Muôn nẻo shipper

Thứ Hai, 06/11/2017, 14:34
Thời buổi công nghệ số, bán hàng online đã trở nên phổ biến tại các thành phố lớn, kéo theo đó là nhu cầu người giao hàng (shipper) cũng nở rộ. Vài năm trở lại đây, shipper đã trở thành nghề chính mang lại thu nhập tương đối cho một bộ phận người lao động. Tuy nhiên, trên những nẻo đường shipper không chỉ thấm mồ hôi mà còn có cả máu...

Hải Anh (30 tuổi, ngụ Đồng Nai) vào nghề shipper từ hai năm trước. Với vốn kinh nghiệm ấy, Hải Anh bây giờ đã là người vận chuyển chuyên nghiệp. Vì thông thuộc địa bàn Bình Dương, Đồng Nai nên Hải Anh nhận vận chuyển các đơn hàng ngoại tỉnh. Bạn bè trong giới gọi là "cú đêm", vì anh thường đi giao hàng vào ban đêm, trên những cung đường vắng ngoài thành phố.

Đời shipper của Hải Anh tuy chưa dài, nhưng cũng ghi dấu nhiều kỷ niệm. Đáng nhớ nhất là một lần đánh nhau với hai tên cướp và một lần bị tai nạn "thừa chết thiếu sống". Vào đêm đầu tháng 7-2017, Hải Anh nhận đơn hàng 10kg quần áo trẻ em từ quận Tân Bình giao xuống Tân Uyên (Bình Dương), giá ship là 300 ngàn đồng.

Hải Anh chuẩn bị cho một chuyến ship ngoại tỉnh.

Vẫn công việc quen thuộc hằng ngày, cung quốc lộ 1K về đêm vắng xe máy nhưng nhiều xe container và xe tải. Tiếng gầm gào của động cơ xe, tiếng còi inh ỏi, tiếng phanh ken két không làm chàng shipper nao núng. Xe đang chạy vun vút gần đến cầu Biên Hòa để rẽ sang Tân Uyên thì từ ngã ba,  một chiếc Exciter phân khối lớn rú ga, nẹt bô lao theo ép sát xe Hải Anh.

Trong tích tắc, tên ngồi sau chồm lên yên lấy đà tung cú đạp hết sức khiến chiếc Air Blade ngã sóng soài. Hải Anh bị hất văng ra đường. Trong khoảnh khắc sinh tử, Hải Anh choàng dậy, lao vào giữ chiếc xe đang bị tên cướp chiếm giữ chuẩn bị tẩu thoát. Trong đêm đen tĩnh mịch, tiếng tri hô của anh bị tiếng động cơ xe tải lấn át, chẳng ai nghe thấu.

Còn chút sức lực cuối cùng, Hải Anh rút thắt lưng ra quật tới tấp vào người tên cướp. Tên còn lại thấy vậy nhào tới tiếp ứng đồng bọn. Trong cảnh hỗn loạn giằng co, cùng tiếng kêu cứu vang trời của người bị nạn, một chiếc xe container khựng lại, nhấn một hồi còi thét tai khiến hai tên cướp giật bắn mình, bỏ chạy.

Lúc này, toàn thân Hải Anh mềm nhũn vì đau đớn và kiệt sức. Nhìn quanh thấy chiếc mũ bảo hiểm bị vỡ toác, dây thắt lưng cũng nát bét, đôi dép đứt quai, đồng hồ vỡ mặt kính nhưng tài sản lớn nhất là chiếc xe vẫn còn, bịch hàng vẫn còn. Đôi chân đang chảy máu, hai bàn tay bầm tím, nhưng Hải Anh cảm giác trong người thật nhẹ nhõm. Đêm ấy, Hải Anh vẫn hoàn thành nhiệm vụ và trở về nhà khi trời vừa kịp sáng.

Hải Anh cho biết, đây là tai nạn nhớ đời nhất trong nghề shipper của mình. Bạn bè nghe kể lại ai cũng phát khiếp, riêng Hải Anh lại có suy nghĩ nếu sợ hãi thì mãi mãi không trưởng thành được. Anh cảm giác bản thân đã mạnh mẽ hơn, dũng cảm hơn sau lần tai nạn đó.

