Nghệ sĩ violon Ngô Xuân Huy: 10 năm "ẩn dật" để chơi đàn

Thứ Bảy, 01/01/2011, 14:33

Trong không gian tinh khiết của những ngày đông giá lạnh, đi qua phố Lý Thái Tổ - Hà Nội, bên cạnh những nhà hàng và khách sạn sang trọng, người qua đường bị níu chân bởi tiếng đàn vang lên từ một góc phố nhỏ. Lẫn trong tiếng ồn ào của phố xá, tiếng cười nói, là tiếng đàn cao vút, lúc bổng lúc trầm. Đó không phải là một nhóm nghệ sĩ âm nhạc đường phố.

Mà ở đó, là một khung chuẩn của dàn nhạc giao hưởng, được bê từ trong những khán phòng sang trọng ra ngoài đường phố. Và ở đó, vị chỉ huy trưởng của dàn nhạc đường phố này là một "tài năng violon ẩn dật", nghệ sĩ Ngô Xuân Huy.

1. Tôi đã tìm anh rất nhiều lần. Nhưng rất khó để gặp được anh. Không phải vì Ngô Xuân Huy khó tính, kiêu bạc, mà gần như anh ở ẩn. Có lẽ, đây là lần đầu tiên, sau 10 năm học ở Học viện Traicopxki chuyên ngành violon và tiếp đó, sau 10 năm ẩn dật, Ngô Xuân Huy mới trở lại, sự trở lại đúng nghĩa nhất của anh. Được chơi đàn cho khán giả nghe.

Nhưng dù vắng bóng trên các sân khấu biểu diễn, dù ngậm ngùi với đất sống chật hẹp của nghệ sĩ nhạc giao hưởng thì cái tên Ngô Xuân Huy vẫn được nhắc đến như một niềm tự hào của làng nhạc cổ điển Việt Nam. Và anh đủ để những người làm nghề tin cậy. Đủ uy tín để quy tụ được những tài năng của ba dàn nhạc giao hưởng lớn ở miền Bắc, trong những buổi diễn ngoài đường phố như thế này. Họ, hầu hết đều là đầu bè của ba dàn nhạc giao hưởng của miền Bắc.

Lần đầu tiên, ở Hà Nội, nhạc giao hưởng được mang ra đường phố. Nhiều người cứ ngỡ loại hình âm nhạc hàn lâm này hoàn toàn xa lạ với công chúng. Nhưng nếu ai đó, có dịp dừng chân ở góc phố Lý Thái Tổ, sẽ có một cảm nhận hoàn toàn khác. Khán giả vây kín người chơi đàn, mê mải trong những bản nhạc cổ điển, có thể quen, có thể lạ. Ngô Xuân Huy vừa chơi đàn, vừa đảm nhiệm vai trò chỉ huy dàn nhạc. Công việc không đơn giản, nhưng anh đã hoàn thành một cách xuất sắc.

Anh nói, "giữa chúng tôi có một thứ ngôn ngữ chung mà người biểu diễn sẽ biết phải làm gì qua những tín hiệu riêng. Chiếc que chỉ huy được thay thế bằng cây đàn violon". Ngô Xuân Huy đã thể hiện sự ăn nhịp một cách tuyệt vời nhất. Ở đây, không chỉ dừng lại ở một buổi biểu diễn của âm nhạc đường phố, ít nhiều mang tính ngẫu hứng, tự nhiên, mà là một buổi diễn bài bản, được luyện tập công phu. 110 bản nhạc cổ điển, ngắn gọn và dễ hiểu sẽ được chơi trong hai tháng ở ngoài trời, nhiều gấp 11 lần những chương trình biểu diễn ở Nhà hát Lớn.

Ngô Xuân Huy bảo, anh bê nguyên khung của một dàn nhạc giao hưởng ra ngoài đường phố. Bởi phục vụ công chúng đừng bao giờ nghĩ mình thành công hay thất bại, anh và những đồng nghiệp của mình không đặt ra vấn đề tiền bạc, mà ở đó, chỉ có niềm đam mê. Được chơi nhạc và được cống hiến cho khán giả, có thể là lần đầu tiên họ biết đến nhạc giao hưởng. Huy nhiều tham vọng khi thực hiện dự án này. Anh nói, anh muốn tạo thói quen cho người nghe, nhạc cổ điển vẫn tồn tại và phát triển trong đời sống, nếu những cá nhân như anh không làm một điều gì đó sẽ không bao giờ có cơ hội cho khán giả được đến gần với âm nhạc bác học này.

