Lần đầu tiên Việt Nam phát hành thẻ đăng ký hiến tạng cứu người:

Nghĩa cử cao đẹp cần được nhân rộng và tôn vinh!

Thứ Năm, 06/11/2014, 11:00
"Một người chết vì chấn thương sọ não, tối thiểu có thể cứu sống được 7 người bệnh với thận, gan, tim, phổi, tụy tạng của mình. Tuy nhiên, hiện việc hiến tạng chỉ chủ yếu từ người cho sống (là người thân còn sống của bệnh nhân) nên chưa thể đáp ứng được số bệnh nhân rất lớn đang có nhu cầu ghép tạng. Theo đó, cả nước hiện có khoảng 6.000 người cần ghép thận, 1.500 người cần ghép gan nhưng không có nguồn tạng.

"Việc khan hiếm tạng đã làm phát sinh nhiều tiêu cực"

Theo GS.TS.BS Trần Ngọc Sinh, hiện là Chủ tịch Hội Niệu thận học TP HCM, Trưởng bộ môn Tiết niệu Đại học Y Dược TP HCM và nguyên Trưởng khoa Ngoại tiết niệu BV Chợ Rẫy, tính từ năm 1992, tức là năm có ca ghép thận đầu tiên ở Việt Nam, đến nay 22 năm, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy đã ghép thận cho khoảng 400 bệnh nhân, nhiều nhất trong số 12 trung tâm ghép tạng trong cả nước với 1.200 ca ghép. Con số khá ít ỏi này không phải do năng lực bác sĩ mà là vì nguồn tạng để ghép quá hiếm.

Chỉ riêng BV Chợ Rẫy, hiện có hơn 200 bệnh nhân đăng ký chờ ghép thận. Trong khi đó, mỗi năm BV Chợ Rẫy chỉ thực hiện khoảng 40 ca ghép thận. Lâu nay, tạng được huy động chủ yếu từ hai nguồn chính: Người cho còn sống (chủ yếu là người thân theo gia phả 3 đời) và người cho chết não. Từ năm 2008 đến nay, tại BV Chợ Rẫy, ngoài những trường hợp được ghép thận từ nguồn tạng người thân hiến (95% số ca được ghép), chỉ có 7 người chết não tự nguyện hiến thận và đã ghép cứu được 13 người. Những người khác phải sống trong thấp thỏm và không ít bệnh nhân đã qua đời trong sự chờ đợi mỏi mòn.

"Với bệnh nhân suy thận mãn tính giai đoạn cuối, việc chạy thận nhân tạo có thể giúp kéo dài thời gian chờ đợi để được ghép. Nhưng với những người bị bệnh u gan, xơ gan, thời gian sống chỉ còn tính bằng tháng, nhiều trường hợp đã qua đời trước khi tìm được nguồn tạng hiến phù hợp...", GS Sinh trầm ngâm.

Bổ sung thêm, TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Khoa Tiết niệu BV Chợ Rẫy kiêm Trưởng Đơn vị Điều phối ghép tạng, cho biết, hiện nay nhu cầu nguồn tạng ghép tại Việt Nam ước tính rất lớn: Khoảng 6.000 người bị suy thận mạn giai đoạn cuối cần ghép thận, 1.500 người cần được ghép gan (Hà Nội), 6.000 người chờ được ghép giác mạc. Ngoài ra, còn có hàng trăm người đang chờ được ghép phổi, tim, tụy tạng. Song, nguồn tạng hiến chỉ đếm trên đầu ngón tay... Hầu hết những bệnh nhân có tạng để ghép là nhờ người thân hiến tặng.

Chính vì việc khan hiếm tạng đã làm phát sinh nhiều tiêu cực. Trong đó, nổi lên là tình trạng buôn bán nội tạng, buôn lậu tạng, dẫn đến việc không công bằng trong hiến, ghép tạng cũng như gây mất an ninh trật tự xã hội.

Hiện tại ở BV Chợ Rẫy đang có hơn 200 bệnh nhân chờ nhận ghép tạng. (Hình minh họa)

GS Trần Ngọc Sinh khái quát, theo luật là không được mua bán tạng phủ, việc hiến, tặng phải vì lý do nhân đạo thuần túy. Tuy nhiên, thực tế pháp luật hiện nay vẫn có nhiều kẽ hở nên khó tránh khỏi "lọt lưới" những trường hợp mua bán tạng phủ. Trong nước, người bán chỉ cần làm cam kết trên giấy tờ là hiến tạng nhân đạo và không khiếu nại gì sau khi hiến thì coi như họ trở nên hợp pháp. Nhưng cam kết đó có thật hay không, hiện nay luật pháp vẫn không thể kiểm soát hết được. Riêng bác sĩ thì không thể đủ chuyên môn và những cơ sở về pháp lý nên đã bị bệnh nhân và những người bán tạng qua mặt. Ngoài ra, các nước cấm dân chúng của họ buôn bán tạng phủ, nhưng người nước ngoài lại không bị chi phối bởi luật này. Do đó mới xảy ra chuyện người mua và bán thận bay đến nước thứ ba để mổ lấy và ghép thận.

