Người của những bức tượng đồng tuyệt tác

Thứ Hai, 04/05/2015, 10:12
Ông là Phạm Văn Hai, tên thường gọi là Luận (SN 1953, quê gốc Bình Dương), chủ cơ sở đúc đồng Phương Nam (quận Thủ Đức, TP HCM). Gặp được ông không khó, vì gần như cứ đến cơ sở này là có thể gặp ông. Nhưng nếu để hỏi ông về công việc đặc biệt của mình, về cuộc sống, gia đình ông thì gần như ông rất ngại ngần không muốn nói. "Tôi có gì đặc biệt đâu cơ chứ, tôi đã thi công nhiều bức tượng đồng lớn, chỉ đơn giản vậy thôi", ông Hai e dè bộc bạch.

Ông là chủ một cơ sở đúc đồng chưa hề nổi tiếng trên báo chí, truyền thông, nhưng nếu nhắc đến những bức tượng đồng để đời gần như trên khắp đất nước này, như tượng Bác Hồ với thiếu nhi đặt tại công viên trước trụ sở UBND TP HCM, tượng Bác Hồ - Bác Tôn ở công viên Thống Nhất - Hà Nội, tượng đài chiến thắng Rạch Gầm -Xoài Mút (Tiền Giang), tượng Bồ tát Thích Quảng Đức (ở quận 3, TP HCM)… Đặc biệt là bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ được đặt thay thế cho tượng Bác Hồ với thiếu nhi thì chắc chắn không thể không nói đến ông. Bởi đơn giản ông chính là người trực tiếp làm nên những tuyệt tác đó… 

"Tôi có gì đặc biệt đâu cơ chứ"!

Ông là Phạm Văn Hai, tên thường gọi là Luận (SN 1953, quê gốc Bình Dương), chủ cơ sở đúc đồng Phương Nam (quận Thủ Đức, TP HCM). Gặp được ông không khó, vì gần như cứ đến cơ sở này là có thể gặp ông. Nhưng nếu để hỏi ông về công việc đặc biệt của mình, về cuộc sống, gia đình ông thì gần như ông rất ngại ngần không muốn nói. "Tôi có gì đặc biệt đâu cơ chứ, tôi đã thi công nhiều bức tượng đồng lớn, chỉ đơn giản vậy thôi", ông Hai e dè bộc bạch.

Ông Phạm Văn Hai.

Gia đình ông Hai có 9 anh em, ông là con thứ hai và gia đình ông cũng không theo nghề đúc đồng kiểu gia truyền. Thời gian trước giải phóng năm 1975, khi vừa 11 tuổi, ông đã được gia đình gửi cho người bác họ lúc đó đang làm nghề đúc đồng (chủ yếu làm chân vịt tàu) ở khu Bàn Cờ, Sài Gòn để học nghề. Sau 10 năm theo học không công, sau khi gia đình người bác này xuất cảnh ra nước ngoài, ông tiếp tục đi làm thuê cho các cơ sở đúc đồng, đúc gang… ở nhiều nơi một thời gian. Đến năm 30 tuổi, ông lập gia đình, sau đó ông tạo dựng cơ sở đúc đồng của riêng mình.

Điều đáng nói là sau khi lập cơ sở đúc đồng và có danh tiếng trong nghề, nhưng với riêng việc đúc tượng đồng, nhất là những tượng đài to lớn thì ông chưa hề làm qua. Vậy nhưng lúc đó khi mới ngoài 30 tuổi, ông và cơ sở của mình đã được tin tưởng giao cho thực hiện việc đúc tượng đồng "Bác Hồ với thiếu nhi" cao 3m - mẫu tượng này do nhà điêu khắc Diệp Minh Châu (1919 - 2002) sáng tác và hoàn thành vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1990).

Nói về cơ duyên với công việc đặc biệt này, ông Hai cười tươi cho biết, đúng ra bức tượng đó lúc đầu không ai dám nhận làm vì chắc chắn sẽ gặp phải quá nhiều khó khăn do điều kiện máy móc, thiết bị thời gian đó vô cùng thiếu thốn, hạn chế… Sau khi được một số chủ cơ sở giới thiệu, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu (thường gọi là Tư Châu) đã đến tận nhà ông để nói chuyện và đặt vấn đề nhờ cơ sở của ông thi công bức tượng.

