Người Hà Nội khởi nguồn cho Đà Lạt trở thành một thành phố hoa

Thứ Năm, 21/05/2015, 07:00
Vào tháng 6 năm 1893 Alếchxăng Eme Sena Yersin đã tìm ra Đà Lạt. Vùng đất huyền diệu này đã tạo ra ấn tượng mãnh liệt với nhà khoa học, nhà thám hiểm tài ba, nhân văn này. Nhật kí của ông ghi rõ: “Từ trong rừng thông bước ra, tôi sững sờ đối diện một bình nguyên hoang vu như mặt biển tràn đầy những làn sóng màu xanh lá. Sự hùng vĩ của rặng Langbiang đường chân trời Tây Bắc tạo nên bối cảnh tráng lệ gia tăng vẻ đẹp của vùng đất này”.

Chuyến đi đó, Yersin xuất phát từ Biên Hoà vào đầu tháng 6 mà phải gần trọn một tháng ông mới lên được Đà Lạt sau khi chinh phục quãng đường chưa đầy 200 cây số trong tình trạng mà ông đã ghi rõ “đường đi thật khủng khiếp. Trong bốn ngày chúng tôi phải vượt qua vùng núi hiểm trở. Trèo xuống leo lên… Cây cối chen chúc không có đường mòn. Chúng tôi phải khom lưng chui qua các bụi tre. Vì trời mưa nên rừng có nhiều vắt không tả được. Những người Việt Nam đi với chúng tôi bị sốt rét…”.

Vào những ngày thượng tuần tháng 12 năm 2014, khi Ban Tuyên giáo Thành ủy mở trại sáng tác cho Văn nghệ sĩ Thủ đô thì chỉ 1 giờ 45 phút máy bay đã đưa chúng tôi vượt qua gần 2.000 cây số để đến với Đà Lạt - thành phố đẹp như tranh vẽ, hiện đại và khoáng đạt như bất kỳ một thành phố tuyệt vời nào trên thế giới.

Thành phố hoa mà ngay tên gọi Đà Lạt cũng mang đầy đủ chữ cái đầu của câu ngạn ngữ La tinh nổi tiếng Dat Allis Laetitum Alliis Temperriem (cho người này niềm vui, cho người kia sự mát lành). Ba năm sau Yersin phát minh (từ của toàn quyền Đông Dương Ro Bin phong tặng Yersin) ra Đà Lạt, người Pháp đã cho thành lập Trạm điều dưỡng trên cao nguyên Langbiang, cái nôi của thành phố Đà Lạt trong tương lai.

Người Pháp và ngay cả chúng ta cũng không ngờ thành phố trong sương này chỉ sau hơn một thế kỉ đã vặn mình trở thành một thành phố có vẻ đẹp kiều diễm, nên thơ với hàng loạt thắng cảnh làm say đắm lòng những cặp tình nhân và du khách như Hồ Xuân Hương, Thung lũng Tình yêu, Hồ Than Thở, Thác Voi, Thác Prem… Với những cánh rừng giữa thành phố thẳng tắp thông reo, những nẻo đường rực rỡ ngàn hoa…

Nếu như ta biết, năm 1916, tức 7 năm sau hé lộ thành phố, Đà Lạt mới có 8 căn nhà gỗ tập trung hai bờ Cam Ly. Thêm 7 năm sau, vào năm 1923 mới có 1.500 người dân và thêm 19 năm nữa, tức vào năm 1942, Đà Lạt đã có 2 vạn dân. Trong đó Hà Nội của ta thật kiêu hãnh khi số người Hà Nội đã xuất hiện ngày càng đông để rồi cùng với sự tài hoa có được ở những người con đất đế đô đã mang đến cho Đà Lạt sắc màu của những cánh hoa Quảng Bá, Nghi Tàm, Ngọc Hà… làm thành phố trên cao nguyên bớt đi sự hoang vu trở nên rực rỡ, kiều diễm và ấm áp đủ sức mời gọi mọi kẻ lãng du

Việc xuất hiện của người Hà Nội ở Đà Lạt có nhiều nguyên nhân, nhưng với tôi đó chính là cái duyên của người Hà Nội tài hoa với một vùng đất đang cần sự tài hoa và lịch lãm đó. Con người cũng như cây cối. Không phải ở đâu cũng có thể ăn đời ở kiếp được. Không phải ở đâu cũng xum xuê đâm hoa kết trái, tạo dựng nên một tình yêu thiêng liêng như mối tình với nơi chôn rau, cắt rốn của mình. Vậy mà… với Đà Lạt, người Hà Nội ta đã trở thành một bộ phận không thể thiếu được trong sự làm nên bản sắc cho một Đà Lạt bốn mùa hoa.

