Năm Hợi và những chính trị gia tuổi Hợi

Chủ Nhật, 10/02/2019, 11:46
Có lẽ vì thế mà trên thế giới từ xưa đến nay đã xuất hiện nhiều chính trị gia tuổi Hợi kiệt xuất, trong đó có 2 nhân vật rất nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, còn không ít người đã làm tới vị trí nguyên thủ quốc gia.


Lý Thánh Tông (1023, Quý Hợi)

Lý Thánh Tông tên thật là Lý Nhật Tôn, là con trưởng của Lý Thái Tông và Kim Thiên hoàng hậu họ Mai. Ông sinh ngày 25 tháng 2 năm Quý Hợi, niên hiệu Thuận Thiên thứ 14 (tức ngày 30-3-1023), vào cuối thời Lý Thái Tổ. Tháng 5 âm lịch năm 1028, ngay sau khi lên ngôi, Lý Thái Tông sách phong Lý Nhật Tôn làm Thái tử. 

Theo sách "Đại Việt sử lược", Thái tử Nhật Tôn sớm trở nên "tinh thông kinh truyện, hiểu âm luật, lại càng giỏi về võ lược". Tháng 8 âm lịch năm 1033, Lý Thái Tông phong ông tước Khai Hoàng Vương và dựng cung Long Đức làm nơi ở cho ông. Ông đã sớm được tiếp xúc với dân chúng, nên hiểu được nỗi khổ của dân và thông thạo nhiều việc.

Ông lên ngôi năm Giáp Ngọ (1054), lấy hiệu là Lý Thánh Tông, là vị Hoàng đế thứ ba của Hoàng triều Lý nước Đại Việt, trị vì từ tháng 11-1054 đến khi qua đời. Trong thời kỳ cầm quyền của mình, Lý Thánh Tông đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, khoan giảm hình phạt; đồng thời bảo trợ Phật giáo và Nho giáo. 

Ông còn xây dựng quân đội Đại Việt hùng mạnh, thực hiện chính sách đối ngoại cứng rắn với Đại Tống và mở đất về 3 châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính (nay là một phần thuộc Quảng Bình và Quảng Trị, Bắc Trung Bộ Việt Nam) sau thắng lợi trong cuộc chiến tranh Việt-Chiêm (1069). 

Sử thần đời Hậu Lê Ngô Sĩ Liên viết về Lý Thánh Tông: "Vua khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về thu phục người xa, đặt khoa bác sĩ, hậu lễ dưỡng liêm, sửa sang việc văn, phòng bị việc võ, trong nước yên tĩnh, đáng gọi là bậc vua tốt". Thời Lý Thánh Tông là thời cực thịnh của nhà Lý. Ông mất ngày 1-2-1072.

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491, Tân Hợi)

Nguyễn Bỉnh Khiêm nguyên có tên khai sinh là Nguyễn Văn Đạt, sinh ngày 6 tháng 4 năm Tân Hợi, niên hiệu Hồng Đức thứ 22 dưới triều Lê Thánh Tông (13-5-1491), ở thời kỳ được coi là thịnh trị nhất của nhà Lê sơ. Ông sinh tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng). 

Cha của ông là giám sinh Nguyễn Văn Định, đạo hiệu là Cù Xuyên, nổi tiếng hay chữ nhưng chưa hiển đạt trong đường khoa cử. 

Mẹ của ông là bà Nhữ Thị Thục, con gái út của quan Tiến sĩ Thượng thư bộ Hộ Nhữ Văn Lan triều Lê Thánh Tông, bà là người phụ nữ có bản lĩnh khác thường, học rộng biết nhiều lại giỏi tướng số, nên muốn chọn một người chồng tài giỏi để sinh ra người con có thể làm nên đế nghiệp sau này, nhưng kén chọn mãi đến khi luống tuổi bà nghe lời cha mới lấy ông Nguyễn Văn Định (người huyện Vĩnh Lại) là người có tướng sinh quý tử.

