Người cất giữ "kho báu" Tây Nguyên

Thứ Hai, 05/12/2016, 15:31
Những đứa trẻ nhà Y Thim sinh ra và lớn lên trong tiếng chiêng Char, tiếng trống H'gơr, tiếng đàn T'rưng của buôn làng. Sắc màu âm thanh quện trong hồn, ngấm vào tuổi thơ khiến chúng trở thành "đặc sản" sống của văn hóa Tây Nguyên. 


Hồn vật trong lòng người

Mùa cà phê đang rộ, hương cà phê ngào ngạt mọi nhà, tỏa bay khắp các con đường dẫn lối vào buôn Ea Bông. Nghe có người gọi, nghệ nhân Y Thim (Ea Bông, xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuật, tỉnh Đắk Lắk) vận chiếc áo bộ đội bạc màu chui từ vườn cà phê ra, mồ hôi còn đượm trên màu da. Y Thim niềm nở dẫn chúng tôi lên ngôi nhà sàn có hai bậc cầu thang cái và đực.

Ông cho biết, đây là ngôi nhà sàn còn giữ nguyên hiện trạng từ thời xa xưa của đồng bào mình. Nền sàn bằng tre nứa dập ra, cũ lắm rồi, nhưng ông vẫn để và sẽ để mãi đến khi nào không thể bước đi trên đó nữa.

Du khách tới tham quan "kho báu" của nghệ nhân Y Thim.

Một ngôi nhà sàn đặc biệt, còn vẹn dấu người xưa, trong đó có hàng trăm cổ vật văn hóa Tây Nguyên mà ông đã dày công lượm lặt, sưu tầm, thậm chí phải đổi bằng trâu bò, lợn gà để có. Ngồi trên chiếc ghế Kpan dài thăm thẳm, dày cồm cộm, Y Thim miên man kể những câu chuyện về linh hồn cổ vật.

Tất cả cổ vật đang có, Y Thim đều dạy con cái phải biết trân trọng, yêu quý, xem chúng như một thành viên trong gia đình. Tháng 3 năm nay, Y Thim đã long trọng tổ chức lễ cúng sức khỏe cho mình tại căn nhà sàn cổ này, bằng một con bò, với sự tham gia của cồng chiêng, trống, đàn… Tất cả được phết máu lên bề mặt, hành động ngụ ý chúng sẽ cùng vui chơi, cùng ăn uống với dân làng.

Những sản phẩm văn hóa trong ngôi nhà sàn của ông Y Thim đều mang một linh hồn, đều được trân trọng và gìn giữ như nhau. Ông cho biết, ngày xưa, trước khi đi chặt cây ở rừng, đồng bào phải làm lễ xin thần rừng, thần sông và thần cây thì mới được rước cây về.

Đó chính là tình cảm của họ đối với linh hồn cây. Khi đưa về nhà cũng phải làm lễ gia nhập cây vào thành viên trong gia đình. Trong lễ, ai biết đánh chiêng thì tham gia vào đội, ai biết đánh trống thì đánh… và nghi thức tạt nước cũng vô cùng thú vị.

Người nào vừa nhảy múa vừa đánh chiêng mà tránh không bị nước té ướt quần áo chứng tỏ người đó có sức khỏe, có trí tuệ. Nói về cổ vật thì vô giá, đặc biệt là tinh thần, nếu không có sự xuất hiện của chúng trong mỗi dịp lễ cúng thì chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

Miên man theo dòng cảm xúc hồn vật, chợt ông Y Thim nhíu mày, thoáng chút ngậm ngùi: "Bây giờ đã mai một đi gần hết rồi. Nói do trình độ văn hóa kém thì quá đáng, nhưng đó lại là sự thật. Vì họ làm nông nghiệp nên chỉ biết đến nhu cầu thị trường cần gì và chạy theo. Họ không nghĩ đến giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc mình, không nghĩ đến công lao xây dựng, góp nhặt, bảo vệ của ông bà, cha mẹ từ bao đời".

