Người có nhiều con mắt

Thứ Tư, 29/01/2014, 10:36

Dễ chừng năm nay chú Mạc đã ngoài bảy mươi mùa hạt dẻ. Lứa bạn sàn sàn như chú, người ta làm ông lâu rồi. Thậm chí có người lên cụ, ngấp nghé kỵ. Các vị cao niên ở quê, nhất là miền núi, họ mau già lắm. Ai chạm ngưỡng sáu mươi, dân làng đã tôn lên bậc lão nhiêu. Dưới thời phong kiến đế quốc sài lang, các vị lão nhiêu được miễn tất cả thuế má phu phen tạp dịch. Còn những ai từ bảy mươi trở lên, thì được gọi lão trượng. Lão trượng là những ông già thuộc hàng được xã hội tôn kính.

Tính như vậy, chú Mạc nghiễm nhiên trở thành người được quyền đi đứng ngất ngưởng nhất nhì trong làng này. Song lão trượng vẫn phải gọi tôi bằng anh xưng em. Cho dù tôi kém chú đến cả chục nồi bánh chưng bánh nếp. Chả là, nhà chú có họ với đằng mẹ. Tôi gọi ông bà thân sinh ra chú bằng cậu mợ. Nghĩa là hai gia đình chúng tôi còn có dính tý ty dây mơ rễ má. Một giọt máu đào hơn ao nước lã mà.

Lâu không gặp, hôm hăm sáu Tết, có thằng cháu trên quê xuống, tôi mới hỏi thăm chú qua nó. Biết chú vẫn "nguyên đai nguyên kiện", chưa hề biến chuyển. Nghĩa là sau mấy chục năm biệt tăm xa nhau, chú Mạc vẫn thế. Không vợ không con. Không bồ bịch. Không nhà cửa. Không chữ nghĩa. Không nghề nghiệp. Một dãy số không to tướng đeo sau lưng chú. Dãy số không như một cái bóng trùm đè lên thân phận con người tật nguyền. Có lẽ cho đến ngày chu du bến bãi nhà trời, chú vẫn phải mang cái bóng số không. Chú vẫn sinh hoạt chung với vợ chồng người em ruột, chừng nào còn ăn còn thở. Người đàn ông gần như trọn đời chỉ biết sống dựa. Kể như chú là người ăn bám, quả cũng không sai. Nhưng nói trắng phớ ra như thế thì nghe xót lòng lắm. Chẳng như cái lão Mò, lão Phì người cùng trang lứa. Họ ác khẩu bảo nuôi cái thằng Mạc chỉ được mỗi cục c... nhọn như bút chì.

Tôi còn nhớ rất chính xác, chú đã hai lần cưới vợ. Chứ không phải người đàn ông ê sắc ế. Nhưng tại sao chú sống đời con dao cùn lâu vậy nhỉ. Người vợ đầu cũng khiếm thị như chú. Nghĩa là một đều. Hai vợ chồng hầm bà lằng bằng nhau. Gia đình người em đứng ra tổ chức cưới xin, mời khách khứa tiệc tùng hẳn hoi. Hai vợ chồng ăn nằm với nhau chừng một năm ba tháng gì đó. Chú đùng đùng đòi bỏ. Chú bảo với mọi người rằng con mẹ này điếc. Không phải nó điếc tai. Khổ. Đã mù lại còn điếc. Mà điếc đường sinh đẻ. Ừ thì cũng gọi tạm được đi. Bởi lấy vợ là để sinh con, giữ gìn nòi giống cho nhà mình, cho dòng họ mình. Việc quan trong số một. Số một La Mã chứ không thường đâu. Vợ không sinh con nở cái được, giữ nó lại làm dưa khú à. 

