Thứ ba là ngày đầu tuần

Nam Quốc dị truyện 48

Thứ Ba, 05/08/2014, 11:41

Chưa thấy tháp nghiêng Pisa coi như chưa tới Ý. Chưa ngắm tháp Eiffel coi như chưa tới Ba Lê. Chưa thấy lằng nhằng dây điện coi như chưa tới kinh đô Nam Quốc.

 Thành phố này dây điện dẫn người ta đi trăm nẻo. Mỗi cột điện là một bụi rậm tổ chim, những bó dây đen xì vắt lên hàng cột xiêu vẹo lan tỏa khắp đất thần kinh. Có những hàng cột hiên ngang giữa phố, dây điện võng xuống khiến ai cũng phải cúi đầu. Nhìn gật gù rất cung kính.

Cái mớ bòng bong ấy với dân nhìn thì tức mắt, với nghệ sĩ thì là chất liệu hấp dẫn để vẽ tranh, với các nhà triết học thì đó là biểu tượng tư duy của con người xứ này. Tư duy lan tỏa, tư duy luồn lách, tư duy xoắn vặn vắt vẻo nhưng cuối cùng là tư duy không ngừng vô cùng vô tận. Bên cạnh những sợi dây bé nhỏ, những sợi cao thế vẫn hiên ngang đi qua khu dân cư, thỉnh thoảng có tai nạn cũng chẳng làm ai sợ hãi. Người ta vẫn làm nhà sát dây cao thế, cao hơn dây cao thế và ôm lấy dây cao thế. Ai sợ hãi thì dân sẽ cười rằng chả biết gì về điện

Người ta đào đường để làm gì? Để lát lại vỉa hè. Lát vỉa hè làm gì? Để sang năm lại đào lên. Sao vỉa hè chưa hỏng lại phải đào lên? Vì phải đào lên mới lát được vỉa hè. Cứ thế quay vòng. Chi phí việc này ai chịu thì biết rồi đấy. Không ít công nhân đào vỉa hè trúng dây điện. Thế là đi bệnh viện. Người nào may thì sống sót. Đúng là lằng nhằng dây điện.

Xoắn vặn chán trên cao thì người ta cho bó lại hạ ngầm. Cái đường điện ngầm này hoạt động bí mật đến nỗi chẳng có sơ đồ nào báo tai họa cho công nhân.

Nhưng người ta chẳng sợ. Cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn. Tiếp diễn đầy hồi hộp vì khó mà biết kết quả ra sao.

Để giải quyết bất kỳ vấn đề gì thì người ta cần người tài với tư duy mạch lạc, nhưng nếu không đủ tài thì đã có phương pháp vẽ bản đồ tư duy của ông Tony Buzan. Ông này là cha đẻ của phương pháp tư duy Mind map (giản đồ ý). Tony Buzan hiện là tác giả của 92 đầu sách, được dịch ra trên 30 thứ tiếng, xuất bản trên 125 quốc gia. Ở Nam Quốc, sách của ông đã xuất bản Sơ đồ tư duy, Làm chủ trí nhớ của bạn và Sử dụng trí não của bạn... với cây tư duy sáng như ban ngày. Nhưng người đọc chưa chắc đã nhiều, người quản lý chắc gì đã đọc nên mọi việc vẫn theo Mind map Nam Quốc. Ông Buzan mà ngắm cái giản đồ ý này thì chắc cũng đi bệnh viện. Vì nó chính là hình ảnh lằng nhằng dây điện.

Các vấn đề xã hội được bày ra ai cũng biết, ai cũng giải quyết nhưng từ năm này qua năm nọ, vẫn đề vẫn tiếp tục được nhức nhối, đắng lòng… Mới hồi nào xây thủy điện, vỡ đập trôi người, hô khắc phục làm nghiêm, thế mà hôm đầu tháng 8 vừa rồi vỡ tiếp đập Krel lần hai trôi hoa màu của dân, chưa biết có ai nhận trách nhiệm và có xử lý không. Cứ thế này thì lần thứ ba, thứ tư hay bao nhiêu nữa thì sao đây? Té ra hình ảnh hóa là lằng nhằng dây điện nhưng gọi tên nó ra thì là "hòa cả làng".

Khi người ta chống tiêu cực thì giơ cao đánh khẽ. Phát động thì hô triển khai quyết liệt. Khi kẻ tiêu cực khúm núm, lại xuê xoa với tinh thần "Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại". Ô hay! Không chạy lại thì đánh vào đâu.

Vậy có thơ rằng:

"Tư duy dây điện lằng nhằng
Ngay, gian hòa hết cả làng như nhau.
Dây điện bụi rậm trên đầu
Nên cười, nên mếu, nên đau kiểu gì?

Muốn biết Nam Quốc có chuyện gì kì dị, xin xem CSTC số sau sẽ rõ

Lê Tâm
.
.
.