Người đàn bà nghèo tuổi 90 hát kể sử thi suốt đêm không biết mệt

Thứ Ba, 10/09/2013, 14:15

Xã Sơn Bình (Khánh Sơn, Khánh Hòa) có một người đàn bà khá đặc biệt khiến nhiều người phải ngỡ ngàng đó là bà Mấu Thị Diên. Năm nay bà Diên đã hơn 90 tuổi, cả cuộc đời nghèo khổ của bà chỉ để làm một công việc duy nhất là hát và kể sử thi, có khi hát sử thi cả tuần không nghỉ. Sử thi Rắk Lây đã ngấm vào máu của bà, bất kỳ lúc nào bà cũng có thể hát được những bài sử thi trường thiên như: Amã Jarahĩt (dài 40 băng cassette), Amã Saia Juhia (50 băng cassette), Amã Chơi Pu-òq (58 băng cassette). Người Rắk Lây tại Khánh Sơn có 15 ngàn dân, bà Diên cũng là người lớn tuổi nhất của dân tộc này còn hát được sử thi.

Những đêm kể sử thi dài như đêm mưa rừng

Nhiều người từng chứng kiến bà Diên hát sử thi thường ví von “những đêm hát sử thi của bà cũng dài đằng đẵng như đêm mưa rừng vậy”. Người Rắk Lây có sử thi là Akha Jukar một hình thức chuyện hát bằng văn vần để phân biệt với Akha ter vốn là chuyện kể bằng văn xuôi. Sử thi Rắk Lây vốn nhiều người có thể hát được, nhưng nay họ đã dần khuất núi, chẳng còn mấy người có thể hát thành thạo hoặc hát hay được. Giới trẻ Rắk Lây cũng không còn nhiều hào hứng với thể loại sử thi dân gian.

Phải rất vất vả tôi mới có thể nghe và hiểu được một phần nào sử thi Rắk Lây từ nghệ nhân Mấu Thị Diên, một con người đã gắn liền với núi rừng cũng như nói tiếng Rắk Lây gần hết cả cuộc đời dẫu thời thế đã có nhiều đổi thay. Người trong xã Sơn Bình ai cũng biết bà Mấu Thị Diên, từ khi người ta còn nhỏ lắm đã nghe bà Diên hát, bà hát cả ngày cả đêm mà không biết mệt, không biết chán. Người ta vẫn thường nói vui là: “Bà ấy luôn hát như chưa từng được hát bao giờ ấy”, lòng đam mê và nhiệt huyết trong bà với sử thi dân tộc ngày càng lớn hơn và đầy đặn hơn theo năm tháng.

Dạo quanh thị trấn Tô Hạp, tôi vô tình gặp gỡ ông Phạm Văn Hợp, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Khánh Sơn. Ông niềm nở tiếp tôi khi biết tôi có nhu cầu muốn tìm hiểu văn hóa Rắk Lây. Ông Hợp cho hay : “Chúng tôi luôn hoan nghênh những ai muốn tìm hiểu văn hóa Rắk Lây, lớp trẻ mà như thế là quý hóa lắm, tuy nhiên muốn nghe hát sử thi thì phải tìm đến bà Mấu Thị Diên, bà tuy đã lớn tuổi nhưng mà trí nhớ vẫn còn tốt lắm”. Bà Mấu Thị Diên đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian từ cách đây mấy năm, đó cũng là niềm vui lớn với bà.

Bà Diên kể lại rằng: Trước kia, bà có một người chị ruột rất giỏi sử thi, có thể hát đêm ngày, hát còn nhiều hơn cả bà nữa. Nhưng rồi người chị ấy cũng qua đời vì thời gian là kẻ thù của mọi số phận. Rõ ràng rằng, sử thi Rắk Lây vốn vô cùng phong phú về nội dung và đồ sộ về khối lượng, nhưng đã không còn được lưu giữ một cách đầy đủ nhất cho các thế hệ đời sau thụ hưởng và tôn vinh.

