"Ngất xỉu" để ăn xin hay chiêu trò lừa gạt

Thứ Hai, 02/10/2017, 12:35
Đang đi trên đường, nếu gặp một người bị ngất xỉu và có vài người đứng ra giúp đỡ, cho tiền, chúng ta sẽ làm gì? Theo như phản ứng dây chuyền, sẽ có nhiều người đồng cảm và bỏ tiền túi ra để giúp đỡ người bị ngất xỉu giống như những người tốt trước đó. Thế nhưng rất có thể, chúng ta đã bị lừa gạt bởi chiêu trò của nhóm chuyên giả ngất để ăn xin này.

Mới đây, một câu chuyện về lòng tốt đã được chia sẻ rầm rộ trên cộng đồng mạng. Theo đó, câu chuyện bắt nguồn từ một thanh niên đang đi bộ bỗng dưng ngã khuỵu bên đường. Ngay sau đó, người thanh niên này được người đi đường đỡ dậy và người dân sống quanh đó cũng xúm vào hỏi han. Anh này cho biết mình lên Hà Nội, xin vào làm bếp cho nhà hàng cách đây nửa tháng thì nghỉ việc.

Thanh niên tên Công đã "ngất" liên tục hơn một tháng ở Hà Nội.

Sau đó bị móc mất hết tiền nên nửa tháng nay đi lang thang, trong túi còn đúng vài ngàn lẻ. Nghe hoàn cảnh đáng thương của người thanh niên, người đi đường hô hào ủng hộ cho người này được hơn 400 ngàn và được một người tốt đưa ra bến xe, mua vé cho để về quê ở Đồng Nai. Khi hỏi anh có nhớ số điện thoại người nhà không thì anh này bảo có nhớ số của mẹ nhưng mẹ tắt máy.

Câu chuyện này sau khi được chia sẻ, đã có nhiều người lên tiếng bóc mẽ thanh niên này diễn trò để xin tiền người đi đường. Một số hình ảnh được đưa lên cho thấy cách đây nhiều ngày, tại một địa điểm khác người đàn ông này cũng… ngất xỉu bên vỉa hè và được người dân giúp đỡ, cho tiền. Thậm chí, có người còn cho biết, người thanh niên trong câu chuyện này tên là Công, quê ở Hưng Yên chứ không phải ở Đồng Nai.

Người thanh niên với bắp chân hoại tử xin tiền khắp Hà Nội.

Công đã dùng chiêu trò giả ngất để xin tiền suốt trong một thời gian dài trên địa bàn Hà Nội. Ngoài ra, cộng đồng mạng cũng phát hiện một người đàn ông tự xưng là Tống Văn Phong, quê ở Nam Định cũng giở trò ngất xỉu từ Bắc vào Nam để xin tiền.

Theo đó, Tống Văn Phong đi đến đâu cũng giả vờ đói ngất xỉu, viện cớ bị mất ví và giấy tờ, tay tật nguyền, không ai nhận làm... để mọi người rủ lòng thương hại rồi cho tiền, đồ ăn. Qua bao năm "ngất xỉu" những thanh niên này đã lừa được nhiều tiền của những người có lòng hảo tâm.

Theo anh Nguyễn Văn Hoàng (đường Phạm Hùng, Hà Nội) cho biết: "Năm 2016, khi đang di chuyển trên đoạn đường 5 cũ đi về hướng Hà Nội thì bắt gặp một người phụ nữ đang bế con đi trên cầu vẫy tay xin đi nhờ. Đây không phải là lần đầu tôi cho người lạ đi nhờ nên cũng dừng xe cho chị ta lên. Lên xe rồi người này mới kể lể chuyện đời bất hạnh và nói đang bế con đi thăm chồng đang nằm ở Bệnh viện Bạch Mai, trong người không còn tiền nên phải vẫy xe đi nhờ.