Nhưng bà vợ sau thì sao. Cái bà người Bản Zưn to như cái thùng phuy năm trăm ấy. Bà Bản Zưn sau này đáo để hơn. Nó dám đặt cả tảng mông phốp pháp lên ngực em. Rồi nó day. Nó nghiến. Nó dập chèm chẹp làm em nghẹt thở. Con vợ ấy nó chê cái vòi thằng chồng chỉ bằng cái đuôi con chuột nhắt. Chả sướng. Láo. Thế này thì nó láo quá. Con vợ đâu biết vòi em là vòi bánh tẻ. Nó sẽ nở phổng phao tức thì khi gặp làn nước ấm. Làn nước ngọc tuyền xuân sắc trong người nó đã kịp tiết ra đâu mà biết sướng với không sướng. Em tức lắm. Xấu hổ nữa chứ. Hai hôm sau, em liền tống cổ đuổi nó ra khỏi cửa. Đấy! Vòi tao chỉ có thế thôi. Đi mà kiếm thằng nào có cái vòi to bằng cái điếu cày ủy ban thì cút. Em đuổi nó ngay, không thương tiếc. Hì hì. Kể khi ấy em cũng nóng anh nhỉ. Nhưng mà thôi, chả thèm lấy vợ nữa. Nhỡ vớ phải người đàn bà láo thì đẻ ra một lũ con hư à. Rồi chú làm một tràng cười như súng AK bị cướp cò.

Quả thật, trên người chú có mỗi tiếng cười giòn sáng giá. Đó là tài sản duy nhất đời chú sở hữu. Khi chú cất tiếng cười, chùm âm thanh va bắn vào nhau, vỡ ra trăm ngàn mảnh như pháo hoa. Tiếng cười chú Mạc sáng lấp lánh cả một vùng rừng. Âm thanh tiếng cười vang rền vọng vào vách đá. Vách đá liền truyền đi truyền đi không dứt. Làm cho ai nấy đều lú lí sướng và cả thèm. Đó là tiếng cười sảng khoái. Tiếng cười vô lo nghĩ. Nó nhẹ như lá rơi trong thinh không. Tự tin thanh thản như dòng nước chảy. Tiếng cười đánh tan nỗi buồn ở trong lòng người. Chẳng có ai bực bội khi được nghe tiếng cười chú Mạc.

Da thịt chú dường như cũng không héo thêm được nữa. Bao năm nay nó đã nhàu như củ cải phơi khô dùng để làm lạp. Mặc dù chú là người không kén cái ăn. Ăn kiểu gì cũng được. Uống kiểu gì cũng xong. Món măng đắng xào muối chay, hay món bí nếp hầm với đỗ xanh, chú bảo đây là món tiến vua, ngon đứt tai gẫy lưỡi. Tỉnh dậy súc miệng rửa mặt là đánh chén được ngay. Không cần đánh răng. À mà người làng mình xưa nay không hề biết đánh răng là cái giống gì cơ mà. Ngày nào chú cũng xơi đủ ba bữa như thế có cần đánh răng đâu. Mỗi bữa, chú làm ba bát cơm trắng, chan canh đầy phè lè nước canh rau ngải. Nhưng tại sao người chú vẫn gầy còm nhom hom hem như con ve vậy chứ. Lại cái nhà lão Mò hềnh hệch bảo, tại cái đường ống dẫn tinh bị tắc. Nhịn vợ lâu quá mà. Sự sung sướng không có lối thoát. Nó không điên khùng là may. Đấy. Cứ nhìn bộ dạng thì rõ.

Không biết chú tự mình cạo lấy hay nhờ người hàng xóm, đầu tóc lam nham vằn vện như mèo tam thể. Hầu như quanh năm bốn mùa, dù trời nắng nóng hay lạnh buốt, chú cứ để cái đầu vằn vện  đảo qua đảo lại trước mắt thiên hạ. Chú bảo trên đầu tao chỉ có vầng mặt trời và mẹ cha sinh ra. Tịnh không có bất cứ một thằng nào, dù làm to đến đâu, ngồi trên đầu tao được. Không có cái gì thiêng liêng, quý giá hơn cha mẹ tao. Nên tao không thèm đội mũ mang nón.

