Không có gì mà ầm ĩ cả

Nghiêm túc bàn về cái lu

Thứ Sáu, 19/07/2019, 09:26
Mỗi khi đường xá ngập thì đơn vị thoát nước bị dân tình bêu trên "đoạn đầu đài", nhưng khi một đại biểu HĐND đưa ra sáng kiến chống ngập với phương tiện cái lu (chum) thì người ta lại cười cợt. Nếu như bà ấy gọi nó là bể chứa, bể thu nước mưa có thể có người vỗ tay chăng?

Chúng ta vẫn tin mỗi gốc cây rừng có thể chia sẻ một phần áp lực nước về xuôi thì sao không tin tưởng hàng triệu cái lu giữ nước nhỉ?

Ở Anh quốc hoặc một số quốc gia phát triển thì hệ thống bể thu nước không có gì mới. Nước mưa vào bể trang bị hệ thống lọc để có thể sử dụng được bình thường. Do điều kiện sống khá rộng rãi nên mỗi nhà có thể dùng thùng chứa tới 5 mét khối.

Ở xứ ta chật hẹp hơn thì để 100 % dân áp dụng sáng kiến bể chứa nước có vẻ không thực tế. Đô thị hóa đã khiến cho phần lớn dân thành phố sống ở chung cư "tổ ong" khổng lồ trong những căn hộ "bao diêm" nên khó mà lắp thêm được các tiện nghi ngoài thiết kế.

Sáng kiến cái lu nếu có thể áp dụng thì chỉ dành cho vùng ngoại thành, nông thôn và miền núi. Hy vọng chúng ta có già nửa dân số theo được dự án bể thu nước. già nửa là 50 triệu dân chẳng hạn. Cứ trung bình 4 người 1 gia đình thì ta có 12.500.000 gia đình. Chúng ta có thể tính ra ngay lượng nước tùy theo mỗi gia đình dùng bể 1 mét khối hay vài ba mét khối. Suy ra, dù nhiều hay ít thì chúng ta cũng thu được hàng chục triệu mét khối nước được điều tiết tự nhiên. Trong điều kiện hiện nay thì chậm một giọt nước cũng quý.

Minh họa Lê Tâm.

Nói cái lu thì có vẻ thô thiển, nhưng chính sáng kiến này nhắc chúng ta rằng khi mải mê phát triển đô thị, chúng ta đã xóa sổ những cái "lu" tự nhiên. Đó là vô số ao hồ đã bị san lấp. Ngay các làng cổ ở Hà Nội từng là nơi trồng hoa như Ngọc Hà, Nhật Tân thì giờ đây cũng vắng ruộng hoa mà chỉ có nhà bê tông mọc chen nhau như nấm. Một dạng "lu" nữa của Hà Nội là "những dòng sông đã qua đời", những dòng sông nhỏ đang bị biến mất là các dòng sông nhận nước thải len lỏi trong thành phố đang bị cống ngầm hóa. Mặt những dòng sông nhỏ và diện tích mặt nước của nó đã biến thành đường nhựa cho xe máy, ô tô.

Bê tông phủ kín không gian sống, nước không có đường thoát nên tụ hợp với nhau tràn trên bề mặt. Dân TP. Hồ Chí Minh tự giễu rằng số lượng các điểm úng ngập đã được giảm bớt và giờ đây chỉ còn 1 điểm úng ngập, đó là toàn thành phố. Dân Hà Nội thì nghêu ngao hát "Hà Nội mùa này phố cũng như sông".

Chúng ta có thể áp dụng, có thể chưa áp dụng sáng kiến chống ngập bằng lu của đại biểu nhưng chúng ta hãy giật mình sợ hãi và cố giữ cho những cái "lu tự nhiên" là các ao hồ còn lại không bị "xẻ thịt".

Khí hậu ngày càng trở nên khôn lường. Ngay cả cường quốc khoa học số 1 thế giới là Hoa Kỳ cũng khốn khổ vì lụt do trận mưa lớn mới đổ xuống ngày 8 - 7 năm nay. Trận mưa lớn kéo dài nhiều giờ khiến các con đường ở thủ đô Washington D.C. bị ngập nặng, nước ngấm tầng hầm Nhà Trắng. Kho chính của tòa nhà Lưu trữ Quốc gia, nơi lưu giữ Tuyên ngôn độc lập, Hiến pháp cùng tất cả những tài liệu quan trọng nhất  của lịch sử Hoa Kỳ  cũng bị ngập lụt, mất điện, các tuyến phố bị nhấn chìm, ô tô lặn ngụp như cua cá. Người dân phải đứng trên nóc xe gọi điện cầu cứu.

Ngay cả đã dùng hết mọi sáng kiến thì chưa chắc đã cản nổi cơn giận dữ của thiên nhiên. Nhưng có "bệnh" thì phải biết nghe mọi phương pháp điều trị. Chúng ta hãy bớt cười cợt được không?

Còn bạn. Bạn có sẵn sàng bảo vệ quyền được nói của người khác biệt không?

Lê Tâm
.
.
.