Nghìn lẻ cách "giết thời gian" cách ly xã hội của phụ nữ

Thứ Tư, 08/04/2020, 17:12
Khi mà thời gian rảnh quá dài trong lúc thực hiện cách ly phòng dịch COVID-19, mỗi người đều chọn cho mình một cách để "giết thời gian", đặc biệt là phụ nữ.

Trước diễn biến dịch COVID -19 ngày càng phức tạp, để hạn chế sự lây lan, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị 16 - Cách ly toàn xã hội từ ngày 1/4 đến ngày 15/4. Tất cả người dân đều "tự cách ly" mình tại nhà như một biện pháp an toàn, giúp tránh xa nguy cơ lây lan virus. 

Khi mà thời gian rảnh quá dài, mỗi người đều chọn cho mình một cách để "giết thời gian", đặc biệt là phụ nữ. Người học nấu ăn, đọc sách, học tiếng Anh, làm đẹp…có người thì tận dụng thời gian rảnh chung tay đẩy lùi dịch.

Làm những việc ngày thường không thể

Khi mọi người đã quá quen với thời gian lao động, học tập thì bỗng mọi thứ như dừng lại, đảo lộn. Nói như người Việt Nam thì chúng ta đang trở qua kỳ "nghỉ tết lần thứ n". Thời gian rảnh nhiều, mỗi người đều chọn cho mình một cách riêng để giết thời gian, đặc biệt là phụ nữ.

Nấu ăn có vẻ là sở thích và cũng là sự lựa chọn của hầu hết các chị em trong dịp nghỉ dài tại nhà mùa dịch COVID-19. Chị Nguyễn Ngọc Hoa (Thanh Oai, Hà Nội) đã đăng tải một món ăn mới "ra lò" của mình lên trang facebook cá nhân với lời lẽ hài hước: "Từ một người không bao giờ nấu ăn, khéo sau đợt dịch này mình lại thành siêu đầu bếp mất". 

Là một nhân viên ngân hàng với công việc lúc nào cũng bận rộn, sáng đi sớm và tối về muộn nên việc nấu nướng, nhà cửa của vợ chồng chị Hoa luôn phải nhờ cậy đến người giúp việc. Đây có lẽ là thời gian vô cùng hiếm hoi chị được ở nhà cạnh chồng và các con lâu đến thế. 

"Để những ngày ở nhà thực sự có ý nghĩa, buổi tối hôm trước tôi thường lên youtube xem các video về dạy nấu ăn. Thường thì sau khi xem người ta hướng dẫn một số món thì tôi sẽ chọn ra ít nhất 1, hoặc 2 món mà mình sẽ nấu cho ngày hôm sau. 

Với những món đã có sẵn nguyên liệu thì tôi chỉ việc vừa xem youtube vừa làm theo còn với những món chưa có nguyên liệu tôi sẽ đi siêu thị gần nhà để mua. Khi đã có đầy đủ những thứ mình cần thì tôi và con gái lớn sẽ bắt tay vào chế biến. Có những món thành công ngoài mong đợi nhưng cũng phải thừa nhận là có món dở tệ" - chị Hoa vui vẻ chia sẻ. 

Để ghi dấu những ngày đáng nhớ, bất kể món ăn nào mới, được chị và con gái làm chị đều đăng lên facebook trong Album "Bếp ăn mùa dịch".

Giống như chị Hoa, chị Lê Thanh Mai, 36 tuổi (Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội) cũng "giết thời gian" bằng cách nấu các món ăn bổ dưỡng, tăng sức đề kháng cho các thành viên của gia đình trong mùa dịch. 

Chị Mai cho biết: "Thay vì bận rộn với công việc hằng ngày thì dịp này tôi chỉ việc nghĩ xem ngày mai mình sẽ nấu món gì, chế biến như thế nào? Tôi cũng có thêm thời gian để tìm tòi các công thức làm những món ăn mà chồng và con yêu thích. Mọi người trong gia đình trở nên gắn kết hơn".

