Ngày cuối năm ở xóm chạy thận

Thứ Hai, 01/02/2016, 20:55
Những ngày giáp Tết, mọi người nô nức về quê sum họp với gia đình nhưng những bệnh nhân chạy thận vẫn phải đi lọc máu định kì 3 lần/tuần để duy trì sự sống. Nhiều người sức khỏe yếu đành phải ở lại ăn Tết ở xóm trọ, còn những người khác chỉ được về quê vỏn vẹn có 2 ngày rồi lại vội vã lên Hà Nội chạy thận. Đó là những cái Tết không trọn vẹn, những cái Tết nghèo nhưng đằng sau đó còn có biết bao điều đáng kể...


Nơi đó là nhà

Xóm chạy thận Phương Mai là nơi cư ngụ của hơn 50 bệnh nhân chạy thận từ khắp mọi miền đất nước. Mọi người thuê trọ cùng nhau, mỗi phòng từ 5 đến 7 người để tiết kiệm chi phí và giúp đỡ nhau được nhiều hơn.

Anh Trương Việt Phương, quê ở Hưng Yên cho biết: "Thời gian chúng tôi sống ở xóm trọ nhiều hơn ở nhà nên lâu nay tôi vẫn coi xóm trọ là nhà và những bệnh nhân ở đây là người thân trong gia đình". Chẳng thế mà mỗi khi nấu món gì ngon, mọi người lại mời nhau sang ăn, hoặc những khi trong xóm có người ốm đau, mọi người lại chạy sang đưa đi cấp cứu...

Bà Ninh sống một mình nhưng vẫn tìm được niềm vui ở xóm chạy thận.

Trong xóm có bà Vũ Thị Ninh, năm nay 69 tuổi, quê ở Lục Nam, Bắc Giang. Bà sống độc thân nên suốt 10 năm chạy thận, bà phải tự lo cho bản thân mình. Ngoài căn bệnh suy thận giai đoạn cuối, bà còn mắc bệnh tiểu đường, suy tim, thấp khớp... Dù sức khỏe yếu phải thường xuyên nhập viện nhưng hễ khỏe hơn một chút, bà lại đi nhặt ve chai để kiếm thêm thu nhập vì khoản tiền lương hưu ít ỏi của bà không đủ trang trải cho cuộc sống.

Bà tâm sự: "Từ hồi lên chạy thận ở Hà Nội, tôi chưa bao giờ dám ăn một bát phở!". Nói rồi bà lại cười như tự động viên mình: "Chưa được ăn nhưng tôi không thèm đâu! Vì tôi đã được biết mùi vị của nó đâu mà thèm!". Câu nói của bà khiến tôi thật xót xa...

Tôi đến thăm vợ chồng bà Lê Thị Minh, quê ở Kiến Xương, Thái Bình đúng lúc hai ông bà chuẩn bị bữa cơm chiều. Ngồi tần ngần trước bát cơm, bà Minh thở dài: "Dạo này tôi ăn uống kém lắm cô ạ. Có bát cơm mà ăn không nổi. Ngày xưa nghèo khổ, đói khát thì không có mà ăn, giờ có miếng ăn ngon lại không ăn được".

Bản thân bà Minh bị bệnh thận từ khi cô con gái út lên 3 tuổi. Hồi đó, ông Hồng chồng bà thường xuyên phải chạy đi chạy lại từ nhà lên bệnh viện để chăm sóc vợ và 3 đứa con nhỏ. Ngày bà Minh xuất viện, về tới nhà, nhìn 3 đứa con quần áo nhem nhuốc, ghẻ lở trốc hết cả đầu, bà thương con đến ứa nước mắt. Dù trong người vẫn còn mệt nhưng bà vẫn cố gắng dậy để tắm cho các con.

Những tưởng cuộc sống của gia đình bà cứ thế trôi qua trong bình lặng, nào ngờ vài năm sau, bà mắc bệnh tiểu đường. Bác sỹ khuyên bà ăn ít cơm và nên ăn các loại khoai ít ngọt. Từ đó đi đến đâu, thấy có giống khoai ngon, ít đường, bà lại xin giống về trồng. Mặc dù được chồng và các con hết lòng chăm sóc nhưng hơn chục năm sau, căn bệnh tiểu đường đã biến chứng sang suy thận. Vậy là 3 năm nay, ông Hồng phải lên Hà Nội chăm sóc vợ chạy thận.

Mọi người vẫn thường ví căn bệnh suy thận là căn bệnh "người giàu cũng khóc" bởi vì chi phí chữa bệnh rất tốn kém. Chị Hoàng Ngọc Chinh, 45 tuổi, ở thành phố Nam Định là một trong những trường hợp như vậy. Chị kể, hồi còn khỏe, chị bán thịt ngoài chợ, làm ăn khấm khá nên cuộc sống dư dả. Kiếm được tiền, chị sắm sanh đủ thứ trong nhà, nào là xe máy, tivi, tủ lạnh.

Thời điểm đó, chị sẵn tiền đến nỗi, thấy nhà hàng xóm có bộ dàn karaoke, thích chí ngày hôm sau chị liền sắm về ngay một bộ để hát. Còn xe máy, chị không nhớ là chị đã thay bao nhiêu đời xe, thậm chí còn mua được xe A còng, thời đó thuộc loại xe hạng sang rồi.

