Người đàn bà làm nên cơ nghiệp từ đôi bàn tay khuyết tật

Thứ Hai, 08/12/2014, 11:00
Lúc chị được 2 tháng tuổi, vào một buổi tối định mệnh khi bố mẹ chị đi làm ca đêm còn bà nội cũng ra ngoài, chẳng hiểu sao ngọn đèn dầu oan nghiệt đổ xuống rồi bén lửa thiêu rụi ngôi nhà tranh vách đất của gia đình chị. Cô bé Mai may mắn thoát chết nhưng dưới sức nóng của ngọn lửa, toàn bộ các đầu ngón tay trẻ thơ của chị đã rơi rụng hoàn toàn. Thính lực và thị lực đều giảm sút nhưng bằng ý chí, nghị lực phi thường, hơn 40 năm sau người đàn bà ấy đã tự tạo dựng được cơ ngơi mà không phải người bình thường nào cũng có thể làm được.

Người thầy đặc biệt

Khi chúng tôi tìm đến trung tâm dạy cắt may Ngọc Mai, chị Chu Thị Mai (45 Thanh Nhàn, Hà Nội) đang miệt mài giảng dạy cho các học trò. Căn nhà 4 tầng  ngay mặt phố Thanh Nhàn vừa là nơi gia đình chị sinh sống, vừa là nơi chị dạy nghề và trưng bày những mẫu sản phẩm thời trang mà chị và các học trò thiết kế được.

Sinh năm 1965, nhưng không ai nghĩ chị đã bước sang tuổi 50. Dù 10 đầu ngón tay không còn, các ngón tay của bàn tay phải cụt gần hết, trên khuôn mặt sẹo vẫn chằng chịt, dấu tích của trận hoả hoạn kinh hoàng năm chị mới được 2 tháng tuổi nhưng chị vẫn đẹp sắc sảo, cách nói chuyện có duyên, khiến người nào gặp lần đầu cũng dễ bị cuốn hút.

Thấy tôi ngạc nhiên khi chị và các học trò gọi thầy xưng con một cách rất tình cảm, chị cười: "Mình thích cách gọi thầy hơn, bởi với mình, các bạn học viên đến đây không chỉ là để học nghề, mà còn học cách đối nhân xử thế. Thầy trò có thể gần gũi, tâm sự với nhau mọi điều trong cuộc sống".

Quả thật, nhìn những lá thư mà những học trò của chị lập nghiệp nơi phương xa gửi về với những lời hỏi han, tâm sự chân thành như một người con với một người mẹ, một người bạn tri ân, tri kỉ mới thấy người phụ nữ ấy nghị lực đến nhường nào.

Ít ai biết rằng, một mình chị với hai bàn tay cụt gần hết các ngón đã tự tạo dựng sự nghiệp mà không cần nhờ sự giúp đỡ, viện trợ của ai. Dù không ai kể lại cho chị nghe tai nạn khủng khiếp khi chị mới 2 tháng 7 ngày tuổi, nhưng qua câu chuyện của người lớn, cô bé Mai cũng dần dần chắp nối được câu chuyện về cuộc đời mình.

Ngoài giờ học, chị Mai lại cùng học trò đi chơi, dạo phố để tình thầy trò gắn kết.

Nghị lực phi thường

Ngày ấy, nhà chị nghèo lắm, bố mẹ đi làm cả ngày cả đêm mà vẫn không đủ ăn. Hai bà cháu ở nhà trông nhau, sống lay lắt trong căn nhà tranh vách đất. Vào buổi tối định mệnh ấy, bà nội để chị lại một mình để đến khu vệ sinh xa khu gia đình chị sống. Chẳng rõ vì sao ngọn đèn dầu bị đổ nên bén lửa hết giường chiếu, chăn màn. Nghe tiếng khóc của cô bé Mai, hàng xóm lại tưởng vì mẹ đi làm đêm nên bé khát sữa. Đến khi phát hiện ra hoả hoạn thì khói đã mù mịt, cô bé Mai đã nằm trọn trong đám cháy kinh hoàng ấy. Tuy may mắn thoát chết, nhưng chị bị bỏng nặng, những ngón tay con trẻ dưới sức nóng của lửa tự rời khỏi bàn tay mà không cần nhờ tới bác sĩ tháo khớp, tai và mắt của chị cũng bị ảnh hưởng nặng nề, không thể nghe rõ và nhìn rõ, mất 90% sức khỏe. Và có lẽ vì khóc quá thảm thiết mà đến giờ, giọng nói của chị không được trong, thường xuyên bị viêm phế quản, lại bị hai khối u ở họng chèn ép.

Tai nạn thương tâm xảy ra khi chị còn quá nhỏ, ai cũng ngỡ mọi cánh cửa cuộc đời đã đóng lại với cô bé Mai bởi 2 tháng trời ròng rã nằm viện điều trị, khuôn mặt bị biến dạng. Một nửa bên đầu bị tê liệt, chi chít những vết sẹo. Mẹ chị khóc cạn nước mắt khi nhìn chị và tự hỏi:"Sau này con sẽ sống sao đây?". Nhưng ông trời không cho ai tất cả cũng không lấy hết của ai, dù tật nguyền nhưng cô bé Ngọc Mai được trời phú cho trí thông minh hơn người, đặc biệt là một nghị lực sống phi thường.