 

Tôi đã nhiều lần được nghe Huy chơi đàn, đắm chìm trong tiếng vĩ cầm da diết. Và bất cứ ai cũng sẽ bị cuốn vào tiếng đàn của anh, vào vẻ lãng tử, thanh lịch của một chàng trai Hà Thành, đã đi qua cuộc đời nhiều biến dộng, nhưng vẫn giữ cho mình một phong thái nhẹ nhõm, bình yên lạ lùng. Cứ như thể, chỉ có âm nhạc mới đủ sức làm cho anh chìm đắm đến thế. Để người nghệ sĩ, dù phiêu bạt khắp chốn cùng nơi, dù có lúc nghĩ rằng, sẽ từ bỏ sự nghiệp của mình, nhưng cuối cùng vẫn trở về.

2. Ngô Xuân Huy sinh ra trong một gia đình nghệ thuật ở Hà Nội. Bố anh là nghệ sĩ violon từng học ở học viện âm nhạc Thượng Hải - Trung Quốc về. Mẹ anh cũng theo nghề thanh nhạc. Được nuôi dưỡng trong một gia đình nghệ thuật, tiếng đàn violon đã ngấm vào máu anh từ bé. Lên 8 tuổi, Ngô Xuân Huy bắt đầu học vĩ cầm. Lên 9 tuổi anh vào học trung cấp ở Nhạc viện Hà Nội, sau đó trung cấp 2 học ở Gnhexinsky và bậc đại học ở Nhạc viện Traicopxki, thời gian học nhạc ở Nga "lấy mất" của Nguyễn Xuân Huy mười năm ròng rã để khi về nước thì cũng đã mon men đến tuổi 30.

Ai biết được rằng, tiếng vĩ cầm réo rắt của Ngô Xuân Huy được tôi luyện 10 năm ở học viện âm nhạc Traicopxki và sau đó là những năm rong ruổi đi biểu diễn khắp trời Âu. Năm 1985, Huy đã tham gia một cuộc thi dành cho các "Thần đồng âm nhạc" thế giới tổ chức tại Venhepsky - Ba Lan. Toàn thế giới chọn 300 người tham dự, qua các vòng loại Huy cùng với cây vỹ cầm của mình đã vượt lên hơn 250 thí sinh khác để đứng vào vị trí số 16.

Cậu học trò nhỏ bé, thông minh là người Việt Nam duy nhất được tuyển vào biên chế trong Dàn nhạc Thế kỷ do Công nương Diana tài trợ. Nhưng Công nương đột ngột mất, nguồn tài trợ bị cắt giảm, dàn nhạc tan tác. Anh lại rong ruổi biểu diễn khắp trời tây, nơi âm nhạc cổ điển có một vị thế riêng, Ngô Xuân Huy đã bỏ quên tuổi trẻ của mình ở lại. Và nếu thời cuộc không có nhiều biến động, có lẽ lúc này, anh đã trở thành cây vĩ cầm nổi tiếng ở một dàn nhạc nào đó trên thế giới.

Nhưng anh đã về Việt Nam, dù khi anh trở về, tuổi đã không còn trẻ nữa. Năm 1991, Liên Xô tan rã, các lưu học sinh bị cắt giảm học bổng, phải lăn lộn kiếm sống và sau đó, buộc phải về nước.

Khán giả vây kín dàn nhạc.

10 năm xa nhà, những thế hệ học sinh Việt Nam ở nước ngoài trở về không dễ gì bắt nhịp được với sự đổi mới của đất nước. Ngô Xuân Huy cảm thấy lạc lõng. Và cuộc sống của anh đã có những ngã rẽ bất ngờ. Huy đầu quân về Nhà hát nhạc Vũ kịch, nhưng chừng được 7 tháng, có lẽ cơ hội biểu diễn quá ít nên sau đó anh chuyển qua Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Nhưng cũng không "trụ" lại ở đó được lâu…

Những nơi tưởng như là đất sống của nhạc cổ điển ở Việt Nam vẫn không níu chân được người nghệ sĩ Ngô Xuân Huy. Có lẽ anh đã quá quen với môi trường biểu diễn chuyên nghiệp ở nước ngoài. Một chút gàn, một chút tự ái nghề nghiệp của một tài năng nhiều tâm huyết, cộng với một chút bất cần của gã lãng tử đã khiến Ngô Xuân Huy quyết định lui về ở ẩn. Và anh đi con đường riêng của mình.

