Ngôi làng 'lột xác' nhờ nghề làm giấy bản

Thứ Hai, 16/03/2015, 15:00
Xóm Lũng Quang nằm khuất trung tâm thị trấn Thông Nông chỉ sau một hẻm núi, nhưng giao thông cũng khá khó khăn khi nhiều xe tải đi lại để khai thác đá. Đến đầu làng, chúng tôi nhận ra đây là làng nghề làm giấy bản truyền thống nổi tiếng trong vùng bởi nhìn thấy các lò đun vôi và giấy bản được phơi khô trước các cửa nhà. Ngôi làng thưa thớt chỉ hơn mười mấy hộ dân nhưng có thể dễ dàng nhận thấy gần đây làng nghề đang trở nên thịnh vượng, "thay da đổi thịt".

Từ bao đời nay, người dân tại xóm Lũng Quang, thị trấn Thông Nông thuộc huyện Thông Nông (Cao Bằng) nổi tiếng trong tỉnh với nghề làm giấy bản. Những năm gần đây, trong khi nhiều nghề truyền thống khác đang có nguy cơ mai một thì nghề làm giấy bản ở miền sơn cước này lại "ăn nên làm ra", thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng. Chính vì vậy, cuộc sống của bà con nơi đây đã có nhiều thay đổi rõ rệt, nhiều hộ thoát nghèo, không ít gia đình kinh tế trở nên khá giả, phất lên nhanh chóng. Tất cả đều nhờ nghề truyền thống độc đáo này.

Xóm Lũng Quang nằm khuất trung tâm thị trấn Thông Nông chỉ sau một hẻm núi, nhưng giao thông cũng khá khó khăn khi nhiều xe tải đi lại để khai thác đá. Đến đầu làng, chúng tôi nhận ra đây là làng nghề làm giấy bản truyền thống nổi tiếng trong vùng bởi nhìn thấy các lò đun vôi và giấy bản được phơi khô trước các cửa nhà. Ngôi làng thưa thớt chỉ hơn mười mấy hộ dân nhưng có thể dễ dàng nhận thấy gần đây làng nghề đang trở nên thịnh vượng, "thay da đổi thịt".

Chị Lương Thị Ngần đang mô tả các công đoạn tạo ra giấy bản.

Nghề làm giấy bản ở Lũng Quang đã có từ rất lâu đời. Chính các cụ cao niên làng này cũng không thể nào biết nó xuất hiện từ khi nào. Cụ Mã Thị Nìn (84 tuổi) ở làng Lũng Quang cho hay: "Khi tôi còn nhỏ đã thấy mọi người làm nghề này rồi. Lớn lên, tôi cũng chỉ nghe kể trước đây làng này có nhiều hộ dân sinh sống và hầu như làm nghề giấy bản hết vì thiếu nước, ít ruộng nên canh tác nông nghiệp khó khăn hơn so với nơi khác. 

Tuy nhiên, nghề giấy bản có thời gian dài buôn bán ế ẩm nên người ta bỏ nghề và vào miền Nam làm ăn nhiều lắm. Cho đến hiện giờ làng chỉ còn 15 hộ thôi, nhưng đổi lại cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng thay đổi, thoát khỏi cảnh đói nghèo nhờ nghề làm giấy bản truyền thống đem lại".

Đây là một nghề có lẽ là độc đáo nhất miền sơn cước này, bởi trên thị trường hiếm có hàng hóa như thế cạnh tranh, nhu cầu và giá trị của nó cũng rất cao đối với người dân tỉnh miền núi. Giấy bản thường được dùng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tâm linh, gói ghém các loại bánh, xôi, bỏng ngô… Ngoài ra còn được sử dụng giống như một loại giấy lau miệng cao cấp trong các bữa ăn, đám cưới, bởi nó mỏng, dai, có mùi hương đặc trưng của núi rừng và không thấm mỡ. 

