Nghệ sĩ ghi ta mù Văn Vượng: Tiếng đàn từ những khổ đau

Thứ Sáu, 12/10/2012, 09:59
Ông có thói quen lang thang trên những con đường vắng của Hà Nội về đêm, để cảm nhận thật sâu nơi chốn mình đang sống. Ở tuổi 70 và cũng gần chừng ấy thời gian, sống trong bóng tối, nhạc sĩ Văn Vượng đã dùng tiếng đàn rong ruổi khắp các miền đất nước, rong ruổi vào những ngõ ngách tâm hồn người và rong ruổi trong chính tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm của mình. Ông vừa vinh dự được tặng giải thưởng Bùi Xuân Phái, vì những nỗ lực vượt lên số phận của một nhạc sĩ khiếm thị để dành tặng Hà Nội cả tâm hồn mình.

"Nhìn" đời bằng âm nhạc

Văn Vượng ngồi ôm đàn hát trong căn gác nhỏ. Những ký ức xa xôi, niềm vui và cả những cay đắng của cuộc đời nghệ sĩ khiếm thị đôi khi khiến giọng ông chùng lại. Căn gác nhỏ khu chung cư cũ ở phố Tô Hiệu (Hà Nội) chật chội bỗng rộng thênh. Trong chúng ta, có lẽ ai cũng đã từng một lần nghe tiếng đàn của Văn Vượng. Không ai nghĩ những bản ghi ta mang đầy âm sắc của cuộc sống lại được viết ra từ một nghệ sĩ mù.

Lên 4 tuổi, Văn Vượng bị bệnh đậu mùa. Một buổi sáng, mắt không nhìn thấy. Cậu bé òa khóc. Các anh chạy ra chợ gọi mẹ, mang lên Hà Nội ở nhà thương dốc Hàng Gà. Bác sĩ bảo mắt kéo màng còn mỏng quá, hẹn 3 ngày nữa lên sẽ bóc. Nhưng rồi chiến tranh nổ ra (1946). Mẹ đặt Văn Vượng vào cái thúng đi chạy giặc. Thế là ông phải chịu cảnh mù lòa.

Lên 6,7 tuổi, đi qua một gánh hát rong, Văn Vương mê mải nghe. Về nhà, lấy cái âu đồng đựng trầu của mẹ, căng lên những sợi dây cao su để chơi đàn. Một người quen thân gia đình, nhận ra năng khiếu âm nhạc của Văn Vượng đã tặng ông một cây ghi ta. Cứ thế, Văn Vượng học qua truyền khẩu, truyền tay. Thế mà trong 5 tháng, ông học gần hết chương trình trung cấp.

13 tuổi may mắn gặp ông Tòng, được học chữ nổi. 3 buổi sáng để biết hết ký hiệu nhạc nổi. Văn Vượng lọ mọ tự học nhạc nổi, chép toàn bộ các bản nhạc. Miệt mài. 15 tuổi, Văn Vượng đã tự mày mò sáng tác bài Hoàng hôn trên sông. 16 tuổi, Văn Vượng lên Hà Nội, tìm đến nhiều nhac sĩ và học thêm.

May mắn hồi đó, ông được gặp nhạc sĩ Tạ Tấn, Văn Cao, được các ông tận tình hướng dẫn về lý thuyết âm nhạc. Thậm chí, nhiều người biết Văn Vượng bị mù, nhưng mê đàn đã tìm đến dạy cho ông. Thế nên, tiếng đàn ghi ta của Văn Vương là sự đúc kết, chắt lọc tinh túy từ nhiều nghệ sĩ lớn mà ông may mắn được gặp trong đời.

18 tuổi, lần đầu tiên, Văn Vượng lên sân khấu biểu diễn bài Trống Cơm của danh cầm Tạ Tấn, được mọi người hưởng ứng nồng nhiệt. Lần đó, Văn Vượng rơi nước mắt vì hạnh phúc. Rồi Đài Tiếng nói Việt Nam về Hải Dương, thu một số bản nhạc của Văn Vượng. Tiếng đàn của ông cứ thế vang xa.

Nhưng mảnh đất Hải Dương chật hẹp không đủ cho những khát vọng của tâm hồn người nghệ sĩ. Năm 1942, Văn Vượng lên Hà Nội, hành trang mang theo chỉ là một cây đàn ghi ta và một tâm hồn đầy khát vọng.

