Nẻo mưu sinh của gánh xiếc rong ba đời

Thứ Tư, 03/08/2016, 14:15
Trải qua nhiều biến cố tưởng chừng như rã gánh giữa đường, bệnh tật xui ngã, giờ đây ở tuổi ngoài 70, nghệ sĩ xiếc Ngọc Viên vẫn đầy niềm tin khi gia tài lớn nhất của ông: những đứa con nuôi đã trưởng thành dưới mái nhà gánh xiếc mang tên ông.



Gánh xiếc gia đình cuối cùng

Xuất thân trong gia đình không ai theo đuổi nghệ thuật nhưng ông Nguyễn Văn Đức - nghệ sĩ Ngọc Viên (sinh năm 1946 ở Đồng Nai) đã bén duyên với nghề từ khi còn trai trẻ và đến nay, hơn nửa thế kỷ tuổi nghề, hơn 70 năm tuổi đời, gánh xiếc Ngọc Viên do ông gầy dựng là gánh xiếc gia đình cuối cùng còn tồn  tại ở Sài Gòn. Từng ấy năm hoạt động là thời gian chứng kiến ông thu nhận, dạy dỗ hàng trăm học trò, con nuôi và cho họ vốn hành trang ra đời tự mưu sinh.

Nghệ sĩ Ngọc Viên (Nguyễn Văn Đức) bên sân khấu riêng của đoàn vừa được xây dựng tại Phú Quốc.

Căn nhà cấp 4 nép trong một con hẻm ở con đường Nguyễn Thần Hiến ngoài rìa quận 4, TP Hồ Chí Minh là nơi trú ngụ của gần 20 con người, bao gồm ba thế hệ gia đình ông và một vài người con nuôi. Trong 5 người con của ông, có hai người không theo nghề. Ngôi nhà của vợ chồng người con út cách đó không xa kiêm thêm một sàn tập thứ hai cho gánh xiếc. Ngồi cặm cụi bên chồng tranh tôn giáo làm gia công ở tầng hai căn nhà ọp ẹp, ông nói, đây là chút vốn mưu sinh của gia đình ông trong những lúc không có show diễn.

Cùng làm chung với ông có con trai giữa Minh Quang, người chuyên đóng vai ảo thuật gia. "Cho con theo tôi biểu diễn từ nhỏ nhưng tôi quan niệm chúng phải học hành đàng hoàng để tiến thân, chứ không theo xiếc mãi được. Minh Quang và người em út Minh Tâm đều đã có bằng đại học. Ngoài những show diễn, Minh Tâm còn có công ty riêng chuyên tổ chức sự kiện nên tôi cũng yên tâm chúng sẽ sống ổn", ông tự hào.

Giác ngộ Thiên Chúa cách đây 10 năm, ông tâm sự, niềm tin vào đạo giúp ông vượt qua được nhiều biến cố trong cuộc sống. Mỗi khi có đơn hàng gia công, ông lại nhận về từ 100-300 tấm tranh Chúa để in ảnh, bọc gỗ hay đóng khung, bỏ cho các nhà sách, nhà thờ. Mỗi bức làm ra "chỉ lời vài nghìn đồng", nhưng  ông cảm thấy hạnh phúc vì có thêm đồng ra đồng vào, đồng thời giúp nuôi dưỡng thêm niềm tin tâm linh.

Chỉ vào hai gác đúc cơi nới thêm trên tầng hai để có đủ chỗ chất đồ nghề, ông cười: "Nhà chỉ có hai lầu thôi, xây thêm thành thử ra nhà thành bốn lầu. Thấy vậy nhưng vẫn không đủ chỗ để chứa thêm dụng cụ biểu diễn vì mỗi lần đi diễn là gia đình tôi lại sáng tạo thêm chất liệu mới".

Trong căn nhà hẹp, hàng trăm thứ linh tinh từ đồ dùng sinh hoạt đến xe đạp, vòng lửa, mũ nón,... để biểu biễn được cẩn thận kê ở mọi ngóc ngách, muốn đi lên cầu thang phải nhón chân nép vào. Ở tầng thượng, nơi người con trai cả đang loay hoay với đàn bồ câu, nghệ sĩ cho biết tận dụng làm một góc phòng nhỏ thờ cúng và đặt các loại máy móc để chế công cụ xiếc.

"Gánh xiếc mồ côi"

Từ suốt 50 năm tồn tại, gánh xiếc này là nơi nuôi dưỡng ước mơ của hơn 300 đứa trẻ khó khăn. Khệ nệ ôm xấp hình chất đầy trong thùng giấy ra, ông chỉnh gọng kính xem lại từng tấm và chỉ tên từng người học trò.