Sử thi Rắk Lây còn nhiều điều bí ẩn vì có những người tuy biết hát nhưng không bao giờ mở lời, cứ như người không biết. Có lẽ họ im lặng vì muốn giữ lại vốn quý của tổ tiên, phần vì họ không muốn khoe khoang hay chứng tỏ làm gì? Quy luật “tre già măng mọc” luôn được thể hiện rất rõ trong tộc người Rắk Lây, khi những “cây lớn đổ ngã” vì thời gian, thế hệ sau hoặc người trẻ hơn mới cất tiếng kể sử thi như để thông báo với núi rừng, làng bản rằng: đã có thêm một người kể sử thi và họ chính là người hát sử thi kế thừa tiếp theo.

Bà Mấu Thị Diên luôn ở trong ngôi nhà sàn của mình, dù gia đình có nhà cấp 4 xây bằng xi măng nhưng đó không phải là điều mà bà ưa thích. Bà Diên có lẽ đã quen với cuộc sống như vậy, bà đã ở như thế với núi rừng này gần hết cuộc đời và không còn muốn thay đổi nữa. Thay đổi dành cho các thế hệ sau với sự tân tiến của khoa học và tiến bộ của thời đại văn minh.

Một buổi học sử thi của người Raglai.

Sử thi Rắk Lây vốn là câu chuyện kể về những vị thần, như: thần lúa bắp, chúa thần rừng, ngựa thần... Họ có những tiêu chuẩn của riêng mình trong cuộc sống, như ngựa tốt thì phải: “Chỉ cần những ngựa đực lớn, những con ngựa vàng nhanh mạnh, bây giờ cần những con ngựa to, ngựa sọc mạnh bước chân”. Trong quyển sách Awoi Nãi Tilor dày phải tới hơn 10 ngàn trang mà bà Mấu Thị Diên cho tôi xem có đoạn: “Này các chàng trai của anh thương lắm, này các cô gái của chị thương lắm, này các chàng trai, cô gái, con trai ngồi vuông xếp bàn trên, con gái bó gối một bên phía dưới, đúng như thế đấy các chàng trai”, rõ ràng người Rắk Lây từ hàng ngàn năm trước đã có những quy định riêng về nam nữ trong ứng xử cuộc sống. Đồng thời sử thi cũng đã thể hiện rất sống động cuộc sống của người Rắk Lây với những anh hùng chống xâm lăng, những bài toán nan giải trong việc đánh đuổi giặc thù, như sử thi đã viết: “Đâu thắng được quân của chúa, đợt đi này không thắng được giặc, không tìm ra lối thoát…”.

Điều thú vị phải nói đến chính là, dù những nghệ nhân người Rắk Lây đã lớn tuổi, tiêu biểu nhất chính là cụ bà Mấu Thị Diên nhưng họ vẫn có thể hát ngày đêm không nghỉ. Được biết, xưa kia đồng bào Rắk Lây ai cũng có thể hát sử thi, đi làm cũng hát, đi chơi cũng hát, có lẽ vì sống trong một môi trường như vậy, nên những nghệ nhân hát sử thi Rắk Lây ngày nay mới có thể thấm nhuần thẳm sâu trong xương máu đến như thế.

Nỗi niềm nghệ nhân lúc xế chiều rủ bóng

Bà Mấu Thị Diên năm nay đã hơn 90 tuổi, có tất cả 5 người con, những người bạn già cùng tuổi với bà đến nay đều đã khuất bóng. “Tôi luôn cảm thấy có nỗi buồn và đơn độc nhưng dù sao tôi vẫn còn nhiều con cháu nên cũng đỡ đần cho cuộc sống phần nào, nhiều lúc vẫn thấy buồn bã”, bà Diên tâm sự. Những người như cụ Diên đang dần trở nên hiếm hoi hơn trong cộng đồng người Rắk Lây.

