Vậy thôi. Không có gì mà ầm ĩ cả.


Trước khi có phố đi bộ thì các dự án như Luala Concert đã đưa dàn nhạc giao hưởng, các nghệ sĩ hàng đầu về thanh nhạc cổ điển xuống phố. Trăm hoa đua nở, ai muốn thể hiện mình cũng được ra biểu diễn. Vừa rồi, có cậu bé 15 tuổi kéo đàn trên phố đi bộ bỗng dưng làm huyên náo mạng xã hội. Chuyện rằng phụ huynh của cháu đã phản ứng gay gắt tổ công tác giữ trật tự đã không cho cháu bé biểu diễn vì lý do biểu diễn không có giấy phép.

Mà phàn nàn trên Facebook thì mới thật là bão cấp 12. Facebook có sức rung động đến nỗi kể cả cán bộ ngành văn hóa cũng cho rằng nên khuyến khích cháu nhỏ biểu diễn và tổ công tác  cần "nhẹ nhàng khéo léo". Phản ảnh của người chứng kiến thì tổ công tác không làm gì quá, trong khi hai bố con cháu bé nghệ sĩ đã xúc phạm tổ công tác nặng nề.

Ô hay! Nghệ sĩ đường phố cũng như những công dân khác, muốn làm gì cũng cần được sự cho phép của cơ quan chức năng. Nếu không có "bộ lọc" thì "cám" sẽ đè hết "vàng". Rừng nghệ sĩ kém cỏi cùng nhạc "rác" có thể tràn về với những cái loa đẩy công suất thủng màng nhĩ.

Minh họa của Tả Từ.

Các nghệ sĩ đường phố : London, Paris, Brussels ... và nhiều thành phố khác đều phải được cấp phép của thành phố mới được biểu diễn. Họ đương nhiên phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.

Quản lý thành phố đâu cần phải khéo? Pháp luật là ranh giới thấp nhất phải theo. Nếu cái gì cũng khéo thì đâu còn là thượng tôn pháp luật? Nếu muốn hành xử theo ý mình thì chỉ có cách tìm một hoang đảo như Robinson Crusoe. Trở lại chuyện cậu bé xứ ta. Chưa có giấy phép thì đơn giản là yêu cầu cấp. Vậy thôi. Không có gì mà ầm ĩ cả.

Một nghệ sĩ nổi tiếng lên Facebook than thở lã chã vì chuyện bị cắt điện, nước. Hàng xóm nói rằng nguyên nhân bị cắt điện, nước là vì nghệ sĩ cơi nới trái phép. Facebook nổi bão. Ngay lập tức nghệ sĩ được cấp lại điện, nước. 

Ở mặt tích cực, Facebook đã trở thành một công cụ giám sát khá hiệu quả. Nhưng khi lạm dụng, những Facebooker đã thách thức những giá trị ổn định nền tảng xã hội. Lãnh đạo không nên e ngại Facebook. Nếu còn sợ hãi thì Facebook sẽ trở thành công cụ trói tay chân cán bộ nay mai.

Việc khác. Hỏa hoạn tại xưởng bánh kẹo Hoài Đức ngày 29-7-2017 đã cướp đi 8 mạng sống và làm bị thương 2 người. Nguyên nhân được cho là thợ hàn đã làm bắn tia lửa vào trần làm bằng các vật liệu dễ cháy.

Điểm lại hàng loạt các vụ hỏa hoạn chết nhiều người nhiều năm nay thì nguyên nhân hàn xì nổi bật nhất. Việc xử lý trách nhiệm của công đoạn hàn này như nước đổ đầu vịt. Có thể tóm lại với câu: "Lần này em chừa, lần sau em vẫn thế".

Công tác chữa cháy luôn gặp trở ngại và hầu như chỉ khống chế chống cháy lan chứ địa điểm chính thì hầu như cháy rụi thành than. Chúng ta khó trách được lực lượng PCCC khi các lối đi tiếp cận lửa đều quá nhiều vật cản do cơi nới trái phép.

Đặc biệt, các vụ cháy chết nhiều người đều có chung đặc điểm là công trình không hề có lối thoát hiểm. Phải chỉ rõ nguyên nhân do ai? Đừng kết luận ngây ngô người chết cháy là do lửa.

Hãy xem ý thức phòng cháy. Thói quen chung là tận dụng toàn bộ diện tích sử dụng mà không để ra khoảng trống nào cho thoát hiểm. Ngay cả chung cư mới cũng rất ẩu khâu PCCC. Hối thì đã muộn, đúng là "Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ".

Việc phòng cháy cũng gặp rất nhiều khó khăn chồng chéo do "lịch sử để lại". Thói quen quần cư cơi nới bất chấp các nguy cơ cháy nổ không được kiên quyết xóa bỏ. Phòng cháy là cái xa, trong khi cái gần là miếng cơm manh áo. Tâm lý nể nang tặc lưỡi nảy sinh.

Tặc lưỡi cái gì thì được, riêng những việc liền kề sinh mạng là việc không thể nhân nhượng, khéo mãi được. Nói triển khai quyết liệt là phải có bàn tay thép. Hãy ủng hộ điều đúng thì không cần phải khéo.

Còn bạn. Bạn muốn đúng hay muốn đẹp lòng?

Lê Tâm
.
.
.