Trong những trang sử của Đà Lạt, thành phố vào loại trẻ nhất nước ta thường nhắc đến Tổng đốc tình Hà Đông là Hoàng Trọng Phu đã có công đưa người Hà Đông vào lập nghiệp, khai khẩn Đà Lạt, đồng thời mang nghề trồng rau và trồng hoa vào Đà Lạt. Những người Hà Đông có công khai thiên phá thạch mang danh Hà Đông chính là người Hà Nội ta đó. Vào những năm của thập niên 30 của thế kỉ XX, ranh giới của tỉnh Hà Đông rộng gấp nhiều lần Hà Nội. Quê nội của tôi ở Phùng Khoang - Thanh Xuân, quê ngoại ở làng Chèm cùng huyện Từ Liêm đều thuộc Phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Phủ Hoài Đức thời đó còn phủ rộng đến Quảng Bá, Nghi Tàm, Yên Phụ, Ngọc Hà…

Đà Lạt thủa đó đã là một đô thị sơ khai. Nhu cầu phục vụ cho một đô thị đã xuất hiện. Chính vì vậy nên vào năm 1937, Quản đạo Đà Lạt lúc đó là ông Trần Văn Lý cũng là một người có con mắt xanh khi nhìn ra tố chất tài hoa, cần cù và tay nghề của người Hà Đông nên đã đề xuất và được Tổng đốc Hoàng Trọng Phu đồng ý di một lượng dân lành nghề trồng rau và hoa vào Đà Lạt.

Vậy là vào năm 1938, 35 người đầu tiên của các dòng họ Nguyễn, Trần, Ngô, Vũ... từ các làng Tây Tựu, Quảng Bá, Nghi Tàm, Ngọc Hà, Xuân Tảo, Vạn Phúc... ven Hồ Tây vào lập nghiệp ở Đà Lạt.

Vua Bảo Đại gắn "ong bội tinh" cho cụ Ất có công thành lập ấp Hà Đông ở Đà Lạt.

Tổng Đốc Hoàng Trọng Phu, người có công khôi phục và làm khởi sắc 136 nghề thủ công ở Hà Đông với “the La, lụa Vạn, chổi Phùng” còn cử thương tá canh nông tình Hà Đông Lê Văn Định vào cùng để điều hành công việc dựng nghiệp nghề rau, hoa. Sau này ông Định giữ chức Chánh án Tòa án hỗn hợp Đà Lạt.

Từ 35 người Hà Nội đầu tiên đó đã gạt dần hoang vu của núi rừng, xua dần cọp, beo, trăn lùi xa để hình thành nên vài chục ha rau, hoa đầu tiên, để chỉ vài ba năm sau vào năm 1941 người Hà Nội đã biến vùng đất xa lạ, hoang dã của cao nguyên Lâm Viên thành ấp Hà Đông với gần ba chục gia đình cùng hơn 100 con người quần tụ, ấm áp bên nhau tạo nên cái gốc vững bền cho một Hà Nội trồng lúa, trồng hoa mang thương hiệu Đà Lạt sau này.

Các cụ lứa đầu tiên của ấp Hà Đông này vẫn nhớ. Để ghi ơn trời biển của Tổng đốc Hà Đông, dân ấp đề nghị lấy tên Hoàng Trọng Phu làm tên ấp nhưng vị Tổng đốc thương dân này bảo “cứ lấy tên Hà Đông mà đặt để cháu con muôn đời biết gốc tích quê quán ở đâu”. Ôi. Đúng là nghĩa cử tấm lòng của một vị quan biết thương dân.