Vốn là kế toán của một Công ty xây dựng lớn nên chị Nguyễn Phương Liên gần như không có thời gian để làm những việc mà mình thực sự yêu thích. Thế nên dịp nghỉ dài mùa dịch COVID này chính là quãng thời gian quý báu để chị Liên biến sở thích của mình thành hiện thực. Với tủ sách khá đồ sộ mà chị đã mua từ rất nhiều năm nay chưa có thời gian để đọc, giờ chị Liên có thể ngấu nghiến từng trang. 

Chị Liên bảo: "Mình vốn là người ham đọc sách vô cùng nhưng công việc hiện tại quá bận rộn khiến mình hầu như không thu xếp được thời gian để làm việc đó. Hằng ngày mình thường phải ra khỏi nhà từ sớm, đến tối muộn mới về.

 Nhiều khi về nhà rồi vẫn còn phải mang theo rất nhiều sổ sách, tài liệu để làm cho kịp nên làm gì có thời gian rảnh rỗi. Giờ được nghỉ mình mới có thời gian thoả thuê đọc sách. Mình có thể đọc thông ngày luôn. Cảm giác sung sướng vô cùng".

Phụ nữ quận Hà Đông may khẩu trang phát cho những gia đình chính sách trên địa bàn quận.

Chung tay cùng hỗ trợ chống dịch

Bên cạnh những người phụ nữ "giết thời gian" bằng những công việc ngày thường không thể làm thì lại có rất nhiều bạn nữ dành thời gian rảnh để chung tay hỗ trợ công tác chống dịch. Như: May khẩu trang, tự chế mũ chắn bọt bắn, thành lập các hội từ thiện để kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp chung tay chống dịch.

Còn chị Nguyễn Thanh Thủy (Thanh Oai, Hà Nội), thay vì ở nhà "giết thời gian" vào việc nội trợ, chị lại lập nhóm, hô hào Mạnh Thường Quân ủng hộ, chung tay đẩy lùi dịch. Chị nảy ra ý tưởng lên nhóm thiện nguyện Én Xuân, kêu gọi đóng góp kinh phí để mua thiết bị bảo hộ cho bác với tiêu chí "Bác sĩ an toàn, chúng ta an toàn".

Chỉ sau một thời gian rất ngắn, nhóm Én Xuân đã kêu gọi được 175,4 triệu đồng. Từ số tiền này nhóm đã mua và ủng hộ được 1.500 bộ quần áo bảo hộ, 9.000 chiếc khẩu trang và 100 chiếc mũ kính chống bọt bắn. Các trang thiết bị này được nhóm trao cho Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Trung tâm y tế huyện Thanh Oai và Trung tâm y tế quận Hoàng Mai.

Còn chị Lê Thị Hoài (phường Cửa Bắc, Hà Nội) cũng được rất nhiều người đánh giá cao. Sau khi đọc báo chị Hoài thấy hiện nay các thiết bị bảo hộ cho ngành y trong công tác phòng chống dịch đang thiếu. Chị đã quyết định lên mạng học cách làm kính chắn bọt bắn để ủng hộ các chiến sĩ bộ đội, nhân viên y tế trong các khu cách ly trập trung.

Chỉ trong 2 ngày chị và gia đình đã làm được hơn 200 chiếc kính và chuẩn bị gửi đi tặng các chiến sĩ bộ đội đang làm nhiệm vụ tại các khu cách ly tập trung. "Nếu diễn biến còn kéo dài nữa tôi và gia đình lại tiếp tục làm, gọi là góp một phần công sức nhỏ bé để đẩy lùi dịch. Tôi thấy đây là thời gian rảnh, thay vì nằm lướt mạng, đăng hình ảnh ăn uống thì mình nên dành thời gian này vào việc làm có ý nghĩa" - Chị Hoài cho hay.n

Phong Anh
.
.
.