Nguyễn Bỉnh Khiêm  là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 16. Ông được biết đến nhiều vì tư cách đạo đức, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Nam-Bắc triều (Lê-Mạc phân tranh) cũng như tài tiên tri các tiến triển của lịch sử Việt Nam. 

Sau khi đậu Trạng nguyên khoa thi Ất Mùi (1535) và làm quan dưới triều Mạc, ông được phong tước Trình Tuyền Hầu, rồi thăng tới Trình Quốc Công mà dân gian quen gọi ông là Trạng Trình. Đạo Cao Đài sau này đã phong thánh cho ông và suy tôn ông là Thanh Sơn Đạo sĩ hay Thanh Sơn chân nhân. Người đời coi ông là nhà tiên tri số 1 trong lịch sử Việt Nam, đồng thời lưu truyền nhiều câu sấm ký được cho là bắt nguồn từ ông và gọi chung là Sấm Trạng Trình.

Xét một cách toàn diện lịch sử Việt Nam thế kỷ 16, nhiều người đã gọi Nguyễn Bỉnh Khiêm là "cây đại thụ văn hóa dân tộc". Ông cũng được sử sách và người đời thừa nhận rộng rãi với tư cách là một nhà dự báo, hoạch định chiến lược kỳ tài, với tầm nhìn địa chính trị đi trước thời đại nhiều thế kỷ. 

Những lời cố vấn nổi tiếng của ông dành cho các tập đoàn quyền lực phong kiến Mạc, Lê-Trịnh, Nguyễn đã có ảnh hưởng to lớn, mang tính bước ngoặt đối với tiến trình của lịch sử dân tộc và từ đó tác động lớn tới quan hệ địa chính trị của cả khu vực Đông Nam Á trở về sau. 

Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, Nguyễn Bỉnh Khiêm có khả năng là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có một tầm nhìn chiến lược thấu suốt về chủ quyền của đất nước trên Biển Đông ngay từ thế kỷ 16. 

Ông cũng có thể là người đầu tiên trong lịch sử nhắc đến hai chữ Việt Nam - với tư cách là quốc hiệu của dân tộc - một cách có ý thức nhất thông qua di sản thơ văn của ông còn lưu lại đến ngày nay.

Lý Quang Diệu (1923, Quý Hợi)

Lý Quang Diệu, cố Thủ tướng và là “cha già lập quốc” của Singapore. Ông từng là một trong những người đứng đầu chính phủ lâu nhất trong lịch sử chính trị thế giới (31 năm, 1959 - 1990). Tuy nhiên, đây không phải là điều vĩ đại nhất khi người ta nghĩ về ông mà là ông có tầm nhìn “của một vĩ nhân” khi xây dựng thành công một đất nước đoàn kết, phát triển dù Singapore là một quốc gia đa sắc tộc, không có bản sắc văn hóa chung, ít tài nguyên và lãnh thổ nhỏ hẹp. 

Để làm được điều đó, Lý Quang Diệu vừa khuyến khích các nhóm sắc tộc gìn giữ bản sắc của mình, vừa đề ra những chuẩn văn hóa chung, được bảo đảm bằng luật pháp để đoàn kết toàn dân tộc.

Điển hình là việc những năm đầu độc lập, ông ngăn cản người Cơ Đốc giáo truyền đạo cho người gốc Malay theo đạo Hồi; đồng thời, ông lại dùng các biện pháp mềm để các nhóm người Hoa quên đi phương ngữ của mình mà thay vào đó nói tiếng Hoa phổ thông; đỉnh cao của việc gắn kết văn hóa là việc Singapore chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức bên cạnh tiếng nói của các sắc tộc như tiếng Malay, Hoa, Tamil. 

