Mưu sinh nhờ "thần dược" ở rừng

Thứ Hai, 10/08/2020, 08:55
Những ngày rừng khộp Tây Nguyên bắt đầu nhú trồi xanh, mẹ con bà HNha Niê (52 tuổi, xã Krông Na, Buôn Đôn) lại hối hả đi tìm nấm linh chi. Hành trang đi tìm “thần dược” của bà HNha chỉ có chiếc gùi và con dao rựa. Bà ra khỏi nhà khi mặt trời vừa ló rạng phía chân núi, khi sương đêm còn ủ mình trên thảm lá.


Kiếm cơm từ rừng

Nấm linh chi mọc trên thân, dưới gốc các cây cao hoặc thân gỗ mục trong các cánh rừng sâu thẳm. Phải qua vài con suối, trèo vài quả đồi bà HNha mới tới được nơi có “lộc rừng”. Bây giờ là mùa mưa, muỗi và vắt rừng là kẻ thù kinh khủng nhất sẵn sàng tấn công con người mọi lúc mọi nơi.

Trong chuyến đi rừng một tuần trước, cô con gái HNhiêu NiÊ (16 tuổi) đã bị vắt chui vào lỗ mũi làm tổ ở đó một ngày. Khi vắt hút no bụng máu, HNhiêu mới thấy ngứa và khó chịu, cô bé lấy tay thò vào thì phát hiện con vật nhơn nhớt, bầy nhầy sợ quá khóc ngất đi.

Những tai nấm lim xanh quý giá từ rừng được bà HNha cất giữ cẩn thận.

Kinh nghiệm từng trải qua bao mùa rừng, bà HNha bảo con gái nằm ngửa đầu ra đất, bà dùng lá cỏ tranh bện thành chiếc thòng lọng rồi đưa vào mũi của HNhiêu kéo con vắt ra. Tuy nhiên, vắt to, bám chặt vào lỗ mũi nên không thể thòng kéo được. Bà HNha phải thiết kế lại cọng cỏ tranh theo hình ngọn giáo nhọn rồi thọc vào chính giữa con vắt.

Da vắt rất dai, phải dùng lực thật mạnh mới thọc xuyên qua người nó được. Máu chảy thành dòng xuống mũi của HNhiêu, cô bé sợ đến tím tái cả mặt. Vắt sau khi bị đâm thủng rút hết máu đã tự động buông miệng lăn ra ngoài.

Theo bà HNha, đi rừng, gặp vắt như thế này là chuyện bình thường. Nó chui vào mũi là còn may, sợ nhất là chui vào phần nhạy cảm của phụ nữ. Năm ngoái, chị HBắp bị vắt làm ổ trong phần kín phải đi bệnh viện mới xử lý được. HBắp lại đang mang thai tháng thứ 5 nên cực kỳ nguy hiểm.

Bà HNha giơ bắp đùi ra chỉ một vết sẹo đen xì sâu hoắm chỉ cách bộ phận sinh dục một đốt ngón tay. Đây được xem là tai nạn nặng nhất trong gần chục năm làm sơn nhân tìm “thần dược” của bà HNha.

Đó là một ngày tháng 3, HNha cùng anh trai Ma Khánh khấp khởi lao vào rừng tìm nấm. Theo đơn đặt hàng, trong 2 ngày, họ phải tìm được 2kg nấm để gửi cho nhà thuốc ở TP. Hồ Chí Minh. Hai chị em HNha đi mòn chân, mỏi gối nửa ngày mới tới được thung lũng có nấm, nhưng cả một vùng rừng cũng chỉ được vài tai nấm đạt chất lượng. Họ phải lùng sục sang quả đồi khác, con suối khác.

Khi đi qua một con suối chảy xiết, bà HNha đạp phải tảng đá trơn ngã đập người xuống, chân bên phải mắc vào khúc cây nhọn đâm toạc thịt, chảy máu. Ma Khánh thấy vậy nhảy xuống kéo chị gái lên bờ, phải hì hục mãi họ mới lết được ra khỏi con suối.

Sau một ngày ở rừng, bà HNha chờ con gái chở về nhà.

