Mưu sinh mùa nước nổi

Thứ Hai, 14/08/2017, 15:47
Lũ đã tràn về miệt Cửu Long, cánh vạn chài làm nghề "Bà Cậu" lại hối hả chuẩn bị lưới đơm, rong xuồng thâu đêm "xé" nước săn đặc sản mùa nước nổi...


1."Mùa nước nổi năm nay về lẹ quá, không ai kịp trở tay, mất đứt mẻ dớn đón cá đầu nguồn. Mất tong chục triệu bạc chứ chẳng chơi" - lão chài Lê Văn Cón (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) nói trong tiếc nuối. Những ngày này, khắp các cánh đồng của miệt Cửu Long nước bủa vây trắng trời, cá tôm tanh tách búng mình giữa ánh bình minh sóng nước, tạo nên vẻ đẹp đặc trưng mùa nước nổi miền Tây.

Cư dân sống dọc biên giới làm nghề mò cua bắt cá lại tất bật chuẩn bị đồ nghề: lọp, dớn, cần câu, ghe xuồng bắt đầu sải mình trên sóng nước mưu sinh. Những đặc sản mùa nước nổi luôn được thị trường ưa chuộng, được thu mua triệt để, với giá cao nên càng kích thích cuộc "săn lùng" của dân chài. 

Dưới chân cầu Tha La (thuộc xã Vĩnh Tế, huyện Tịnh Biên) có một khu chợ đêm đặc biệt. Sau một đêm quăng mình tìm đặc sản, những chiếc ghe xuồng tụ về bán "chiến lợi phẩm".

Chiếc ghe nhỏ giữa mênh mông sóng nước của người dân vạn chài.

Dân chài đặc biệt danh là chợ "âm phủ", bởi nơi đây chỉ giao dịch, trao đổi trong màn đêm đen nhánh, tiếng người và ếch nhái, côn trùng hòa với nhau tạo ra một thứ âm thanh đặc trưng mà không nơi nào có được.

Ông Hai Cón bật mí: "Chỉ có dân ăn sành sỏi mới biết đường tìm đến khu chợ này. Bởi tất cả các ghe xuồng cập bờ đều mang theo những loại đặc sản tươi. Các loại cá tôm, ếch nhái đều còn sống, kêu reng réc rất kích thích".

Lão chài Hai Cón 57 tuổi nhưng có đến 30 năm lênh đênh sông nước. Lão lấy vợ trên xuồng, sinh con trên đó. Mái nhà ở quê Hồng Ngự (Đồng Tháp) chỉ là nơi đất ở, họa hoằn lắm chủ nhân mới trở về quét màng nhện, thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên.

Hai người con của lão lớn lên trong những mùa nước nổi, đôi chân phôm phốp trắng bệch, rất ít lần được rảo bước trên núm đất quê hương. Trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng đều chọn theo nghề của cha mẹ băng xuồng chạy miết theo con nước. Thế hệ thứ ba chào đời trên lọng ghe, mở mắt ra thấy trời và nước.

Thằng Cua, cháu nội ông Cón 12 tuổi vẫn chưa một ngày đến trường. Con Hến 8 tuổi đã biết chèo xuồng điêu luyện, đi bán cá sành sỏi chẳng khác nào bà buôn lâu năm. Nói về cháu, ông Cón tự hào lắm, vì chúng tinh ranh và chăm chỉ hơn ông bà, cha mẹ. Sau này thả chúng ra đời, chẳng sợ phường nào ăn hiếp.

Yêu sóng nước đồng quê, thân thuộc con cua, con cá mà ông Cón đặt luôn tên các cháu mình là tên sản vật. Ông cười, nửa đùa nửa thật cho biết, sau này có thêm đứa nào nữa sẽ đặt là tôm, ghẹ, lươn... cho đúng với cái chất dân "Bà Cậu". 

Thấy chúng tôi mơ màng về từ "Bà Cậu", ông Cón giải thích: "Về hình tượng "Bà Cậu" có nhiều giả thuyết, nhưng cánh ghe xuồng chúng tôi truyền tụng nhau, bà chính là người mẹ già còn cậu là hai con trai.