GS Sinh chia sẻ: "Trên thực tế chỉ cần có giấy cam kết của người hiến và xác nhận của địa phương thì việc cho thận là hợp pháp. Tuy nhiên, khi tôi làm Trưởng khoa Ngoại tiết niệu của BV Chợ Rẫy, với uy tín của mình tôi đã thực hiện theo cách riêng. Mỗi trường hợp người đến cho thận, tôi đều phỏng vấn rất kỹ, khi phát hiện ra có mua bán tôi sẽ từ chối thẳng. Điều này cũng xuất phát từ chuyện cách đây 5 năm, có một Việt kiều về đây mua thận của một cô gái nhà nghèo với giá 3.000USD. Nhưng trước đó họ đã đưa ra giấy chứng nhận (có xác nhận của chính quyền địa phương) có quan hệ họ hàng và việc cho thận là tự nguyện. Thấy họ có đầy đủ giấy tờ, BV Chợ Rẫy tiếp nhận phẫu thuật lấy, ghép thận cho bệnh nhân. Đến ngày thực hiện phẫu thuật, khi ê-kíp phẫu thuật đang tiến hành gây mê bệnh nhân thì có điện thoại của Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu gọi lên cho Giám đốc BV Chợ Rẫy nói là ngưng lại vì mẹ cô gái gửi đơn tố cáo việc cô gái bán thận. Cuộc phẫu thuật ngay lập tức được dừng lại. Sau này điều tra ra thì đúng là có sự mua bán trong trường hợp này. Từ đó, tôi không căn cứ vào giấy tờ của địa phương nữa mà tôi trực tiếp phỏng vấn. Tuy nhiên, trên thực tế mình làm vậy là sai luật nhưng không làm thì sẽ "lọt lưới" vô số trường hợp buôn bán tạng phủ như vậy".

Trước nguồn tạng khan hiếm và hiện chủ yếu chỉ trông chờ từ nguồn tạng của người thân hiến tặng khi còn sống, việc hiến tạng từ những người chết não hay ngừng tim cần được xem là hướng đi mới. Bởi trên thế giới, ở những nước tiên tiến có tới 90-95% nguồn tạng là từ người cho chết não, còn ở nước ta 95% là người cho sống. Do đó, cần phải tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong dân chúng về vấn đề hiến tạng.

GS Sinh lý giải: "Tạng người ngưng tim tuy không chất lượng như được lấy khi vừa chết não. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở thời điểm này thận và gan của người hiến vẫn có thể dùng để cứu người (thận lấy trong vòng 15 phút khi tim ngưng đập và gan lấy trong vòng 30 phút). Cách làm này giúp chúng ta không lãng phí nguồn tạng hiến tặng vốn đã hiếm hoi. Chỉ riêng tại BV Chợ Rẫy, mỗi ngày có khoảng 5 trường hợp chết não, ngưng tim chủ yếu do tai nạn giao thông, nếu có được nguồn tạng này thì người bệnh được cứu sẽ tăng lên khá nhiều".

Giúp một người phúc đẳng hà sa

Theo GS Sinh, để thực hiện mục tiêu nêu trên, cần có sự hưởng ứng, đồng thuận rất lớn từ cộng đồng. Sự thay đổi suy nghĩ, quan niệm và quyết định hiến tạng là rất cần thiết. Người dân có thể đăng ký hiến tạng khi còn có thể. Người nào đó nếu chẳng may gặp mệnh hệ gì thì còn có một bộ phận thân thể của mình gửi gắm lại cho đời. Người hiến tạng phải vượt qua rào cản về tâm lý, tâm linh, phong tục… và xem đây là nghĩa cử cao đẹp, đầy tính nhân văn.

"Vẫn biết rằng việc quyết định hiến tạng phủ trong lúc người thân đang hấp hối là điều vô cùng khó khăn, cần có thời gian suy nghĩ, hiểu biết, thông suốt. Tuy nhiên, không phải chỉ riêng Việt Nam mới đặt ra vấn đề này mà nhiều nước rất phát triển việc hiến tạng phủ sau khi chết để cứu giúp cho những người bệnh đang cần được ghép tạng. Có thể thấy, với những người chết hiến tạng, cái chết của họ thực sự có ý nghĩa bởi một phần cơ thể của họ lẽ ra tan theo cát bụi thì lại có thể cứu mạng người. Đã đến lúc vấn đề hiến ghép tạng cần đưa vào giáo dục trong nhà trường", GS Sinh nhấn mạnh.

