Nghề đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm

Thứ Tư, 20/07/2016, 13:35
Nghề đan võng ngô đồng xuất hiện ở Cù Lao Chàm từ bao giờ chẳng ai nhớ, nhưng với những người dân nơi đây, nó được xem như một nghề thủ công đặc trưng, biểu hiện cho nét sống văn hóa độc đáo lâu đời của người dân vùng xã đảo Tân Hiệp, Hội An, Quảng Nam.

Nhiều khách du lịch tìm đến Cù Lao Chàm không chỉ để hòa mình với thiên nhiên kì thú, mà còn để "tận mục sở thị" cái nghề có một không hai này.

Cù Lao Chàm mùa này đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình. Giữa màu xanh ngút ngàn của núi của biển, của trời là màu trắng tinh khôi của bãi cát phẳng lì. Dạo một vòng quanh đảo cảm giác thật thanh bình, yên ả như bất kỳ một làng quê nào của Việt Nam. Hình ảnh những cụ già miệt mài, tỉ mẩn ngồi quấn, đan từng mắt võng càng tôn thêm vẻ đẹp mộc mạc, giản dị của hòn đảo nhỏ xinh này.

Nghề đan võng ngô đồng có ở Cù Lao Chàm từ bao giờ chẳng ai còn biết nữa, chỉ biết rằng nó đã tồn tại hàng trăm năm nay. Theo những nghệ nhân duy nhất còn theo nghề này ở trên đảo thì võng ngô đồng không phải là thứ võng thông thường, nó độc đáo ở chỗ được làm từ sợi của thân cây ngô đồng, một loài cây chỉ mọc ở trên những mỏm núi cao, hay vách đá cheo leo của Cù Lao Chàm. Mặc cho nắng, gió, bão biển…, rễ cây vẫn bám chặt vào đá, thân cây luôn dẻo dai, vươn thẳng mình như thách thức với sự khắc nghiệt của biển cả. 

Vì sức sống mãnh liệt ấy mà những chiếc võng làm từ cây ngô đồng cũng có một tác dụng đặc biệt: trị phong. Nhiều người mắc bệnh phong, chân tay ghẻ lở khi nằm lên chiếc võng đan bằng thân cây ngô đồng thì cảm thấy như phong đã bị võng hút hết, cơ thể dần dần tươi tắn, khỏe mạnh hơn. 

Từ đó chuyện về chiếc võng "trị phong" được loan truyền nhiều trong vùng... Nhưng để làm ra một chiếc võng ngô đồng đòi hỏi nhiều công đoạn công phu, có khi phải mất hàng tháng trời.

Trước hết phải băng rừng, vượt núi, chọn bằng được những cây to chừng bắp chân người để đốn về. Những chuyến đi gian nan vất vả ấy có khi phải mất cả một ngày đường. Không được chọn cây non quá, cũng không nên chọn cây lớn và già vì khi tước lấy manh đồng sẽ bị xơ, tưa và đứt thành từng khúc. Cây ngô đồng được đốn về sẽ được đập ra rồi dùng tay tước lớp vỏ cứng đã mục lấy lớp xơ màu trắng đục, gọi là manh đồng.

Sau đó dùng búa dập nát theo thớ của thân cây, rồi đem ngâm trong nước tù của ruộng chừng 7 ngày, cho lớp vỏ cứng mềm mục, nhả dần ra, lộ sợi xơ thì đem vớt lên. Tiếp tục dùng tay tước lớp vỏ mục cứng lấy lớp xơ màu trắng đục, đem giặt sạch bằng nước suối trong rồi đem ra phơi nắng cho thật khô, đến khi chuyển thành màu trắng ngà tinh mới, có độ óng là lúc xơ đã sẵn sàng để đan võng. 

Quá trình đan võng cũng vô cùng tỉ mỉ và công phu, đòi hỏi người đan không những khéo léo mà còn phải kiên trì, bền bỉ. Khi đan võng tuyệt đối không được đan lỗi, vì khi đã bị lỗi thì không thể nào gỡ ra được…

Có lẽ vì sự phức tạp và nhiều công đoạn ấy mà nghề đan võng giờ ngoài những bậc cao niên đã gắn bó với nghề hàng chục năm nay thì thanh niên lớp trẻ giờ chẳng còn ai theo học. Cùng với sự phát triển của du lịch, người dân thi nhau đi buôn bán, làm xe ôm, hướng dẫn viên du lịch, bán hàng… chỉ còn số ít các cụ già vẫn kiên trì bám trụ với nghề. Phần vì tuổi cao, họ vẫn miệt mài đan võng để có việc làm cho đỡ buồn khi tuổi già sức yếu, phần vì cố gắng giữ nghề truyền thống đang dần mai một.

Bà Lê Thị Kề năm nay đã ngoài 70 tuổi. Dù không còn nhanh nhẹn, tinh tường như trước nữa nhưng bà vẫn gắn bó với cái nghề đan võng bằng ngô đồng hơn 50 năm nay. 