Hôm đến ấp Hà Đông giờ đã là phường Tám của thành phố Đà Lạt,  tôi có may mắn được gặp ông Ngô Văn Bích. Ông Bích lặng người xúc động khi tôi nhắc đến rặng ổi nổi tiếng một thời của vùng Quảng Bá quê ông. Sự xúc động càng dâng trào khi ông nhớ lại cha ông, cụ Ngô Văn Ất - một trong 35 người Hà Nội đầu tiên đến với vùng đất Lâm Viên này.

Cụ Ất có công trong việc cứu người trong trận lụt lịch sử xảy ra vào hạ tuần tháng 8 năm 1925 làm vỡ hơn 4 cây số đê ở Xâm Dương, Xâm Thị thuộc tỉnh Hà Đông do đó được Nhà nước thưởng cho 20ha ruộng trên Sa Pa. Ở vùng đất thuận lợi cho hoa, cụ Ất đã trồng hoa và thu được khá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Nhất là việc chống tuyết và sương muối.

Trong gia tài cụ Ất mang vào Đà Lạt có 2.000 củ la dơn giống lấy từ Sa Pa. Đây chính là những củ giống la dơn đầu tiên làm nên giống hoa nổi tiếng cả trong và ngoài nước của Đà Lạt suốt gần một thế kỉ qua. Vì công lao của người gieo giống và trồng hoa nổi tiếng đó, cụ Ngô Văn Ất đã được Vua Bảo Đại tặng thưởng Huân chương “Long bội tinh”.

Hôm tôi vào thăm Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng và đến nhà văn hoá của làng hoa Hà Đông - phường 8 đã thấy bức ảnh nổi tiếng đó. Ngoài người cha tài ba đó, ông Bích còn có người anh nổi tiếng nữa là ông Ngô Văn Hiện đã từng đuổi beo và trăn ra khỏi những vườn hoa của nhà mình.

Những năm cuối thập niên 30 của thế kỉ XX, Đà Lạt còn hoang vu lắm. Rừng rậm vây quanh hai ấp Đệ Nhất, Đệ Nhị. Thú rừng đi lại nghênh ngang. Người Pháp thì cấm giết thú hoang mà chỉ cho phép xua đuổi. Kì tích của ông Hiện cũng từ đó được lập. Thế mới hay để có được những bông hoa tuyệt mỹ, để Đà Lạt hôm nay là thành phố hoa nức tiếng, người Hà Nội ta thủa khai thiên lập địa chốn Lâm Viên này quả là vất vả và can trường.   

Năm 1938 những người Hà Nội đầu tiên đến với Đà Lạt lập nên Ấp Hà Đông để tạo dựng ra nghề trồng rau, trồng hoa nổi tiếng thì 38 năm sau vào năm 1976 khi đất nước liền một khối thì Hà Nội lại thêm một lần đưa người vào Lâm Đồng không chỉ để củng cố, ghi đậm thêm một vùng rau, vùng hoa giờ đã thành đặc sản của Đà Lạt, mà còn tạo dựng nên huyện Lâm Hà để cùng Lâm Đồng xây dựng một tỉnh cao nguyên ngày một giàu mạnh và đặc trưng.

Hôm đoàn văn nghệ sĩ do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức trại sáng tác tại Đà Lạt đến thăm huyện Lâm Hà mới thấy. Những lớp người Hà Nội ở đây, lứa từ Hà Nội vào từ thập niên vẫn giữ nguyên thổ âm gọn gàng, dứt khoát của dân ngoại ô Hà thành, lớp con cháu họ vào từ nhỏ hay sinh tại đây giọng đã nghiêng nghiêng pha đôi chút “cái nắng, cái gió vùng cao nguyên”.

Bí thư Huyện ủy Lâm Hà Trần Thanh Phương là một người hóm hỉnh. Tất cả câu chuyện dù quan trọng đến đâu qua ngôn ngữ của ông cũng trở nên nhẹ nhàng bởi sự sinh động trong ngôn từ của người lạc quan, yêu đời. Bằng giọng Hà Nội chuẩn vùng Quảng Bá mặc dù đã ở cao nguyên Lâm Viên gần bốn chục năm, Bí thư Phương kể.