Khuôn mặt ông bừng sáng khi chỉ vào ảnh một cậu bé đen nhẻm tên Ngọc Thuận, theo ông từ những ngày đầu ở An Giang và giờ đã có gánh xiếc riêng cho mình ở miền Tây. Một cậu bé gầy gò khác trong một tấm hình, anh Quang, là một trong những con nuôi của ông Đức theo ông từ khi còn 14,15 tuổi và đến giờ vẫn hàng ngày tới lui nhà ông để tập luyện. Nghệ sĩ thoáng một nụ cười dễ chịu khi lục tìm được tấm ảnh của cậu bé mồ côi Minh Tân, giờ đã là thầy của một gánh xiếc chuyên biểu diễn kung-fu nổi tiếng khắp Sài Gòn.

Ông nhớ lại: "Khi vẫn còn lại cậu trai trẻ học lóm nghề từ những gánh xiếc rong quê nhà trước 1975, các gánh Sơn Đông mãi võ, gánh xiếc của tôi chỉ có duy nhất mình tôi tự mày mò vừa học vừa diễn. Đến khi lấy vợ, tập tành cho vợ theo nghề, đỡ buồn hơn khi đã có đôi có cặp. Rồi 5 đứa con lần lượt ra đời theo cha mẹ sáng tập, tối biểu diễn từ những năm 1980 đến nay".

"Trong quãng đường hành nghề, như một cái duyên, đi đến đâu thấy những đứa trẻ mồ côi hay hoàn cảnh khó khăn, tôi thu nhận về dạy cho chúng biểu diễn lấy cái nghề sinh nhai", ông nhớ lại, "những đứa con nuôi cùng sống, cùng quây quần bên mâm cơm như những đứa con ruột khác. Có đứa tập tành từ nhỏ, lớn lên bấu lấy nghề để truyền lại cho thế hệ kế tiếp, có đứa không bám trụ được, có đứa bỏ giữa chừng để đi học. Gần 20 nhân lực chính của đoàn bây giờ, có những đứa con nuôi còn trụ lại được với tôi sau từng ấy năm và các thành viên trong gia đình", ông chậm rãi.

"Cả trăm học trò đã đi qua gánh xiếc này nhưng còn ở lại với tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khi chúng muốn rời đi, tôi không tiếc khoảng thời gian dạy dỗ vì xem nơi này là cây cầu giúp chúng bước qua cuộc đời mới. Mấy đứa nhỏ nếu không thành danh thì cũng thành nhân", ông bộc bạch. Giờ ở tuổi ngoài 70, ông vẫn miệt mài chạy đi chạy về giữa hai sân tập để dạy cho những cô cậu nhỏ khác.

Vất vả mưu sinh

Nghệ sĩ hồi tưởng, những năm đầu thập niên 1980 xuyên suốt cho đến cuối thập niên 1990 là chuỗi thời gian hoàng kim của gánh. Không riêng gì ông, hầu hết các gánh xiếc khác cũng có nhiều show diễn khi thời ấy, phương tiện giải trí còn bị bó hẹp.

Con trai Minh Tâm của ông Đức đang biểu diễn tại một trường học.

Địa điểm diễn của gánh xiếc không còn rải dọc ngoài Bắc trong Nam như trước nữa mà chỉ còn loanh quanh khu vực Sài Gòn và lân cận: Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre, Long An, An Giang, hễ ở đâu có show là đoàn lại đùm túm nhau đi.

"Từ ngày đi diễn đến giờ cũng có mấy lần khiến tôi tưởng như phải bỏ nghề. Sự cố trầm trọng tôi gặp phải không thiên tai thì cũng nhân tai", ông Đức chậm rãi kể. Tai nạn nhớ đời nhất trong nghiệp diễn của ông xảy ra trong một lần về diễn ở An Giang năm 2001, khi nhân lực đã chuẩn bị sẵn sàng hết thì một cơn lốc ập tới cuốn phăng mọi thứ. Gia sản mất hết, vợ con ông ôm đùm túm nhau về gầy dựng lại từ con số 0.

