Thứ ba là ngày đầu tuần:

Nam quốc dị truyện 55

Thứ Năm, 25/09/2014, 09:57

Trong thời đại bùng nổ thông tin thì người Nam quốc là người đi đầu. Thoát nghèo ngoạn mục, từ tâm thế lúc nào cũng chỉ lo ăn thì bây giờ, cư dân chỉ lo tin tức. Có bất kỳ chuyện gì xảy ra là bận mấy thì bận cũng phải bỏ việc mà chạy ra. Thấy có ai hô "Các mẹ ơi" là họ lập tức kê dép ngồi hóng. Thấy ẩu đả to tiếng là buông bỏ vội bát cơm tấp tểnh mà chạy tới. Xem ra câu "thấy miếng ăn tìm đến, thấy đánh nhau tìm đi" đã lỗi thời.

Những người hiếu kỳ sẽ tụ thành một thứ gọi là đám đông kì dị. Những đám đông dị thường này thường xuyên xuất hiện rất nhanh khi có biến. Nó không chỉ làm cho cảnh sát khó khăn trong tiếp cận hiện trường mà trong những trường hợp khác thì cản trở giao thông, gây ùn tắc, thiệt hại thời gian và tiền bạc cho chính những người dân. Hầu hết các đám cháy đều khó dập do người xem bít hết đường chạy của cảnh sát.

Đám đông thì nhiều kiểu. Cái gì cũng tụ hội được. Khi thì xem đánh cẩu tặc, khi thì ngó vào một tai nạn, chứng kiến người trôi sông, trẻ bị bỏ trong thùng rác, cảnh người dọa tự tử, tụ tập ở đám tang người nổi tiếng để xem mặt các thần tượng đến viếng…

Mới cách đây vài hôm có vụ côn đồ đấu súng. Súng nổ đì đọp mà bà con kéo đến xem đông quá. Ai cũng lăm lăm điện thoại để quay phim chụp ảnh. Tình thế nguy hiểm đạn lạc tên bay mà bà con vẫn hớn hở chen vai thích cánh không dưới nghìn người loạn cả xóm. Cảnh sát đã hết sức khuyên nhủ về mối nguy hiểm này, nhưng việc hào hứng "xem phim" của dân chúng thì còn cao hơn nhiều. Mỗi người dù muốn hay không muốn đã trở thành một phóng viên chiến trường.

Minh họa: Lê Tâm.

Ngay lúc đó, họ đã có thể up lên mạng xã hội như tường thuật tại chỗ. Các nhà báo chuyên nghiệp không còn chỗ để cạnh tranh nữa. Tất nhiên có thể hiểu sự hoán đổi vị trí của chuyên nghiệp và nghiệp dư trong báo chí đã xảy ra ở toàn cầu và đang lan vào Nam quốc. Nhưng Nam quốc thì hoán  đổi mọi vị trí trong cơ cấu một cách không nơi nào có được. Thí dụ:

Nhân lực bị kỷ luật của ngành A lại bị chuyển sang phụ trách ngành B thì đã sao nào?

Chuyện thì kỳ dị nhưng chẳng có gì mà ầm ĩ. Có thể do bản sắc người Nam quốc chẳng mấy khi nặng nề quyết liệt chăng? Có gì đâu mà lăn tăn. Việc ngồi nhầm chỗ là việc bắt đầu từ thời tiểu học cho đến khi chuẩn bị hạ cánh an toàn. Khi bé thì ngồi nhầm lớp. Khi trưởng thành thì tính chuyên nghiệp bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Người quản lý không nhất thiết phải biết chuyên môn, thành ra cái câu "trải thảm đỏ" tìm người tài để  "chọn mặt gửi vàng" cũng có thể đưa đến tình trạng vàng thau lẫn lộn.

Khi có cương vị thì người ta dĩ hòa vi quý, khi hạ cánh an toàn thì đấu tranh không khoan nhượng. Trong cơ thể mà các cơ quan làm không đúng chức năng thì cơ thể đó mất cân bằng, đảo lộn kinh lạc và huyệt đạo, tất sinh bệnh. Bệnh này gọi là bệnh hồn nhiên. Sự chuyên nghiệp và nghiệp dư trộn lẫn khó mà bóc tách.

Nhiều lúc nghĩ cũng thấy thú vị, có bộ trưởng leo đèo vượt dốc về vùng sâu, vùng xa đu dây xuống tận vực thị sát tai nạn… trong khi đó, một ông xe ôm lại thao thao bất tuyệt với chủ quán chè xanh về chiến lược nhân sự cao cấp của đất nước trong vài nhiệm kỳ tới. 

Vậy có thơ rằng:

Đôi khi cơ chế rất hư
Chuyên nghiệp tự kỷ, nghiệp dư dẫn đường

Muốn biết Nam quốc có chuyện gì kỳ dị, xin xem CSTC số sau sẽ rõ

Lê Tâm
.
.
.