"Anh tôi đèo đi qua hồ Gươm. Người ta đang phát trên đài bài Người Hà Nội. Tôi khóc, thèm nhìn thấy Hà Nội quá. Ngay đêm đó tôi soạn bài Người Hà Nội cho guitar và thành công". Bắt đầu cho một bước ngoặt trong cuộc đời và số phận của người nhạc sĩ tài hoa này.

Cuộc sống khốn khó. Văn Vượng lên ở chung với hai người anh trong một khu tập thể cũ ở Hàng Bồ. Chơi đàn để kiếm sống. Có thể nói cuộc đời của nghệ sĩ Văn Vượng là một sự nỗ lực không ngừng để khám phá những cung bậc khác nhau của cuộc sống bằng âm nhạc.

Có một thời hoàng kim, (1968- 1978), Cung Văn hóa Hữu nghị chật kín người xem chờ nghệ sĩ mù Văn Vượng biểu diễn. Những Người Hà Nội, Trường ca Sông Lô và hơn 300 bản nhạc mang dấu ấn riêng của ông đã vang lên trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Một Văn Vượng đậm chất flamenco, tài hoa và bản sắc trong từng nét nhạc.

Một Văn Vượng đau đáu trước khát vọng chiếm lĩnh cuộc sống. Một Văn Vượng tha thiết trong tình yêu. Nhưng có lẽ thời hoàng kim của ghi ta đã đi qua. Cuộc sống thay đổi, con người càng ngày càng có nhiều sự lựa chọn. Đời nghệ sĩ ghi ta cũng trở nên bấp bênh. Đó cũng là lý do mà ông hướng cậu con trai duy nhất của mình học piano chứ không phải ghi ta.

Chỉ cây ghi ta là đủ

Văn Vượng từng thủ cựu rằng ông sẽ chung thủy suốt đời với cây ghi ta. Không lập gia đình. Bởi chỉ có cây đàn ghi ta hiểu mình, làm cho mình vui. Khi cậu con trai duy nhất của ông sau 10 năm khổ luyện với piano, đòi bỏ nghề, ông lặng đi, xót xa. Ông nói: "Nếu có ông tiên trên trời xuống, bảo cho cha hai lựa chọn, một là con sẽ có hạnh phúc gia đình nhưng tất cả những năng khiếu âm nhạc của con sẽ bị xóa hết. Hai là con chỉ có âm nhạc thôi mà không có vợ. Cha vẫn chọn con đường thứ 2"… Nhưng số phận đã dành cho ông những ưu ái.

Văn Vượng yêu nhiều. Có những mối tình kéo dài 9 năm, nhưng không vượt qua được những định kiến xã hội. Văn Vượng buồn lắm. Trái tim nhạy cảm của ông bị tổn thương ghê gớm. Có lần, ông thả mình đi trong vô định giữa đêm Hà Nội. Đi mãi. Đi mãi. Đến tận phố Dã Tượng lúc nào không hay... Văn Vượng không biết đời mình sẽ trôi về đâu. Tiếng giun dế kêu ở chân tường trong đêm khuya thanh vắng tạo thành một bản nhạc buồn thê thiết. Đời sao có những lúc buồn và cô đơn đến vậy.

Nhưng rồi, hạnh phúc đã tìm đến ông, dù muộn mằn. Ở tuổi 41 tuổi, khi đang hoang mang giữa ngã ba đường, Văn Vượng gặp cô học trò trường Y tìm đến ông xin học đàn. Chỉ sau 3 tháng cô đã thầm yêu ông. Nhưng cũng không tránh khỏi những ngăn cản gia đình. Văn Vượng hiểu điều đó, và ông kiên quyết bảo vệ hạnh phúc của mình. Một đám cưới được bố trí như thời chiến diễn ra năm 1983.

Ông bố trí hai chiến sĩ an ninh, có súng trong người, đứng hai đầu ngõ Văn Chương. Rồi báo cả cảnh sát khu vực phòng có chuyện để họ ứng phó. Trong đám rước dâu cũng có hai anh cảnh sát mặc thường phục. Một thằng bạn rất giỏi võ đứng ngay ở nhà cô dâu để khi đám rước dâu đến có thể nổ pháo và đề phòng bất trắc. Rất may đám cưới êm đẹp, vui vẻ. Người đàn ông dọa sẽ ngăn cản đám cưới của Vượng, về sau trở thành tri kỷ.