Nguyên liệu chính để làm giấy bản là vỏ cây dưỡng (tiếng Tày, Nùng gọi là cây mạy sla), thân thẳng, nhiều cành, mọc tự nhiên trên các núi đá, trong các cánh rừng già. Những năm trước, người dân hay lên núi tìm nguyên liệu, nhưng những năm gần đây, để tiện lợi và không mất nhiều thời gian cho việc lấy nguyên liệu người dân đã đem giống cây về trồng tại các ven rẫy của gia đình.

Việc làm giấy bản có thể tranh thủ thời gian nông nhàn vì nguyên liệu làm giấy thường thu hoạch vào tháng 2, 3, 6, 7, là khoảng thời gian bà con tranh thủ thu gom nguyên liệu. Mặt khác, việc làm giấy bản không gây ô nhiễm môi trường, có thể làm quanh năm. Cây nguyên liệu có thể tận thu cả thân làm củi đun, lá cây có thể làm thức ăn chăn nuôi gia súc. Đây cũng chính là một trong những điều làm nên sức sống của nghề làm giấy bản nơi đây.

Sản phẩm giấy bản của làng Lũng Quang những năm gần đây được tiêu thụ khắp các chợ phiên trong tỉnh, thậm chí nhiều thương lái còn vào tận nơi thu mua rồi giao xuống các tỉnh dưới xuôi để bán kiếm lời. 

Trước đây, hầu hết trong xóm đều thuộc diện nghèo, nhưng bây giờ họ đã thoát khỏi sự nghèo túng, cuộc sống được cải thiện và "lột xác" vươn lên làm giàu. 

Nếu kể tên những làng nghề truyền thống vùng sơn cước này phát triển, "ăn nên làm ra" nhất thì không thể không nói đến làng nghề làm giấy bản Lũng Quang thuộc huyện Thông Nông. Mặc dù chỉ được coi là "nghề tay trái" (người dân nơi đây chủ yếu trồng trọt chăn nuôi) nhưng nhờ đó mà đã thay đổi hoàn cảnh, kinh tế gia đình của không ít người.

Khuôn làm giấy bản, đồ nghề không thể thiếu khi làm giấy bản.

Theo ông Trương Văn An, Trưởng xóm Lũng Quang cho biết: "Nhiều năm trước, do thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng, đời sống người dân trong vùng còn khó khăn nên nhu cầu không cao, giao thông đi lại khó khăn nên gặp nhiều hạn chế. Sản phẩm bán được ít nên thời gian rảnh rỗi cũng nhiều khi hết mùa cấy, gặt. 

Tuy nhiên, mấy năm nay do việc buôn bán giấy bản thuận lợi, làm ra không kịp nên cuộc sống cũng được nâng lên rất nhiều. Tất cả các hộ gia đình đều có xe máy, tivi, máy xay xát... Phạm vi tiêu thụ giấy bản hiện nay đã được mở rộng ra ngoài tỉnh bởi các thương lái làm trung gian. Kinh tế được cải thiện, phát triển, do đó chỉ trong vòng 5 năm nay, tất cả đã thoát nghèo và làm giàu".

Chị Lương Thị Ngần, một người dân ở Lũng Quang đã làm nghề giấy bản hơn hai chục năm nay, nhà nằm ngay đầu làng cho hay: "Trung bình mỗi một mẻ cần khoảng 30 - 40kg vỏ cây, số lượng đó sẽ làm ra được 800 tờ giấy bản, xếp thành từng tệp, mỗi tệp 10 tờ. Một mẻ bán ra thị trường có thể thu về 1 triệu đồng, nếu không tính thời gian tìm nguyên liệu và phơi khô thì mỗi ngày có thể làm được 2 mẻ. Việc làm giấy bản không gây ô nhiễm môi trường, vì cây nguyên liệu có thể tận thu cả thân làm củi đun, lá cây có thể làm thức ăn chăn nuôi gia súc. Mỗi nhà chỉ cần đầu tư xây một lò sấy, một bể nước nhỏ là có thể làm giấy".

