Người đàn bà có hai mùa tóc

Thứ Sáu, 24/07/2015, 07:00
Họ, những con người mỏng mảnh vai gầy, thầm lặng đứng sau chiến công của chồng, của con. Đôi khi họ vừa là mẹ vừa là cha. Họ làm những công việc khác nhau khi mà những người đàn ông trụ cột trong nhà đi vắng. Họ vừa nhóm bếp vừa giữ ngọn lửa luôn cháy trong bếp lửa gia đình. Họ là những người đàn bà có 2 mùa tóc, đi lặng lẽ với những bước chân giống nhau trên mặt đất này.
1. Đã gần 50 tuổi, lẽ ra là cái tuổi được an nhàn, con cháu đề huề nhưng chị Đàm Thị Tính, hiện đang công tác tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, vợ Thượng tá Lê Quốc Dương, Phó trưởng Phòng 4, Cục Cảnh sát truy nã tội phạm vẫn bộn bề công việc khi nhận làm thêm kế toán - tài chính của hai công ty để nuôi cậu con trai mới đang học lớp 11. Có những đêm, chị thức đến 2 - 3 giờ sáng để hoàn thành công việc cho kịp tiến độ.

Người ta thường nói, "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", nhưng có lẽ, chị Tính là người phụ nữ ôm đồm cả hai nhiệm vụ ấy. Bao nhiêu năm làm vợ là bằng ấy năm anh vắng nhà biền biệt theo những chuyến "tầm nã" đầy hiểm nguy, một mình chị ở nhà tần tảo nuôi con khôn lớn, lo làm kinh tế và đối nội, đối ngoại. Vóc dáng nhỏ bé, nhưng ở người phụ nữ ấy là cả một nghị lực phi thường.

Chị Tính vẫn làm thêm để nuôi cậu con trai đang học lớp 11 vì chồng thường xuyên vắng nhà theo những chuyến tầm nã.

Sinh con muộn và vì kinh tế khi ấy khó khăn, công việc lại bận rộn nên anh chị thống nhất chỉ sinh một cháu. Nhưng từ khi sinh con ra, anh chẳng mấy khi có thời gian ở nhà để chăm sóc con. Chị kể, có lần anh đi bắt tội phạm 3, 4 tháng mới về nhà vài ngày rồi lại tranh thủ đi luôn. Vợ ốm con đau, anh cũng chẳng về được, lại nhờ anh chị em đằng ngoại vì nhà nội ở xa tận Thanh Hoá. Rồi những chuyến tầm nã xuyên biên giới kéo dài cả tháng liền, không điện thoại, không thư từ liên lạc, vợ chồng lo cho nhau, thấp thỏm như ngồi trên đống lửa mà chẳng thể làm gì hơn vì yêu cầu của công việc.

Nghề Cảnh sát truy nã vừa khó khăn, nguy hiểm, lại vừa thiếu thốn đủ bề. Chẳng tháng nào anh mang được lương về cho vợ nuôi con vì chi phí cho những chuyến đi dài, rồi gặp hoàn cảnh gia đình phạm nhân khó khăn lại bỏ tiền túi ra giúp đỡ. Nhiều khi hết tiền, lại về lấy tiền của vợ đem đi. Không chỉ nuôi con của mình, của người thân trong gia đình, có thời gian, anh Dương còn đưa cả con của tội phạm về nuôi dạy và tìm việc làm vì thấy hoàn cảnh của họ đáng thương và nghèo khó quá. Những lúc ấy, chị Tính lại là người lo toan mọi thứ trong gia đình.

2. Hai lần tôi gặp mẹ Đặng Thị Dũng thì cả hai lần đều trong tình huống rất đặc biệt. Lần đầu là bên giường bệnh lúc con trai mẹ là hạ sĩ Trương Văn Phúc và 16 chiến sĩ Cảnh sát PCCC TP. Đà Nẵng bị thương, bỏng nặng do vụ nổ khí độc ở kho sơn thôn Bàu Càn vào 23h đêm 6/5 trong lúc đang làm nhiệm vụ cứu hỏa.

Người mẹ dáng gầy, tóc điểm màu khói, tất tả chạy vào viện nhưng lại cố giấu lòng như muối xát để tỏ vẻ lạc quan khi gặp con trai, chăm từng muỗng cháo lỏng cho con trai, vừa động viên con nhanh khỏe để còn tiếp tục chiến đấu. Lần thứ hai, giữa trưa đầu tháng 7 nắng bỏng rát, mẹ Dũng vẫn dáng gầy, nép bên hàng phượng đầy âu lo, lọt thỏm giữa dãy dài rất nhiều phụ huynh khác đang ngóng chờ kết quả kỳ thi tuyển Đại học Quốc gia của Phúc.

