Nam quốc dị truyện 47

Thứ Ba, 29/07/2014, 09:51

Chỉ trong 7 ngày của tháng 7, hàng loạt thảm họa hàng không đã làm cho thế giới sống trong sợ hãi. Ít nhất 3 máy bay dân sự, 2 quân sự của châu Á, Âu và Phi đã rơi trong nguyên nhân mù mịt. Dù sao thì theo tổ chức ICAO thống kê, hàng không vẫn là phương tiện an toàn nhất trong tất cả với tỷ lệ 3 đến 4, 2 vụ/1 triệu chuyến bay.

Chuyện nhỏ, dân Nam Quốc xưa nay không biết sợ là gì, cái họ oải nhất là trễ chuyến. Người Nam Quốc lúc nào cũng vội hộc tốc nốc gan, chèn nhau trên đường nhưng đích đến chẳng phải công to việc nhớn gì mà đôi khi chỉ đơn giản là để nhâm nhi tách cà phê. Vì vậy họ gay gắt việc đì lây ghê lắm. Nhà tàu thì sợ lỗ nên dồn khách như xe bus. Bộ trưởng Giao thông đã chỉ rõ lỗi này. Thay vì giải quyết các vấn đề kỹ thuật, kinh tế để chuẩn giờ thì một sáng kiến đã đưa ra giúp cho thượng đế có thể ngủ thoải mái khi chờ chuyến. Hơn chục buồng ngủ đầy đủ tiện nghi và wifi đã được triển khai khi diện tích sảnh chờ không đủ cho người có vé. Chi trả cho căn buồng này chả kém gì giá ở khách sạn 3 sao. Hiện các buồng ngủ này đã được lên truyền hình để toàn quốc ngắm tỏ tường. Sau nhiều ý kiến qua lại thì Cục Bay lượn tạm cho ngừng hoạt động buồng ngủ. Không ngừng cũng khó vì nó đã hỏng. Chỉ trong mấy ngày đầu hoạt động thì thiết bị nguồn và dây nối TV… của buồng ngủ đã bị lấy trộm. Chẳng lẽ quay lại thời kỳ 1 mét vuông 4 thằng kẻ trộm. Các hãng bay lượn của Nam quốc tự hào rằng mình luôn đảm bảo loại trừ các yếu tố uy hiếp an toàn bay. Bất kỳ thượng đế nào vượt quá giới hạn ứng xử đều được nhân viên an ninh đưa ngay xuống tàu để xử lý, kể cả võ sư Teakwondo đẳng cấp quốc gia hay các thượng đế vui tính thích tự ý mở bung cửa EXIT trên sân bay.

Thế mà khâu an toàn lại bị vi phạm từ chính những nhân viên bay lượn. Việc máy bay hạ cánh nhầm sân bay hoặc máy bay được nhận lệnh cất cánh khi máy bay khác chưa ra khỏi đường băng vẫn chưa nguôi thì tiếp theo lại là sự cố liên quan đến kỹ thuật dẫn bay của nhà tàu đêm 23/7. Các thượng đế trên tàu không được sử dụng điện thoại để đảm bảo cho liên lạc tổ lái và kiểm soát viên không lưu, nhưng chính kiểm soát viên không lưu lại gây mất liên lạc tới 4 phút do sử dụng không thạo thiết bị nghe nói. Đây là giai đoạn hạ cánh, sự liên lạc không được phép sai lầm. Với 4 phút mù lòa này, nó buộc phải bay lên, câu giờ tìm cơ hội. 4 phút này, máy bay đã trở thành vật thể bay dạng khiếm thị, khiếm thính. Hàng trăm hành khách trên boong và những người dưới mặt đất bị thảm họa lơ lửng trên đầu chỉ vì lý do lãng xẹt này. Thế mà nhiều quý cô lầm tưởng phi công biết rõ đường mình bay lắm nên có người nói thế này:

Em ước chồng giống phi công/ Máy bay anh lái cứ như không/ Tọa độ chỗ nào anh rõ hết/ Khỏi phải vòng vèo, đỡ mất công.

4 phút thì người ta chưa uống hết tách cà phê, nhưng với tốc độ hành trình thì máy bay đã quá đi vài chục km bơ vơ cô tịch và không biết mối đe dọa nào rình rập ở đường bay âm u phía trước. May mắn là con chim sắt đã lượn vòng hạ cánh lần 2 đầy may mắn khi thiết bị nghe nói đã thông. Sự cố này được xếp loại D trong bảng xếp loại giảm dần từ A đến E trong uy hiếp an toàn bay, nghĩa là không nghiêm trọng. Chuyện nhỏ. Các thượng đế chẳng quan tâm lắm vì không ít người cẩn thận khấn vái mong được cô thương rồi. Một người thành tâm, cả chuyến được nhờ.

Vậy có thơ rằng:

Ngán gì bay lượn như chim
Cô thương phù hộ vẫn êm mọi đường.

Muốn biết Nam quốc có gì kì dị, xin xem CSTC số sau sẽ rõ

Lê Tâm
.
.
.