Nghe mủi lòng nên tôi cũng rút ra 500 ngàn cho chị ta, còn chở đến tận cổng bệnh viện. Khi chia sẻ câu chuyện này lên mạng, nhiều người mới cho biết đã từng gặp chị này vẫy xe từ cách đây vài tháng và cũng cho tiền sau khi nghe chuyện. Lúc ấy tôi mới biết mình bị lừa bằng một chiêu trò ăn xin mà tôi đã đọc trên báo từ lâu. Sau này tôi còn nghe thêm nhiều trường hợp đã "giúp đỡ" chị này trên Facebook".

Tống Văn Phong "giả ngất" từ Bắc vào Nam suốt 5 năm.

Vẫn còn nhớ cách đây một thời gian, cộng đồng mạng đã tỏ ra vô cùng bức xúc khi biết rằng mình từng là nạn nhân của một kẻ lừa đảo lòng tốt, giả vờ chân bị hoại tử để xin tiền. Đó là trường hợp của người thanh niên tên Hùng với bắp chân bị hoại tử, thường hay ngồi những "điểm nóng" giao thông ở Hà Nội như phố Chùa Bộc, Văn Miếu, Giải Phóng, Lê Văn Lương... với tấm biển xin tiền có nội dung: "Con bị tai nạn lao động máy cắt vào chân. Chủ thầu không có trách nhiệm, không có tiền chữa nên bị nhiễm trùng hoại tử. Gia đình con ở xa cũng nghèo không có điều kiện nên bây giờ chỉ mong vào lòng tốt của mọi người làm phúc thương tình mà giúp để con có tiền đi chữa trị sớm, không nhiễm trùng vào máu thì mất cả mạng. Con xin đội ơn mọi người".

Nhiều người có lòng tốt đã chia sẻ hoàn cảnh của Hùng lên Facebook và các trang mạng khác để kêu gọi giúp đỡ, từ thiện. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra nghi ngờ hoàn cảnh thật sự của thanh niên này khi muốn đưa anh ta đi chữa trị, còn gọi cả 115 đến để kiếm tra đưa đến bệnh viện nhưng đều bị từ chối.

Một người có mặt tại đó đã cho biết, ngay khi có sự chú ý của dư luận, thanh niên bị hoại tử chân lập tức gọi điện cho một người nhà đến đón về. "Người nhà" ấp úng: "Nhà không có tiền nên không đi viện được!", rồi chở thanh niên này đi luôn trước lời hứa của người đi đường "sẽ hỗ trợ 100% chi phí chữa trị khi đưa đến bệnh viện".

Vài ngày sau đó, khi hoàn cảnh "đáng thương" của Hùng được chia sẻ rộng rãi thì lại có một clip cho thấy anh ta bị một nhóm người đánh đập vì nghi là lừa đảo được đăng lên các trang mạng. Đoạn clip cho thấy sự bức xúc của người đàn ông khi biết mình bị lừa vì đã cho tiền Hùng nhiều lần. Người đàn ông này nói muốn đưa thanh niên đến bệnh viện thăm khám nhưng bị Hùng từ chối và quát: "Có cho tiền thì lấy, chứ không đi viện đâu".

Khi sự việc bại lộ, tưởng rằng thanh niên này sẽ không "hoạt động" nữa nhưng ngay sau đó, anh ta lại xuất hiện tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) để tiếp tục xin ăn vẫn bằng "phương pháp" cũ. Nhận thấy nghi vấn, Công an phương Hoàng Liệt đã kiểm tra hành chính người này và được biết tên anh ta là Phạm Thanh Hùng (SN 1985, quê gốc ở Thanh Hóa), hiện nay đang ở cùng gia đình, đăng ký thường trú tại xóm 3, ấp 4, Kiến Hưng, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.

