Ngắn đến mấy thì vừa?

Thứ Hai, 24/08/2020, 10:29
Cơ thể con người là đẹp. Tự hào và phô bày vẻ đẹp đó là chính đáng. Trang phục hiểu như là một lựa chọn thuộc về cá nhân, luôn hướng đến sự tự do, tiện ích cho người mặc. Tuy nhiên, cá nhân luôn sống trong cộng đồng, trong các tương quan xã hội...


Sự hở hang, phô bày xác thịt, thân thể, là quan niệm đến từ phương Tây về sự toàn mỹ của cơ thể con người. Sự thực, đây là một quan niệm văn minh, tiến bộ, giàu giá trị nhân văn khi đề cao vẻ đẹp thân thể. Tuy nhiên, thái quá sẽ bất cập, ấy là khi sự phô bày thân thể ấy đi quá giới hạn, bị lạm dụng, trở nên phản cảm, phản văn hóa, gây khó chịu trong cộng đồng, thậm chí còn tiềm ẩn những nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Điều gì đã xảy ra vậy?

Nhớ lại câu chuyện Âu hóa đầu thế kỷ XX, khi con người Việt Nam mang đậm cốt cách, phong hóa Đông phương gặp gỡ với làn sóng văn minh Âu Tây, chúng ta mới thấy rằng, phương Tây đã làm thay đổi đến thế nào văn hóa, xã hội Việt Nam. Ta phì cười trước tuyên ngôn của nhà mỹ thuật cải cách trong tiểu thuyết Số đỏ của văn hào Vũ Trọng Phụng: Thời trang đến chỗ tận thiện, tận mỹ thì không che đậy cái gì của người phụ nữ nữa.

Cổ súy Âu hóa, nhưng lại cấm vợ con ăn mặc theo lối mới chính là sự mâu thuẫn của tinh thần con người trước các diễn biến mau lẹ nhưng quá lạ lẫm đến từ phương Tây. Quả vậy, khi mà hàm răng đen nhánh hạt na, áo mớ ba mớ bảy, kín cổng cao tường bắt đầu từ chỗ thấy ngượng nghịu, xấu hổ rồi dần nghiêng theo các mốt tân thời, hở ngực, hở vai, hở nửa vú, rồi các kiểu cách "thơ ngây", "lãng mạn", "ỡm ờ", "lưỡng lự", "chiếm lòng", "chinh phục" "kiên trinh", "nữ quyền", "chờ một chút"… đã vào giai đoạn thực hành thì xã hội bắt đầu chao đảo với những biểu hiện xung đột văn hóa.

Cô gái đang thắp hương khấn nguyện trong trang phục áo dài đậm nét đẹp văn hóa cổ truyền Việt.

Thế rồi, ngoảnh đi ngoảnh lại, hàm răng đen, cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen, cái yếm lụa sồi, cái dây lưng đũi… đã biến đi đằng nào, hoặc chỉ còn trong hoài niệm. Thay vào đó là các kiểu mốt tân thời phô bày vẻ đẹp thân thể người phụ nữ. Một trong những thi sĩ có nhiều ám ảnh về thân xác thời Âu hóa ấy là Bích Khê đã thốt lên: Hoan hô xác thịt chiếm ngôi thần.

Vẻ đẹp nhiều khi đã được cảm nhận ở góc độ nhục thể với khao khát nghiêng dần về phía "cái dâm": Hai vú nàng! hai vú nàng! chao ôi; Hai tay cào đôi vú trắng như bông; Đây sự thực trần truồng nằm giữa háng… Bức chân dung lõa thể trong thơ Bích Khê, bộ ngực rợn xuân tình của Kỳ nữ trong thơ Đinh Hùng, những cặp môi khăng khít gắn chặt trong thơ Xuân Diệu… là sự triển hiện của tâm thức con người hiện đại khi nhìn về vẻ đẹp và sức lay gợi của thân thể.

