Không có gì mà ầm ĩ cả

Ngăn chặn từ xa

Thứ Ba, 09/05/2017, 16:31
Hãy đừng để thảm họa xảy ra rồi thì mới điều tra và hỗ trợ nạn nhân. Ngăn chặn, giảm thiểu những sự cố kể trên mới là điều cần triển khai.


Sáng 7 - 5, một tai nạn kinh hoàng do xe tải lấn trái đâm đối đầu xe khách làm ít nhất 12 người tử vong. Điều đáng nói là chiếc xe tải đã đi với tốc độ của xe đua. Nó đã đâm qua rào chắn trạm thu phí và phóng điên cuồng. Kết quả thật đau lòng. Tài xế xe tải có sử dụng chất kích thích không đang là dấu hỏi.

Tìm ra được nguyên nhân thì người đã chết không thể sống lại. Ta lại ca bài ca ý thức người tham gia giao thông chăng? Hãy đặt vấn đề theo cách khác. Khi chưa giải quyết tốt phần gốc thì ngay lập tức hãy giải quyết phần ngọn. Đó là ngăn chặn. Nếu có cách ngăn chặn hiệu quả thì việc đâm xe khách đã không xảy ra.

Cách ngăn chặn thông thường là phạt lỗi quá tốc độ. Nhưng trong trường hợp này, xe tải đã cố tình vượt ra ngoài mọi khuôn khổ mà đang trở thành một mối nguy lớn tiềm ẩn một thảm họa  như một quả bom biết chạy. Ở một số nước, trường hợp tương tự, cơ quan chức năng có thể ngăn chặn bằng chướng ngại vật hoặc phá hủy phương tiện, không cho lưu thông trên đường.

Một khối nguy cơ như vậy cũng không khác mấy phương tiện khủng bố bằng xe tải ở một số nước châu Âu trong năm qua. Thậm chí việc phá hủy này áp dụng cho cả các phương tiện bay.

Minh họa của Tả Từ.

Mỗi lần gặp một thảm họa chết nhiều người, chúng ta lại ớn lạnh về tốc độ vượt chuẩn. Nhưng khi thấy Cảnh sát giao thông bắn tốc độ thì nhiều người tỏ ra bất mãn. Ít người thấy việc bắn tốc độ là sự giúp đỡ chứ không phải việc phiền hà. Hãy biết quý sinh mạng của chính mình và người khác. Đừng bao giờ cố tranh cướp một giây để mất cả đời.

Cũng rạng sáng 7 - 5, một bệnh nhân đang cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thì bị một nhóm côn đồ mang hung khí vào chém đứt khí quản. Cán bộ công nhân viên quá bất ngờ và bất lực trước sự hung hãn của nhóm này.

Trước đây, những vụ côn đồ xông vào bệnh viện không hiếm. Không ít trường hợp y bác sỹ bị vạ lây. Lương y lại bị thương khi làm nhiệm vụ. Có những trường hợp người nhà bệnh nhân mất kiểm soát cũng tấn công y bác sĩ.

Hãy đừng để thảm họa xảy ra rồi thì mới điều tra và hỗ trợ nạn nhân. Ngăn chặn, giảm thiểu những sự cố kể trên mới là điều cần triển khai. Đã đến lúc cần bố trí quy trình bảo vệ và sắp xếp lực lượng bảo vệ sao cho có đội hình lớp lang hiệu quả. Xin đừng cười nếu những kịch bản tương tự được viết sẵn và các y bác sĩ phải tập dượt không kém phòng cháy chữa cháy hay các tình huống khẩn cấp khác.

Khi hiện tượng nào đó lặp đi lặp lại thì lập tức phải đưa hiện tượng vào hệ tiêu chuẩn an toàn để có giải pháp. Khi ấy, không còn chữ bất ngờ và bất lực nữa. Các công cụ hỗ trợ không dùng đến trong trường hợp khẩn cấp thì nó thực sự vô nghĩa. Những kẻ côn đồ hung hãn cần phải trừng trị thích đáng.

 Nếu cơ quan chức năng không thể ngăn chặn từ xa hoặc ngay lập tức được thì các y bác sỹ chỉ còn cách “tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách”, hàng ngày cố mà luyện chạy 100 mét hết 12 giây mới bảo toàn tính mạng. Làm mẹ hiền thật khó làm sao.

Còn bạn. Bạn chạy 100 mét hết bao nhiêu giây?

Lê Tâm
.
.
.