Vết đâm làm rách một đường dài bằng ngón tay cái trên vùng đùi của bà HNha. Mất máu nhiều, bà ngất xỉu khi chưa kịp ra khỏi rừng. Ma Khánh cõng chị gái chạy thục mạng cấp cứu. May mắn vào thời điểm chập tối họ gặp hai anh em chăn trâu ở bìa rừng và được hỗ trợ đưa về nhà.

Vết thương của bà HNha được chữa theo phương pháp dân gian, bằng một loại lá rừng. Thật kỳ diệu, chỉ vài ngày miệng vết thương đã khép kín, bớt sưng, bà H Nha có thể đi lại bình thường, do không được khâu vá nên đã để lại sẹo dài như con đỉa. Tuy nhiên, điều đó không làm bà HNha buồn lòng. Bà cười nói: “Nó ở chỗ kín, không sao đâu, mình chẳng quan tâm. Bây giờ mỗi khi trái gió trở trời thì bị đau buốt vài ngày”.

So với các khu rừng nguyên sinh thì rừng khộp nghèo hơn, nhưng trong lòng nó vẫn chứa đựng vô vàn sản vật quý giá, đặc biệt là thảo dược. Hơn chục năm nay, khu rừng khộp rộng lớn của Yok Đôn đã nuôi sống ba mẹ con bà HNha. Thế nên, bà luôn mang ơn thần rừng, trân quý từng khoảnh khắc của rừng.

Bà HNha bảo rằng, rừng khộp đẹp nhất là lúc nó trút lá để tích lũy năng lượng. Bước vào khu rừng mùa lá rụng mới đẹp làm sao. Bàn chân chai sần với những vết thương đạp đất, trèo cây nhưng khi giẫm lên từng thảm lá vàng khô của rừng khộp, sơn nhân như bà HNha đều cảm nhận được sự huyền diệu rưng rưng của mẹ rừng. Bởi vậy mà bà không bao giờ dám chặt đẽo hay làm tổn thương bất cứ một cành cây nào của khu rừng.

Khi bắt đầu mùa mưa, cả khu rừng như bừng thức, bật nhú những mầm xanh, khiến con người như lạc vào một thế giới khác. Khi ấy, bà HNha lại chuyển sang nghề hái thuốc. Rừng khộp ở Yok Đôn còn nhiều cây thuốc quý. Những ai am tường về thảo dược sẽ kiếm sống được với nghề này.

Chân chất, thật thà, cần cù chịu khó, bà HNha đã được một nhà thuốc tại TP. Hồ Chí Minh đặt hàng quanh năm. Nhiều lái buôn biết tiếng của bà đã ngỏ ý muốn hợp tác thu mua với giá cao nhưng bà từ chối. Bà lý giải: “Tôi cần tiền lắm chứ, nhưng không bán rẻ lương tâm. Lái buôn mua hàng của tôi về để trộn với hàng giả hàng nhái rồi mang bán cho người bệnh. Tôi làm thế khác gì tiếp tay để hại người”. 

Mỗi ngày đi rừng, bà HNha kiếm được vài tai nấm linh chi, hôm nào may mắn thì được một ít nấm lim xanh. Đây được xem là “thần dược”, không có mà bán và giá bán cũng rất cao.

Hiện giá nấm linh chi bà HNha bán cho cơ sở chế biến thuốc nam là 500.000đ /kg, nấm lim xanh giao động từ 1 triệu đến 1,2 triệu/kg. Vì giá thảo dược khá cao nên ngày càng có nhiều người đi tìm. Lâu ngày, nấm rừng cạn kiệt. Từ đây, xuất hiện những loại thảo dược “dởm”, giữa linh chi trồng và linh chi rừng bị trộn trạo nhộm nhoạm với nhau rất khó để phát hiện.

Bát nháo "thần dược"

Y Thanh Khiết, một lương y có nhiều năm bốc thuốc nam, bào chế các loại thảo dược từ nấm, buồn rầu cho biết: “Tôi đi thu gom từng tai nấm một từ bà con đi rừng, cả tuần mới được vài kg. Vậy mà cánh lái buôn có cả xe ôtô nấm linh chi, lim xanh chở đi khắp nơi rao là nấm rừng chính hiệu. Họ đổ mối cho các nhà thuốc, thầy lang ở khắp nơi với giá rất rẻ. Điều này là vô cùng nguy hiểm, chỉ tội cho người bệnh mà thôi”.