Thời đại ấy đi qua đã gần một trăm năm. Văn hóa lịch sử xã hội Việt Nam đã chứng kiến cuộc thương hải tang điền ghê gớm, và dần trở thành một không gian hiện đại theo hướng Âu Mỹ. Truyền thống văn hóa phương Đông chỉ còn lại đâu đó trong các di sản và trong ký ức. Xã hội đương đại chứng kiến nhưng tương thích mau lẹ của con người hiện đại. Trong dòng xoáy tang điền ấy, vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ vẫn là nguồn cảm hứng không nguôi cho các nhà thiết kế thời trang.

Nghĩ kỹ lại mới thấy rằng, câu nói của nhà mỹ thuật cải cách xã hội hồi đầu thế kỷ XX có những điều không hẳn là không hợp lý. Đó là khi thân thể bị lợi dụng, bị lạm dụng, sự phô bày quá đáng, lộ liễu khiến cho vẻ đẹp toàn mỹ của thân thể trở thành sự hở hang, lố bịch, thậm chí là khiêu khích dâm tính, đĩ tính trong con người.

Một ngày mùa thu nào đó, khi đi trên phố, bạn cảm giác thấy ngộp thở, thấy hoa mắt, loạn mắt vì váy áo, chiếc mini juyp ngắn cũn bó khít những cặp đùi thon dài trắng mịn đặt ngay ngắn song song trên chiếc xe Sh, Vision, Lead, Piaggio, Vespa… Những cái áo lửng lơ để lộ đến nửa thân người, hở một khoảng trắng đến nhức mắt từ viền đăng ten coocxe đến tận cạp quần; những chiếc quần short ngắn đến không thể ngắn hơn (nếu gọi là quần chíp thì hợp lý) để lộ cặp chân dài miên man đến tận… nửa mông.

Không ít cô gái trẻ thời gian gần đây đến với nơi thờ tự (đền, chùa...) có cách ăn mặc hở hang, phản cảm khiến dư luận dậy sóng.

Chưa hết, những bộ áo trễ vai, lệch vai, váy quây, váy bó, xẻ hông, xẻ nách, cắt cúp đủ mọi góc cạnh… khiến phía trong làn áo váy là những vùng da thịt khêu gợi, hấp dẫn thập thò. Thật chẳng biết diễn tả thế nào khi chị em luôn trong tình trạng thu bên này, vén bên kia, vươn vai thì hở rốn, cúi xuống thì hở lưng, ngồi thì khép nép đậy điệm tà này vạt nọ…

Dĩ nhiên, phố phường vì thế mà trở nên sinh sắc, cuộc sống cũng rộn ràng tươi vui hơn với nghĩa tích cực khi chị em đã ý thức đến cao độ vẻ đẹp thân thể của mình. Từ ý thức đó đến việc đòi tự do, bình đẳng, đòi được chăm sóc, bảo vệ và nâng niu, trân trọng là việc làm cần thiết. Tuy vậy, vấn đề luôn nảy sinh khi những câu chuyện đã đi quá giới hạn của nó.

Bạn sẽ ngạc nhiên và lấy làm phẫn nộ khi trong một số phiên tòa về tội hiếp dâm ở Ấn Độ, những người đàn ông phạm tội đã cho rằng, chính việc phụ nữ ăn mặc quá sexy đã kích thích đàn ông, khiến họ phạm tội. Bạn nghĩ gì về điều ấy? Dĩ nhiên, ở đây chúng ta có thể nhìn thấy sự xung đột đến mức cực đoan khi truyền thống trang phục Ấn Độ đã va chạm với lối ăn mặc hiện đại, phô bày vẻ đẹp cơ thể.

