Nam giới đòi “bình quyền” hoạt động trong “Phố đèn đỏ” ở Amsterdam

Thứ Năm, 08/08/2019, 13:37
Hôm 3-8 vừa qua, một số bậc mày râu đã quyết định bán khỏa thân, đứng trong trong những ô cửa sổ - một hình ảnh rất ít xuất hiện trong phố đèn đỏ ở Amsterdam. Những người này đang tham gia chiến dịch kêu gọi quyền bình đẳng cho nam giới làm việc ở điểm du lịch tự do nhất châu Âu, nơi “thống trị” chủ yếu của phụ nữ và người chuyển giới nữ.


Nam giới bán dâm cũng cần không gian an toàn để hoạt động

Trong quan niệm của nhiều người, nói đến mại dâm là nói đến công việc của phụ nữ và người chuyển giới. Thực tế cho thấy, số lượng nam giới bán dâm không phải là ít nhưng đối tượng này ít được đề cập đến.

Chiến dịch kêu gọi quyền bình đẳng cho nam giới bán dâm là một phần của lễ hội “Gay Pride” được tổ chức tại Amsterdam. Đây là lễ hội được tổ chức thường niên, thu hút hàng trăm ngàn du khách mỗi năm. Năm nay, “Gay Pride” được tổ chức vào hai ngày cuối tuần.

Chiến dịch có tên là “Chiếm đóng khu đèn đỏ” do “My Red Light”, một tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động bảo vệ, cải thiện quyền và điều kiện lao động trong lĩnh vực mại dâm tổ chức. Các nhà hoạt động hy vọng, cánh cửa ở khu phố đèn đỏ có thể được mở ra cho tất cả những người hành nghề mại dâm.

Một số nam giới tham gia chiến dịch “Chiếm đóng khu đèn đỏ” kêu gọi bình đẳng cho nam giới hoạt động mại dâm ở Amsterdam.

Phố đèn đỏ của Amsterdam bao gồm 3 khu: De Wallen, Singelgebied và Ruysdaelkade. Trong đó lớn nhất là De Wallen, nằm tại trung tâm của khu vực có lịch sử lâu đời nhất thành phố. Tại đây, gái mại dâm thuê một phòng trong số 300 phòng có cửa sổ kính để quảng cáo, mời gọi khách hàng. Ước tính, nam giới bán dâm chiếm khoảng 5% trong số 25.000 người hoạt động mại dâm ở Hà Lan nhưng hình ảnh nam giới bán dâm hiếm khi được nhìn thấy.

Các nhà vận động nhấn mạnh rằng, nam giới bán dâm cũng cần không gian an toàn để hoạt động. “Những người đàn ông tham gia chụp hình là người mẫu và không cung cấp dịch vụ sex. Thực tế cho thấy, nhiều nam giới bán dâm cũng là nạn nhân của bạo lực, lạm dụng và bóc lột trong khi làm việc. Họ cần phải được bình đẳng với nữ giới trong công việc này”, một nhà hoạt động nhân quyền nói.

Trước đó, bà Femke Halsema, nữ thị trưởng đầu tiên trong lịch sử 700 năm của Amsterdam đã công bố kế hoạch “cải tổ” phố đèn đỏ De Wallen trong bối cảnh quá tải khách du lịch, khách du lịch say xỉn, tiệc độc thân, buôn bán người và sử dụng ma túy. Đồng thời, bà Femke Halsema cũng cho biết, có sự gia tăng lớn hoạt động mại dâm ngầm không có giấy phép.

Phản ứng trái chiều về kế hoạch "cải tổ" phố đèn đỏ ở Amsterdam

"Đối với nhiều du khách, phố đèn đỏ là một điểm du lịch hấp dẫn, thu hút họ đến Hà Lan. Trong một số trường hợp, điều này đi kèm với hành vi gây rối và thái độ thiếu tôn trọng với người hành nghề mại dâm", bà Femke Halsema cho biết.

Bà Femke Halsema đưa ra các giải pháp là: đóng các ô cửa kính trong các nhà thổ để giảm sự đông đúc và “khiêu khích” khách du lịch; đóng cửa hoàn toàn các nhà thổ ở De Wallen và di chuyển đến khu vực xa trung tâm hơn; di dời một số nhà thổ đến các quận khác của Amsterdam hoặc tăng số lượng các ô cửa kính để giảm áp lực cho từng người bán dâm.

Kế hoạch cải tổ phố đèn đỏ của thị trưởng Femke Halsema nhận nhiều ý kiến trái chiều. Ông Lennard Roubos, một cư dân của thành phố Amsterdam bày tỏ sự tán thành với kế hoạch. Ông cho biết, đã thấy nhiều kế hoạch được đưa ra nhằm cải thiện tình trạng nguy hiểm và hỗn loạn trong thành phố nhưng đó chỉ là những lời hứa suông chưa bao giờ được thực thi. Trong khi đó, gái bán dâm phản ứng khá gay gắt với kế hoạch cải tổ phố đèn đỏ. Họ lên tiếng lo ngại về sinh kế và sự an toàn của bản thân.

Người đứng đầu tổ chức “Red Light United” cũng bày tỏ sự hoài nghi về những giải pháp mà nữ thị trưởng đưa ra. "Gái bán dâm sẽ thu hút khách hàng như thế nào nếu những ô cửa kính đóng lại”, người đứng đầu tổ chức “Red Light United” đặt câu hỏi. Đồng thời, nếu di chuyển nhà thổ ra những khu vực khác thì sẽ bất tiện cho hoạt động mại dâm.

Bà Halsema khẳng định quan điểm không muốn hình sự hóa hoạt động mại dâm. “Hầu hết các chuyên gia cho rằng, coi mại dâm bất hợp pháp làm tăng khả năng buôn bán và tấn công phụ nữ. Chúng tôi hợp pháp hóa mại dâm vì điều đó mang lại cho phụ nữ cơ hội tự chủ, độc lập", bà Halsema nói.

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.