Lúc đầu ông cũng chưa dám nhận lời ngay mà chỉ sau khi đi xem mẫu phác thảo và được sự đồng ý của ông Tư Châu với đề xuất sẽ chia các bộ phận của tượng ra để đúc riêng, sau đó mới ghép thành bức tượng hoàn chỉnh chứ không thể nào đúc nguyên khối cả bức tượng to lớn và đồ sộ như thế vì phải dùng từ 8-9 tấn đồng, ông mới đồng ý thực hiện tác phẩm này.

"Sau khi thấy tôi đồng ý sẽ làm, bác Tư Châu đã đến cơ sở của tôi để xem xét thực tế. Trong quá trình thi công bức tượng, bác ấy thường xuyên đến xưởng để trực tiếp chứng kiến công việc của tôi và thợ. Cứ sáng 8h là bác ấy được con trai chở đến xưởng của tôi rồi bác ăn ngủ tại xưởng luôn. Gần như ngày nào cũng vậy cho tới lúc hoàn thành công trình, mọi công đoạn đều được bác ấy xem xét từng chút một", ông Hai kể lại.

Để hoàn thành bức tượng ông Hai phải cùng 20 người thợ của mình làm đêm làm ngày, chia tượng thành 17 bộ phận để đúc, sau đó ghép lại thành bức tượng hoàn chỉnh trong vòng 3-4 tháng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện bức tượng theo mẫu phác thảo, dù không phải lo khoản nguyên liệu đồng vì sẽ được thành phố giao cho, nhưng ông đã gặp rất nhiều khó khăn, gian nan vất vả vì chủ yếu phải thực hiện một cách thủ công các công đoạn chính. Cũng có lúc phải thực hiện lại một số công đoạn do lúc rót đồng vào, khuôn bị bể nên tất cả lại phải thực hiện lại từ đầu.

Ông Hai (thứ 6 từ phải sang) trong lần chuyển tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn ra Hà Nội.

Ông giãi bày: "Bức tượng đó độc đáo ở chỗ, dù là tượng đồng nhưng lớp da bên ngoài của bức tượng lại được tạo tác nhìn giống như là đá vậy. Để làm được điều này chính là nhờ lớp cát dầu, vì thế chất liệu đó vô cùng quan trọng, phải kiếm cho bằng được…

Công đoạn khó nhất của công trình là ghép các bộ phận đã đúc lại với nhau thành một bức tượng hoàn chỉnh. Thời điểm ấy máy móc kỹ thuật còn rất hạn chế, không phải như bây giờ muốn mua máy móc nào cũng có. điển hình như máy hàn đồng hay máy mài, tôi phải khổ công tìm kiếm mua máy cũ ngoài chợ trời về cải tiến lại nhưng khi sử dụng nhiều lần tôi và thợ của mình bị điện giật khá nguy hiểm. Chưa kể việc tìm chất cát dầu (dầu cẩu hay dầu cá để trộn với cát) để làm khuôn đúc cũng khiến tôi phải lao tâm khổ tứ bao phen…

Thử tưởng tượng chỉ cần một hai bộ phận khi lắp ráp mà không khít với nhau một chút thôi thì thợ của tôi cũng phải ngồi giũa thủ công các chi tiết đồng dày từ 40 đến 50 ly sẽ mệt mỏi, khổ sở thế nào rồi".

Những "thiên thu tuyệt tác" sống mãi cùng đất nước

Sau 25 năm hoàn thành sứ mệnh lịch sử như một trong những biểu tượng đẹp và đầy ý nghĩa của TP HCM, tượng đài "Bác Hồ với thiếu nhi" (đặt tại công viên trước trụ sở UBND TP HCM) hiện đã được chuyển về đặt tại khuôn viên Nhà Thiếu nhi thành phố (quận 3). Thay thế cho tượng đài cũ sẽ là tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh mới (tượng đứng toàn thân) cao 7,2m (gồm cả khối đế), được đúc bằng đồng, nặng khoảng 5-6 tấn (mẫu của nhà điêu khắc Lâm Quang Nới - hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM).

Tượng đài này sẽ mang nhiều ý nghĩa bao quát hơn, theo đúng tinh thần TP HCM là thành phố mang tên Bác. Với công trình tượng đài mới này, ông Hai và cơ sở của mình lại tiếp tục được tín nhiệm giao cho thực hiện. Với kinh nghiệm thi công nhiều tượng đài đồ sộ trước đó nên việc thực hiện tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với ông và cơ sở đúc đồng của mình có nhiều thuận lợi hơn và đáp ứng được yêu cầu tiến độ đề ra.

