Mưu sinh trên đất Triệu voi

Thứ Sáu, 16/10/2015, 16:30
Ở xã Nghĩa Lộc (Nghĩa Đàn, Nghệ An) có một ngôi biệt thự trị giá tiền tỷ của anh Phan Thế Lượng, hiện đang kinh doanh xây dựng tại Lào. Anh Lượng chỉ là một trong số nhiều người dân xứ Nghệ sang Lào làm ăn và không ít người trở nên giàu có.

Anh Phan Thế Lượng (SN 1971) ở xã Nghĩa Lộc. Năm lên mười tuổi thì cha mất, là con cả, anh phải cáng đáng việc nhà, giúp mẹ nuôi các em ăn học. Học hết cấp hai, anh nghỉ học, sau mấy năm ở nhà giúp mẹ việc đồng áng. Năm 1995, anh sang Lào làm ăn.

Khởi nghiệp là thợ xây, sau nhiều năm, anh làm thầu xây dựng. Ngoài ba mươi tuổi, anh đã trở thành ông chủ với tài sản trị giá hàng chục tỷ đồng.

Ngoài làm giàu cho bản thân, anh Lượng còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động xã Nghĩa Lộc sang Lào mà chủ yếu làm nghề xây dựng. Em ruột của anh Lượng định cư hẳn ở Lào, lấy vợ Lào và kinh tế  cũng rất vững vàng. Anh Phan Thế Sửu, một người bà con cùng làng với anh Lượng, sang Lào chuyên nghề trang trí nội thất, thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Cách đây bảy năm, anh Sửu xây một căn nhà ở quê trị giá năm trăm triệu đồng. Không những thế, anh Lượng còn có tấm lòng thiện nguyện và hàng năm, anh đều có quà tết có giá trị cho toàn dân làng quê anh và cho những người nghèo ở làng có hoàn cảnh khó khăn.
Anh Tĩnh kể lại chuyện nuôi vịt bên Lào.

Xã Nghĩa Lộc là một trong những địa phương có nhiều người sang Lào làm ăn nhất của tỉnh Nghệ An. Chủ yếu làm nghề xây dựng. Hàng ngày, xe khách chạy tuyến Nghĩa Lộc sang Lào luôn đông đi và về. Đất nước Triệu Voi đã góp phần quan trọng giúp kinh tế xã Nghĩa Lộc khởi sắc.

Khác với xã Nghĩa Lộc chủ yếu sang Lào làm nghề xây dựng thì ở xã Diễn Tháp lại sang Lào chủ yếu làm nghề buôn bán. Năm 2010, trong lần trực tiếp thăm nuôi con trai mới sinh ở bệnh viện nhi Nghệ An, tôi ở cùng phòng với anh Hòa, người Diễn Tháp. Anh Hòa cho hay: vợ chồng anh sang Lào buôn bán đã chục năm nay, chủ yếu buôn hàng tạp hóa.  Lần này, vợ anh về nước sinh con thứ ba, vì sinh non  nên con anh phải nằm lồng kính đã một tháng. Tôi hỏi anh: nằm viện lâu vậy liệu kinh tế có khó khăn không? Anh mỉm cười: không đáng ngại.

Ở Diễn Tháp, người sang Lào ngoài buôn bán ra còn làm các dịch vụ khác như: làm tóc, trang điểm và chụp ảnh . Người Diễn Tháp chắc chắn là một trong những   địa phương có nhiều  người biết tiếng Lào nhất Nghệ An. Trong một lần đi ăn đám cưới người bà con ở xã Diễn Thái, tôi gặp hai cô gái trẻ người Diễn Tháp sang Lào làm nghề tóc. Họ cho hay là đã học hết cấp ba, không học lên nữa mà học nghề rồi sang Lào làm ăn.

Có một mặt hàng luôn được người Lào ưa chuộng là trứng vịt lộn. Vì vậy, sang Lào nuôi vịt đẻ và buôn bán trứng vịt lộn là một trong những nghề ăn nên làm ra của người Nghệ.

