Không có gì mà ầm ĩ cả:

Muốn sáng tạo, phải khiếm thính

Thứ Hai, 08/06/2015, 08:00
Chuẩn bị có sự kiện ra mắt một cái điện thoại thì người ta gán nó một cái tên là bom phone. Khi sự kiện xảy ra thì người ta tiếp tục gọi nó là bướm phone và với chữ B thì người ta có thể gán cho nó những từ không được nhã cho lắm. Còn người đứng đầu dự án sản xuất điện thoại được gọi là anh Quảng Nổ.
Trong đám đông dự sự kiện ra mắt điện thoại, có một quái nhân đội mũ bảo hiểm trong nhà. Hình ảnh này mang nhiều thông điệp.

Có thể anh chàng đội mũ bảo hiểm này muốn thể hiện ta đang đề phòng vụ "nổ". Cách này mang tính "dìm hàng". Với cách nhìn khác, có thể cái mũ bảo hiểm đó do chính nhóm Bphone cố tình tạo thông điệp: “Các vị sẵn sàng gạch đá chưa? Tôi đã sẵn sàng nhận đây.

Người đứng đầu sản xuất điện thoại tin rằng anh ấy đã làm được ước mơ đầu tiên là Việt Nam có thể sánh vai với cường quốc năm châu. Thật không thể tin được. Tại sao cuộc đời quá nhiều thứ ngon mà đâm đầu vào điện thoại làm gì. Có người bảo: Ôi dào. Cái giường cho trẻ con, khung thép hỗ trợ thuỷ lực.

Công nghệ cơ khí thế kỷ 19 mà giá là 70 triệu đồng. Tự hỏi chúng ta cứ cố làm ôtô với điện thoại làm gì trong khi những thứ cơ khí như vậy họ vẫn bán gấp 7 lần cái điện thoại gây tranh cãi! Thời buổi ăn hai bát phở bằng tiền mua 1 cái ổ USB 8GB. Nếu ăn phở bò Kobe thì cũng chỉ cần khoảng 12 bát là bằng cái điện thoại 10 triệu bạc.

Một cư dân mạng than thở: "Khi Nguyễn Hà Đông thiết kế được trò chơi Flappy bird trên điện thoại di động được tải 2,3 triệu lượt mỗi ngày, dân mình sôi lên tự hào với trí tuệ Việt Nam. Nhưng đến khi báo chí công bố số liệu tài khoản của bạn í tăng lên đến 50 nghìn USD mỗi ngày thì có một bộ phận không hề nhỏ quay ra xỉ vả bạn í nào là vi phạm bản quyền, nào là trò chơi ấy gây nghiện, bla, bla...

Minh họa Tả Từ.

Khi chị lượm ve chai Huỳnh Thị Ánh Hồng nhặt được 5 triệu Yên, cư dân mạng lại sôi lên ca ngợi tấm gương "đói cho sạch, rách cho thơm", đấu tranh không nhượng bộ để số tiền đó không rơi vào tay mấy kẻ bất lương muốn tranh phần. Nhưng đến khi "nguy cơ" số tiền tương đương 1 tỷ Việt Nam đồng đó sắp được trả lại cho khổ chủ nhặt đượ, thế là lại xuất hiện một bộ phận không nhỏ lên tiếng khuyên chị ấy nên trả lại cho chủ nhân vô hình nào đó, thí dụ... chính phủ Nhật Bản.

Mình đồ rằng sắp tới báo chí mà công bố số liệu Quảng Nổ bán được hàng vạn Bphone mỗi ngày, đảm bảo sẽ có ngay một bộ phận không hề nhỏ các "thánh đạo đức" sẽ rên lên: Cơ quan thuế vụ trốn đâu cả rồi?!".

Thực ra, rất ít người chống Bphone mà đa phần họ chỉ không tin điều anh Quảng nói. Và hai chuyện đó khác nhau! Dù sao thì khi chưa trải nghiệm, có cần phải ném đá nhanh và đồng loạt thế không?

Câu chuyện không phải là có năng lực hay không mà là không thể và có thể. Chuyện rằng có hai con ếch bị rơi xuống một cái hố sâu tới mức chúng không thể nhảy lên được. Trong khi 2 con ếch thi nhau nhảy lên thì đàn ếch nhao nhao bảo chúng đừng nhảy nữa vô ích, hãy chấp nhận số phận.

Một con ếch nghe bình luận đã gục xuống chết vì tuyệt vọng. Con ếch còn lại thì lạ lắm. Đàn ếch càng la hét bàn lùi, nó lại càng nhảy mạnh hơn nữa. Và thật kỳ diệu, cuối cùng nó cũng thoát ra khỏi cái hố sâu ấy.

Đàn ếch xúm lại: "Không nghe chúng tôi nói gì à?". Con ếch chỉ lặp lại mỗi một câu "Cái gì cơ, cái gì cơ?". Té ra con ếch vừa thoát chết kia bị điếc và nó cứ tưởng là những con ếch khác hò reo  cổ vũ cho nó. Có lẽ điều kiện sáng tạo đầu tiên là hãy bị khiếm thính. Thật không thể tin nổi.

Còn bạn. Bạn có nghe thấy tôi nói gì không?

Lê Tâm
.
.
.