Văn Vượng vẫn luôn thầm cảm ơn người phụ nữ đã hy sinh và mang đến cho ông một cuộc đời bình dị. Chỉ tiếc, ông chưa một lần nhìn thấy mặt vợ và con…

Niềm hy vọng sau cuối…

Văn Vượng đang viết hồi ký, đó là những góc khuất trong cuộc đời mình. Ông nói, mọi người chỉ nhìn thấy một Văn Vượng ôm đàn ghi ta hát, đầy hào quang, rực rỡ. Nhưng có mấy ai biết, một Văn Vượng của những góc khuất cuộc đời…

 Đó là những năm tháng chiến tranh, chơi đàn không ai nghe. Cuộc sống khốn khó. Ông phải xoay ra quấn biến thế điện mất mấy tháng trời kiếm sống. Được một người bạn học trường Bách Khoa hướng dẫn, ông nhờ đám học trò ra chợ mua cho 20 kg sắt đai thùng, mang về lấy búa đập ra. Văn Vượng ngồi chơi đàn miễn phí, còn đám học trò cắt đống sắt đó thành từng mảnh nhỏ, 10-15 phân. Sau đó ông chỉ việc ngồi quấn dây đồng. Vừa rẻ, vừa bán được giá hơn.

NSƯT Văn Vượng nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái.

Văn Vượng tha thiết có một ngôi nhà riêng. Từ khi lên Hà Nội, ông ở nhờ nhà các anh, rất bất tiện. Bạn bè giúp cho ông ở nhờ một căn gác nhỏ ở Hàng Chuối. Được một thời gian, hàng xóm muốn chiếm. Gã hàng xóm ăn cánh với công an khu vực yêu cầu ông rời khỏi nơi đó.

Nhưng may thay, tiếng đàn của Văn Vượng đã giúp ông. Một đại tá công an, biết tiếng Văn Vượng đã đứng ra bảo vệ ông. 11 tháng sau, ông mua được căn buồng ở phố Hàng Giấy. Thực ra là tiền của bạn bè góp lại, được 1500 đồng. Lần đầu tiên trong đời, Văn Vượng được sở hữu một căn phòng riêng, dù chật chội nhếch nhác ở Hà Nội. Lúc đó, ông đã ngoài 30 tuổi.

Năm nay Văn Vượng gần 70 tuổi và cũng chừng ấy thời gian, ông sống trong nỗi khắc khoải, được một lần nhìn thấy ánh sáng. Càng sống, càng yêu cuộc đời, ông càng khao khát tìm nguồn sáng cho đôi mắt của mình. Ngay cả lúc này đây, khi ngồi nói chuyện cùng chúng tôi, trong ông vẫn khắc khoải với giấc mơ đó. Ông đã thổ lộ niềm mong ước duy nhất một cách đắng cay: "Nếu trước khi chết mà có một điều ước, tôi ước có đôi mắt sáng để được nhìn thấy khuôn mặt vợ con, những người thân yêu của tôi, nhìn thấy Tổ quốc xinh đẹp của tôi".

Có một bác sĩ ở Nga có thể chữa lành đôi mắt cho Văn Vượng. Số tiền lên tới 50.000 đô la. Một món tiền quá lớn mà đời nghệ sĩ quá nghèo. Lương bác sĩ của vợ hạn hẹp. Cả nhà sống nhờ vào tiền dạy đàn của ông. Liệu có phép mầu nào cho một con người đã sống trọn đời cho nghệ thuật như ông, để một lần trong đời ông nhìn thấy nơi chốn mình đang sống…

15 tuổi ông sáng tác bản nhạc đầu tiên - gia tài tác phẩm của Văn Vượng đã lên tới hàng trăm bài, ngoài ra ông còn chuyển soạn hàng trăm bản nhạc cho đàn guitar, trong đó có những bản nhạc cổ điển nổi tiếng như For Elise (Beethoven), Nhạc chiều (Schubert), Phiên chợ Ba Tư (Ambecatenbey) hay Diễm xưa, Cát bụi của Trịnh Công Sơn. Văn Vượng đã có khoảng 8.000 buổi biểu diễn khắp mọi miền đất nước. Việc này mang lại thu nhập chính cho gia đình ông, nhưng quan trọng hơn, ông được thỏa mãn niềm đam mê của mình.

Khánh Linh
.
.
.