Trước kia, trên địa bàn Khánh Sơn có bà Tro Thị Ría trú tại Ba Cụm Bắc, vốn là người thuộc những bài dân ca cổ, những sử thi Rắk Lây hết sức độc đáo, nhưng các nhà nghiên cứu còn chưa kịp ghi âm hết thì bà Tro đã qua đời. Một kho tàng văn học dân gian Rắk Lây cũng vì thế mà bị chôn vùi vì con cháu và người thân của bà không ai hát được. Ông Mấu Dũng, người ở Sơn Trung, Khánh Sơn cũng là người biết nhiều sử thi nhưng nay không còn nữa.

Trong tâm trí bà Mấu Thị Diên, hình ảnh những đêm lễ hội bên ánh lửa bập bùng, thấm đượm hồn người, dưới trời sương lạnh lẽo vẫn in hằn sâu sắc. “Tiếng chiêng vang lên dồn dập, ngập tràn tình cảm trong cái sự hùng dũng của núi rừng Khánh Sơn – Khánh Vĩnh, những bản sử thi được cất cao trong nhà dài và hàng người ngay ngắn ngồi nghe sử thi, nhưng giờ những điều đó không còn nguyên vẹn và hào hứng như xưa nữa, cuộc sống đã có nhiều thay đổi, thời đại đã khác”, bà Diên buồn bã tâm sự. Hát sử thi rất cần có không gian và thời gian phù hợp, bởi điều đó ảnh hưởng phần nào tới tâm trạng người hát.

Bà đã cố dồn hết mọi tâm huyết của mình để kể và hát sử thi cho những nhà khoa học ghi lại nghiên cứu, tìm hiểu. Cách đây hơn 20 năm, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã phát hiện ra người Rắk Lây có sử thi của riêng mình. Sau đó, các nhà khoa học chính thức vào cuộc để nghiên cứu và lưu giữ văn hóa sử thi Rắk Lây, công việc không đơn giản vì ngày ấy đường xa, chưa được như bây giờ, cũng như bất đồng ngôn ngữ và lối ăn ở sinh hoạt. Vào thời điểm ấy, người Rắk Lây hát được sử thi cũng chỉ còn được khoảng 10 người mà thôi. Đến nay, ông Mấu Quốc Tiến được biết đến là nhà nghiên cứu văn hóa Rắk Lây trung thành nhất, đi kèm với đó là không ít thành tựu lớn thể hiện qua những sách viết về người Rắk Lây cũng như ông đã học được sử thi Rắk Lây.

“Hát sử thi Rắk Lây không hề đơn giản, vì đã gọi là sử thi thì phải bi tráng, hùng mạnh, toát lên cái thần thế của cả một dân tộc, nếu không làm được như vậy, coi như hát thất bại”, bà Diên lưu ý khi hát sử thi. Có 3 âm điệu phổ biến khi hát sử thi. Đầu tiên là điệu Siri, kéo dài âm ỉ với sự nồng nàn và nhẹ nhàng như đưa người ta vào thế giới của sự bồng bềnh, lãng du. Điệu Adoh, có đặc trưng nhanh và dồn dập, thường sử dụng trong những nghi lễ hoặc lúc tụ tập đông người. Cuối cùng là điệu Majeng, như lời tâm sự, nói nhỏ với nhau tình cảm.

Cuộc đời bà Mấu Thị Diên đã trải qua hai chế độ, từ chiến tranh đến hòa bình, cả loạn ly và thống nhất, những bài ca sử thi của người Rắk Lây cũng vì thế mà bị ảnh hưởng rất lớn đến sức sống vốn đã trường tồn qua bao đời. Hiện nay đã không còn là thời đại của văn học dân gian truyền miệng, có lẽ vì vậy mà phải mở lớp dạy, cũng như ghi âm, viết thành sách để lưu truyền mà thôi. Ngày tháng không đợi ai bao giờ, người như bà Mấu Thị Diên đã không còn nhiều, chắc chắn rằng đó là những người nắm giữ “kho báu vật vô giá” trong dân gian

Đức Thọ
.
.
.