Bà Đặng Thị Dũng xúc động khi được Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND hỏi thăm và động viên con mình bị thương trong khi làm nhiệm vụ.

Mẹ không chỉ vất vả cả đời để nuôi người chồng thương binh 1/4 và lo cho 5 đứa con được chu đáo, học hành mà mẹ còn là hậu phương vững chắc, là nguồn động viên rất lớn để cho các con được yên tâm phấn đấu và công tác. Mẹ giống như cái tên của mẹ, can trường từ ngày còn 15, 16 tuổi đã chèo đò đưa cán bộ, du kích vượt sông Hàn đánh Mỹ. Trong những lần vượt sông giữa lòng địch đó, mẹ gặp và nên tình nên nghĩa với anh du kích dũng cảm Trương Văn Ðức, người chồng của mình bây giờ.

Trong 5 người con của mẹ thì có 2 người hiện đang công tác trong ngành Công an. Đó là người con cả, Trung úy Trương Ðức Nhơn (32 tuổi) hiện công tác tại Trạm CSGT cửa ô Hòa Phước. Còn hạ sĩ Trương Văn Phúc, ngày 13/5/2015 đã nhận được bằng khen của Chủ tịch UBND TP. Ðà Nẵng về thành tích dũng cảm trong công tác chữa cháy…

Mẹ đùa rằng: "Tôi rất tự hào về hai cậu con trai "không lễ, phép" của mình". Chưa kịp để tôi ngạc nhiên, mẹ đáp lời: Ngày lễ, Tết là dịp để cả gia đình+ được quây quần đông đủ bên nhau. Thế nhưng từ khi chúng công tác trong lực lượng Công an thì gia đình tôi có câu nói vui: Anh em Phúc - Nhơn "không lễ, phép", rất hiếm khi chúng có mặt ở nhà, thay vào đó là ngoài đường đi làm nhiệm vụ.

3. Mẹ con chị Đặng Thị Phương đang trọ trong một ngôi nhà nhỏ tại đường 30/4, TP. Vũng Tàu. Chị là vợ của Trung úy Ngô Văn Diện (34 tuổi, nhân viên máy tàu 8001, thuộc vùng CSB 3). Hỏi chị Phương cơ duyên nào gặp được anh Diện, một người lính Cảnh sát biển? Chị cười, vẻ e thẹn, ngại ngùng: "Gặp anh tình cờ thôi, trong buổi chiều mưa hai người cùng vào trú ở mái hiên một ngôi nhà cao tầng". Anh giới thiệu mình là Cảnh sát biển, suốt ngày lênh đênh trên biển cả.

Một năm có khi về đất liền được vài tháng. Và anh cũng không có nhiều thời gian để quen biết cô gái nào, anh phải tập trung cho nhiệm vụ. Chưa yêu nhau, nhưng mỗi chuyến hải trình dài đằng đẵng, anh Diện luôn gửi thư về cho chị Phương. Cánh thư ngày một đều đặn, ở đó có cả nỗi nhớ mong một bóng hình người con gái phía đất liền. Anh lãng mạn lắm, viết thư, làm thơ nhiều mà chị thì lại không có khiếu ấy. Mỗi lần nhận thư anh, cảm xúc trong chị lẫn lộn. Buồn, vui, hạnh phúc cứ đan xen, hòa trộn vào nhau.

Chị Phương luôn tự hào là vợ của chiến sỹ Cảnh sát biển.

Rồi một chiều, sau chuyến đi biển dài ngày về, anh hẹn gặp chị trong quán cà phê hướng mặt ra biển. Da anh đen sạm, mắt anh sâu hoắm, mồ hôi anh dường như mặn hơn vì muối biển. Lần đầu tiên anh cầm tay chị, anh chính thức ngỏ lời xin cưới chị. Phương ngỡ ngàng quá, chết lặng vì cảm xúc đột ngột. Ánh mắt của anh đốt cháy suy nghĩ của chị, thế là chị nhận lời làm vợ anh - người lính Cảnh sát biển.

Ngày chị trở dạ, anh không về kịp, hàng xóm láng giềng và bạn bè đã đưa chị đi bệnh viện. Bé được hơn một tháng, anh về lao vào ôm con thật chặt. Đứa bé khóc thét lên, anh mới sực tỉnh nới tay ra. Chị nhìn rõ niềm hạnh phúc ngọt ngào hiện trên gương mặt của anh. Những ngày ở đất liền với vợ con, hầu như anh chỉ quanh quẩn ở nhà, đi chợ, nấu ăn và quấn lấy con gái.

Anh muốn bù đắp tình yêu lâu ngày xa cách cho vợ con. Nhưng dường như, chưa bao giờ là đủ. Nỗi nhớ, niềm thương không lúc nào nguôi trong lòng anh.

N.Trâm - H.Thu - N.Thiện
.
.
.