Huy chọn một cách khác để được gắn bó đời mình với cây đàn violon và có vẻ nhẹ nhõm hơn. Anh nhận dạy học, nhưng học trò không nhiều. Đôi khi chỉ 1, 2, nhiều lắm thì 5, 7 em có năng khiếu. Huy muốn truyền cho bọn trẻ tình yêu cây vĩ cầm, và anh thấy hạnh phúc với những điều đơn giản đó, khi anh được trở lại là mình.

Huy còn nổi tiếng là một nghệ nhân chế tác đàn violon độc nhất vô nhị. Với vốn am hiểu cây vĩ cầm đến từng chân tơ kẽ tóc, Ngô Xuân Huy đã "đẽo" được rất nhiều cây đàn giá trị, trong đó có 5 cây vĩ cầm mà anh ưng ý nhất. Giờ hai cây đang nằm ở Học viện Paris, 1 cây ở Học viện Berlin. Ở Việt Nam có hai cây, một cây do Trưởng khoa dây - Nhạc viện Hà Nội và một cây do Giáo sư Tạ Bôn sử dụng.

Rất nhiều người chơi trong giới violon "xịn" đều biết về cách làm đàn lạ lùng thành giai thoại của Ngô Xuân Huy. Những năm học ở nước ngoài, Huy thường la cà đến các xưởng sản xuất violon. Vốn hiểu biết về âm nhạc, cộng với sự khéo léo của đôi bàn tay và có lẽ hơn cả là niềm đam mê của Huy đã giúp anh thành công và nổi tiếng trong nghề "đẽo" đàn của mình. Để chế tác ra những cây vĩ cầm, người ta thường sử dụng những công nghệ làm đàn hiện đại. Nhưng Ngô Xuân Huy chỉ bằng ... dao, và chỉnh đàn cũng bằng… dao.

Thế nhưng, những sản phẩm của anh lại rất đắt giá, có những cây đàn lên tới hàng ngàn đô. "Để làm được điều này cần phải có sự tinh xảo, khéo léo của đôi tay nhưng cũng phải cảm nhận được độ chuẩn của âm tiếng đàn". Thông thường để làm thủ công một cây đàn phải mất hơn hai năm trời. Từ công đoạn chọn mua gỗ, ép, uốn gỗ đến chế tác. Nhưng có lần Huy đã làm một cây đàn violon trong vòng 14 ngày, mỗi ngày tỉ mẩn đến 18 tiếng đồng hồ bên cây đàn. Và Huy chỉ nhận làm cho những người thực sự hiểu và yêu cây vĩ cầm.

Nhưng cuộc sống vốn khắc nghiệt. Có những thời đoạn khốn khó, Huy phải xoay ra làm đủ nghề kiếm sống. Thâm niên đi dạy võ ở nước ngoài được Huy mang về nước áp dụng. Không ai nghĩ rằng, người nghệ sĩ với đôi tay khéo léo sinh ra để chơi đàn đã có những năm phải đi dạy võ kiếm sống, một công việc nghe chừng có vẻ xa lạ với nghề của anh. Hết dạy võ, Huy đi buôn bán, có lúc phải mở cửa hàng Game online, bán sắt thép để mưu sinh.

Nhiều bạn bè anh, những nghệ sĩ ở các dàn nhạc giao hưởng hầu hết đều phải đi chơi nhạc ở tiệm để kiếm sống. Nhưng Ngô Xuân Huy thì không, anh quan niệm, "thà anh đi rửa bát thuê còn hơn là chơi đàn tiệm". Anh chọn một cách sống khác, có thể vất vả hơn, khốc liệt hơn, nhưng để giữ cho mình sự tinh khiết và trọn vẹn với nghề.

Giờ thì Ngô Xuân Huy đã có thể sống trọn với niềm đam mê của mình khi tiếng đàn của anh lại vang lên trên đường phố. Nghe tiếng đàn của anh vang lên trong không gian mùa đông lạnh giá của Hà Nội, cảm thấy thư thái và nhẹ nhõm lạ lùng. Ở đó, những bon chen, ồn ào của cuộc sống dường như được gột bỏ. Mà chỉ có tình yêu nghệ thuật, thứ tình yêu nguyên thủy, trọn vẹn của người nghệ sĩ tài năng đã từng chạy trốn mình trong những bộn bề của cuộc sống…

Khánh Linh
.
.
.