Nghiện biển

Thứ Tư, 19/08/2015, 08:00
Chẳng có thứ thuốc đánh răng nào trên đời sánh được với ba ngụm nước biển súc miệng lúc sớm mai. Ngâm mình dưới biển thường xuyên hằng ngày chừng nửa tiếng đồng hồ thì cao hổ cốt tinh luyện, rượu ngũ xà hạ thổ ba tháng mười ngày còn phải gọi bằng cụ.

Năm nay cái lưng đau lại, bác sĩ phòng mạch chụp X quang đọc phim mặt nghiêm trọng: thoái hóa đốt sống, thoát vị đĩa đệm. Choáng, nhưng vẫn làm ra vẻ cứng bóng vía, gượng cười: tưởng gì, gần bốn mươi năm công chức mài đũng quần như tôi mà không loãng xương thoái hóa chệch đĩa đệm mới lạ! 

Lần này không đợi ai khuyên, tự mình mày mò trên mạng. Gõ cụm từ "lợi ích tắm biển", trong 0,32 giây Google cho ra 1.340.000 kết quả, hầu hết khẳng định tính chất thần kỳ của cái liệu pháp với người ở đâu thì trắc trở khó khăn, chứ với các công dân thành phố Vũng Tàu thì quá ư đơn giản.

Chẳng có thứ thuốc đánh răng nào trên đời sánh được với ba ngụm nước biển súc miệng lúc sớm mai. Ngâm mình dưới biển thường xuyên hằng ngày chừng nửa tiếng đồng hồ thì cao hổ cốt tinh luyện, rượu ngũ xà hạ thổ ba tháng mười ngày còn phải gọi bằng cụ. Bà chủ quán cà phê cóc đầu hẻm nhà mình năm nay ngót nghét bảy mươi mà vẫn nhanh nhẹn dẻo dai như đàn bà tuổi băm. Mười một đứa con theo nhau ra đời, đến năm ngoài bốn mươi mỗi khi đặt mình xuống giường bà chỉ ước gì cứ thế nằm luôn không dậy nữa.

Xương cốt rệu rã, đau nhức đến mức ngứa lưng không dám gãi. Nhà nghèo, tiền mua gạo chả đủ, chỉ biết mỗi phương thuốc không tốn xu nào là ngày ngày chịu khó ra tắm biển. Ròng rã như thế mấy mươi năm, bà lấy lại "phong độ" như bây giờ. "Bây giờ tôi nghiện biển như đàn ông xóm này nghiện cà phê" - bà Tám cà phê cười. Rồi nói tiếp: "Nhưng chú muốn biết lợi ích tắm biển như thế nào thì phải đến hỏi bà cụ Giằng".

Bà cụ Giằng từ ngoài Bắc vào ở với con, làm hàng xóm của bà Tám hơn mười năm nay. Ngoài sáu mươi lưng bà đã còng gập. Một dạo than mỏi người, vào bệnh viện, bác sĩ nửa đùa nửa thật bảo đám con cháu theo hầu: "Xương bà cụ mối mọt hết rồi. Bây giờ chả cần cụ ngã, chỉ cần ai đó sơ ý vỗ vào người là bộ khung rã ra hết đấy". Nghe nói bà Tám nhờ tắm biển mà cứng cáp trở lại, anh con trai bà Giằng cũng chịu khó chiều chiều chở mẹ ra bãi tắm. Chỉ dám để mẹ ngồi sát mép nước, cho sóng xô lên ướt người.

Tắm như làm phép thế, mà hóa ra "phép mầu" linh ứng thật: ba tháng sau bà hết nhức mỏi. Một năm sau không khiến con, tự đi tắm một mình. Ngày nào cũng như ngày nào, tầm mặt trời sắp lặn là ở Bãi Trước lại thấy một bà cụ  để nguyên cả quần áo chống gậy lội xuống nước. Ngâm mình chừng nửa tiếng, lại thấy cụ lóp ngóp chống gậy lội lên, lướt thướt đi về nhà. Cây gậy tre của bà ngấm nước biển lâu ngày thành đen xạm, rắn đanh như gậy sắt.