Ông Y Thanh Khiết còn mách cho chúng tôi những “thần y” ngồi nhan nhản ở vỉa hè TP. Buôn Ma Thuột bán các loại thần dược từ rừng. Chẳng biết các “thầy thuốc đường phố” này trình độ hiểu biết ra sao, nhưng cách họ thuyết trình, quảng cáo về cây thuốc thì như rót mật vào tai, con bệnh phải lòng đổ ngã đổ nghiêng mà rút hầu bao ra mua.

Hảo một thời là thợ săn và buôn thần dược nổi tiếng.

Ông Thanh Khiết kể, cách đây khoảng 3 tháng, cặp vợ chồng ở huyện Ea Súp dìu nhau tới nhà ông cầu cứu. Theo đó, ông chồng ra thành phố thấy “thần y” bày bán cây mật nhân, nghe quảng cáo là thần dược cho những người yếu sinh lý. Ngoài hiệu quả tuyệt vời với “chuyện ấy”, dược liệu này còn có tác dụng tuyệt vời trong giải độc, làm đẹp da. Sau 2 tuần dùng thuốc, ông chồng thấy người mệt lả, có triệu chứng buồn nôn.

Qua kiểm tra, ông Y Thanh Khiết chẩn đoán bệnh nhân bị thiếu máu nghiêm trọng, có thể do dùng thảo dược sai cách hoặc là đồ rởm. Nếu là mật nhân thật sẽ có vị đắng, tính mát, ngửi có mùi thơm, là một loại dược liệu qúy trong đông y, dùng chủ yếu để chữa trị các bệnh viêm nhiễm đường ruột và một số bệnh khác. Nhưng nếu là cây giả thì rất khó lường được những tác hại của nó.  

Trong những ngày lang thang tìm sơn nhân, chúng tôi tình cờ quen được Lê Văn Hảo (36 tuổi, ngụ TP. Buôn Ma Thuật). Hảo là lái buôn “thần dược” có tiếng ở vùng Tây Nguyên. Anh ta trưởng thành từ một tay săn “thần dược” ở Buôn Đôn từ chục năm trước. Những năm đó, thảo dược, cây thuốc quý ở các cánh rừng nguyên sinh, rừng khộp còn rất nhiều.

Ăn theo sự nổi tiếng của phương thuốc “thần kỳ” Ama Kông, Hảo nhanh chóng giàu có, xây dựng được 2 điểm thu mua thảo dược ở Buôn Đôn và TP. Buôn Ma Thuật. Từ đây, Hảo kết nối với một số đầu nậu tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội cung cấp nguồn dược liệu quý cho các cơ sở bào chế thuốc đông y.

Ngoài thu gom tại nhà, Hảo còn thuê người đón lõng tại các bìa rừng để thu mua của người đi hái thuốc. Mạng lưới buôn bán thảo dược, trong đó có các loại được xem là thần dược như linh chi, lim xanh, ngọc linh, mật nhân, sâm đất...của đại ngàn Tây Nguyên đã nằm trọn trong tay của Hảo.

Mải mê buôn bán, bị đồng tiền cuốn vào nên Hảo đã đánh mất lương tâm và đạo đức của người làm nghề thuốc. Ông Y Thanh Khiết và một số lương y đã phát hiện ra, hơn nửa số dược liệu mà Hảo cung cấp ra thị thường là đồ kém chất lượng hoặc không đúng công dụng như quảng cáo.

Bản thân các cơ sở chế biến cũng đã nhận ra, sau khi họ thực hiện một cuộc kiểm tra tổng thể, chi tiết về mặt hàng thảo dược mà Hảo cung cấp. Chỉ một thời gian ngắn, Hảo mất trắng thị trường. Đội quân sống bằng nghề săn “thần dược” đói rệu rạo vì chẳng có ai tới mua hàng. Họ lũ lượt bỏ nghề.

Vài năm trở lại đây, chỉ còn số ít sơn nhân và họ phải thật sự mê mệt, đắm đuối núi rừng như bà HNha, ông Y Thanh Khiết thì mới bám trụ được với nghề kiếm cơm từ rừng.

Ngọc Hoa
.
.
.