Ngôi làng đổi đời nhờ nghề trồng hoa

Thứ Tư, 22/06/2016, 08:25
Làng hoa Định An thuộc xã Hiệp An, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã nổi tiếng với nghề trồng hoa từ nhiều thập kỷ qua. Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay làng hoa Định An đã phát triển nhanh chóng, bền vững và được xem là "thủ phủ" của loài hoa lay ơn ở xứ hoa Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng.


Nhờ sự ưu ái của thiên nhiên, nơi đây có thể trồng các loài hoa quanh năm, chính vì vậy, nghề trồng hoa lay ơn đã đem lại một cuộc sống khấm khá, nhiều số phận thoát khỏi nghèo khó, vươn lên làm giàu.

"Thủ phủ" hoa lay ơn

Những ngày hè, chúng tôi có dịp ghé qua thôn Định An một địa danh mới nghe qua đã gợi lên cảm giác ấm áp và tươi vui, sự no đủ và giàu có. Làng hoa Định An nằm ngay ngoại thành thành phố Đà Lạt khoảng 8km - một làng hoa chưa thật sự nổi tiếng khắp các tỉnh thành, nhưng cũng đủ để người dân quanh vùng biết đến và được mệnh danh là thủ phủ của hoa lay ơn ở xứ hoa Đà Lạt. Nhiều năm nay, những vườn hoa và cánh đồng hoa lay ơn đã đem đến cho người dân ở đây một cuộc sống với hương sắc, diện mạo mới.

Anh Vương Văn Năm đang thăm đồng hoa lay ơn của mình.

Những năm gần đây, những ngôi nhà cấp 4 khang trang, nhà cao tầng và biệt thự đang thi nhau mọc lên như một minh chứng cho tên gọi của làng. Người dân làng hoa Định An, cả đàn ông và phụ nữ đều tích cực thi công các tuyến đường nội thôn, đường phục vụ làng nghề; mải miết chăm nom những khu vườn nhà và cánh đồng hoa rộng lớn.

Một đặc điểm dễ nhận thấy ở thôn Định An là gần như nhà nào cũng tất bật, bận rộn từ sáng đến tối. Tuy nhiên, giữa những cánh đồng hoa vẫn luôn rộn rã tiếng nói cười, chúng tôi cảm nhận rõ sự thân thiện của người dân ở đây khi trò chuyện với họ.

Chúng tôi đã tìm đến nhà anh Vương Văn Năm (38 tuổi) - một người đàn ông hiền lành, chất phác và năng động vừa tiếp chuyện với khách, vừa phân loại từng cây hoa lay ơn để cho thương lái đến mua: "Đây đang là cuối vụ hoa lay ơn, giá cao nên phải tranh thủ thu hoạch chứ để ít bữa nữa là hư hết, không bán được thì tiếc lắm. Bán xong lại gieo giống cho vụ mới, ít đất thì mướn tầm 4 - 6 triệu trên một sào, lấy công làm lời thôi. Nhưng cũng nhờ nghề trồng hoa lay ơn mà gia đình tôi có cuộc sống khấm khá hơn trước đây khi trồng các loại cây khác rất nhiều".

Theo ông Vương Hưng Tuân, cán bộ khuyến nông xã Hiệp An, huyện Đức Trọng cho biết, nông dân trong xã năm nay đã trồng được khoảng gần 400ha hoa lay ơn. Chi phí đầu tư cho 1.000m2 hoa lay ơn dao động từ 18 - 20 triệu đồng. Sau hơn 2 tháng gieo trồng, nếu bán được với giá từ 2.000 đồng/cây trở lên nhà vườn thu về không dưới 20 triệu đồng/sào.

Vụ hoa Tết năm trước, hoa lay ơn có giá bán lên tới 4.500 đồng/cây, điều đó khiến nhà vườn thêm tự tin, đặc biệt là trong dịp cận Tết. Định An là một thôn điển hình về quy mô trồng hoa lay ơn cũng như sự thay đổi tích cực về kinh tế đời sống của bà con nơi đây.

Bà Nguyễn Thị Thảo đang cùng nhân viên làm hoa chuẩn bị giao cho khách.