Hải Anh vốn là một phượt thủ có tiếng từ ngày còn sinh viên. Hầu như cung đường nào anh cũng từng phượt qua. Ra trường, cũng từng gõ cửa vài công ty, nhưng không nơi nào phù hợp với ngành thiết kế nên Hải Anh bỏ ngang. Vất vưởng mãi, Hải Anh quyết định đi làm shipper để có tiền trang trải cuộc sống và hơn thế nữa là được tự do với vòng xe tốc độ.

Ngày đầu bước chân vào nghề, Hải Anh tự ti, mặc cảm với bạn bè nhiều lắm. Sau này quen rồi mới đỡ. Bố mẹ thì ủng hộ hết mình con trai, mẹ Hải Anh thường nói: "Công việc gì cũng được, mục đích chính là kiếm tiền. Không có tiền mới nhục". Mỗi tháng, trừ đi các khoản điện thoại, xăng xe, Hải Anh thu nhập khoảng 10 triệu, số tiền đủ để anh trang trải cuộc sống nơi thị thành đắt đỏ.

Nhi đứng ngoài cửa chờ khách ra nhận hàng.

Người vận chuyển trong đêm như Hải Anh, ngoài gặp cướp thì tai nạn cũng là mối rủi ro đáng ngại nhất. 6 tháng trước, Hải Anh bị gãy chân, nát xe do tránh con chó chạy trong đêm. Phải nghỉ hết 3 tháng dưỡng thương Hải Anh mới quay trở lại nghề.

Vì là shipper có "sao" nên nhiều khách vẫn giữ mối cho Hải Anh. "Quan trọng mình là người tử tế, chân thật, không gian dối nên khách hàng tin tưởng. Chỉ sợ không có sức làm thôi chứ công việc thì không bao giờ hết", Hải Anh tự hào khoe.

Trong giới shipper còn có cả những "bóng hồng" không quản nắng mưa, không ngại cháy tóc đen da lăn xả vào nghề. Chúng tôi gặp Nhi trong một lần giao hàng mĩ phẩm. Ấn tượng đầu tiên là cô gái đầy cá tính.

Nhi vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kinh tế, chưa xin được việc nên đi làm người vận chuyển. Nhi vào nghề với ý thức tạm bợ, lấy ngắn nuôi ước mơ dài. Nhi nhận giao hàng từ 6 giờ sáng tới 9 giờ đêm. Nói chung ai cần gì thì cô giao đó, thường là hàng mỹ phẩm, đồ ăn nhanh.

Nhi ngậm ngùi: "Làm nghề này phải chịu được sỉ vả chị ạ. Nhiều khách khó tính lắm. Giao đồ ăn mà để nguội là người ta chửi như tát nước vào mặt. Người ta cứ nghĩ tụi em là nhân viên cửa hàng, là phải chiều khách như thượng đế. Chưa kể trong quá trình di chuyển do va chạm hoặc cấn ổ gà hàng bị bể nát thì chúng em ăn cho hết. Gặp chủ cửa hàng tốt bụng thì thông cảm cho, còn không thì bắt đền".

Có hàng trăm khách hàng khác nhau, mỗi cuốc giao hàng là một lần "chòng chành" với đồng tiền. Nhi cho biết, có nhiều vị khách coi thường shipper ra mặt. Rõ ràng gọi điện hẹn giờ đó sẽ tới khách nhớ ở nhà nhận hàng nhưng khi tới nhà thì họ lại đóng cửa ra ngoài.

Gọi điện cháy cả máy vẫn không có ai bắt. Shipper đứng ngoài chờ dài cổ cả tiếng thì họ mới về, nói tỉnh bơ: "Ơ quên mất, điện thoại để trong nhà". Những sự cố như vậy là bình thường và quá nhỏ bé với dân shipper. Nhi còn gặp phải trường hợp mếu máo khi đụng ông khách dâm đãng.

Hôm ấy Nhi nhận giao thịt gà quay cho vị khách ở Tân Bình. Nhi tìm đúng địa chỉ, gọi điện cho khách ra nhận hàng thì ông ta nói đang có việc bận nhờ ship mang vào nhà. Nhi vào nhà ngồi chờ 15 phút vẫn chưa thấy chủ xuống ký nhận và trả tiền. Cô bấm máy gọi không được, một lúc sau khách bước xuống cầu thang trong bộ dạng khỏa thân như con ngỗng.

