Thứ ba là ngày đầu tuần

Nam quốc dị truyện 33

Thứ Ba, 22/04/2014, 11:21

Ở nơi nào liến thoắng nói về trung thực thì ở nơi đó người ta hay nói dối. Nam quốc cũng là xứ nói liến thoắng về trung thực.

Câu cửa miệng của người Nam quốc là “Chả giấu gì bác” cho thấy giấu giếm là mặc định. Hay một câu khác: “Em nói thật với anh chứ…” lộ rõ không thật mới là mặc định. Ô hay? Có người mở miệng ra là thề độc. Đầu tiên là thề có giời biết đất biết, tôi và bác biết. Nếu em mà nói dối bác thì sẽ bị giời đánh thánh vật. Cứ nói thế đi. Chả thấy ai nói dối ra mồm mà thánh vật ra xẻo lưỡi. Có người còn dọa, em mà nói dối thì em chết ngay trước mặt bác. Tuy vậy, nói xong, họ vẫn đi nhậu, đủ thời gian đi chơi golf và sống giàu sang đến cuối dời. Thề độc cũng là biện pháp khi người ta hoài nghi. Tin nhau rồi thì thề làm gì nữa. Thế mà vẫn chưa đủ. Sau khi tìm đủ mọi thứ ra để thề thì người ta thề có ngọn đèn. Cái bóng đèn sợi đốt Rạng Đông thì có quyền lực gì chứ?

Vừa rồi bệnh sởi lan truyền chóng mặt, trẻ em đau ốm liên miên, Có tới hơn 100 ca vong mạng, mà bộ vẫn khẳng định không giấu dịch. Các quốc gia khác, khi không kiểm soát được dịch, con số chết người chỉ mới tính đến hàng chục thì bộ trưởng y tế của họ đã nhận trách nhiệm và xin từ chức. Họ biết rõ sự bất lực và đủ văn hóa để đặt quyền điều khiển vào tay người có tài hơn mình.

Lại nói chuyện xứ Nam quốc hăng hái nhận đăng cai ASIAD. Cái ngày hội ấy là ngày hội tưng bừng tốn kém. Để đáp ứng cần phải tốn quá nhiều công trình. Kinh phí đâu ra nếu không phải vay mượn. Nhưng vài quan chức Nam quốc quyết tâm làm để nâng vị thế trên tầm thế giới. Bệnh này gọi là “sĩ diện hão”. Những người ủng hộ thì vẽ ra tương lai thu hút khách du lịch, tương lai không bỏ hoang nhà thi đấu… Vị thế cao sang thế nào thì chỉ có ông to bà lớn trí tuệ siêu phàm biết và tự hào chứ nhân dân bới đất lật cỏ kiếm ăn thì biết chắc lưng mình sẽ phải gánh nặng thêm cong lần nữa rồi. Đời bố vay thì đời con trả chứ trốn đâu cho thoát.

Dân gào khóc rất to, tiếng khóc dội qua ruộng đồng lan trên mặt báo, vang qua mạng internet. Tiếng khóc khiến giời đất cũng mủi lòng. Thế là lãnh đạo phải bàn lại và quyết định bỏ đăng cai cái ASIAD sĩ diện hão kia. Nói rộng ra, xứ này kỳ lắm, nếu như du khách chỉ muốn đến để cảm nhận đời sống văn hóa lễ hội của người dân trong đời thường làng xã quanh năm thì người ta lại đẩy tất cả đời sống văn hóa vào một sự kiện duy nhất trên một cái sân khấu lòe loẹt của lễ hội. Và tất nhiên, phải được truyền hình trực tiếp cái sự kiện tiền tỷ cùng viếc giới thiệu hàng loạt ông lớn có vỗ tay. Sự trình diễn hóa mọi thứ đã biến toàn quốc thành hàng trăm hàng ngàn cái sân khấu. Những hội làng thế này bị những người thẳng thắn gọi là khu vui chơi tham nhũng. Người trung thực thì ít và bị ghét. Nhưng điều chân thật bao giờ cũng bó tay trước sự kiện hàng mã. Sân khấu vốn có biểu tượng là cái mặt nạ. Mặt nạ chỉ hay trong nghệ thuật chứ đời thường phải mang nó thì quá sức đùa dai.

Dân Nam quốc hay tự cho mình tinh khôn chỉ có dân năm châu toàn đần độn. Thế nhưng cái đần độn của họ dẫn họ lan tỏa văn hóa, khoa học kỹ nghệ xuống đáy biển, bay lên mặt trăng từ quá lâu rồi.

Thế nên có thơ rằng:

Khôn ngoan chẳng lọ thật thà
Truyền đời diễn kịch ai mà dám tin?

Muốn biết Nam quốc có gì kỳ dị, xin đọc CSTC số sau sẽ rõ

Lê Tâm
.
.
.