Năm gà nói chuyện đá gà

Thứ Năm, 02/02/2017, 07:00
Ðá gà là trò giải trí cờ bạc hình thành từ hàng trăm năm trước. Người Philippines xem đá gà là “môn thể thao hấp dẫn số 1” trên cả bóng rổ, kể rằng trò này hình thành từ cách đây 3.000 năm. Theo sử gia Diodorus Siculus, người Syria cổ thờ gà đá như một vị thần, trong khi người Hy Lạp cổ và La Mã gắn kết gà đá với thần Apollo, Mercury và Mars.


Người ta biết chơi chọi gà từ thời Cổ đại, người ta coi gà trống như tượng trưng cho tinh thần dũng cảm và cảnh giác, ca ngợi sức mạnh và vẻ đẹp của gà trống trên đồng tiền và đồ gốm. Thế kỷ V trước Công nguyên, tướng Hy Lạp Athene Thenustoele đã dùng gà chọi kích động tướng sĩ chiến đấu chống vua Ba Tư. Thế kỷ I sau Công nguyên, Đại đế Cesar đưa trò đá gà từ Ai Cập về Roma và ông được xem là công dân Roma đầu tiên chơi trò này. 

Ở Roma, chọi gà để cá cược. Sau đó, đá gà được du nhập vào Anh rồi bị cấm. Nhưng sau đó hai thế kỷ, trò chọi gà lại trở thành nơi gặp gỡ của giới thượng lưu Anh và nó tràn ngập khắp thành phố London. Ngay cả Vua Henri VII vào năm 1519 cũng đã dựng sân khấu gà chọi đối diện với cung vua ở White Hall tại London.

‘Tiếp đó, đá gà lan khắp cả Tây Âu, tới Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bỉ… Hiện ở Bảo tàng d’Orsay (Pháp) có treo bức tranh “Đá gà” của họa sĩ Jean Le1on Gerome và trưng tượng “Con gà đá chiến thắng”.

Các đời tổng thống Mỹ như: George Washington, Thomas Jefferson, Andrew Jackson và Abraham Lincoln đều mê trò đá gà. Có lời kể rằng trò đá gà từng được đề xuất là biểu tượng của Mỹ, nhưng sau đó đành thua hình tượng đại bàng một phiếu.

Xem đá gà ở Pakistan.

Sau này, Mỹ xếp đá gà là một trò cờ bạc trái phép, 48 bang cấm tổ chức các trường gà. Mới nhất là bang Oklahoma, kể từ sau Massachusetts tiên phong, cấm đá gà cách đây gần 180 năm. Phán quyết khiến chỉ còn 2 tiểu bang Louisiana và New Mexico hợp thức hóa trò đá gà. Hai bang này cũng đang vận động tuyên truyền để cấm tiệt trò đá gà. Năm 2005 (Quý Dậu), một tòa án cấp liên bang ở Mỹ đã ra phán quyết: mọi hoạt động đá gà ở Mỹ là trái pháp luật.

Những người mê đá gà quyết tâm “chiến đấu đến cùng”, vì lo ngại hai “cứ điểm” cuối của họ cũng sẽ bị phe bảo vệ loài vật “triệt phá”. Louisiana được xem là “cứ điểm” cuối cùng của dân mê đá gà ở Oklahoma kéo qua. Họ nói “kỹ nghệ giải trí” này giúp thu về hàng tỷ USD trên toàn quốc, giúp tạo hàng ngàn việc làm.

Tuy nhiên, phe chống đối cảnh báo: “Nếu dân mê đá gà chuyển đến Lousiana thì họ chỉ được tạm trú ngắn hạn. Chúng tôi sẽ làm hết mình để không còn bang nào tổ chức đá gà. Chúng tôi khuyến cáo dân mê đá gà chớ nên thu xếp hành trang lên đường”.

Trong thực tế, trò đá gà vẫn diễn ra ở những vùng sâu vùng xa của Mỹ (nhất là miền Nam). Người chơi nói đó là một “tập quán” thân thiện, trẻ con lớn lên đã biết cách nuôi gà đá và chăm sóc chúng.