Vào ngày 29/3/1976, ông cùng đoàn người được Hà Nội đưa vào xây dựng vùng kinh tế Lâm Đồng cùng không ít tỉnh của miền Bắc. Sau 11 năm đầu vật lộn với bao khó khăn, vất vả của thủa ban đầu gai góc ấy, không ít tỉnh đã không chịu nổi thử thách của vùng đất mới đành quay lại cố hương, riêng Hà Nội vẫn trụ được và dần dần hình thành nên huyện mới mang tên ghép giữa Hà Nội và Lâm Đồng. Và huyện Lâm Hà với người Hà Nội là nòng cốt nhưng cũng thu nạp người của 30 dân tộc anh em và người của đủ 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Huyện Lâm Hà hợp chủng đó phát triển và trưởng thành vượt qua mọi thời kỳ cam go, khi FULRO còn nghênh ngang, rồi lén lút, rồi chỉ còn sót lại vài ba thằng ngoan cố, đến nay hai thị trấn Lâm Hà và Nam Ban cùng 14 xã của huyện đã đưa kinh tế Lâm Hà lên đứng hàng thứ 5, 6 trong số 12 đơn vị của tỉnh Lâm Đồng. Nền kinh tế Lâm Hà vững vàng với tỉ lệ  hơn 50% dân thuần nông canh tác 40 nghìn hécta cà phê, 17.500ha dâu tằm, hơn 350ha chè… Thêm vào đó, để phát huy thế mạnh về nông nghiệp, huyện còn đang mở rộng việc thí điểm nuôi bò sữa, trồng cây mác ca - một giống cây đặc sản nhập từ Australia - cho dinh dưỡng cao và giá trị xuất khẩu lớn.

Đến với thị trấn Nam Ban (tiếng địa phương có nghĩa là lúa thơm), một thị trấn trẻ của huyện Lâm Đồng mới được thành lập vào ngày 9/9/1981 trên cơ sở cơ cấu của các xã mang tên quê gốc là Mê Linh, Gia Lâm, Nam Hà, Đông Thanh cũng như không ít đơn vị của thị trấn vẫn giữ nguyên tên gốc các vùng Từ Liêm, Ba Đình… Thị trấn này ngoài diện tích trồng lúa, cây rừng còn có tới 11 ngàn hécta trồng cà phê, dâu tằm và hoa…

Bí thư thị trấn Nguyễn Phúc Thái với vẻ điềm đạm nói nhỏ với tôi. Ông bảo mấy năm nay cùng với sự phát triển của kinh tế thì bà con lại có khuynh hướng nghiêng về trồng hoa. Lẽ đơn giản vì một ha hoa một năm cho thu hoạch từ 700-800 triệu, nếu chia bình quân thì người trồng hoa cũng có trên dưới 40 triệu đồng.

Buổi chia tay, giao lưu của đoàn văn nghệ sĩ Thủ đô với bà con Hà Nội lập nghiệp tại Đà Lạt được tổ chức tại Nhà văn hoá của Làng Hà Đông - phường 8, TP Đà Lạt. Nhìn các cô gái làng hoa Hà Đông trong đội múa “hoa cúc xanh” rập rờn trong vũ điệu “Hà Nội - Mùa thu”, nghe anh thanh niên làng hoa sinh trên cao nguyên hát “Hà Nội niềm tin và hi vọng”, tôi không nén được xúc động.

Người Hà Nội ta gần một thế kỉ đã đến Đà Lạt. Hoa dơn, cúc vàng, hoa trà, hoa hồng..., những loại hoa cổ truyền của một Hà Nội thanh lịch đã bừng nở góp phần làm nên một Đà Lạt hoa thì nay người Hà Nội ta vẫn với sự lành nghề, lịch lãm vẫn tiếp tục gieo giống cho những loài hoa mới như den zo fo ri om (phi điệp), min to ri a (hoa bà đầm)… mọc chắc chắn và mở rộng nơi đây để cho Đà Lạt thêm những màu sắc quyến rũ cả bốn mùa trên cao nguyên Lang Biang này.

Đà Lạt - Hà Nội tháng 12/2014

Nguyễn Hiếu
.
.
.