Vừa làm, bà vừa chậm rãi kể: Khoảng 20 tuổi, bà đã được mẹ dạy cho đan võng nhưng phải mất vài năm bà mới có thể đan thành thạo một chiếc võng bởi cái nghề này đòi hỏi khá nhiều sự tỉ mỉ, khéo léo, công phu. Học được đã khó, để đan được đẹp khó hơn gấp vạn lần. 

"Nghề đan võng khó và phức tạp hơn đan lưới, rổ hay thúng rất nhiều. Nhiều người đan được võng, chắc chắn sẽ đan lưới, rổ hoặc thúng rất dễ dàng. Nhưng biết đan rổ, thì chưa chắc đã đan được võng. Người đan phải miệt mài ngồi nhiều giờ liền mỗi ngày, cẩn thận se lại thành những múi, rồi bện lại thành nhiều đốt. 

Một cái võng ngô đồng gồm có hai đầu võng. Điểm đầu tiên và khó nhất là đan cái đầu thứ nhất. Bởi vì từ một sợi dây ngô đồng phải thắt được một múi. Đầu lưới được đan dễ hơn vì có cái cự, còn điểm đầu tiên khi đan đầu võng phải tự làm. 

Cái đầu võng thứ hai dễ hơn vì chỉ cần để dư múi ra rồi thắt con tít. Để cột được đầu võng, ta phải đan chiều dài khoảng mười mấy múi lẻ. Không được để múi chẵn vì sẽ không có cái tì dư ra để cột thành đầu võng. Cho nên, học đan võng ngô đồng không hề đơn giản. Nó đòi hỏi người học phải kiên trì nhìn cách đan mà nhớ chứ bày chỉ thì rất khó.

Muốn học đan võng thì đầu tiên phải học cách se dây. Dây phải se cho đều vì nếu không đều mà dây nhỏ, dây to thì sẽ bị leo dây. Khi se dây thành thạo thì mới có thể học điểm khó nhất đó là đan đầu võng. Cuối cùng là đan múi rồi đan bìa. Chính vì vậy, để đan xong một cái võng phải mất gần 2 tháng với người đan nhanh, có thời gian tập trung làm việc. Còn không cũng phải mất gần 3 tháng".

Nhìn những sợi ngô đồng mỏng se vào nhau, qua bàn tay khéo léo và cần mẫn của bà Kề, được kết nối thành những mắt võng đều tăm tắp, bền chặt, khách du lịch đi qua không ai là không dừng lại theo dõi và cảm phục vô cùng.

Bà Kề vừa đan võng vừa giới thiệu tỉ mỉ cho du khách.

Bà Kề thường đan hai loại võng là võng bốn và võng sáu. Võng bốn tức khoảng cách giữa hai múi là 4 dây, còn võng sáu là 6 dây. Võng sáu có chiều ngang và chiều dài lớn hơn võng bốn. Một cái võng bốn có giá khoảng 2,5 triệu đồng. Trong khi đó, võng sáu khoảng hơn 3 triệu. Võng đan chủ yếu bán cho khách du lịch. 

Bà Kề bảo, chẳng nhớ nổi mình đã đan bao nhiêu chiếc võng trong đời và đã bán cho bao nhiêu người. Những chiếc võng ngô đồng của bà được khách mua không chỉ vì nhu cầu sử dụng mà đó là một thú vui muốn tìm một nét văn hóa mộc mạc, dân dã của vùng đất này.

Trước đây, ở đảo có rất nhiều người đan và nằm trên võng ngô đồng, nhưng bây giờ chẳng còn mấy ai. Vì những người đan võng trước kia nay đã già và mất đi nên con cháu không được học và không biết đan. Hiện giờ, trên đảo chỉ có vài người còn đan võng nhưng đều già hết rồi. Đã mấy chục năm nay, cũng có người theo đuổi nghề này nhưng chỉ được một vài năm rồi thôi, vì không đủ kiên nhẫn để chịu nổi sự tỉ mỉ và cần mẫn. Người đan võng trẻ nhất cũng đã ngoài 50 tuổi.

Người dân trên đảo Cù Lao Chàm bây giờ không mấy ai mặn mà với nghề đan võng đầy gian nan, vất vả và tốn nhiều công sức này nữa. Bởi Cù Lao Chàm giờ đã là điểm du lịch phát triển. Những người phụ nữ có thêm nghề bán đồ lưu niệm cho khách du lịch, đàn ông trai tráng thì đi biển, thế nên chẳng còn ai ngày ngày lên núi chặt ngô đồng về đan võng. Cứ thế nghề đan võng dần dần mai một và khả năng thất truyền như nỗi lo của những nghệ nhân còn yêu thích, gắn bó như bà Kề chắc chắn sẽ không xa.

Ngọc Mai
.
.
.