Ở làng Văn Hội (Nhân Thành, Yên Thành) có ba anh em sang Lào nuôi vịt đẻ đã hơn chục năm nay. Hai người anh ruột vẫn đang ở Lào. Hiện tại, cả hai anh em ở Lào đều đã xây nhà hàng trăm triệu và kinh tế rất vững vàng. Người em rể, tên Phạm Đình Phượng, sau hơn năm năm nuôi vịt ở Lào đã về nước xây được một ngôi nhà khang trang và có một xe ôtô tải chuyên chở thuê vật liệu xây dựng. Ngoài ra, anh Phượng còn có một cơ sở hàn sắt, lắp đặt mái tôn ngay tại nhà.

Anh Hoàng Văn Dũng, ở xã Hoa Thành (Yên Thành) có một trại chăn nuôi vịt đẻ ở bờ kênh Vếch Nam. Hằng ngày, anh vẫn thường bán trứng cho những người buôn trứng vịt lộn sang Lào. Có một lần, ghé trại chăn nuôi của anh, tôi được nghe anh Hùng (Diễn Châu) cho biết: trứng vịt anh mua chủ yếu mang sang Lào, người Lào rất thích ăn trứng vịt lột, là món ăn thường xuyên trên mâm cơm của  họ.

Nếu người Nghĩa Đàn sang Lào thịnh hành nghề xây dựng, người Diễn Châu giỏi buôn bán thì người Yên Thành giỏi nghề nuôi vịt đẻ. Anh Phượng (xã Nhân Thành) nói rằng : anh có hàng chục người bạn quê ở Yên Thành hiện đang nuôi vịt đẻ ở Lào. Có lẽ vì Yên Thành là huyện lúa, nuôi vịt là ngành truyền thống của người quê lúa và nghề  này đã phát huy tích cực ở đất nước Triệu Voi.

Tiêu biểu cho những người thành công từ nghề nuôi vịt đẻ ở Lào là anh Phan Văn Tĩnh ở làng Quỳnh Lang ( Hợp Thành, Yên Thành). Anh Tĩnh sang Lào nuôi vịt thuê cho ông Giai ở xã Văn Thành từ năm 1989. Sau mười năm thì anh tách ra làm ăn riêng. Ban đầu, anh Tĩnh nuôi 500 con vịt đẻ chạy đồng. Vài năm sau, anh thuê 50 héc ta đất ruộng vừa làm nơi chăn thả vừa  trồng lúa để lấy thức ăn nuôi vịt. Thời điểm cao nhất vào những năm 2004- 2005 anh thuê đến 46 nhân công làm ruộng và nuôi vịt, ấp trứng. Mỗi ngày, anh xuất bán cả vạn trứng vịt lộn ra thị trường. Không chỉ người Lào tiêu thụ trứng vịt của anh mà cả người Thái Lan và người Campuchia cũng mua trứng của anh đem về nước tiêu thụ.

Ngoài nuôi vịt đẻ, người Yên Thành còn làm nhiều nghề khác. Lam (quê ở xã Văn Thành) là  bạn học cùng lớp với tôi năm học lớp mười ở trường Phan Đăng Lưu. Nhưng học được một học kỳ thì Lam bỏ học. Từ đó chúng tôi không biết Lam ở đâu làm gì. Khoảng chục năm sau họp lớp, tôi nghe tin, bây giờ Lam đã là "đại gia" có tiếng ở Lào. Ngoài các công ty xây dựng, khai thác chế biến gỗ, Lam còn làm chủ một ngân hàng tư nhân ở Lào mà nhân viên là người Lào và cả người Việt. "Lam bây chừ là VIP, điện thoại lạ gọi đến là nó không nghe máy đâu", Hạnh,  bạn học cùng xóm với Lam cho tôi biết.

Người xứ Nghệ quen với khí hậu khắc nghiệt và chịu thương chịu khó vẫn tiếp tục  làm giàu cho chính mình và góp phần làm giàu cho nước bạn trên đất nước của hoa đẹp Chăm Pa.

Phan Xuân Hậu
.
.
.