Còn đôi cẳng chân khô mốc như da rắn. Đã thế lại lắm lông mượt dày như lông khỉ. Năm ngón chân vừa to vừa dài thò ra như nải chuối cuốc. Chúng tõe ra năm hướng. Hướng nào cũng hung hăng ngang bướng. Vậy mà ngày nào cũng như ngày nào, đôi bàn chân ngang bướng lóc tóc pằm pặp đi từ đầu làng đến cuối làng. Hai bàn chân trệu trạo như đánh đất. Đất khô cứng biến thành bùn ao. Có bao nhiêu rơm rác rơi rớt hai bên đường, chúng đều bị đôi chân chú Mạc lôi đi xềnh xệch như cào như quét.

Chú đi khỏi nhà để gặp nhiều người. Ngửi hơi đoán người này đang buồn hay vui. Ngửi gió đoán việc này việc kia tốt hay xấu. Xem hôm nay có ai ốm đau. Ai kiện cáo. Ai bị mất trộm. Ai màn tàng (chửa hoang). Ai là kẻ phản thùng. Ai vác chân quan to. Ai cò cưa bên đống rơm giữa ngày mưa phùn. Ai cãi nhau chí chát bên vò rượu rỗng. Nhà nào có khách lạ nghỉ qua đêm còn bí mật gửi lại tiền cảm ơn gia chủ... Chú thu lượm thông tin sốt dẻo cho hết vào bụng. Rồi cũng chả để làm gì. Chú đi lang thang không chủ đích. Gặp người nào ngứa miệng thì kể cho nghe. Người nọ ghé vào tai người kia truyền đi khắp làng cười rần rần cười khớ lớ. Có ai nói rằng do địa thế môi trường sinh sống, hay nguồn nước uống ở đây, nên con người xứ mình sinh ra thói hiếu sự, thói tò mò tọc mạch chuyện của người khác. Chả phải. Thói tọc mạch có từ thời con ngựa mọc sừng. Dân xứ mình từ xưa vốn tức nhau tiếng gáy. Không muốn ai hơn mình. Hễ mày sủi tăm là dân làng bày chuyện nói xấu. Nói xấu cho sướng miệng. Cái miệng nói xấu bao giờ nó cũng chành bành ra ba góc. Nên cái miệng hay nói xấu người mỏng như vỏ quýt hôi. Bây giờ, ở thành phố người ta gọi cái dạng người này là nấu cháo. Buôn dưa lê. Hay chém gió. Thật vớ vẩn rách việc mất thì giờ.      

Thường trực trên gương mặt chú là đôi mắt hấp háy. Đôi mắt tuy mù lòa nhưng luôn luôn tươi tắn. Gặp ai cặp mắt cũng nhướn lên mà hỏi. Anh Sước đấy phải không. Nghe cái mùi là em biết liền. Cái mùi nào. Ấy là cái mùi hôi nách mên bẻ ý. Nó hôi như dê đực. Khích rích khích rích! Thế chú coi anh là dê chắc. Chú Mạc ngoác miệng lên cười khích lích khích lích. Cũng hơi hơi giống. Thế là chú hở ra một vòm miệng sâu hoắm. Cái miệng còn nhõn chiếc răng lung lay như cọc buộc ngựa. Hai miếng môi ngúc ngắc rung rung đưa đẩy. Hơi từ lòng phèo đi qua khe môi nghe tanh tanh non non. Thương làm sao.

Ngày tôi còn nhỏ, hay được theo mẹ đi chúc tết. Đi thăm viếng bà con anh em họ hàng bên ngoại. Thậm chí có năm đôi ba lần, hai mẹ con lúi cúi qua lại thung lũng Pác Nạo. Bởi hai làng Hiếu Lễ Tà Than cách nhau đúng một cánh đồng này thôi. Mùa tiếp vụ, ngô lúa dặt dẹo nằm gọn trong vòng cung núi đá vôi. Ngô lúa cũng nặng nhọc như người. Nhọc nhằn lớn lên, già đi, khô đét, nứt nẻ. Rồi mối mọt, chột nhằn, kiến tha. Thất bát dài đời người. Nhìn đồng đất lam nham nghèo nàn. Lòng người không thôi ngao ngán. 