Ngày xưa chiêng ché, đàn, sáo quý đến mức người ta phải mua bằng bò, bằng voi, bây giờ không thể bán để lấy tiền chỉ đáng giá con gà. Làm thế thì vô tâm lắm. Những sản phẩm thì ngày càng mất đi, nó đi đâu dùng để làm gì chẳng ai biết. Bán thì dễ như vậy, nhưng để phục hồi nguyên bản thì không thể, cho dù có nhiều tiền.

Trong nhà Y Thim bây giờ không thể đếm được có bao nhiêu cổ vật văn hóa Tây Nguyên. Ông đi tìm và lưu giữ từ ngày con trai đầu mới sinh, nay đã gần 30 tuổi rồi. Từ chiếc gùi, cái nồi đất, bộ khung dệt cho đến trái bầu khô…

Y Thim lượm lặt hết. Trên chiếc xe máy cày, ông rong ruổi khắp các buôn làng ở Đắk Lắk, vọt sang cả Gia Lai, Lâm Đồng để tìm kiếm cổ vật. Đôi mắt của ông ngó ngang ngó dọc, cứ phải tập trung cao độ để quan sát, nhìn ngắm.

Vì cổ vật ông đang tìm là những thứ tầm thường đến mức người ta có thể vứt ở xó nhà hay quẳng ra đống rác. Ông xót lắm và đau nữa, bởi cổ vật đã bị đối xử quá tàn nhẫn.

Cũng có những thứ quý giá, như bộ chiêng Lào của gia đình ở Buôn Đôn. Nghe tin, Y Thim phi xe lên tận nhà. Xem xong ông mê đắm đuối, người ngẩn ra. Ông ngỏ ý mua lại, nhưng gia đình không chịu bán. Hôm sau ông lại tới, chỉ để nhìn ngắm cho thỏa mãn nỗi đam mê.

Chủ nhà thấy ông đam mê quá, quyết định bán với giá ba con voi đực có ngà. Nghe xong ông đứng người, làm gì có voi đực mà đổi. Lặng lẽ ra về trong nỗi buồn và sự nuối tiếc tột cùng.

Bẵng đi một thời gian, tự nhiên gia chủ tìm tới tận nhà ông ngỏ ý bán với giá ba cây vàng. Y Thim sung sướng phát khóc, lúc đó dù phải vay mượn ông cũng quyết tâm lấy cho bằng được.

Chỉ vỏ trái bầu khô to như cái nồi cơm, Y Thim cho biết, vật này ông xin được trong xó bếp của một người dân. Đây là trái bầu to nhất từ trước đến nay, bụng bầu có sức chứa được khoảng 5 ký gạo, là vật không thể thiếu trong lễ hội cúng hồn lúa.

Trái bầu còn là kỷ vật không thể quên trong thời kỳ kháng chiến, bởi ngày đó, dù đói khổ, thiếu thốn nhưng với tinh thần giác ngộ cách mạng rất cao, cha mẹ, chú dì của Y Thim vẫn dành những hạt gạo quý giá đúc trong ống bầu khô để cho bộ đội ăn no, đánh thắng.

Ông ngoại đã chiến đầu anh dũng và hy sinh tại mặt trận Buôn Đôn. Hai người em của bà ngoại tham gia cách mạng và cũng là liệt sĩ. 

Chiếc trống cổ vẫn còn nguyên vết máu heo sau mùa lễ hội.

Tiếng tăm của nghệ nhân Y Thim ngày càng lan rộng, bà con biết, ông hay thu lượm những thứ họ không dùng tới thường gọi ông đến cho hay bán rất rẻ. Y Thim bảo, những thứ ông sưu tầm gìn giữ không phải chỉ để nhìn xem, trưng bày, mà để sử dụng "sống".

Ông chỉ vào chiếc trống cổ nằm cũ mốc trên giá, cho biết: "Chiếc trống này vẫn còn  máu heo vì nhà mình mới làm lễ cúng sức khỏe cho thằng Y Thu. Cứ nhìn vào độ dày của tiết heo bám vào là biết trống đã tham gia bao nhiêu mùa cúng rồi". 