Họ được xem như biểu tượng trên sông nước, luôn ra tay cứu người gặp nạn. Có những điềm báo chẳng biết dựa vào tâm linh nào đó, mà dân vạn đò thường cảnh báo nhau phải làm ăn chân chính, lương thiện. Nếu không sẽ bị "Bà Cậu" trừng phạt thật nghiêm khắc". Vì thế, không biết từ bao giờ, khi nhắc đến "Bà Cậu" là người ta nghĩ ngay đến nghề đò ngang sông nước.

Là dân "Bà Cậu" lâu năm, ông Cón có bề dày kinh nghiệm điều khiển ghe xuồng chạy bằng máy nổ trong thời đại "khôn lường" của con nước. Bằng giác quan nhạy bén của mình, ông nhìn nhận, mùa nước nổi bây giờ con sóng không còn bình yên nữa.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước mặn xâm thực sâu vào đất liền, ngoạm dần cửa sông cửa biển, nên sóng ngầm luôn ở đáy. Ông đã chứng kiến nhiều vụ lật xuồng do vũng xoáy tạo ra. Ông không muốn đời cháu mình tiếp tục nghề, nhưng nói chúng chẳng chịu nghe, chúng đã lỡ yêu cái đời "hạ bạc" này rồi.

Miên man theo dòng ký ức, ông Cón kể, ngày xưa, mùa nước lên hiền hòa lắm, dân chài chỉ có chiếc ghe đóng bằng ván mỏng, chèo bằng tay nhưng vẫn chạy êm ru hết cánh đồng này đến cánh đồng khác. Cá tôm nhiều khỏi kể, lấy đơm xỉa cái nào là dính chắc.

Săn rắn về đêm.

Nhà nào sắm được tay lưới thì không có sức mà kéo cá. Đêm nằm ngủ còn bị cá nhảy đầy trên bụng, mùi tanh sộc vào mũi. Dân vạn chài sống khỏe re, không cần suy nghĩ đến ngày mai. Tiền bán cá, vợ chồng ông Cón mua được mấy công đất ở quê, dự định sẽ đưa hai đứa con lên bờ sống nhưng chúng không chịu, nên ông bà để dành cho cháu. Nhiều người làm nghề cùng thời với ông đã xây được nhà cao cửa rộng, giã từ đời vạn chài.

2.Dưới chân cầu Tha La, có hàng chục chiếc xuồng đang đậu nghỉ ngơi sau một đêm quần quật kiếm đặc sản. Bên cạnh xuồng nhà ông Cón là gia đình anh Đào Văn Hai (38 tuổi, quê An Giang). Vợ chồng anh Hai mới gia nhập nghề "Bà Cậu" được non mười năm nhưng đã tích lũy được chiếc xuồng tương đối khá chạy bằng máy nổ.

Anh Hai nở nụ cười đầy nắng: "Theo nghề "Bà Cậu", vợ chồng tui đã bán căn nhà cha mẹ cho để sắm chiếc xuồng này. Chạy qua gần chục mùa nước lớn, cuộc sống tạm ổn, có tiền cho con đi học nên cảm thấy quyết định của mình đúng đắn, chứ ở trên bờ đi làm thuê không sống nổi đâu".

Dưới gian bếp "di động" nằm trên mũi xuồng, chị Thúy, vợ anh Hai đang hì hục thổi nồi canh cá linh nấu với bông điên điển. Nụ cười rám nắng của người phụ nữ sóng nước khiến người ta quên hết mệt nhọc đường dài. Từ ngày theo chồng "xuống nước", quay cuồng với cá tôm, chị Thúy quên luôn "mùi" đất liền.

Khi nào nhớ con mới tranh thủ chạy về thăm, có khi chưa kịp ôm hôn một cái đã phải chạy về cho kịp giờ chạy xuồng. Ngày rộng tháng dài còn bận rộn vậy, chứ vào mùa nước nổi thì biệt tích mấy tháng luôn.

Đêm, hai vợ chồng chạy xuồng ra cánh đồng giáp biên giới Campuchia đặt dớn "dụ cá". Thời gian chờ thu dớn, anh Hai đánh xuồng về những khu ruộng ngập nước hái bông điên điển, loài hoa như là quà tặng của thiên nhiên ban tặng cho người miền Tây.