Nhưng, giữa việc phô bày vẻ đẹp thân thể ấy với khiêu dâm, hở hang, khoảng cách thực sự không quá xa, thậm chí chỉ là một thoáng tinh tế hay nông cạn, tầm thường là sự việc đã có thể khác xa nhau về bản chất. Bạn đã bao giờ rơi vào tình huống gặp gỡ một người phụ nữ mà không thể nhìn vào họ để nói chuyện được chưa? Bởi lẽ, khi mắt bạn để vào đâu cũng có cảm giác mình không lịch sự. Từ mắt, môi, má, cổ, vai, ngực, eo, đùi,… gần như được huy động để thể hiện vẻ đẹp thanh xuân, rực lửa của người đàn bà. Lúc ấy, câu chuyện sẽ trở nên rời rạc, thậm chí là gượng gạo vì hai người nói chuyện mà ánh mắt cứ phải nhìn chỗ khác để khỏi bị đánh giá là thiếu lịch sự, thậm chí có khi vô tình ánh mắt phản bội chủ thể, trở thành những ánh nhìn "sàm sỡ".

Cái đẹp tinh tế đã chuyển sang cái đẹp nhục thể, đẹp xác thịt, khiêu dâm chính là chỗ đó. Những cảm thức giới tính, bản năng thường xuyên bị/ được văn hóa kiềm chế. "Cái siêu tôi" luôn chế ngự, kiểm soát "cái ấy" và "cái tôi" để đưa nó vào các trật tự có tính văn hóa, cộng đồng.  Tuy nhiên, vì sự hở hang, lộ liễu, quá đà của trang phục, không hiếm khi văn hóa đã ngậm ngùi trở thành kẻ bại trận.

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Tâm (tamvvh@gmail.com).

Nếu bạn là phụ nữ, khi đọc đến đây, bạn sẽ nghĩ như thế nào? Bạn có nhìn nhận lại hay liên tưởng đến chính lối ăn mặc, trang phục của mình không? Tôi cá rằng, có đấy. Và bạn có nghĩ rằng, thời buổi này, ra đường nếu không hở một tí, bạo một tí, phô bày thân thể một tí, cũng như không trang điểm, bạn nữ sẽ thấy không thực sự tự tin. Khi tất cả mọi người xung quanh đều có xu hướng "hở bạo" thì rõ ràng, người phụ nữ kín đáo có lẽ sẽ khá hoang mang, dao động.

Tuy nhiên, ở khía cạnh tinh thần xã hội, việc phải phô bày thân thể một cách quá mức, nó phản ánh sự thiếu tự tin về những vẻ đẹp khác (tâm hồn, trí tuệ) hoặc sự lo lắng "rất chính đáng" về sự phôi phai của thanh xuân. Có những cách phô bày kín đáo, tinh tế, quyến rũ, nhưng cũng có những sự phô bày phản cảm, phản văn hóa, thậm chí đã đến ngưỡng của sự khiêu dâm, khi ấy vẻ đẹp thân thể cũng mất đi ý nghĩa nhân văn thực sự của nó.

Người viết bài này, trong quan điểm cá nhân vẫn cho rằng, cơ thể con người là đẹp. Tự hào và phô bày vẻ đẹp đó là chính đáng. Trang phục hiểu như là một lựa chọn thuộc về cá nhân, luôn hướng đến sự tự do, tiện ích cho người mặc. Tuy nhiên, cá nhân luôn sống trong cộng đồng, trong các tương quan xã hội. Bởi thế, sự chính đáng ấy cần phải đặt trong bối cảnh chung, có không gian của nó, nền tảng văn minh của nó, cũng như cần một trạng thái xã hội đủ chiều sâu văn hóa để duy trì tính thẩm mỹ của thân thể. Dù cơ thể có đẹp đến bao nhiêu, toàn mỹ đến bao nhiêu, chiếc lá nho vẫn là huyền thoại, bởi thế, thời trang nếu muốn còn được gọi là "thời trang" không thể đi đến chỗ tận thiện, tận mỹ là không che đậy cái gì của người phụ nữ nữa.

Nguyễn Thanh Tâm
.
.
.