Ngoài hai công trình tượng đài để đời này, ông Hai và cơ sở đúc đồng của mình còn thực hiện khá nhiều tượng đài nổi tiếng khác. Trong đó có thể kể như tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn (mẫu của nhà điêu khắc Lâm Quang Nới) hiện được đặt tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội). Đây là món quà đặc biệt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM gửi tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Tượng đài thể hiện tư thế Bác Hồ bắt tay chúc mừng Bác Tôn sau khi Bác Tôn được Quốc hội khóa II năm 1960 bầu vào chức vụ Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tượng đài này được thi công trong vòng hơn 8 tháng, có chiều cao 5,4m, đặt trên bệ cao 1,8m, nặng khoảng 20 tấn, được đúc bằng đồng hợp kim của Ucraina. Bức tượng này đã được nhiều thành viên của Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao nhờ thành công không chỉ ở các yếu tố kỹ thuật - mỹ thuật mà đã thể hiện được phong thái của hai vị lãnh tụ đáng kính của dân tộc, từ trang phục, ánh mắt, thế đứng, đến tư thế bắt tay...

Tượng đài Bông lúa ở An Giang.

Có thể kể thêm, tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức đặt tại Công viên Bồ tát Thích Quảng Đức (số 70-72 Cách Mạng Tháng Tám, phường 6, quận 3, TP HCM) cũng là một trong những tác phẩm đặc biệt ý nghĩa do cơ sở Phương Nam của ông Hai thi công. Theo đó, tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức được đúc bằng đồng nguyên khối nhập từ Ucraina, có chiều cao 6m (tính từ bệ), chiều ngang gần 3m, đặt uy nghiêm tại vị trí trung tâm công viên. Đã có nhiều người nhìn nhận bức tượng này như một "thiên thu tuyệt tác".

Ngoài ra, còn một số tượng đài đáng nói khác, như tượng đồng Ba chiến sĩ gang thép nặng 18 tấn (tác phẩm của nhà điêu khắc Nguyễn Hải) đặt tại Khu di tích lịch sử quốc gia chiến thắng Ấp Bắc (xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, Tiền Giang). Hay tượng đài Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ nằm ngay trung tâm Khu di tích Rạch Gầm - Xoài Mút (xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Tượng bằng đồng, nặng 20 tấn, cao hơn 8m, đặt trên bệ cao mô phỏng hình chiến thuyền Tây Sơn.

Tượng vị anh hùng áo vải cờ đào được nhà điêu khắc Nguyễn Hải thể hiện trong tư thế rút gươm xông trận; bên phải tượng là một lính Tây Sơn giương cung, bên trái là người dân bản địa chèo thuyền. Bốn góc tượng đài hình chóp nhọn tượng trưng mũi thuyền chiến. Và cả tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng nặng 4,5 tấn bằng đồng đặt tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ (TP.HCM); tượng đài Bông lúa ở An Giang làm bằng đồng cao 15,3m; phần bông lúa cao 9,5m…

Có thể nói, với những tượng đài (mẫu của nhiều nhà điêu khắc nổi tiếng) mà ông Hai và cơ sở của mình thực hiện trong những năm qua là những tác phẩm để đời, có ý nghĩa đặc biệt. Dù chưa quá cao tuổi, nhưng do có bệnh trong người và qua bao năm theo nghề, có những thành tựu đáng tự hào, ông bảo rằng mình đã đến lúc nghỉ ngơi. "Giờ tôi đã lớn tuổi và cũng có bệnh cần phải chữa trị và nghỉ ngơi nên sau khi hoàn thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh mới, tôi quyết định nghỉ hưu không làm việc đúc đồng nữa", ông Hai chia sẻ.

Tuy vậy, qua những hình ảnh sống động của các tượng đài về lịch sử, chiến tranh cách mạng mà ông Hai cùng các người thợ của mình thực hiện sẽ có tác động trực tiếp đến nhận thức và giáo dục tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân, khơi dậy lòng tự hào của các thế hệ đi sau về những nhân vật kiệt xuất của dân tộc, về những thời kỳ đấu tranh anh dũng và hào hùng của dân tộc.

Phú Lữ
.
.
.