Mấy tháng nay đều đặn mỗi sáng mình ra biển chừng bốn mươi phút đồng hồ. Một tuần 5 buổi, trừ thứ 7, chủ nhật "nhường" cho du khách từ Sài Gòn và các nơi khác đến tắm đông. Cái lưng đau chưa thấy chuyển. Nhưng không hề gì. Mình đã tới cái ngưỡng không còn quá bận tâm trông đợi vào thành quả của mọi thứ trên đời. Đi không nghĩ nhiều đến đích. Viết không nghĩ nhiều đến in.

Mỗi tối trước khi lên giường, bắt chước người Tây Tạng, xếp đôi dép đi trong nhà quay mũi vào trong cho thật ngay ngắn. Tự nhiên thấy thích một câu cửa miệng tình cờ nghe được của người miền Trung: "Từ từ rồi khoai cũng nhừ"… Sáng mai thức dậy, khua khoắng mấy động tác thể dục, thay bộ đồ, phóng xe ra biển khi các ngã tư đường còn chưa kịp đèn xanh đèn đỏ, thấy khoan khoái lạ lùng.

Không ai bảo ai, những người phụ nữ tắm sớm (chủ yếu là các bà tuổi đã sồn sồn), xúm xít một chỗ gần bờ. Mấy đứa trẻ con cũng tụ tập đùa nghịch với nhau. Chỗ của mình dành cho bọn đàn ông cứng tuổi và mấy ông già về hưu. Dân tắm "chuyên nghiệp", buổi đầu còn lạ, vài ngày sau đã quen mặt. Nhưng tắm, bơi là chính. Chuyện trò cũng chỉ hỏi han vài câu xã giao…

Có một ông khiến mình chú ý. Lần nào ra biển cũng thấy ông ngồi ở đấy rồi. Mặc xà lỏn, cởi trần, chỉ ngồi đúng một chỗ trên bãi cát. Biển có ngày động ngày êm. Nước triều có hôm rút ra xa, có hôm dềnh vào sát bờ. Mặc. Người đàn ông chừng ngoài năm mươi vẫn ngồi bất động chỗ cũ, có vẻ như đang thiền, hai chân khoanh tròn, hai tay đặt trên lòng, nhưng mắt mở nhìn xa xăm.

Ông nhìn sóng, nhìn hải âu, nhìn tàu thuyền nhấp nhô phía chân trời… hay nhìn gì không rõ. Nhưng bao giờ mình cũng nhẹ nhàng vòng ra phía sau ông mà đi qua.

Một lần bỗng nghe cái ông đang tắm bên cạnh mình bình luận bâng quơ:

- Nhìn thần thái thằng Q hồi này khá lên nhiều rồi.

- Có phải bác nói cái ông đang ngồi thiền kia không?

- Nó đó.

- Thiền được như bác ấy thì còn phải nói!

Ông bên cạnh nhếch miệng cười:

- Ừ. Nhưng giá như biết thiền sớm hơn…

Câu nói và cái cười nửa miệng khiến mình tò mò. Hỏi thêm, mới biết Q vừa được trả tự do sau 3 năm ngồi "bóc lịch" trong khám. Một vụ làm ăn kinh tế bất minh bị đổ bể, đại loại thế. Sông có khúc, người có lúc. Số phận cứ đưa đẩy tự nhiên. Xưa nay lường trước những khúc quanh hiểm nghèo của nó để chuẩn bị cho mình một tâm thế vững vàng vượt qua, thật không phải ai cũng làm được.

Khi mình chuẩn bị lên bờ thì Q. cũng kết thúc buổi thiền, từ từ lội xuống biển. Ra đến chỗ nước ngang ngực, ông ấy bắt đầu lặn ngụp, nín hơi nằm ngửa nổi lềnh phềnh, có lúc lại ngóc đầu vung chân vung tay tùm tũm kiểu bơi chó…

Nhìn ông ấy khoan khoái vùng vẫy, không hiểu sao cả tuổi thơ nước ngập mênh mông đồng chiêm trũng của mình lại hiện về. Thằng bé cởi truồng tóc râu ngô, đội áo quần sách vở trên đầu, ôm thân chuối vượt qua mùa lụt đến trường. Một niềm vui nho nhỏ, một chút bâng khuâng nhẹ nhõm muốn được sẻ chia.

Rồi mình chợt hiểu, vết thương tinh thần của Q. đang được biển chữa lành…

Nhà văn Trần Đức Tiến
.
.
.