Tuy nhiên, người dân Định An vẫn chưa quên khoảng gần 20 năm về trước, khi cây hoa lay ơn bén rễ chưa nhiều, bà con nông dân chủ yếu chăm lo 2 vụ lúa mỗi năm và trồng các loại cây, rau hiệu quả kinh tế thấp.

Lúa trồng có mùa vụ, chủ yếu đáp ứng nhu cầu lương thực hàng ngày, nhà nào dư một ít thì bán để lo chuyện học hành cho con cái và sắm sửa các loại vật dụng trong gia đình. Nhưng giá lúa chẳng mấy khi cao, nếu tính chi phí giống, phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật có khi vừa hết, may mắn lắm thì lấy công làm lãi.

Do vậy, để có tiền trang trải các nhu cầu về cuộc sống, vào mỗi dịp nông nhàn, bà con phải bươn chải khắp nơi, làm đủ nghề. Lớp trẻ lớn lên đều tìm cách rời khỏi quê hương, không học hành lên cao thì cũng đến các khu công nghiệp khắp mọi miền đất nước để tìm kế sinh nhai.

Rồi một ngày, người Định An nhận thấy nhu cầu thị trường hoa ngày một lớn, khi cuộc sống vật chất được cải thiện con người có điều kiện quan tâm nhiều hơn đến đời sống tinh thần. Một thời, nhiều người xem cây hoa là thứ phù phiếm, nên thị trường hoa bó hẹp. Nay vào dịp lễ, Tết, hội hè, cưới hỏi, ngày rằm nhiều người đã tìm đến hoa, và dĩ nhiên thị trường hoa ngày càng mở rộng.

Ở Định An, cây hoa bén rễ từ mấy chục năm trước, nhưng chỉ giới hạn ở những khóm nhỏ quanh vườn, người trồng với mục đích chính là để thưởng ngoạn, làm cảnh. Đã đến lúc diện tích cây hoa được mở rộng, thay thế các loài cây ít có giá trị trong vườn, các giống hoa ngày một tăng cao, đem lại nguồn thu đáng kể cho người nông dân.

Giờ đây, bà con ở Định An có cơ hội chứng tỏ được sự năng động trong cơ chế thị trường, khi khắp xóm, khắp làng thắm sắc các loại hoa. Hoa lay ơn Định An được thương lái móc nối vận chuyển đến các tỉnh thành trong Nam ngoài Bắc như thành phố Hồ Chí Minh, Phan Thiết, Đà Nẵng, Hà Nội, Vũng Tàu… Hầu hết gia đình ở vùng quê này đã thực sự "đổi đời" nhờ trồng hoa.

Cuộc sống vươn lên từng ngày

Bà Nguyễn Thị Thảo (62 tuổi) ở thôn Định An, một đại lý thu mua giống và hoa lay ơn có tiếng, đã có thâm niên trong nghề hơn 30 năm nay chia sẻ: "Phải nói rằng cuộc sống của gia đình tôi thay đổi và trở nên khá giả là đều nhờ vào những củ giống, cành hoa lay ơn. Tôi quê gốc ở Cao Bằng nhưng đã vào thôn Định An, xã Đức Hiệp sinh sống theo gia đình từ khi còn trẻ tuổi. Ban đầu vô đây trong này cũng hoang sơ, nghèo khó lắm.

Tôi cùng chồng đã phải làm mướn miết nhiều năm trời mới bám trụ ổn định ở đây được. Loay hoay nhiều năm, gia đình cũng tích cóp được ít tiền sau đó mới mướn đất trồng hoa, xà lách, mua củ bông lay ơn về bảo quản đợi giá cao thì bán ra lấy lãi. Đến giờ, khi người ta trồng hoa ồ ạt thì tôi tập trung vào làm đại lý, móc nối với các tỉnh để cung cấp hàng cho họ.

Hoa lay ơn sau khi nhập về được phân loại, đếm đủ số lượng và buộc lại thành từng bó mới giao cho khách.