Một con đường mòn ngoằn ngoèo như sợi lạt mục. Lúc xoắn vặn như dấu ngã. Khi cong như dấu hỏi. Gọi là đường, nhưng thực chất chỉ là bờ ruộng. Bờ ruộng biến thành con đường nhỏ, đặt vừa bàn chân, đi xuyên qua cánh đồng lúa. Quãng đường này không đưa người ta đi xa tít tắp, nhưng tôi vẫn cứ sợ. Vì ở nơi đó vắng inh inh tai tái. Lâu lâu bắn ra một tiếng bọp tiếng bẹp bất ngờ.

Cánh đồng lúa mùa này đã gặt hái xong. Giờ còn lại chân rạ và lổn nhổn những hòn đá đen cắm chân xuống đất, thẳng đầu lên trời. Ở đây, đá bất khuất ngạo nghễ như người. Những bụi cây hoang dại lúp xúp. Lá xanh, lá tái, lá vàng, lá ủ dột. Lá cũng buồn vì đời cây làm gì biết mơ màng biết hy vọng, rằng ngày mai trời sẽ tươi sáng. Bụi này lợp lên khóm kia. Chúng dìu nhau mãi lên ngọn xanh tìm gì không biết. Chỉ cần có hơi đất đai là cây cỏ rủ nhau mọc, rủ nhau bò đi. Bò đi miết. Thỉnh thoảng có đôi chim mỏ đen lông trắng. Chúng nó nằm chơi mổ hạt cho đời đỡ tẻ nhạt.     

Đây rồi. Làng Tà Than hiện ra sau lớp sương mờ. Đầu làng có hai cây mạy khuông (móc đùng đình). Hai cây móc thẳng đứng, vươn lên trời như cột cờ. Móc là giống loài họ cau. Nó thọ cả trăm năm tuổi. Từ xa xưa, người dân nơi đây biết cắt râu đùng đình về se thừng bện chão. Còn thân thì chẻ ra làm xà nhà, làm dui mè. Thừng đùng đình dù phơi qua nắng mưa cả tháng ngoài trời không mục. Nếu bện to bằng bắp tay có thể kéo được cả ôtô, xe bánh xích, chả kém gì gây cáp. Cổ nhân người Tà Than coi cây móc như cổng chào. Nó báo hiệu cho khách lạ đường xa biết rằng tại đây có dân. Chẳng may ai đó lỡ độ đường, cần tìm nhà dân nghỉ lại qua đêm. Cây móc nghiễm nhiên trở thành biểu tượng của làng Tày. Giống như cây đa của của người Kinh ở dưới xuôi. Cây thốt nốt người Khơ Me Nam bộ. Cây Kơ nia người Tây Nguyên... 

Hầu như lần nào cũng thế, bước chân vừa chạm tới gần cây móc, thể nào tôi cũng gặp chú Mạc. Chú hay ngồi lơ là trên bờ đá, tay mân mê gấp lá, miệng huýt gió gọi mây vu vơ. Mới nghe tiếng áo quần khọt khẹt lọt vào tai, chú đã oang oang. Mạc biết ngay là bá Páo đến chơi, nên cháu ra đón. Sao mày đoán giỏi thế. Lá chít gói cóoc mò bánh sừng bò thơm tắc mũi, làm sao cháu không biết chứ. Thằng ma xó. Thế bố mẹ mày có nhà không. Hì. Có mà. Bá và anh lên nhà cháu trước. Cháu còn lội ruộng hái cải xoong. Tối nay nhà mình nấu canh xin thang bá nhé. Mắt mũi thế kia, cẩn thận kẻo ngã đấy cháu. Bá yên tâm đi. Cháu nhìn thấy hết.    

Và đây là kiểu nhìn của chú. Vát vát cái đầu. Nghiêng nghiêng cái tai. Khum khum đôi bàn tay. Chú lúng lắng khuấy năm ngón tay xuống nước. Làn nước trong vắt lừ lừ đùn ra từ bọng đá. Chú múc lên một vốc nước. Nước phập phồng run run bởi hơi chú thở. Nước bắn tung lên mặt. Nước lấm tấm rớt thành dòng. Nước chảy lan xuống cằm. Mặt chú tươi như lá khoai, hiện lên nhiều con mắt

Y Phương
.
.
.