Mứt khoai

Thứ Bảy, 21/02/2015, 11:00
Sau ngày miền Nam giải phóng, để đảm bảo cấp phát đồng đều cho các nhu cầu căn cơ và tối thiểu nhất của cuộc sống thường nhật, từng gia đình trong nội đô đều được chính quyền cấp phát vài cuốn sổ, cuốn nào cũng bìa xanh cỏ úa, ruột giấy vàng khè. Cuốn bên ngoài in dòng chữ "Sổ mua lương thực" là dùng để mua gạo, cuốn "Sổ hợp tác xã" là dùng để mua các thứ nhu yếu phẩm; từ tấm khăn mặt, tuýp kem đánh răng, từ miếng thịt, con cá, miếng đậu hũ… đến chai nước mắm.
Còn có cả cuốn "Sổ mua chất đốt" dùng để mua dầu hôi đun bếp hoặc buổi tối ngày cúp điện thì thắp đèn dầu hôi. Những cuốn sổ ấy- bên trong ghi rõ tên chủ hộ cùng các thành viên còn lại trong gia đình được xếp vào diện "ăn theo" cùng các cột đánh dấu rõ ngày, tháng nào mua cái gì, mua bao nhiêu… Các bà nội trợ như mẹ tôi được gắn cho vai trò "xã viên hợp tác xã", không tiếp tay cho giới tiểu thương có cơ hội "buôn gian bán đắt" nên thay vì xách giỏ ra chợ thì phải ra cửa hàng của hợp tác xã, chịu khó sắp hàng để mua thức ăn, vật phẩm cho gia đình giá rẻ hơn ngoài chợ nhưng chất lượng thì không nên ta thán.

Như mọi gia đình lao động toàn tòng, nhu yếu phẩm được mua ngày Tết của nhà tôi có một hộp mứt của Xí nghiệp bánh kẹoVinabico. Trong hộp mứt cân đồng chia đủ là mấy thứ mứt bí đao, mứt dừa, mứt gừng, mứt cà rốt lẫn vài lát mứt khoai và một nắm "trứng chim"- loại kẹo có nhân là hột đậu phộng rang được lớp vỏ đường trắng bao cứng bên ngoài.

Người lớn thường tặc lưỡi "ăn mứt quốc doanh được cái bảo đảm sạch sẽ vệ sinh" để khỏa lấp dư vị ngọt lừ của từng miếng mứt thô dày, khi trút ra đĩa toàn nghe tiếng lốc cốc. Đối với gia đình tôi, so với hàng bao nhiêu nhà phải chạy ăn từng bữa hoặc không đủ "tiêu chuẩn", thì có được hộp mứt công nghiệp như vầy cũng đã là xa xỉ lắm rồi. Cũng bởi cho đây là thứ vật phẩm xa xỉ mà gia đình tôi có năm phải nhịn miệng, để dành hộp mứt cho ba tôi  đem biếu ông bác.

Chúng tôi phải gọi bằng "ông" vì tính theo vai vế, ông là anh em họ của bà ngoại tôi, bà tôi mất khi tôi chưa 1 tuổi, ông vào hàng trưởng thượng. Đã vậy, ông lại là luật sư của chế độ cũ, tiếng Anh tiếng Pháp nói như gió, ba tôi chỉ là thợ mộc nên luôn dành cho ông một lòng kính ngưỡng. Sau ngày giải phóng, không được hành nghề luật sư, ông đành tạm kiếm sống bằng việc dạy ngoại ngữ hay sao đó.

Người dân miền Nam vui xuân đón Tết.

Trong khi ba mẹ tôi phải tằn tiện lo cho chín miệng ăn tết nên trước khi quyết định đem hộp mứt tiêu chuẩn của cả nhà đi tết ông, đã nhón lấy một ít kẹo trứng chim để dành cúng đưa ông Táo, tay xới xới cho những sợi mứt dừa xổm phồng lên, thoạt nhìn đầy đặn như cũ, rồi mới quày quả gói kín cái hộp mứt vẽ bên ngoài thằng bé đội đầu lân ngả nghiêng cười bên phong pháo đỏ. Thôi thì cũng gọi là chút phần hiếu lễ từ con cháu!

Mẹ tôi dõi theo ba tôi, biểu lộ đồng tình trong im lặng. Ngày hôm sau mẹ dắt tôi theo ra chợ. Lúc đầu tôi hứng thú lắm, cứ lon ton chạy trước. Chợ Đakao gần nhà nằm vắt trên con đường Trương Hán Siêu ngắn ngủn và nhỏ xíu xiu vậy mà tôi quay ngang quay dọc chỉ toàn thấy thúng, sọt, cần xé và chân người. Ghé qua 5, 7 sạp hàng là tôi bắt đầu chán, chỉ mong mẹ mua nhanh nhanh mà về thôi. Giỏ rau tôi xách phụ mẹ mỗi lúc càng thêm nặng nhưng tôi cứ phải nhăn mặt gồng tay lên vì lỡ thõng tay xuống một chút là đáy giỏ quét lên mặt đường nhoe nhoét sình từ nước rửa rau, nước thịt cá…khiến mẹ tôi vừa luôn miệng trả giá với mấy bà bán hàng, vừa nhìn xuống tôi, gắt tôi um lên "nhấc cao giỏ lên cho mẹ coi! Đừng để giỏ dính sình, dơ lắm…Con trai gì yếu xìu à!..".