Hàng ngày, tôi liên hệ với những người nông dân trồng hoa, rồi cho nhân viên đi chở về nhà để cột lại thành từng bó tùy theo yêu cầu của khách hàng. Hiện giờ, nhà tôi có 6 nhân viên làm công theo ngày mỗi tháng thu nhập không dưới 5 triệu đồng. Mình có uy tín lâu năm thì không lo không làm được đâu".

Nói rồi, bà Thảo dẫn chúng tôi vào làng, ghé thăm những gia đình có nhiều "duyên nợ" với nghề trồng hoa. Đó là bà Nguyễn Thị Sanh (em gái ruột bà Thảo), anh Vương Văn Vũ, chị Nguyễn Thị Thi, anh Nguyễn Văn Tiến.

Những hộ này có điểm chung là cơ ngơi khang trang, tiện nghi đầy đủ, tất cả đều do nghề trồng hoa, kinh doanh mang lại. Mỗi năm, trừ các loại chi phí và công sức lao động, mỗi hộ này thu về trên 100 triệu đồng từ việc trồng, buôn bán hoa.

Nói như lời bà Nguyễn Thị Sanh thì "Chỉ có cây hoa mới đem lại cho người Định An cuộc sống đủ đầy, sung túc". Tuy nhiên, nghề trồng, buôn bán hoa cũng lắm vất vả, rủi ro, đòi hỏi công phu, người trồng hoa cũng không ít nỗi niềm.

Nhiều khi thị trường xuống giá, hoặc không tiêu thụ được thì cây hoa cũng chỉ để cho bò ăn. Không ít lần, nông dân Định An đã nếm trải vị đắng cay đó, mọi công sức, tiền bạc đầu tư đều bị đổ bỏ theo đống hoa trên đồng ruộng.

Mặc dù vậy, người dân vẫn bám theo nghề trồng hoa bởi không có nghề nào mang lại thu nhập cao, hiệu quả như nghề này. Bà con làng hoa Định An coi chăm hoa như công việc duy nhất, họ cùng rủ nhau ra vườn, ra ruộng thức đêm cùng với hoa. Bởi đây là lúc hoa đến kỳ hé nụ, mọi công sức có được đền đáp hay không được quyết định ở thời gian này.

Vì vậy, bà con ngồi suốt đêm để xem từng nhành hoa trổ nụ, từng cánh hoa bung tỏa khẽ khàng, hít những làn hương đầu tinh khiết. Mùa thu hoạch hoa, những cánh đồng hoa đều rộn rã tiếng nói cười.

Mỗi ngày, có đến hàng chục chiếc xe tải về làng để thu mua, thương nhân thuê người đến cắt tại vườn, tại ruộng. Người trồng hoa chỉ việc kiểm đếm, chuyển giúp lên xe và nhận tiền tận nơi.

Bà Nguyễn Thị Sanh (56 tuổi) ở thôn Định An cho hay: "Gia đình tôi vừa buôn bán vừa trồng hoa lay ơn từ nhiều năm nay, sau khi trừ đi các khoản thu chi mỗi ngày vẫn lãi 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, kinh tế gia đình cũng khấm khá hơn trông thấy so với những năm trước.

Tiền thu được từ trồng hoa giúp tôi trang trải cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, mua sắm được đồ đạc trong nhà. Đặc biệt vào dịp cận Tết, hoa bán chạy, giá cao lắm, mướn vài chục người làm cũng không đủ cung cấp cho các tỉnh khác.

Lúc đó hầu như nhà nào cũng đông kín người làm mướn để kiếm thêm tiền, trung bình mỗi ngày họ kiếm được trên dưới 800 ngàn đồng. Đây là thời gian mà cả nông dân, tư thương, người làm mướn đều kiếm được kha khá tiền từ hoa lay ơn".

Rời làng hoa Định An vào một buổi chiều muộn với không khí mát mẻ, những người nông dân nơi đây đang miệt mài với những hạt giống hoa và những bông hoa lay ơn màu vàng chanh, vàng lửa, đỏ tươi.

Một vụ hoa mới lại sắp bắt đầu, họ gieo từng hạt giống hoa vào đất như họ đang gieo niềm hạnh phúc, hy vọng cho cuộc sống thêm đậm đà sắc hương để làm cho Định An thêm giàu đẹp.

Nông Vĩnh - Minh Phượng
.
.
.