Khi nước tràn về mang theo phù sa màu mỡ bồi đắp cho những cánh đồng khô cằn, nhụy bông điên điển được ấp ủ trong bao ngày nắng gió trong lòng đất có cơ hội bung ra, chúng trồi lên vàng ươm khắp mặt nước.

Anh Hai cho biết, trong các đặc sản mùa nước nổi, không thể thiếu cá linh. Nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ rất cao ngoài thị trường, vợ chồng anh Hai tập trung hết công suất cho việc đánh bắt cá linh. Cách đây một tuần, nhìn những cánh chim bay về hướng thượng nguồn, bằng kinh nghiệm vạn chài của mình, Hai đoán vài hôm nữa lũ sẽ về nên đã sắm trước một bộ lưới kéo cá linh mới toanh.

Mẻ cá đầu tiên, vợ chồng anh đánh được hơn 3kg cá linh sữa. Đây là loại cá linh non chỉ có vào đầu mùa nước nổi, xương mềm, thịt béo ngậy. Vì là đặc sản tinh túy nên anh không bán mà chia cho anh em xóm dớn mỗi người một bát cùng nhau thưởng thức.

Anh Hai tâm sự: "Mang tiếng là dân chài, nhưng cả mùa lũ đánh bắt cật lực được những hải sản ngon nhất chúng tôi đều bán hết, chẳng để lại cho mình cái gì. Sau này suy nghĩ, tội gì phải thế. Mình xứng đáng được ăn con cá ngon nhất, vì nước nổi mỗi năm chỉ có một lần thôi, đặc sản cũng vậy". 

Trong xóm dớn, Thạch Điêu (30 tuổi) một thợ chuyên săn rắn mùa lũ khiến chúng tôi ấn tượng hơn cả. Thạch Điêu cho biết, làm nghề nguy hiểm quá nên không dám lấy vợ. Sợ một ngày nào đó vợ trở thành góa phụ thì khổ. Đêm xuống, Điêu như con cú, một mình phi lên chiếc ghe nhỏ xíu, chấp chới lao vào biển nước. Trên đầu anh gắn chiếc đèn pin như chấm sao trời, vừa đủ rọi vào mắt rắn. Anh luồn lách qua các rặng cây, chui vào bụi cỏ để "săn".

Nếu thấy rắn, phải hành động nhanh như tia chớp, giật đuôi lắc mạnh cho rắn chóng mặt rồi mới bóp cổ từ từ cho vào giỏ. Điêu kể: "Rắn nó nhanh, mình phải nhanh hơn rắn, vậy mới thắng. Nếu là rắn độc thì phải thêm phần khéo léo, kỹ thuật nữa, thì mới không bị nó cắn.

Một rủi ro nữa là ghe nhỏ nên chỉ cần đụng con sóng nào gợn chút thôi hoặc là một cơn mưa hơi to cũng làm nó lật úp. Tất nhiên là mình không chết đuối được nhưng mất tong mớ rắn".

Cá tôm về theo con nước rất nhiều.

Kể để thấy vất vả, hiểm nguy rình rập trên sông nước về đêm, còn với Thạch Điêu, thì tất cả đều là chuyện nhỏ, bởi anh thấm nhuần triết lý của dân làm nghề: sinh vật sông nước là đặc ân của mẹ thiên nhiên. Mẹ cho thì ta hưởng, mẹ phạt thì ta chịu. Điều quan trọng là đừng làm gì khiến mẹ nổi giận...

Mùa nước nổi mấy năm nay không còn nhiều sản vật quý như ngày trước nữa. Những người làm nghề như gia đình ông Cón, anh Hai, Thạch Điêu phải ngược lên thượng nguồn tìm kiếm.

Những chiếc xuồng miệt mài chạy theo con nước, lại hình thành nên những xóm dớn, xóm đơm, xóm câu mới, quần tụ dân chài từ khắp các vùng quê của miền Tây. Sau những đêm mệt nhoài với cá tôm, ếch nhái, họ chạy về xóm neo ghe lại. Cùng nhau chia sẻ những chén cơm, bát canh ngọt lịm sản vật mùa nước nổi. Cứ thế, họ gắn bó, yêu thương, đùm bọc nhau trong những lúc hoạn nạn của đời thương hồ.

Ngọc Thiện
.
.
.