Nghĩ lớn và mồm to

Thứ Năm, 21/11/2019, 08:05
Khi nói về ô nhiễm tiếng ồn, ta dễ gặp thái độ bĩu môi "vẽ chuyện". Đôi khi trong rạp hát, trên sân khấu, ca sĩ cất giọng thì dưới khán phòng, khán giả cũng cười nói như không.


Một anh bạn trưng cầu bằng hữu rằng nếu tôi mở một quán ăn với phong cách im lặng, chỉ dành cho những thực khách không nói to thì có tồn tại được không? Bằng hữu trả lời không thể tồn tại, phá sản thôi.

Quả thực tìm được thực khách nói nhỏ là một thử thách lớn. Bằng hữu khác nói bạn chỉ có thể mở quán phục vụ cho những người khuyết tật về phát âm.

Câu nói đó lại đặt ra câu hỏi. Vậy người biết nói và nói to muốn toác màng nhĩ người nghe có thể gọi là khuyết tật phát âm không? Họ luôn làm những điều khó chịu cho tập thể mà.

Khi nói về ô nhiễm tiếng ồn, ta dễ gặp thái độ bĩu môi "vẽ chuyện".

Đôi khi trong rạp hát, trên sân khấu, ca sĩ cất giọng thì dưới khán phòng, khán giả cũng cười nói như không.

Một số chương trình nghệ thuật đặc biệt, trước khi mở màn thường thông báo một bảng quy định ngắn gọn về các nguyên tắc giữ yên lặng khi diễn. Có chương trình thì nói "Mong quý khách hợp tác". Lại có chương trình lễ phép hơn nói "Chúng tôi xin phép được mời ra hành lang những quý khách chưa thực hiện đúng quy định"

Rạp hát là nơi xem, nghe biểu diễn hay nơi nói chuyện riêng?

Đi dự đám cưới, người dự tiệc không thể giao tiếp được với nhau vì các ca sĩ hát hết bài nọ sang bài kia với âm lượng đinh tai nhức óc. Khách chịu đựng không nổi, ăn uống chiếu lệ rồi về. Đến đám cưới để giao lưu hay để ca sĩ "tra tấn".

Minh họa Lê Tâm.

Tôi đã tới một quán cà phê nhạc trên phố Lò Đúc dành cho khách được xếp vào nhóm là "dân có chữ". Cô ca sĩ vừa chơi guitar vừa hát nhưng nghe kỹ thì thấy cô không thể hết mình được. Bởi cả quán nói cười râm ran.

Giờ nghỉ hoặc đêm thì nhà hàng xóm bắt đầu hát Karaoke. Tất nhiên là nhạc một đằng hát một nẻo ngang như cua. Nhưng không ai dám ý kiến ý cò vì ngại mang tiếng "lắm chuyện". Cán bộ quản lý khu dân cư cần nhìn rõ nạn "karaoke lộ thiên" và hội chứng "Hát cho nhà người ta nghe". Chúng ta sợ hãi bụi mịn, ô nhiễm nước nhưng dường như "miễn dịch" với tiếng ồn. Thêm cái kiểu "dân trí thấp lại còn tự ái."

Người tử tế thì hãi hàng xóm gấu. Thỉnh thoảng tức nước vỡ bờ thì lại có chuyện đau lòng. Chắc chưa ai quên những vụ án mạng, dân xóm đâm nạn nhân tử vong chỉ vì nạn nhân phóng xe máy vào ngõ mà nẹt pô ầm ĩ.

Đã có một thời không gian lặng yên đến nỗi nghe rõ tiếng rao quà đêm đầu phố. Bây giờ thì người ta ghi âm sẵn tiếng rao, khuếch đại ra loa thì mới hy vọng có người nghe thấy.

Hồi Đài tiếng nói Việt Nam có mục "Đọc chuyện đêm khuya", mở đầu bao giờ phát thanh viên cũng nói "Bây giờ đêm đã về khuya, xin quý vị điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe để không làm ảnh hưởng tới giờ nghỉ ngơi của mọi người".

Để thông tin từ miệng tới tai rõ hơn, mỗi chúng ta chỉ cần tự giảm âm lượng. Một không gian ít dần tiếng ồn sẽ dễ nghe hơn nhiều. Rất tiếc, chúng ta thường chọn cách tăng dần âm lượng đè lên nhau. Bên kia nói to, tôi nói to hơn. Khi chúng ta quát vào tai nhau mà vẫn không nghe nổi câu chuyện thì vấn nạn tiếng ồn đã đến mức báo động rồi đấy.

Còn bạn, nghĩ lớn và mồm to. Bạn thích kiểu nào?

Lê Tâm
.
.
.