Người bệnh bao giờ hết khổ?

Thứ Ba, 19/01/2016, 16:13
Hạnh phúc là gì? Câu hỏi này chắc chắn sẽ có vô số đáp án bởi tùy quan niệm mỗi người, hạnh phúc sẽ được nhìn dưới những góc độ khác nhau.
Khi trẻ, cuộc sống chưa ổn định và ảo tưởng về những giá trị bản thân, người ta nghĩ hạnh phúc là được ăn ngon, mặc đẹp, tiêu tiền không phải nghĩ và ngày nghỉ được vi vu du hí với bạn bè.

Có gia đình riêng, người ta nghĩ hạnh phúc là sự khôn lớn của các con, là những nấc thang danh vọng cần đạt được, những đỉnh cao cần chinh phục cho bằng bạn, bằng bè.

Vào độ tuổi bên sườn dốc cuộc đời, khái niệm về hạnh phúc đơn giản hơn nhiều. Một người được coi là hạnh phúc chỉ cần có sức khỏe tốt, đầu óc minh mẫn, vẫn đáp ứng được mọi công việc. Và khi trở về mái ấm của mình, họ thấy lòng thanh thản, không vướng bận những ham hố, lo toan, bon chen đời thường.

Vâng. Có sức khỏe là có tất cả.

Bạn nghĩ xem, nếu một người trong gia đình đang yên đang lành tự nhiên lăn đùng ra hết bệnh này đến tật nọ. Giải pháp tối ưu cho việc này là vào bệnh viện và cả một chuỗi mệt mỏi, nan giải bắt đầu từ đây. Nếu bệnh nhẹ thì nằm viện một vài ngày rồi về. Còn nếu bệnh nặng hoặc nằm cả tuần mà không thể phát hiện ra bệnh gì thì quả là sự lo lắng trút lên đầu cả nhà.

Chưa hết. Người bệnh vào viện dù có bảo hiểm vẫn phải nộp vô số khoản tiền ngoài danh mục. Nếu chọn dịch vụ cao cấp thì con số đó còn lớn gấp bội. Tất nhiên điều này chỉ dành cho người có điều kiện, còn túi tiền eo hẹp thì chấp nhận điều trị theo phác đồ của bệnh viện và trông cậy vào sự may mắn.

Minh họa của Tả Từ.

Xã hội phát triển, con người cư xử với nhau cũng văn minh hơn. Quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân dù đã được cải thiện nhiều, nhưng đâu đó, chúng ta vẫn phải nghe những tiếng ì xèo về thái độ vô trách nhiệm, hách dịch, vô cảm của thầy thuốc đối với bệnh nhân. Tôi không nghĩ các bác sĩ muốn có thái độ như vậy mà chỉ do áp lực với họ quá lớn. Bệnh viện tuyến trên luôn quá tải mà sức họ thì có hạn và đó chính là giọt nước tràn ly, vượt quá ngưỡng chịu đựng của họ.

Một số người bệnh không tìm đến bệnh viện vì sợ đông đúc mà trông chờ vào sự may rủi ở các phòng khám hay hiệu thuốc tư nhân. Tôi không phủ nhận vai trò của các phòng khám, hiệu thuốc tư nhân "bám" dày đặc các bệnh viện nhưng một thực tế có thể nhận thấy, đó là chi phí vào đây khá lớn. Bệnh xoàng khám rồi mua thuốc cũng mất một vài triệu đồng. Còn bệnh nặng và muốn mua các loại thuốc đặc trị trong bệnh viện không có thì con số đó gấp nhiều lần so với chi phí trong bệnh viện.

Mấy ngày gần đây, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng về việc 3 cửa hàng thuốc nằm trên quận Hoàn Kiếm "phù phép" hơn nửa triệu đơn vị tân dược hết hạn để bán cho người tiêu dùng. Theo cơ quan Công an, tính đến thời điểm bị phát hiện, đối tượng chủ mưu của vụ án đã chỉ đạo nhân viên tẩy, sửa hạn sử dụng khoảng 200 loại tân dược và thực phẩm chức năng rồi tuồn ra thị trường. Trong số tân dược bị tẩy, sửa hạn sử dụng có cả các loại thuốc đặc trị, chỉ được bán theo chỉ định của bác sĩ như: thuốc chữa bệnh tiểu đường, hen suyễn, an thần, thuốc hạ sốt trẻ em, thuốc bổ sung chất sắt cho phụ nữ có thai.

Thú thật, tôi không thể tin được chỉ vì đồng tiền mà người ta có thể bất nhân, thất đức đến như vậy. Những loại thuốc còn hạn sử dụng khi vào cơ thể con người chưa hẳn đã có tác dụng tích cực huống hồ là các loại thuốc đã hết hạn. Thuốc hết hạn đồng nghĩa với thuốc không còn giá trị sử dụng và khi bệnh nhân dùng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của họ.

Theo số liệu tổng kết của Sở Y tế Hà Nội, chỉ tính trong năm 2015, số tiền xử phạt hành chính với các cơ sở hành nghề dược tư nhân trên địa bàn thành phố lên tới 500-600 triệu đồng. Các chuyên gia dược nhấn mạnh, hành vi bán thuốc "hết date", không đảm bảo chất lượng cho người bệnh là một tội ác bởi những loại thuốc này không chỉ giảm hoặc mất tác dụng điều trị mà còn có thể gây độc, nguy hại cho sức khỏe người bệnh.

Một lãnh đạo của Sở Y tế Hà Nội đã thẳng thắn bộc lộ quan điểm: Trong thời gian tới, việc xử lý các hành vi sai phạm trong lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân cần nghiêm khắc hơn, không chỉ phạt tiền mà sẽ đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép hành nghề, thậm chí tùy theo mức độ vi phạm nếu thấy nghiêm trọng sẽ đề nghị khởi tố hình sự. Đây là điều cần thiết để lập lại trật tự trong lĩnh vực này và tôi tin rằng, người dân sẽ hoàn toàn đồng tình.

Tuấn Nguyễn
.
.
.