Về mặt kinh tế, Singapore, từ thời Lý Quang Diệu cầm quyền, đã là nước đang phát triển, tiên phong trong việc mở cửa thị trường, thu hút đầu tư, tăng cường tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ trong nền kinh tế; một mô hình mà hàng thập kỷ sau, nhiều nước đang phát triển khác mới bắt đầu thực hiện. Ông mất ngày 23-3-2015.

Gloria Arroyo (1947, Đinh Hợi)

Cựu Tổng thống Philippines Gloria Arroyo là một ví dụ về chính khách tuổi Hợi đi lên từ “hậu trường” của người khác, cụ thể là cựu Tổng thống Joseph Estrada. Tuy nhiên, ấn tượng của người ta về đất nước Philippines kể từ khi bà Arroyo cầm quyền lại là tình trạng mất ổn định. Chính phủ và cá nhân bà nhiều lần mất điểm trước công chúng vì những chính sách “tiền hậu bất nhất”. Tiêu biểu là việc bà đưa ra “chính sách kinh tế lễ hội”, cho phép tăng ngày nghỉ để kích cầu. 

Tuy nhiên, mỗi khi đến dịp lễ, doanh nghiệp và người dân không biết trước có được nghỉ hay không, nghỉ đến bao giờ do Chính phủ không có thông báo. Bên cạnh đó còn là việc bà tuyên bố không ra tranh cử lần 2, nhưng rồi lại “hoãn kế hoạch nghỉ hưu” để sau đó thắng cử một cách đầy tranh cãi.

Năm 2005, Arroyo được bình chọn bởi tạp chí Forbes trở thành nhân vật thứ tư trong danh sách những phụ nữ nhiều quyền lực nhất trên thế giới. Tuy nhiên, tháng 9-2006, Arroyo rơi xuống vị trí thứ 45 trong danh sách bình chọn này của tạp chí Forbes.

Ngày 18-11-2011, bà Gloria Arroyo đã bị bắt giữ tại một bệnh viện ở Manila vì  những cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử năm 2007. Mặc dù Tòa án Tối cao Philippines đã cho phép bà Arroyo ra nước ngoài chữa bệnh, nhưng chính quyền đã yêu cầu cơ quan xuất nhập cảnh ngăn cựu lãnh đạo này rời khỏi đất nước đồng thời đẩy nhanh tiến trình cáo buộc bà Arroyo vi phạm luật bầu cử.

Megawati Sukarnoputri (1947, Đinh Hợi)

Diah Permata Megawati Setiawati Soekarnoputri là Tổng thống Indonesia từ tháng 1-2001 đến 20-10-2004. Bà là vị nữ tổng thống, và là nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Indonesia sinh sau độc lập. Ngày 20-9-2004, bà bị thua trong cuộc bầu cử tổng thống 2004 tại Indonesia. Bà là con gái của Tổng thống đầu tiên của Indonesia, Sukarno. Năm 2004, bà được xếp thứ 8 trong danh sách của tạp chí Forbes về 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.

Bà là người phụ nữ thứ sáu lãnh đạo một quốc gia đa số Hồi giáo, sau Benazir Bhutto của Pakistan, Khaleda Zia, Bangladesh, Tansu iller của Thổ Nhĩ Kỳ, Hasina Wajed của Bangladesh và Mame Madior Boye của Senegal. 

Sự nổi lên của một biểu tượng của sự phản đối chống lại chế độ Suharto đối với tổng thống ban đầu được hoan nghênh rộng rãi, tuy nhiên, nhiệm kỳ tổng thống của bà bị đánh dấu là thiếu quyết đoán, thiếu định hướng tư tưởng rõ ràng và "mang tiếng không hành động trong các vấn đề chính sách quan trọng". 

Mặt tốt của tiến trình cải cách chậm và tránh đối đầu là bà đã ổn định quá trình dân chủ hóa và mối quan hệ giữa lập pháp, hành pháp và quân sự.

Bảo Uyên
.
.
.