Đến gần cuối chợ, thấy mẹ tần ngần đứng bên bậc thềm của một nhà người Tàu bán chạp phô, tôi cứ tưởng mẹ sẽ mua gói bún tàu hay xâu lạp xưởng, nhưng không phải, mẹ kéo tôi ngồi chồm hổm bên đống khoai lang người ta đổ lên tấm nylon trải ngay trên mặt đường. Hình như chỉ lấy có vài ký thôi mà tôi thấy mẹ lựa chọn lâu ơi là lâu, hết mân mê củ này đến bấm vỏ, cấu đầu củ kia một tí. Cái hàng chạp phô đến cuối buổi chợ sáng mới bán được cho mẹ tôi gói vôi trăng trắng. Đường về nhà hôm đó sao mà xa quá! Một tay mẹ xách giỏ khoai cổ tay nổi vằn gân xanh, tay kia chia cùng thằng con giỏ rau. Tôi nhăn nhó ngước hỏi mẹ "Gần tết mẹ mua khoai lang làm gì hả mẹ?". Mẹ tôi đáp gọn lỏn trong hơi thở dồn "Mẹ làm mứt".

 Chiều hôm, mẹ cắt những củ khoai tròn ú thành nhiều miếng con cờ vuông vuông, trút vào cái thố sành mà ba tôi ngày thường hay dùng để muối dưa cải, ngâm khoai qua đêm với nước hòa với vôi và lắng cho trong. Sáng tinh mơ, mẹ tôi lọ mọ cho khoai ra rổ, xóc, xả vài lượt nước lạnh, chờ ráo nước rồi lại trút khoai vào cái chảo gang to ướp cùng những bánh đường thẻ màu vàng nâu. Chờ ba dắt xe đi làm, mẹ tôi bắc bếp lò bên gốc cây mận, gom nhánh, lá mận khô rụng trong sân nhóm lửa. Lửa than phải canh chừng cho không cháy phừng phừng, chờ lúc nước mật đường ướp khoai sôi liu riu là gắp bớt than ra khỏi lò, lửa trên những khúc than còn lại không được lên ngọn mà chỉ cần hồng đỏ liu hiu. Mẹ nhẹ nhàng đảo trở từng miếng khoai cho đường ngấm đều và không bị nát rồi xoay qua lau lau chùi chùi bếp núc. Lại đảo trở vài lượt nữa trước khi lụi hụi lặt rau, nấu cơm.

Bóng nắng trưa liên xiên vàng hanh xuyên qua vòm lá như rải thêm chút mật trời lên lòng chảo đang chuyển dần thành màu hổ phách nhắc mẹ tôi gắp một miếng khoai lên, đến khi thấy sợi đường ónh ánh kéo theo mỏng mảnh và lóng lánh như sợi tơ, chừng đó mẹ mới nhấc chảo mứt xuống. Vừa buông đũa bữa trưa, mẹ tôi cứ cắm cúi nhón từng miếng mứt xếp lên cái mâm nhôm cùng cái nong sàng gạo.

Đón Tết bằng mứt khoai lang dẻo bùi.

Phủ lên tấm vải mùng trắng ngăn bụi bặm và lũ ruồi hám hơi mật ngọt, mẹ hối anh ba đem nong mứt phơi trên mái nhà lợp tôn chang chang nắng lóa. Mấy ngày tiếp sau, đến lượt mấy chị tôi được giao phần phơi mứt. Mấy chị thì vóc người thấp và không đu giỏi như anh ba nên phải bắc cái ghế đẩu, từ đấy bám tay vào cành mận mới đứng lên được tấm ô-văng rồi kiễng chân xếp lên mái tôn nong mứt.

Nhọc công là vậy nên xế chiều nắng tắt, lúc chuyền nong mứt xuống, mấy chị em lại khẩy miếng nào nhỏ và nhìn queo quắt cho vào miệng nhai tóp tép. Tầm mặt trời xế bóng, lén lút dằn miếng mứt nhỏ xíu bằng ngón tay vào cái bụng vừa sôi lên, tuổi thơ trong ngần thêm thấm đượm mùi nắng và gió mùa năm cũ sắp qua đọng trong cơm khoai, thứ sản vật được dưỡng nuôi từ lòng- đất- mẹ vị ngọt lành hồn hậu.

Cỗ bàn đón gia tiên của gia đình tôi Tết năm ấy bên tấm bánh chưng vuông vắn mướt xanh, dây lạt trắng mềm buộc ngắn ngay thành kính; bên đĩa trái cây đỏ ối chùm mận thảo thơm khoe vật phẩm cây nhà, là đĩa mứt khoai với từng miếng được hong mình qua vài cơn nắng săn ngót lại bằng đầu ngón tay, ánh lên sắc vàng nâu mộc mạc. Con nít như tôi khi đó chưa biết uống trà, nhưng khi thấy ba nhón một miếng cho vào miệng, vừa chậm rãi nhai vừa chiêu một ngụm trà nóng, ánh mắt ấm như nắng mai gật đầu nhìn mẹ, tôi liền làm theo…

Đó là món mứt ngon nhất trong đời tôi vì trong vị đằm dịu của mật khoai lẫn với mật đường tươm ra từ miếng mứt dẻo quánh cứ bám quyện lấy chân răng đầu lưỡi, là hình bóng mẹ tôi tóc mai thấm bết mồ hôi ngổi xổm bên đống khoai lăn lóc bụi sình, là bàn tay mẹ, ngón bị nhựa khoai bám đen thâm, ngón xù xì trắng mốc bã vôi, tẩn mẩn biến thứ củ cù mì cục mịch từ ngày xuân xa thẳm năm nào thành món mứt đẫm ngọt mãi trong từng nẻo sâu ký ức.

Sỹ Tuấn
.
.
.