Không có gì mà ầm ĩ cả

Nghề nguy hiểm

Thứ Ba, 21/06/2016, 10:13
Tổ chức Phóng viên không biên giới RSF thông báo năm 2015 có tổng cộng 110 nhà báo bị sát hại trên thế giới, chủ yếu ở các nước không xảy ra chiến tranh loạn lạc. Điều đó đã cho thấy đây là nghề nguy hiểm chưa?

Không chỉ thế, vô số tai nạn rủi ro trên đường tác nghiệp. Và số lượng nhiều hơn gấp bội là bị hành hung mang thương tật suốt đời. Đó là chưa kể có những tổn thương tinh thần mà các nhà báo chân chính phải chịu những miệng lưỡi cay đắng. Gần đây, một vị tân tổng thống nước láng giềng đã nói xanh rờn về các nhà báo bị sát hại rằng: "Anh sẽ không thể bị giết nếu không làm gì sai". Câu nói vơ đũa cả nắm này phủ định mọi hy sinh của những phóng viên tự trọng.

Gần đây ở nước ta, không ít nhà báo bị các cơ quan, tổ chức không hợp tác. Thậm chí có những vị lãnh đạo đã mạt sát các nhà báo một cách vô trách nhiệm. Thời kinh tế thị trường đã có phần xáo trộn nhiều giá trị. Vàng thau có lúc lẫn lộn. Đã có những phóng viên tha hóa bẻ cong ngòi bút. Có những phóng viên hành nghề vụ lợi, tiêu cực. Nhưng đại đa số anh chị em say nghề và thẳng thắn vạch rõ những mặt trái chưa tốt trong xã hội. Nỗ lực này đã làm cho bộ mặt thông tin đến với nhân dân nhanh hơn, tin cậy hơn, hấp dẫn hơn.

Minh họa: Lê Tâm.

Báo chí thời Internet là một thách thức thật sự vì tốc độ cao, lan tỏa nhanh. Chủ của mỗi trang Web hay tài khoản mạng xã hội thực chất là chủ của những tờ báo dù có được công nhận hay không. Sức lan tỏa nhanh cùng tính trách nhiệm ảo khiến cho những tin tức nhảm nhí lên ngôi. Lượng view những tin tức vô bổ nhảm nhí chiếm thượng phong so với những bài viết hay và trách nhiệm. Những nhà báo cẩn trọng với nghề phần nào bị choáng. Nhưng họ vẫn kiên định với ngòi bút của mình. Những gì tốt đẹp sẽ trường tồn, những tin bài rác sẽ bị đào thải.

Đời sống riêng tư của phóng viên cũng dở khóc dở cười. Gia đình nào có một nhà báo thì xác định, khó mà có bữa cơm đủ, giấc ngủ tròn. Bỏ dở giấc lên đường theo vụ việc là chuyện không phải kể. Với những vụ việc phức tạp thì phải xa gia đình hàng tháng là thường. Nguy cơ li dị rất cao. Nhà có một nhà báo đã vậy, cả hai vợ chồng đều làm báo thì chỉ còn nước ăn mì gói.

Với các báo thông thường, việc đã phức tạp như canh hẹ, với các báo của lực lượng Công an bám nắm các vụ việc, đối tượng manh động thì căng thẳng hơn nhiều. Các phóng viên của lực lượng không khác gì người lính "Gác cho dân vui chơi, thức cho dân ngủ ngon". Ai cũng có tổ ấm của mình, nhưng khi Tổ quốc gọi, họ đều lên đường không do dự. Cách đây chưa lâu, khi cuộc đấu tranh giàn khoan HD 981 căng thẳng, các phóng viên đã lên tàu ra khơi. Trước khi lên tàu, anh chị em đã xác định sinh mạng của mình đã thuộc về biển đảo thiêng liêng.

Theo dòng lịch sử, mọi thành công của cách mạng Việt Nam luôn có sự đóng góp của đội quân mũi nhọn tuyên truyền bút sắc, lòng trong, không tiếc tính mạng của mình. Rất nhiều trong số họ đã nằm lại chiến trường. Truyền thống dũng cảm đó còn giữ được hay không phụ thuộc vào niềm tin và trách nhiệm những phóng viên hậu thế. Có thể thấy điều đó khi đọc những trang của họ viết bằng tình yêu. Yêu Quê hương, yêu người, yêu nghề.

Còn bạn. Bạn có yêu ngày 21-6 không?

Lê Tâm
.
.
.