Không có gì mà ầm ĩ cả

Nghiêm túc bàn về "lon"

Thứ Ba, 02/07/2019, 20:54
Câu chuyện quảng cáo "mở lon Việt Nam" của CocaCola bị "tuýt còi" đã trở thành sự kiện hot trong ngày 29-6-2019.

Theo Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thì dấu hiệu thiếu thẩm mỹ trong quảng cáo Coca-Cola nằm ở cách sử dụng cụm từ "Mở lon Việt Nam". Vị Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho rằng: "Tên gọi Việt Nam không thể tuỳ tiện dùng vào mục đích quảng cáo với các slogan thiếu trang trọng như vậy".

Nhiều người cho rằng việc tuýt còi này là quá tay. Họ bênh rằng lon cũng là một từ bình thường, nếu hiểu theo nghĩa khác là tư duy thiếu trong sáng. Cộng đồng mạng khoái trá áp dụng sự mập mờ chơi chữ bằng cách thay chữ lon bằng Coca. Sau đó dùng chữ Coca để miệt thị nhau với các động từ ném, dí... để thay cho phẫn nộ.

Tranh cãi cả ngày nhưng ít ai đặt câu hỏi rằng tại sao trò chơi chữ có từ lon này lại gây bão khiến cư dân cãi nhau mãi không chán?

Có những cụm từ ngữ vang lên thấy sượng do thói quen của cộng đồng đã "gieo cấy" thói quen. Thí dụ như cụm "chuẩn cơm mẹ nấu" thường được cộng đồng mạng nói tránh cho câu cửa miệng "chuẩn con mẹ nó rồi". 

Khi viết bình luận thì cư dân mạng vẫn hay viết chen vào câu của mình cụm "CCMNR". Ai cũng auto dịch nhanh như chớp. Khi xem truyền hình, thấy giật mình có một chương trình mang tên "Chuẩn cơm mẹ nấu". Chẳng ai có chứng cứ nào để tranh cãi về việc thanh hay tục. Nhưng ai cũng hiểu bằng cái tủm tỉm, nháy mắt.

Có một chuyện cười thời a còng thế này: Chồng đi công tác miền núi, được đồng bào tặng quà bèn nhắn tin về hỏi vợ: "Di cong tac duoc ba con tang lon va buoi, mang lon ve hay mang buoi?". Chỉ cần thế thôi là cười thả phanh.

Minh họa Lê Tâm

Cũng trò chơi chữ này người ta đã tranh cãi các địa chỉ buoi chấm com, lon chấm com (.com).

Trước đây, người ta tin rằng nghĩa chỉ nằm trong từ, nhưng các nghiên cứu ngôn ngữ học sau này cho thấy thậm chí nghĩa không ở trong từ, câu mà chỉ xuất hiện trong một bối cảnh cụ thể. Tổng hợp những yếu tố này hình thành một đơn vị diễn ngôn. Vậy sử dụng nghĩa của từ mang tính điển cố rất rõ.

 Những thói quen ngôn ngữ nêu trên đã xứng đáng được gọi là điển cố của từ "lon" chưa nhỉ. Có những điều không cần phải chỉ tận tay day tận mặt thì mới phục. Người khôn nói ít hiểu nhiều. Đại diện của hãng Coca-Cola đã tỏ ra rất hợp tác tuân thủ yêu cầu Của cục Văn hóa cơ sở. Cụ thể, Coca-Cola Việt Nam đã thay đổi cụm từ "Mở lon Việt Nam" thành "Cơ hội trúng vàng mỗi ngày".

"Coca-Cola Việt Nam cam kết luôn tuân thủ gắt gao với các quy định về sản xuất, kinh doanh và pháp lý của Việt Nam", vị Trưởng phòng Đối ngoại và Phát triển bền vững Coca-Cola khu vực Đông Dương khẳng định.

Việc "tạo sóng" truyền thông này là vô tình hay cố ý thì có trời mà biết. Xin thưa là đâu chỉ Coca mới có lon. Các hãng nước ngọt khác hoặc bia cũng có lon cơ mà. Chả có lon nào hơn lon nào. Sao có lon thì tranh cãi, lon thì ế? Sao bộ phận truyền thông marketing các hãng còn lại không nghĩ ra mà tạo sóng?

Đây là câu chuyện văn hóa chỉ người trong cuộc mới hiểu. Trên thế giới có rất nhiều quảng cáo bị tuýt còi vì không phù hợp với văn hóa nước sở tại. Việc của các hãng kinh doanh là lời lãi chứ không phải tuyên chiến với văn hóa. Đừng nghĩ tuýt còi là không bình thường. Hãy tin tuýt còi là bình thường.

Còn bạn, bạn thích uống chai hay lon?

Lê Tâm
.
.
.