"Nghịch dại" và nền tảng văn hóa

Thứ Năm, 18/10/2018, 15:12
Các nghệ sĩ showbiz ký tên lưu niệm lên mặt trước của một tác phẩm hội họa. Họ đang bán đấu giá bức tranh hay bán đấu giá chữ ký?".


Họa sĩ Hứa Thanh Bình giấu tên tặng cho chương trình từ thiện bức tranh ngựa và đã bán đấu giá trong đêm nhạc Tình nghệ sĩ số 15 tổ chức vào tối 30-8 tại TP Hồ Chí Minh. Chuyện động trời là các ca sĩ nổi tiếng trong chương trình ký tên thẳng vào mặt tranh (mặt trước) bằng bút dạ.

Họa sĩ Siu Quý bức xúc cho biết: "Việc bán đấu giá tranh trị bệnh cho Mai Phương, Lê Bình là việc làm từ thiện rất nhân văn, nhưng cách ứng xử với một tác phẩm nghệ thuật của showbiz lại quá tệ khiến tôi rất đau lòng, nhói lồng ngực, nghẹn lời không thể nói hơn. 

Các nghệ sĩ showbiz ký tên lưu niệm lên mặt trước của một tác phẩm hội họa. Họ đang bán đấu giá bức tranh hay bán đấu giá chữ ký?".

Công việc từ thiện là tốt, nhưng thực hiện lại quá dở. Điều đó xuất phát từ nền tảng kiến thức của ca sĩ ký nhầm chỗ. Người tổ chức không hề ý thức việc trên tranh có chữ ký của người không đồng tác giả đồng nghĩa với cách phá hoại tác phẩm. 

Một độc giả nói: "Đúng ra khi được đề nghị ký tên lên bức tranh những người kia phải có lời từ chối vì lý do tôn trọng tác giả và để không phá nát một tác phẩm hội họa, cái sâu xa hơn là thể hiện mình là một nghệ sĩ đúng nghĩa và chuyên nghiệp có sự hiểu biết". Tình nghệ sĩ trước tiên phải ở sự tôn trọng nghệ sĩ.

Minh họa: Tả Từ.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Như Huy chia sẻ:

"1- Về bản quyền nghệ thuật, cần phân biệt rõ hai quyền: Quyền sở hữu và quyền tác giả. Quyền sở hữu có thể có thời hạn. Nhưng quyền tác giả là vĩnh viễn. Người có quyền sở hữu tác phẩm nghệ thuật không được phép làm thay đổi tác phẩm bằng bất kỳ hình thức nào nếu không được sự cho phép chính thức của người có quyền tác giả. Bởi nếu làm vậy thì đó là đã vi phạm quyền tác giả.

Ăn trộm tranh/tượng chỉ là vi phạm quyền sở hữu. Vi phạm quyền tác giả là sự vi phạm nặng nề nhất đối với các vi phạm bản quyền thuộc nghệ thuật. Hành vi này có thể coi là tương đương với làm giả tranh/tượng hay mạo danh tác giả.

Nếu quyền tác giả không được bảo vệ, mọi giao dịch nghệ thuật sẽ lập tức không tồn tại.

Nghệ sỹ, khi bị vi phạm quyền tác giả, có thể xem xét khởi kiện.

2- Về giao dịch nghệ thuật. Có một quy tắc nghiêm ngặt. Đó là với tác phẩm nghệ thuật, giá trị của nó được quyết định qua NGƯỜI MUA, chứ không phải vì giá tiền. 

Các nhà đại diện chuyên nghiệp luôn chọn người mua cho nghệ sỹ mà họ đại diện chứ không bao giờ tìm mọi cách bán được tác phẩm với giá cao nhất cho bất kỳ ai. 

Chọn được người mua tử tế là thành công cực lớn cho mọi nghệ sỹ. Và đó là lý do nhiều nhà đại diện cho các nghệ sỹ hoàn toàn tránh khỏi môi trường đấu giá (nơi ai cũng có thể mua tác phẩm, miễn là trả cao hơn)". Hết trích.

Nói một cách nhẹ nhàng thì việc ký tên nhầm chỗ này thể hiện sự thiếu ý thức nghề nghiệp cũng không khác "nghịch dại". Hãy tưởng tượng ca sĩ đang hát trên sân khấu thì có một khán giả giật micro hát cùng kiểu ông ổng. 

Hình ảnh âm thanh lúc đó với người xem là một việc chướng mắt, chướng tai. Khi đó ca sĩ có khó chịu không? Điều gì không muốn xảy ra với mình thì đừng làm với người khác. Mạnh thường quân muốn có sự tôn trọng thì phải có nền kiến thức đầy đủ. 

Quyền tác giả không chỉ ở nghệ thuật mà ở bất kỳ lĩnh vực nào có sự sáng tạo. Những "đứa con" của tác giả cần được bảo vệ để đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của văn hóa quốc gia.

Còn bạn, bạn nghĩ sao nếu chân dung con của bạn bị người khác tô vẽ theo cách mà họ muốn?

Lê Tâm
.
.
.