Một kỷ niệm vừa kinh hoàng vừa nhớ đời, là khi đoàn đi diễn ở Bến Tre. Ở vùng sông nước phương tiện đi lại khó khăn chỉ có ghe xuồng, cả đoàn phải nép nhau ngồi ôm mớ đồ nghề lỉnh kỉnh trên chiếc ghe lớn đến chỗ diễn. Khi gần đến bờ, gặp sóng lớn, ghe chòng chành rồi lật nghiêng, mọi người phải thi nhau cứu đồ, cứu mạng. "Nhưng cũng may lần ấy thiệt hại không nhiều, đêm diễn vẫn được suôn sẻ", ông cười.

Khi mà thiên tai không khiến con người nhụt chí nhưng nhân tai đến bất ngờ làm con người không trở tay kịp. Thời gian lang bạt của gánh Ngọc Viên được đền đáp bằng sân khấu cố định tại một công viên. Đổ hết tiền bạc vào đó, nhưng rốt cuộc ban quản lý cắt hợp đồng làm ông Đức choáng váng. Gia đình ôm số nợ lớn, nhà cửa cầm cố. Người nghệ sĩ già ôm đơn đi kiện, đeo đuổi mãi cho đến khi được đền bù 20 triệu đồng, căn nhà được ngân hàng cho trả góp thay vì phát mãi.

Đó là ngày tháng khó khăn nhất của kiếp rong ruổi, show diễn khi có khi không, phải chạy gạo từng bữa. "Cách đây 12 năm, khi bất ngờ bị thu hồi rạp, chúng tôi ngơ ngác trông chờ vào những việc tay trái của mình, cầm cự để nuôi nghề. Thời gian đó tôi còn phải chạy vạy đi mua gạo góp thường xuyên. Mà dường như biến cố khi ập đến là đến cùng một lúc để thử thách con người. Tôi bất ngờ bị nhồi máu cơ tim, lại thêm căn bệnh gai cột sống hành hạ, không đi đứng được mà chỉ có nằm lết. Mua viên thuốc giảm đau vài nghìn còn không đủ tiền", ông Đức chua chát.

Thu nhập trung bình hiện nay của gánh xiếc rất bấp bênh, ông Đức tặc lưỡi. Vào những tháng mùa khô thì đoàn có show diễn nhiều ở trường học, rạp hát, hội chợ, khu du lịch; còn gặp mùa mưa thì chỉ có show lẻ tẻ. "Vào mùa cao điểm, ngày nào đoàn cũng chạy show, mỗi tháng có khi 20-30 show. Đợt nào diễn nhiều thì trung bình mỗi người kiếm 3-4 triệu, còn diễn nhiều thì dữ lắm 6-7 triệu. 

Vậy làm sao đủ để chúng tôi huề vốn, mua sắm đạo cụ, các con còn lo cho gia đình riêng? Chúng tôi đều phải làm thêm nghề tay trái", ông chậm rãi, "như tôi đây già rồi thì chỉ làm MC cho các con diễn, rảnh tay thì trông chờ vào tiền lời từ khung tranh thư thế này thôi".

Yêu nghề như hơi thở

Vật lộn mưu sinh gần như cả đời người, nghệ sĩ nói, những khi đứng trên sân khấu, cảm giác háo hức của ông vẫn vẹn nguyên như khi còn là cậu trai nhỏ lẻn nhà đi coi múa võ. "Vui nhất là khi diễn ở trường học, tụi con nít mắt hau háu dán vào mũi kiếm, đường cưa. Diễn hề thì chúng cười lăn quay như bị chọc lét, còn khi diễn ảo thuật thì bên dưới tiếng á ố không ngừng. Mình diễn đến đâu chúng nhao nhao lên đòi mình dạy đến đấy", ông kể.

Lão nghệ sĩ tạm ngưng dòng kể để ra đón cậu cháu nội đang học tiểu học đi học về. Giở điện thoại ra khoe ảnh hai đứa cháu trai đang tập đi xe đạp một bánh rành rẽ, ông nói: "Đứa cháu tên Minh Tuấn này học xiếc từ năm 4 tuổi, rất rành ảo thuật. Tôi chỉ cho chúng biểu diễn vào ngày nghỉ, cuối tuần khi đã hoàn thành xong học văn hoá, tuy nhiên, tôi nhất quyết không cho chúng theo nghề vì đời tôi, đời cha chúng đã khổ rồi".

Thả người nhìn xa xăm vào mớ ảnh kỷ niệm trên tay, ông nói, giờ đây tuổi già đã có thể an vui khi cuối cùng cũng đã có một đơn vị xây rạp riêng cho đoàn ở khu du lịch Suối Tranh, Phú Quốc, để mỗi tháng đoàn có thể diễn cố định ở đó.

Huỳnh Duyên
.
.
.