Đối với người dân Lũng Quang, công việc làm giấy bản đã trở nên thành thục, quen thuộc như ngấm vào xương máu. Trong các công đoạn, phần tước vỏ cây mất nhiều thời gian, công sức nhất, bởi phải tước hết vỏ đen một lần nữa để giấy làm ra được trắng sạch hơn. 

Sau khi vỏ cây tước xong sẽ đem ngâm vôi trong khoảng thời gian 12 tiếng, vôi càng đặc thì thời gian ngâm vỏ càng ngắn. Ngâm vôi xong, phần vỏ sẽ được người dân rửa qua nước rồi đun lên gần 3 tiếng, rồi lại đem rửa, sau đó mới ngâm nước khoảng 2 ngày. Công đoạn tiếp theo là đập nát phần vỏ cây rồi mới được cho xuống bể múc.

Người dân cho biết, khi khuấy đều tay sẽ được một loại nước màu vàng nhạt, đặc sánh, công đoạn này đòi hỏi người làm phải dùng sức khuấy mạnh. Trong lúc đem khuôn xuống lắc đều và nhấc lên dứt khoát để nước trải đều trên khuôn, lập tức xuất hiện một sản phẩm giấy ở dạng ướt. Giấy này sẽ được ép vắt nước để sản phẩm giấy được đều, cuối cùng sẽ rải lên 2 mặt lò được đun lửa nhỏ, khoảng 1 tiếng giấy sẽ khô.

Sản phẩm giấy bản đã hoàn thiện.

Giấy bản không chỉ của người dân tộc Tày, Nùng, mà các dân tộc Dao, Mông, Kinh... đều sử dụng trong các nghi lễ truyền thống, nên nghề làm giấy bản đã giúp nhân dân xóm Lũng Quang có việc làm và thu nhập ổn định, góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế của xóm, nâng cao đời sống cho bà con. Đến nay, do thấy được hiệu quả của nghề làm giấy bản, 100% số hộ trong xóm đều làm nghề truyền thống này, thậm chí nhiều hộ còn đầu tư mở rộng thêm 2 đến 3 lò. Trung bình mỗi hộ dân trồng khoảng 0,5ha cây nguyên liệu để đẩy mạnh làm giấy bản.

Năm 2013, theo Dự án giảm nghèo của tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng đã đầu tư, hỗ trợ các hộ dân làm giấy bản Lũng Quang bảo tồn và phát triển nghề truyền thống với tổng số vốn 70 triệu đồng. Các hộ nghèo của xóm, mỗi hộ được hỗ trợ 10 triệu đồng để xây lò dán khô, lò nung vật liệu, bể múc thành sản phẩm giấy. 

Được biết, trong thời gian tới, Nhà nước sẽ hỗ trợ thêm cây giống cho các hộ gia đình, nhằm từng bước mở rộng vùng nguyên vật liệu làm giấy, đáp ứng được nhu cầu sản xuất quanh năm. Đây là một chương trình rất thiết thực, giúp đỡ, động viên bà con lao động sản xuất, gìn giữ nghề truyền thống tại địa phương.

Những năm gần đây, tỉnh Cao Bằng xuất hiện nhiều làng làm nghề lột xác phất lên, ăn nên làm ra như làng rèn Pác Rằng, làng hương Phia Thắp  thuộc xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, làng nghề nuôi ong ở xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh, làng nghề nuôi tằm ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng…

Ngoài ra, ở xã Quốc Dân, huyện Quảng Uyên cũng còn tồn tại nghề làm giấy bản đã có từ lâu đời. Tuy nhiên, nghề làm giấy bản của người dân nơi đây chưa được phát triển mạnh, vì vậy số hộ dân theo nghề còn ngày một thưa thớt, phạm vi thị trường tiêu thụ còn hạn chế. 

Từ thực tiễn cho thấy, nếu người dân đồng lòng, nhạy bén và tích cực sản xuất đáp ứng theo nhu cầu của thị trường cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, Nhà nước thì làng nghề đó sẽ tồn tại và phát triển bền vững hơn.

Nông Lưu Vĩnh
.
.
.