Không có gì mà ầm ĩ cả

Nghề đặc thù

Thứ Tư, 11/04/2018, 07:55
Dạo này rôm rả chuyện có nên coi mại dâm là một nghề hợp pháp hay không? Vừa có hẳn cuộc tọa đàm trên một tờ báo danh tiếng.


Người ủng hộ cho rằng, nếu không công nhận mại dâm là một nghề đặc biệt thì không quản lý được, không chăm sóc y tế được. 

Đấy là chưa nói việc thu lợi qua nhiều khía cạnh và thu hút du lịch. Nếu hành nghề chui thì hậu quả khó lường. Xu hướng này muốn bảo vệ quyền con người. Điều này khác với suy nghĩ lâu nay là mại dâm chỉ phá hoại đạo đức xã hội và tất nhiên phải chống.

Mà nguồn nhân lực cho nghề này cũng dồi dào. Theo tổ chức lao động quốc tế thì nước ta có khoảng 75.000 phụ nữ và khoảng 25.000 người gồm đàn ông, người chuyển giới hoặc đồng tính làm nghề này. 

Đã là nghề thì dù được công nhận hay không nó vẫn là nghề thôi. Dù thanh thiên bạch nhật hay âm thầm ngõ tối thì việc hành nghề cũng vẫn diễn ra. Quan trọng là quản lý nó ra sao về mặt con người.

Nếu xếp lao động tình dục vào một trong những nghề lao động khác thì cũng tiến thoái lưỡng nan. Đã là nghề thì phải được đối xử công bằng như những nghề khác. 

Ấy thế nhưng người ủng hộ vẫn cho rằng cần coi đó là nghề đặc biệt. Hầu hết các nghề ở nước ta đều rất thích khoe “Ngành tôi là ngành đặc thù”. Cơ chế đặc thù tức là được ưu tiên này nọ.

Đã là nghề thì phải có hướng nghiệp và tổ chức đào tạo từ cơ bản đến nâng cao, có trường lớp bài bản hoặc được truyền dạy công khai như kiểu làng nghề. Đã đào tạo phải đạt chuẩn. Người dạy nghề sẽ được công nhận với các danh hiệu như ưu tú chẳng hạn… Nói ra ngại quá đi.

Học viên và người đào tạo cũng phải có danh hiệu. Đã là nghề thì cần có viện nghiên cứu. Có nhiều đề tài để nghiên cứu được nghiệm thu và đi vào đời sống.

Minh họa của Lê Tiến Vượng.

Lao động giỏi thì cũng phải khuyến khích kiểu thi đua xuất sắc, tiên tiến.

Đã là nghề thì phải được đánh giá bởi khách hàng. Tổ chức hội nghị khách hàng hẳn là tấp nập đông vui. Đi hội nghị khách hàng thì phải có văn nghệ chào mừng. 

Phát biểu chia sẻ của những con chim đầu đàn. Thi tay nghề, vỗ tay, liên hoan và lĩnh quà mang về. Tổ chức hội thảo trong nước và quốc tế chia sẻ kiến thức, nâng cao chất lượng phục vụ phù hợp với thời đại 4.0.

Đã là nghề thì phải có tôn vinh tổ nghề. Phải làm nhận diện thương hiệu. Phải tổ chức thi sáng tác cho logo. Logo vẽ cái gì cũng là phức tạp. Phức tạp vì phải vẽ được cái đặc thù. 

Cái này không dễ như ngành khác là cứ dùng công cụ gì vẽ cái ấy. Có phải đơn giản như ngành thuốc thì vẽ con rắn, ngành điện thì vẽ cái bóng đèn. 

Logo đặc thù mại dâm thử thách thực sự với bất kỳ nhà thiết kế lão luyện nào. Nghề hợp pháp thì cũng phải có nhận diện thương hiệu qua âm nhạc. Ca khúc sẽ sáng tác thế nào? Chắc là ngôn ngữ rất đặc thù.

Đã là nghề được công nhận thì không thể suy nghĩ tạo điều kiện hòa nhập cộng đồng. Mà cộng đồng sẽ tự hòa nhập với người lao động chứ.

Tại châu Á, tất cả các quốc gia (trừ Bangladesh) đều coi mại dâm là bất hợp pháp. Thái Lan là một đất nước nổi tiếng về khu đèn đỏ nhưng mại dâm lại là bất hợp pháp. 

Dù năm 2003, Bộ Tư pháp Thái Lan đề xuất hợp pháp hóa mại dâm, nhưng ngay sau đó đã bị người dân phản đối. Các khu nhạy cảm này ở Thái Lan chỉ dành cho người nước ngoài. Dân du lịch được khuyến cáo không hỏi người Thái về những “khu đèn đỏ” kẻo phải nhận sự phẫn nộ.

Theo PGS.TS Phan An thì trên tổng số 221 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện nay, chỉ có 20 nước công nhận mại dâm là một nghề hợp pháp, 41 nước không có luật pháp hay chế tài cấm hoạt động nghề mại dâm, khoảng 160 nước thì có văn bản cụ thể cấm mại dâm hoạt động. Riêng tại các nước Hồi giáo, thì mại dâm sẽ bị tử hình.

Còn bạn, bạn có ủng hộ nghề đặc thù này không?

Lê Tâm
.
.
.