Đội nghệ nhân gia đình

Nghệ nhân Y Thim là một trong những người hiếm hoi có tài chỉnh chiêng, một kỹ thuật rất khó trong tiết tấu âm thanh của cồng chiêng. Ông chia sẻ: "Nó khó đối với người không hiểu nghệ thuật thôi, còn mình đã được đi học nên hiểu và làm được.

Trong một mặt chiêng, mỗi một vị trí đều có âm thanh khác nhau, mình lắng nghe sau đó chỉnh cho tiếng hòa trộn vào thành một âm thanh mềm mại, toát lên đúng giá trị thực của nội dung".

Tiếng chiêng và tiếng trống của đồng bào mỗi khi phát ra âm thanh đều có yếu tố truyền tin đặc thù. Khi đánh chúng lên, bà con nghe âm thanh sẽ biết đó là thông tin tốt hay xấu, vui hay buồn.

Bậc cầu thang cái và đực vẫn còn nguyên giá trị thời gian.

Nhìn vào mặt trống loang lổ vết máu heo, ông Y Thim phân trần: "Nhiều vị khách tới đây thấy trống là lấy dùi đánh thử, khi tôi ngăn lại thì họ nghĩ mình ích kỷ, không nhiệt tình chia sẻ.

Đâu phải như vậy, vì họ không hiểu giá trị của tiếng trống đối với buôn làng tôi. Họ đánh lên, bà con nghe kéo tới, thấy trong nhà mình không có chuyện gì là bà con giận ngay, mình sẽ mất uy tín, mất niềm tin đấy…".

Trong gia đình, Y Thim giáo dục các con nếu không yêu thì cũng phải biết quý và trân trọng những gì cha đã và đang lưu giữ. Nhưng thật hạnh phúc, vì cả năm người con của ông đều biết chơi thuần thục các loại nhạc cụ của đồng bào mình.

Trong đó, Y Thu là cậu bé chơi nhạc cụ từ năm lên 6 tuổi. Y Thu biết đánh chiêng, thổi kèn, đánh các loại đàn T'rưng, đinh tút, đinh năm, đinh buốt, ky pah… của người Ê Đê, Ja rai.

Năm 8 tuổi, Y Thu gây chấn động làng nghệ thuật Tây Nguyên khi giành giải nghệ nhân trẻ xuất sắc trong liên hoan văn hóa cồng chiêng dân ca, dân vũ và trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Đắk Lắk.

12 tuổi, Y Thu để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người yêu nghệ thuật dân tộc Tây Nguyên, khi có mặt hầu hết các hội diễn, các liên hoan tầm cỡ Bắc - Trung - Nam.

Quả bầu khổng lồ, vật không thể thiếu trong dịp cúng hồn lúa.

Người con trai cả của nghệ nhân Y Thim là Y Nal Êban hiện đang công tác tại Cục An ninh Tây Nguyên cũng được biết đến là "cây" văn nghệ xuất sắc. Y Nal và em trai Y Thu thường cùng nhau đi biểu diễn ở khắp nơi.

Kể về con, Y Thim tự hào lắm. Bây giờ trong nhà đã có sẵn một đội nghệ nhân, không chỉ phục vụ chuyên nghiệp trong lễ hội của buôn làng, mà còn "kéo" nhau đi biểu diễn ở bất cứ một cuộc thi tầm cỡ nào.

Hơn nửa cuộc đời làm nghệ thuật, năm ngoái, ông xin nghỉ hưu trước tuổi, vì đôi chân đã đi nhiều rồi, thấy tội nghiệp vợ. Nhưng nghỉ chưa ráo mồ hôi, ông bị cánh báo đài, du khách kéo đi quay phim, chụp ảnh, kể chuyện. Am hiểu văn hóa, sử dụng thuần thục nhiều nhạc cụ dân tộc, nghệ nhân Y Thim được xem như một "kho tàng" văn hóa ở Tây Nguyên.

Ngọc Thiện
.
.
.