2 tuổi, chị mơ hồ nhận thức được sự thiệt thòi của mình. Dù đôi bàn tay luôn bật máu mỗi khi cầm nắm nhưng bằng quyết tâm phi thường, chỉ 3 tuổi là chị đã biết viết chữ. Chị còn nhớ ngày đầu tiên đến lớp, cô giáo không dám nhận vì sợ chị không thể học viết được. Cô bé Mai lặng lẽ lấy giấy bút ra, từ đôi bàn tay khiếm khuyết những con chữ rất tròn đẹp hiện lên trong sự ngạc nhiên của cô giáo, và chị được nhận vào lớp. Ngày ấy, khi theo học lớp vỡ lòng, chị từng bị các bạn xa lánh vì nghĩ rằng chị bị bệnh hủi. Nhưng bằng trí thông minh và nghị lực, chị đã thành hiện tượng của trường bởi thành tích học xuất sắc, thường xuyên đi thi học sinh giỏi, đi đâu cũng được bạn bè thầy cô và các bậc phụ huynh nhắc tới như một điều kỳ diệu.

Dù có tuổi, nhưng chị Chu Thị Mai vẫn lạc quan, vui vẻ.

Lập nghiệp từ đôi bàn tay không lành lặn

Không chỉ học giỏi, mà cô bé Mai còn khiến nhiều người khâm phục bởi nghị lực sống phi thường. Vì cha chị là công nhân nhà máy may, nên 5-6 tuổi, cô bé Mai đã biết phụ giúp bố làm nghề may. Với người bình thường học may vá thêu thùa, đan lát đã khó, với người cụt ngón tay như chị thì việc học lại khó khăn gấp bội phần. Vậy mà với bàn tay trái bị cụt hết các đầu ngón, chị Mai đã học bằng được nghề may khi tuổi còn rất nhỏ. Chị bảo, có những lúc đau chảy nước mắt, kim, móc… đâm vào tay chảy bết máu, rồi những khi sức khoẻ yếu, mắt mờ, tai ù đi, nhưng chị vẫn không từ bỏ. Rồi một kì tích đã xảy ra, cô bé Chu Thị Mai với đôi bàn tay cụt ngón ngày nào đã trở thành một thợ may lành nghề, một giáo viên dạy cắt may thành thạo, chủ một xưởng may ăn nên làm ra, tạo công ăn việc làm cho nhiều người cùng cảnh ngộ.

Chị tâm sự, với chị, bố chính là người thầy đầu tiên và cũng là người có ảnh hưởng lớn nhất tới cuộc đời chị. Năm mười tuổi, chị đã biết đến thời trang. Ngày ấy, vải vóc thiếu vô cùng. Mỗi gia đình chỉ có bốn mét vải nên quần áo phải tính may thế nào để sau này rách còn lộn ngược được lên, để tái sử dụng, gấu lộn lên thành cạp. Chị là người đưa ra ý tưởng sửa quần áo cho mọi người và bố là người thực hiện.

Chị Mai và các học trò tại xưởng may của gia đình.

Tiếng lành đồn xa, dần dần nhiều người tìm đến nhà chị để sửa quần áo. Không những thế, chị còn tự tìm tòi, thiết kế những mẫu quần áo mới, hợp thời trang được nhiều người ưa thích.  Nghĩ rằng không thể phụ thuộc vào bố mãi nên chị đã tự xin bố công thức để tìm tòi, học hỏi nghiên cứu riêng. 

13 tuổi, chị đã tự lập một nhà may riêng. Những công thức ban đầu học được từ bố chỉ là những bài học cơ bản. Càng làm, chị càng rút ra được nhiều kinh nghiệm cho mình và mày mò được nhiều kiểu mới. Chị có thể may được nhiều loại trang phục, thậm chí cả váy dạ hội, áo cưới.

Năm 19 tuổi,  chị bắt đầu nhận dạy nghề dưới sự giúp đỡ của bố. Tuy nhiên, vì ảnh hưởng của trận hoả hoạn năm nào mà sức khoẻ của Mai không tốt. Mỗi khi dạy học, người ta lại thấy cô giáo Mai vừa nằm ngả trên ghế, vừa thều thào giảng bài, chân tay giơ lên cũng khó khăn.

Ấy vậy mà học sinh tìm đến chị ngày một đông. Và đặc biệt, trong số ấy có cả những người khuyết tật hoặc khiếm khuyết về thần kinh, nhưng họ vẫn tin tưởng, tìm đến cô Mai, một phần là để học nghề, nhưng một phần là muốn trở thành một người khuyết tật giỏi nghề, sống có ích cho xã hội như chị. Với những học sinh đặc biệt này, chị Mai luôn ưu ái, kiên trì và nhẫn nại hơn cả, bởi họ đều là những người có số phận không may mắn như chị.

Bản thân người bình thường học may đã khó, với những người khuyết tật thì khó khăn càng nhân lên bội phần. Thấu hiểu được điều ấy, chị luôn ân cần, hướng dẫn tỉ mỉ cho từng học viên của mình. "Vì mình chính là người tạo ra những công thức nên việc truyền đạt cho các em cũng rất dễ dàng. Mình vừa dạy vừa để các em thực hành luôn. Chỉ 2 tháng thạo nghề, là mình đã để các em tự ra ngoài bươn chải, đến khi tự lực được, mình lại bảo các em đến để giảng dạy những cái mới ở mức độ cao hơn, khó hơn", chị Mai tâm sự.

36 năm trong nghề may, 30 năm làm giáo viên dạy nghề, chị chẳng nhớ nổi mình đã đào tạo được bao nhiêu lứa thợ lành nghề. Nhưng có nhiều em đến khi "tốt nghiệp", về quê để mở hiệu may vẫn nhớ tới người giáo viên khuyết tật đặc biệt này và viết thư về tâm sự. Cũng có những học trò trưởng thành, lập nghiệp nơi xa hằng năm vẫn lặn lội về thăm chị.

Ngoài công việc giảng dạy, chị còn mở một xưởng may nhằm tạo việc làm cho học viên và đáp ứng nhu cầu dùng hàng Việt Nam chất lượng cao của thị trường.

Trâm - Phong
.
.
.