Nhưng các tổ chức bảo vệ loài vật cho đó là trò giải trí không có tình người, khi gà đá mang cựa bén “chém” đối thủ tan nát. Bên cạnh đó, việc dung dưỡng trò giải trí này mang tính lợi bất cập hại: nhiều gia đình ở miền Nam nước Mỹ đã tan cửa nát nhà, chỉ vì các ông chồng mê đá gà làm khổ vợ con. Ngoài ra, đá gà ăn tiền cũng dẫn đến những tệ nạn xã hội như buôn lẻ ma túy, cướp giật…

Ở Oklahoma, có đến 40 trường gà, trong đó có một số trường gà thường xuyên có cả ngàn khán giả đến xem thi đấu và cá cược. Giờ đây, tất cả đều đã bị đóng cửa và nhiều người bị thất nghiệp. Từ tháng 4-2004 cho đến nay, không còn một trường gà nào hoạt động, khiến “ban tổ chức” phải thuê một nhà trọ làm “trường gà” chui với giá 10.000 USD/tháng.

Đá gà kiểu Philippines

Một trường đá gà ở Philippines.

Đất nước này có hàng ngàn đấu trường đá gà, lôi cuốn từ giới bình dân cho đến người giàu sang. Đấu trường hình vuông cao 1,5m có rào chắn, chung quanh là các bậc ghế dành cho khán giả. Khi gà lên đấu trường, nhất nhất phải tuân theo lệnh của trọng tài. Trước khi vào cuộc, gà được buộc vào chân lưỡi dao sắc độ 3cm. Con gà chiến thắng phải đánh dấu chiến thắng của nó bằng cách mổ vào con gà thua cuộc 2 lần. Nếu không làm được điều đó thì chiến thắng sẽ bị tước bỏ.

Đá gà kiểu Pháp

Khung cảnh đá gà ở Pháp vào năm 1808.

Năm 1926, Bỉ cấm chơi đá gà nên dân Bỉ kéo qua Pháp, nhất là ở các đấu trường vùng Flandres để thỏa mãn thú đam mê. Đấu trường ở đây dài khoảng 3,5m, rộng 2,5m. Chung quanh là khán đài làm bằng gỗ, từ thấp tới cao.

Cựa gà được bọc một lớp kim loại và dài 5cm. Với vũ khí này, trận đấu nhiều khi được kết thúc sớm, nếu trúng chiêu hiểm.

Mỗi trận đá kéo dài chừng 6 phút. Cuối trận, con nào còn đứng được xem như thắng.

Nguồn gốc nòi gà đá ở Pháp xem ra còn mù mờ, nhưng chúng khác hẳn giống gà thường. Chúng hung hăng và dữ tợn, có nhu cầu là đấu đá ngay. Chúng được chăm sóc theo chế độ ăn uống đặc biệt và luôn giữ bí mật nghề nghiệp.

Đá gà kiểu Trung Mỹ

Tại đảo Guadeloupe ở Trung Mỹ, mùa đá gà rộ lên vào tháng cuối năm, nhưng đỉnh cao là ngày Tết và hội hè.

Trước lúc cho các đấu thủ vào cuộc tỷ thí, chủ nhân phải đưa các chú gà đi khám kỹ lưỡng. Đầu tiên là cân gà để xếp loại. Kế đến, mọi đấu thủ gà đều bị khám kỹ từ đầu đến chân, xem có tẩm độc dược hay không. Ở đảo này có nhiều bí thuật gia truyền giúp gà mình dễ dàng hạ sát đối thủ lợi hại. Giai đoạn ba, các đấu thủ được ban giám khảo tẩy trùng toàn thân trước khi vào tranh tài.

Dân đảo Guadeloupe từ lâu vẫn khoái giống gà ô. Chú gà ô nào thắng ở vòng loại thì kể như nắm chắc vòng chung kết. Chưa bao giờ người ta thấy vòng nguyệt quế rơi vào những chú gà nòi khác ngoài giống gà đen tuyền từ đầu đến chân. Nguyên do vì sao, mãi cho đến tận bây giờ vẫn chưa có ai trả lời được cả.

Thảo Hương (sưu tầm)
.
.
.