Thứ ba là ngày đầu tuần

Nam quốc dị truyện 25

Thứ Sáu, 28/02/2014, 08:28

Nhớ thầy đồ xưa "yêu cho roi cho vọt", mỗi lần xử phạt thì trò đều phải dâng roi lên và nằm sấp cho thầy quất vào mông. Đòn đau không phải cho hả giận mà để khắc cốt ghi tâm tu thân dưỡng tính. Nhưng thời đại đã khác xưa, sao cứ phải giữ nguyên nếp cũ?

Ai về đất võ mới hay
Thầy trò tỷ thí, chân tay thay đầu?

Người Nam Quốc cốt cách ngang tàng chọc trời khuấy nước nên cũng ưa dùng cơ bắp giải quyết tất cả. Vừa rồi, vùng đất võ xảy ra việc thầy trò hỗn chiến khiến trường sở lo âu. Clip quay ngắn thôi. Học sinh mất trật tự, thầy giáo xét xử. Tiếng thầy quát hổ oai dũng mãnh. Mỗi tiếng quát kèm theo một đòn dời non bạt núi. Bốn cái tát kiểu hùng chưởng (tay gấu) liên tiếp vả vào má học trò. Cậu học trò đất võ căng mặt chịu đựng. Đòn đánh tới chan chát mà chưa thấy khóc nhè.

Kết thúc chùm đòn, thầy tung một quả thôi sơn quyền giữa mặt. Nhận quả thứ năm thì  cậu học trò loạng choạng bật lùi một bước. Tức nước vỡ bờ, học sinh thứ hai bước lên phản đối. Thầy vừa cảnh cáo vừa vả tiếp một chưởng nhằm vào học sinh thứ hai như đòn dằn mặt. Học sinh này nộ khí xung thiên không nhịn mà tung ngay quyền giáng trả. Học sinh thứ nhất cũng phối hợp nhóm dồn thầy vào góc lớp. Thầy vừa thoái bộ vừa tay công tay thủ nhịp nhàng thượng hạ không dám khinh suất cho đến khi học sinh cả lớp ào lên kêu dừng tay.

Việc vỡ lở, ngành giáo dục trung ương địa phương đau đầu, dư luận chia rẽ. Người cho rằng học sinh quá coi thường chữ "lễ",  Người cho rằng thân thể học sinh bị xâm phạm thô bạo là man rợ.

Minh họa: Lê Tâm.

Nhớ thầy đồ xưa "yêu cho roi cho vọt", mỗi lần xử phạt thì trò đều phải dâng roi lên và nằm sấp cho thầy quất vào mông. Đòn đau không phải cho hả giận mà để khắc cốt ghi tâm tu thân dưỡng tính. Nhưng thời đại đã khác xưa, sao cứ phải giữ nguyên nếp cũ?

Lại nói chuyện hỗn chiến trên. Thầy dùng thôi sơn quyền này rất ân hận về việc đã không biết kiềm chế nên tung đòn cho hả giận. Chỉ có quả đấm thôi mà vừa sỉ nhục học trò và hạ thấp phẩm cách người kỹ sư tâm hồn. Thực ra việc này cũng không quá phổ biến. Các thầy dùng cơ bắp cũng họa hoằn bất đắc dĩ trong trường hợp tự vệ. Bởi nhất quỷ nhì ma thứ ba thì biết rồi đấy.

Các phụ huynh phẫn nộ trước việc học trò sòng phẳng quyết đấu và cho rằng đó là điều vô giáo dục. Cũng có người cho rằng học trò biết bảo vệ mình, đó là những học trò biết tự trọng. Xứ này có cả những cơ quan chuyên trách bảo vệ bà mẹ trẻ em, nhưng xem ra hiệu quả chẳng bao nhiêu. Như vậy công ước quyền trẻ em phỏng có ích gì? Việc triệt tiêu quyền tự vệ của trẻ em có phải là đúng đắn hay không? Ô hay! Trong các quyền cơ bản của con người thì xâm phạm vào cơ thể là xâm phạm đến quyền tự do cuối cùng. Vậy sự phản kháng sao không coi là lẽ hiển nhiên. Học trò cũng là con người. Sao không biết hóa giải bằng lời? Thầy chẳng đủ trí phải dùng gân cơ mà trò cũng chẳng đủ khôn tháo thân kêu cứu nhà trường? Người ta nói "Kẻ khôn ra miệng, người đần ra tay" quả không sai.

Nếu học trò từ ấu thơ cúi đầu chịu nhục thì lớn lên có thể gọi là con người không?

Ngẫm ra xứ tây dương kỳ dị, người ta cho trẻ con cả quyền học giỏi cả quyền học dốt tùy theo năng lực, nhưng không cho phép học sinh đánh mất lòng tự trọng. Đấy mới là cái cốt lõi của việc trồng người. Ngẫm ra:

Ấu thơ nhẫn nhịn cúi đầu
Lớn lên công hiến ra sao cho đời?

Muốn biết có chuyện gì kì dị, xin đọc số CSTC sau sẽ rõ

Lê Tâm
.
.
.