Nâng cao hay nâng thấp?

Thứ Tư, 16/08/2017, 15:05
Giật mình thấy điểm chuẩn vào ngành Sư phạm năm nay thấp kỷ lục. Ngoài những trường đại học sư phạm trọng điểm như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Sư phạm TP. Hồ Chí Minh có điểm trúng tuyển dao động ở mức từ 17 - 20 điểm thì hầu hết các trường sư phạm còn lại điểm trúng tuyển chỉ bằng điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.


Đáng báo động, ở khối trường Cao đẳng Sư phạm địa phương, có  trường trúng tuyển chỉ cần từ 9-10 điểm, đã bao gồm điểm cộng. Chuyện khó tin nhưng có thật, thí sinh chỉ cần được 3 điểm mỗi môn là trúng tuyển.

GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói: "Điểm chuẩn các trường sư phạm thấp chỉ bằng điểm sàn của bộ, đó là một thảm hại. Mọi sự thành công của nền giáo dục của một quốc gia phụ thuộc vào đội ngũ giáo viên. Giáo viên phải giỏi thì chất lượng giáo dục của quốc gia ấy mới tốt được".

Minh họa của Tả Từ.

Một nhà sư phạm cao niên, người được nhiều phụ huynh gửi gắm con em mình nói rằng: "Nhiều phụ huynh gửi con em cho tôi xin cho cháu học nâng cao. Tôi nói với các phụ huynh rằng tôi không dạy nâng cao mà chỉ nâng thấp".

Chúng ta tưởng rằng con em đã có nền kiến thức cơ bản đầy đủ. Rất tiếc là chưa.

Nhà sư phạm cao niên cho rằng cái nền móng thấp nhất phải vững vàng thì mới xây được công trình vạm vỡ. Muốn nền móng tốt thì giáo viên dạy ở cấp học đầu tiên phải giỏi và hoàn hảo nhất có thể.

Nhưng thực tế thì việc đầu tư cho bậc đầu tiên của các bậc học lại chưa được đầu tư đầy đủ. Với trình độ dạy dỗ như vậy, các học sinh dần bị lệch kiến thức. Điều này thể hiện rõ khi các em trưởng thành.

Trong một vài sự kiện tôn vinh học sinh "gà nòi" đoạt giải các kỳ thi quốc tế gần đây có hiện tượng các em đã có thành tích nhưng chưa ngoan. Các cán bộ tổ chức sự kiện than thở khi một số "ông nghè" không biết ứng xử đúng mực và thậm chí đã phải phê bình nghiêm khắc những "ông nghè" đó. Bởi những "trạng" đã tự phụ, không biết chữ "lễ", thờ ơ trách nhiệm với cộng đồng.

Có sự lúng túng về triết lý giáo dục. Sản phẩm giáo dục sẽ ra sao? Nhà giáo, TS Ngô Tự Lập cho rằng ít nhất, giáo dục và đào tạo phải đưa con em chúng ta sẽ trở thành con người viết hoa và con người lao động. Con người viết hoa cần giáo dục; Con người lao động cần đào tạo. Đào tạo có thể ngắn, nhưng giáo dục phải sớm, lâu dài.

Chúng ta đã có những mô hình giáo dục sáng tạo như trường tiểu học thực nghiệm của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Khi ấy, trường quy tụ được nhiều giáo viên giỏi nhất và tâm huyết với nghề nhất. Kết quả, phần nhiều học sinh của trường này khi lớn lên đều thành công về sự nghiệp và có ý thức cao về nguồn cội. Như vậy, việc “nâng thấp” đã được quan tâm từ thế kỷ trước.

Trong thời kỳ mở cửa, thói quen đua thành tích đã làm méo mục tiêu của cả giáo viên và phụ huynh. Nhiều phụ huynh cố nhồi nhét con em quá tải kiến thức. Con em họ đã trở thành một dạng thợ toán, thợ lập trình, thợ âm nhạc nhưng không thành một con người đúng nghĩa.

Đầu tư khôn ngoan nhất là đầu tư cho giáo dục. Các quốc gia phát triển trên thế giới đều làm như vậy. Có thể tham khảo mô hình giáo dục của Phần Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... "Vì sự nghiệp trăm năm, phải trồng người". Sự nghiệp chung của nhà trường và gia đình, cần quan tâm đến “nâng thấp”. 

Từ thuở lọt lòng, bậc mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở. Những gì ấn tượng nhất, ảnh hưởng nhất tới nhân cách một con người là ở tuổi ấu thơ. Đầu tư thu hút nhân tài về giảng dạy các bậc học cơ bản thì nền giáo dục mới cất cánh được. Có con người đúng nghĩa thì đất nước mới thành hổ thành rồng.

Còn bạn. Bạn muốn nâng cao hay nâng thấp?

Lê Tâm
.
.
.