Khi chị mắc bệnh, tiền của dốc vào bệnh tật cứ như "muối bỏ bể", bao nhiêu cũng không đủ. Ba tháng trời nằm viện chị mới được về nhà. Vừa về đến nhà, chị hết sức ngạc nhiên khi thấy hai cánh cửa mở toang trong khi chị biết rõ vào giờ đó, chồng chị đã đi làm, con gái lớn đã đi học còn đứa bé gửi ông bà nội. "Tại sao cả nhà đi vắng mà không khóa cửa?". Câu hỏi ấy cứ lởn vởn trong đầu chị.

Bước vào nhà, chị còn ngạc nhiên hơn nữa khi thấy căn phòng trống trơn, chỉ còn chiếc giường trơ trọi ở góc phòng. Tivi, tủ lạnh, xe máy, bộ dàn karaoke... đã không còn nữa thay thế vào đó là khoảng không vắng lặng. Nhưng chị cũng ngờ ngợ hiểu rằng, nhà đã hết tiền nên chồng chị đã bán đi để lấy tiền chữa bệnh cho chị. Giờ chị mới biết tại sao cả nhà đi vắng mà không khóa cửa. Vì nhà còn đồ đạc gì đâu mà sợ mất?

Mới ngày nào, cả gia đình đầm ấm bên nhau bỗng chốc tất cả đã tan thành mây khói. Của cải thì hết mà gia đình ly tán mỗi người một nơi. Chỉ nghĩ đến đó thôi, chị đã cảm thấy đau như đứt từng khúc ruột. Ngồi trong căn phòng tối tăm, trống trải, chị òa lên khóc nức nở...

Dạo gần đây, cầu tay (cầu nối tĩnh mạch với động mạch để chạy thận) của chị thường xuyên bị hỏng. Mới 2 tháng qua, chị đã phải làm lại cầu tay 2 lần, mỗi lần chi phí khoảng 3 triệu đồng. Chị nói trong nước mắt: "Chị phải vay mượn khắp nơi mới đủ tiền mổ cầu tay, nhưng chẳng biết có chạy được không nữa?".

Còn đó những niềm vui

Dù bị bệnh nặng nhưng bà Minh may mắn có một người chồng yêu thương vợ hết mực. Nhiều hôm đi chạy thận về, trời bỗng đổ cơn mưa, ông Hồng vội vàng nhường chiếc mũ cối của mình cho bà đội. Đến bữa cơm, có món nào ngon, ông đều gắp cho vợ ăn, ông bảo: "Tôi mua đồ ăn về chủ yếu để bà ấy ăn chứ tôi ăn thế nào cũng được". Bản thân ông Hồng là thương binh nặng hạng 1/4, mỗi khi vết thương tái phát, ông lại phải nhập viện điều trị. Nhưng còn sức là ông còn cố gắng chăm sóc vợ từ bữa ăn đến giấc ngủ.

Tuy bệnh tật nhưng bà Minh hạnh phúc khi có chồng ở bên chăm sóc.

Ngày Tết, hai ông bà tranh thủ về ăn Tết cùng các con các cháu vài ngày rồi lại lên Hà Nội chạy thận. Dù ngày Tết phải xa nhà nhưng lòng bà vẫn luôn ấm áp vì chồng vẫn luôn ở bên cạnh mình. Có lẽ đối với bà Minh, hạnh phúc không chỉ tồn tại trong vài ngày Tết mà bà có cả ngàn ngày hạnh phúc.

Còn bà Ninh, dù không có gia đình nhưng cứ đến dịp Tết, em trai bà lại gửi lên cho bà rất nhiều quà bánh. Nào là mứt Tết, nào là bánh chưng, giò chả để bà ăn Tết. Năm nào cũng vậy, mọi người trong xóm lại kéo nhau sang nhà bà Ninh ăn tất niên. Trời lạnh, mọi người quây quần bên mâm cơm, hơi nóng từ nồi cơm, từ đĩa thức ăn tỏa ra khiến cho ai cũng cảm thấy ấm lòng...

Mấy năm nay, sức khỏe của chị Chinh rất yếu nên chị không thể đi bán nước được. Chị nói vui về công việc của mình: "Chị chỉ ngồi "bóc lịch" thôi!". Chị "bóc lịch" để đếm từng ngày được về nhà với con. Mấy năm nay, chị không thể đi bán nước, không thể kiếm được tiền, cuộc sống tưởng chừng như "giậm chân tại chỗ", chị chỉ biết thời gian trôi đi khi nhìn thấy cô con gái bé bỏng lớn lên từng ngày.

Dịp Tết, chị về thăm nhà vài ngày nhưng cũng đủ khiến chị hạnh phúc khi được ôm con vào lòng, được nấu cho con những món ăn ngon, được nghe giọng nói thủ thỉ của con mỗi khi đêm về. Hạnh phúc tuy nhỏ bé, đơn sơ nhưng đó là niềm hạnh phúc nhất đời của người phụ nữ...

Sau 2 ngày về quê ăn Tết, mọi người lại tay xách, nách mang nào gạo, nào là quà bánh lên chúc Tết mọi người trong xóm. Xa nhau chỉ có 2 ngày, mà khi vừa tới xóm trọ, mọi người "tay bắt mặt mừng" như thể người thân lâu ngày mới gặp. Ngày Tết qua đi thật nhanh nhưng đã để lại trong lòng mọi người những dư vị ngọt ngào về tình yêu thương và tinh thần đoàn kết. Những tình cảm ấy chính là nguồn năng lượng dồi dào tiếp thêm cho họ sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn.

Phương Nhung
.
.
.