Nghĩ về người lính canh giữ biển

Chủ Nhật, 25/05/2014, 15:13

Tháng 4, mùa sóng yên biển lặng nhất trong năm, mùa bình yên bão tố để những ngư dân đầy mình kinh nghiệm đã tích lũy từ ngàn đời: Chọn đúng dịp thuận buồm xuôi gió này, những con tàu hải quân lại dõng dạc rú từng hồi còi dài, bịn rịn chia tay quân cảng nơi đất liền để liên tiếp đưa các đoàn công tác ra với Trường Sa. Và với bất cứ người dân Việt nào, được đặt chân lên các hòn đảo nhỏ bé kiêu hùng, một phần đất đai thiêng liêng của Tổ quốc trên biển Đông luôn là ước mơ theo suốt cuộc đời.

Nhưng không chỉ trong tháng 4 mà bất cứ lúc nào, bất cứ giây phút nào sẵn sàng chiến đấu cũng là tinh thần thường trực trong tâm khảm mỗi người lính, mỗi người dân đang sống, làm việc trên các xã đảo của Trường Sa. Có những người lính nghĩa vụ măng tơ, tròm trèm 20 tuổi, hồn nhiên khoe là khi ở nhà "em cũng được gọi là hot boy đấy", từng được gia đình chăm bẵm chiều chuộng, cũng từng sa đà vào một số thú vui thời thượng nào của những người trẻ đương thời, nhưng ra tới Trường Sa rồi, khoác lên mình bộ quân phục Hải quân, như trở thành những chàng trai khác hẳn.

Minh họa Lê Tiến Vượng.

Gặp, trò chuyện, hỏi một chàng lính trẻ rằng, ở giữa muôn trùng sóng nước, xa bố mẹ, xa bạn be,â người thân có sợ không? Anh tròn mắt cười, rồi trả lời rất nghiêm ngắn: "Bọn em xác định ra đến đây đã là người của Tổ quốc rồi, nên khi cần sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, có gì đâu mà sợ". Nghe từ Tổ quốc thốt ra từ miệng một người lính Hải quân giữa Trường Sa, chợt thấy Tổ quốc không còn đơn thuần là một khái niệm, mà đã trở thành thực thể rất thật, có thể cầm được, nắm được, sờ được, giữ gìn, bảo vệ được.

Những người lính, những dân chọn Trường Sa làm đích đến, những tấm bia chủ quyền sống luôn ý thức về sự hy sinh cho Tổ quốc nhẹ như một cái chớp mắt. Họ rất tiếc không có điều kiện, cũng không có thời gian để lên các diễn đàn mạng, lên Facebook "chém gió" hay thuyết giảng về tình yêu Tổ quốc. Họ cũng khác hoàn toàn với các "anh hùng bàn phím" - những người chưa hiểu hết tình hình, thời cuộc mà lên tiếng trên các diễn đàn để kích động, kêu gào chiến tranh, bới móc chỉ trích các ban, ngành chức năng đúng lúc biển Đông nổi sóng ngay ở mùa thênh thang gió nhẹ.

Những người lính, những cư dân Trường Sa đã lấy bản thân cuộc sống, tuổi trẻ, tính mạng của mình làm bằng chứng cho lòng dũng cảm và tình yêu Tổ quốc. Tổ quốc sẽ luôn được tiếp nối giữ gìn bằng chính những con người đang âm thầm sống, âm thầm hành động, âm thầm dâng hiến, hy sinh, chứ không phải những kẻ chỉ quanh quẩn trong góc phòng máy lạnh rồi ngoạc mồm chứng minh tình yêu, sự hi sinh, lòng dũng cảm bằng… cách gõ bàn phím

Cô Nương hoa Sen
.
.
.