Nhi tá hỏa, mặt đỏ tía tai. Lão ta lao theo định vồ thì Nhi hét toáng lên, mở được cánh cửa phi thật nhanh ra ngoài, bỏ luôn xe máy. Phải mất cả tiếng Nhi mới hoàn hồn, ra Tổ dân phố nhờ bác bảo vệ dẫn vào lấy xe. Lần này thì gã kia ăn mặc đàng hoàng, nhe răng cười hềnh hệch. Nghe bác bảo vệ nói, lão này bị bệnh tưng tửng, thỉnh thoảng lại cởi truồng chạy ra đường, Nhi cảm giác như mình vừa trải qua cơn ác mộng thật khủng khiếp.

Rút kinh nghiệm những lần sau, Nhi không bao giờ bước vào nhà mà chỉ đứng ngoài cửa giao hàng. Nếu khách không ra nhận thì sẽ mang trả cửa hàng.

Nhóm shipper girl (giao hàng nữ) của Nhi gồm có 7 người, đều là bạn bè thân thiết từ thời sinh viên. Ngày đầu chưa có khách, nhóm vào trang thông tin rao vặt trên mạng xã hội tìm kiếm. Công việc trên này thì nhiều, nhưng thật giả lẫn lộn nên tỷ lệ rủi ro khá cao.

Tình trạng lừa đảo để lấy tiền ứng trước của shipper diễn ra rất tinh vi, khó phân biệt. Theo quy định, shipper phải ứng trước cho chủ số tiền tương ứng món hàng để làm của tin, sau khi giao hàng thành công thì được nhận lại tiền ứng và tiền ship.

Các đối tượng lừa đảo thường gom hàng giả, hàng kém chất lượng, hoặc hàng cũ đưa cho shipper đi giao. Sau khi lấy được tiền ứng thì chơi bài chuồn, khóa máy, chặn số. Shipper gọi điện cho khách thì nhầm máy hoặc là số ma, không liên lạc được. Thế là shipper chỉ còn biết kêu trời.

Để phòng ngừa bị lừa đảo, cơ quan Công an khuyến cáo những người hành nghề shipper cần chú ý cảnh giác khi nhận được đơn hàng từ người lạ. Nếu đơn hàng có giá trị lớn, thay vì đặt cọc toàn bộ giá trị hàng thì chỉ nên đặt cọc một phần tiền kèm CMND, khi nào giao hàng xong quay lại lấy giấy tờ và trả tiền còn thiếu.

Kiểm tra cẩn thận hàng hóa trước khi giao. Không nên nhận hàng ở địa điểm công cộng mà cần đến tận nhà, tận cửa hàng của người thuê ship. Phải gọi điện thoại cho người nhận hàng trước khi đi giao để xác nhận thông tin.

Ngoài nỗi lo lừa đảo, shipper còn phải đối mặt với các tai nạn trên đường đi ship. Hạnh, một thành viên trong nhóm shipper đã phải giã từ nghề ngay buổi đầu tiên. Hôm ấy trời mưa, Hạnh đi giao bánh piZa ở quận Bình Thạnh, khi qua cầu Thị Nghè bị té.

Shipper nữ theo nghề này phải chịu nắng mưa, bụi bặm ngoài đường.  

Chiếc xe phía sau không thắng kịp đã lao qua người cô gái. Hạnh bị gãy một xương sườn, phải nằm viện điều trị nhiều tháng. Trường hợp của Thủy Tiên cũng cay đắng không kém. Tiên mới vào nghề được hơn một tháng thì bị mất xe máy. Không còn phương tiện hành nghề, Tiên gạt nước mắt từ giã.

Qua thử thách nghiệt ngã của nghề, nhóm của Nhi giờ trưởng thành hơn, tỉnh táo hơn. Một số bạn tồn tại được với nghề phải "nhanh vuốt" ra mới không bị bắt nạt và phải tinh quái để đối phó với muôn vàn tình huống giở khóc giở cười trong nghề ship. Nhi giờ đã có được vài mối ruột, ship ổn định mỗi ngày mà không sợ bị quỵt tiền.

Từ giờ đến cuối năm là thời điểm shipper nhộn nhịp nhất. Đơn hàng nhiều và tiền thù lao cũng cao. Nhi dự định sẽ "cày" thật chăm chỉ kiếm khoản tiền về quê ăn tết. 

Ngọc Thiện
.
.
.