Một trường hợp điển hình của người bị tai nạn được người thân đồng ý hiến tạng cứu người và người may mắn được ghép quả thận này là nghệ sĩ ưu tú cải lương Minh Vương. Nghệ sĩ này bị suy thận mạn tính, cách duy nhất là phải thay thận, nếu không ông sẽ phải lọc máu suốt đời. Sau một thời gian dài ông được BV Chợ Rẫy đưa vào danh sách bệnh nhân chờ được hiến thận nhưng chưa có người cho, thì may mắn một gia đình có người bị tai nạn giao thông không qua khỏi (có cùng nhóm máu O với ông) đã quyết định hiến quả thận cho ông, với điều kiện phải giữ bí mật danh tính.

Sau khi được phẫu thuật ghép thận thành công cách đây 2 năm, nghệ sĩ Minh Vương đã vô cùng xúc động nói: "Qua trường hợp của mình, tôi mong ngày càng có nhiều người tốt đồng ý hiến nội tạng để cứu người khác. Việc làm cứu người này rất quý giá, không gì có thể sánh bằng".

Tấm thẻ đăng ký hiến tạng cứu người tại BV Chợ Rẫy.

Để góp phần hiện thực hóa điều này, vừa qua BV Chợ Rẫy đã công bố việc thành lập Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người. TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối này cho biết: "Sắp tới chúng tôi sẽ phát hành những tờ rơi vận động hiến tạng và đơn tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết. Người đồng ý hiến tạng sẽ được cấp thẻ đăng ký hiến tạng (dự kiến ngày 28-10 sẽ có thẻ đăng ký hiến tạng đầu tiên) giúp bác sĩ có thông tin để khi gặp nạn hay qua đời đột ngột có thể dùng tạng phủ cứu người.

Đơn vị Điều phối sẽ hoạt động theo mục đích nhân đạo, công tâm, không vụ lợi, với hội đồng gồm 20 thành viên làm việc minh bạch trong việc thu dụng, quản lý cũng như điều phối nguồn tạng. Người cho và nhận không biết nhau, việc bố trí ưu tiên nhận tạng phải theo quy định, đúng đối tượng".

Đề cập về quy trình cụ thể để tiến hành việc xét chọn người hiến tạng và cả người nhận tạng, GS Sinh giải thích thêm: "Nếu có một người hiến tạng vì lòng nhân đạo thì sẽ ưu tiên cho những người đã đăng ký nhận tạng (gọi là danh sách chờ - hiện có khoảng hơn 200 người đang nằm trong danh sách này của BV Chợ Rẫy). Người đăng ký nhận tạng chờ lâu nhất sẽ được chọn nhận tạng trước, dĩ nhiên người này phải hội đủ các điều kiện về sức khỏe, các chỉ số cơ thể để ghép tạng. Vì người được chọn bị virus hoặc đang nhiễm bệnh, nếu vẫn tiến hành ghép tạng sẽ có nhiều nguy cơ thất bại. Theo cách này sẽ loại dần những người không phù hợp, để cuối cùng người nào phù hợp nhất sẽ được chọn ghép tạng. Và người được chọn sẽ do nhóm điều phối trình bày tất cả mọi việc từ đầu tới cuối với một hội đồng ghép tạng gồm trên 20 thành viên - hội đồng này sẽ thảo luận và quyết định một cách công khai, không vì sự quen biết hay 'chạy chọt'… Nếu vi phạm những điều này, chúng ta sẽ phụ lòng người chết đã hiến tạng và trên hết chắc chắn sẽ gây những hệ lụy vô cùng tiêu cực vì mọi người sẽ mất lòng tin. Đại kỵ của hoạt động này là tư túi, và có sự khuất tất trong đó.

Người dân có tâm nguyện hiến tạng khi qua đời (người chết não, ngưng tim) sẽ được cấp thẻ đăng ký hiến tạng. Khi có chuyện không may xảy ra và sau quá trình cấp cứu điều trị, nếu người bệnh không qua khỏi, bác sĩ sẽ căn cứ trên tâm nguyện của họ để lấy các bộ phận tạng hiến. Người dân có thể đăng ký qua điện thoại của BV Chợ Rẫy: 08.39560139 hoặc qua email: dieuphoigheptangbvcr@gmail.com.

Phú Lữ
.
.
.