Mỹ: Sốt nghề dọn rác

Thứ Sáu, 09/12/2016, 14:17
Là nghề hữu ích cho xã hội, thậm chí làm đẹp cho đời, nhưng nghề dọn rác ở mỗi nơi mỗi khác. Nếu công nhân vệ sinh ở Mỹ có lương 6 con số, thì ở Ấn Ðộ, đồng lương thấp mà có khi còn không được trả.

Làm công nhân vệ sinh khó hơn đậu Đại học Harvard

Chuyện ở Mỹ nghe có vẻ khó tin nhưng hoàn toàn thật, vì con số thống kê năm 2014 cho thấy có 90.000 người nộp hồ sơ làm công nhân vệ sinh, và số người được tuyển xấp xỉ 500. Quy ra tỉ lệ là 1 chọi 180, tương đương 0,5% người nộp đơn nhận được việc. Theo số liệu của US News, tỉ lệ đậu vào Trường đại học Harvard danh tiếng là 5,8%.

Điều kiện để có công việc “đáng mơ ước” này là từ đủ 17,5 tuổi trở lên, có giấy phép lái xe thương mại hợp pháp, vượt qua bài thi viết và kiểm tra sức khỏe, không đòi hỏi bằng tốt nghiệp trung học. Tuy nhiên, đáp ứng đủ chưa chắc đã có việc ngay, nhiều người phải đợi đến 7 năm mới nhận việc chính thức. Vậy dọn rác thì đáng mơ ước ở điểm nào?

Đấy là tiền lương. Lương năm đầu của công nhân vệ sinh Mỹ là 33.746 USD (hơn 750 triệu VND), nếu làm thêm giờ thì kiếm 47.371 USD/năm không khó. Sau 5,5 năm, lương trung bình năm sẽ khoảng 88.616 USD. So với 77.991 USD/năm lương tài xế, 68.151 USD/năm lương giáo viên ở New York, thì con số trên là không nhỏ. Ngoài ra, cơ hội còn đến từ thùng rác khi các loại rác thải như gỗ, ván, dụng cụ nhà bếp, thiết bị điện tử đều có thể phân loại và tái chế.

Đại diện Sở Vệ sinh môi trường New York cho hay, “khi thành phố có tuyết phủ dày, người của Sở làm việc 12 giờ mỗi ngày, tiền làm thêm nhiều hơn hẳn. Chẳng hạn như mùa đông năm 2014, thời tiết khắc nghiệt, công nhân vệ sinh nhận lương trung bình khoảng 95.000 USD”. Chưa hết, nhân viên ngành này sẽ được ưu đãi thêm 10% lương khi làm việc ca đêm, 200% lương khi làm ngày Chủ nhật, sau 6 năm làm việc sẽ có 25 ngày phép, không giới hạn số ngày nghỉ ốm, có bảo hiểm sức khỏe và lương hưu tốt.

Noel Molina và Tony Sankar, làm nghề thu gom rác ở New York hơn 10 năm, lương của tài xế xe rác Molina năm 2015 đã 112.000 USD/năm, còn phụ tá gom rác Sankar thì lãnh 100.000USD/năm. Cả hai đều bỏ học vào đầu cấp 3, nhưng đều đang lãnh lương 6 số, cao hơn nhiều các cử nhân đại học bằng nọ bằng kia. Molina đã đăng ký mua căn hộ đầu tiên của mình, gồm 4 phòng ngủ ở ngoại ô New York, cho anh và 3 đứa con. Còn Sankar cũng có thể trang trải nuôi 8 đứa con còn nhỏ.

Sau đợt suy thoái kinh tế năm 2009, lương của công nhân vệ sinh đã tăng 18%, trong khi mức tăng trung bình ở các đối tượng ngành nghề khác chỉ có 14%. Giám đốc Công ty Quản lý rác thải Crown Container, ông David Antonacci cho hay ông đã đăng quảng cáo tìm tài xế xe chở rác, nhận được 50 đơn ứng tuyển, chỉ có 4 ứng viên có bằng lái xe thương mại nhưng đều vướng pháp lý nên không thể thuê.

Nghề không ai muốn làm

Công nhân vệ sinh ở Ấn Độ mang màu sắc u tối hơn. Những tháng đầu năm 2016, họ đình công hàng loạt ở thủ đô New Delhi vì không được trả lương. Có lẽ chuyện mua căn hộ 4 phòng ngủ như Molina còn quá xa vời với họ, chưa kể đến sự kỳ thị và chán ghét công việc này ở đất nước đông dân thứ hai thế giới. Dù Quốc hội Ấn Độ đã thông qua Đạo luật tuyển dụng công nhân vệ sinh, xây dựng nhà vệ sinh từ năm 1993 và củng cố lệnh cấm năm 2003.

Một ngày của một công nhân vệ sinh làm thời vụ ở thành phố Mumbai bắt đầu từ lúc 6 giờ 30 sáng, suốt 7 ngày một tuần, kiếm được 5 USD mỗi ngày. Thường thì một nhóm dọn rác sẽ gồm 2-3 người, một người quét còn một người hốt rác. Dụng cụ sơ sài là chổi, miếng thiếc mỏng, không găng tay, không ủng.

Chưa kể, nghề dọn rác ở Ấn Độ là một nghề vô cùng nguy hiểm. Những người làm nghề dọn ống cống thường dùng một que tre để đẩy đống rác có khi ngập ngang ngực họ. Trong một số trường hợp, họ phải bò qua cống rãnh ngập nước thải. Không có dụng cụ bảo hộ, thỉnh thoảng họ còn ở trần chui xuống cống. Tuổi thọ của những người làm nghề dọn rác thường khá thấp. Bệnh hen suyễn, viêm da, lao phổi luôn rình rập họ. Mỗi năm, có hàng trăm công nhân vệ sinh qua đời ở Ấn Độ. Theo Viện Khoa học Xã hội Tata (TISS), một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Mumbai, 80% công nhân vệ sinh chết trước tuổi 60 vì các vấn đề sức khỏe.

Hầu hết người làm nghề dọn rác thuộc nhóm Dalits, tầng lớp thấp nhất trong hệ thống đẳng cấp ở Ấn Độ. Mặc dù, Hiến pháp Ấn Độ hiện đã cấm phân biệt đẳng cấp và chính phủ đang nỗ lực xóa bỏ sự phân biệt, Dalits vẫn bị xem thường. 

Nhà hàng thường không tiếp họ, chỉ một vài quán cóc ven đường chịu bán cho họ tách trà với điều kiện họ phải đứng ngoài đường chứ không bước vào trong quán. Leo lên xe buýt thì thường bị mọi người quay lưng, nên công nhân vệ sinh đôi khi chọn cách đi bộ về nhà, để dễ chịu hơn bởi những ánh nhìn khinh miệt của mọi người.

Tiếp xúc với rác thải và mùi hôi thối hàng ngày, những công nhân vệ sinh đã chịu nhiều thiệt thòi để đem lại cho phố phường sự sạch sẽ, nhưng có lẽ, nhìn nhận của xã hội cũng như các chế độ đãi ngộ cho họ vẫn chưa thật xứng.

Bích Ngọc (theo Wall Street Journal)
.
.
.