Gia đình có hai anh em trai, bố đã mất, mẹ nghỉ hưu còn một người anh trai nhưng hiện nay không có tung tích gì. Hùng đã ra Hà Nội sống được hơn 2 năm và lang thang làm mọi nghề nhưng vẫn không đủ ăn... Tuy nhiên, thông tin trên chỉ do Hùng tự nói, Công an không tìm thấy bất kì giấy tờ tùy thân nào của người này. Nhiều người tỏ ra nghi ngờ vết thương ở chân của Hùng chỉ là do hóa trang bởi sau nhiều tháng, thanh niên này vẫn mang vết thương đó đi khắp nơi để xin tiền với chiêu trò tương tự.

Được biết, kịch bản của những kẻ lừa đảo giả vờ ngất để lừa đảo sự thương hại của người đi đường tồn tại đã nhiều năm nay tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay mới đây là Thanh Hóa. Đã có một thời gian, chiêu trò này bị lộ khiến những kẻ giả ngất phải tạm thời dừng hoạt động. Thế nhưng, trong thời gian gần đây, những kẻ giả ngất này dường như bắt đầu hoạt động trở lại. Càng ngày chiêu trò của chúng càng tinh vi hơn và có sự góp sức của đồng bọn, đóng vai "cò mồi".

Theo đó, tại một con phố đông người qua lại, một tên sẽ giả vờ ngất xỉu do đói hoặc ốm. Tiếp theo, đồng bọn của chúng sẽ đóng vai "người tốt" tới giúp đỡ, cho đồ ăn và cho tiền sau đó kêu gọi người đi đường cùng chung tay. Lý do của những kẻ chuyên… ngất đưa ra để làm mủi lòng người đi đường sau đó xin tiền thường là gia đình nghèo khó, lên thành phố kiếm việc làm rồi bị rơi tiền hoặc bị móc túi mất tiền, cần sự giúp đỡ để lấy tiền về nhà. Thế nhưng, có những trường hợp một tháng sau vẫn còn lang thang ở Hà Nội và liên tục dùng chiêu trò này để xin tiền.

Công từng giả ngất xỉu ở nhiều nơi khác.

Với truyền thống "lá lành đùm lá rách" của dân tộc, chắc chắn sẽ không bao giờ hết những kẻ giả vờ ngất xỉu, giả vờ ốm đau như đã nói trên để lừa đảo lòng tốt hòng kiếm tiền, kiếm đồ ăn miễn phí từ người dân.

Theo các chuyên gia tâm lý, từ thiện là một hành động, một nghĩa cử cao đẹp, chúng ta cũng không nên nổi giận với những đối tượng đã có hành vi lừa gạt lòng tốt của cộng đồng, mà thay vào đó, nên rộng lòng bỏ qua cho họ.

Bởi lẽ, những người có hoàn cảnh khó khăn thực sự vốn đã rất đáng thương, và những người vừa khốn khó lại vừa phải lừa gạt lòng thương hại của mọi người càng đáng thương hơn. Với trường hợp như thế, chúng ta nên rút kinh nghiệm cho bản thân, học cách tha thứ, thay vì kịch liệt lên án, phê phán những người đói khổ cả về vật chất lẫn tinh thần.

Ngoài ra, khi làm từ thiện, nên xác định rõ thông tin về đối tượng cần giúp đỡ để tránh bị lừa gạt hay nhầm lẫn đáng tiếc. Khi giúp đỡ một hoàn cảnh, cần nghĩ đến việc giúp họ cách thoát khỏi cái nghèo, cái khổ, thay vì chỉ giúp về vật chất đơn thuần. Nói nôm na là hãy đưa cho họ một cần câu cơm, chứ không phải một bát cơm, để họ tự nuôi sống mình.

Tiền bạc rồi cũng hết, chỉ lao động mới giúp họ vượt lên chính mình. Đó cũng là cách làm từ thiện thích hợp và hiệu quả nhất. Như trong những trường hợp lừa đảo lòng tốt nói trên, cũng có thể có những người khó khăn, đói khổ đến mức ngất xỉu thật sự. Vì thế chúng ta nên thật sự tỉnh táo khi làm từ thiện, giúp đúng người, đúng cách.

Phong Trâm
.
.
.