Người dân các nước dự đoán vận may năm mới như thế nào?

Thứ Bảy, 25/01/2020, 07:08
Năm cũ qua đi, năm mới đã đến. Chào Xuân, chào năm mới, ai cũng mong mình có được nhiều điều may mắn. Không chỉ là những việc làm cầu chúc tiền tài, bình an, người dân các nước còn có những cách "xem tử vi" cho năm mới vô cùng độc đáo nữa nhé!


Người Phn Lan

Thay vì xin xăm, bốc lá số để coi vận hạn năm mới như người Việt, người Phần Lan tin rằng tương lai, vận mệnh của năm mới phụ thuộc vào hình dạng của... thiếc nóng chảy. 

Đặc biệt hơn là việc họ sử dụng những miếng thiếc nhỏ có hình móng ngựa để nung như là một yếu tố may mắn. Sau khi nấu chảy thiếc về dạng lỏng, họ đổ chúng vào một xô nước. Thiếc sẽ nhanh chóng nguội đi và có những hình dạng rất khác nhau. 

Sau đó người ta tiến hành quan sát, giải thích hình dạng và đưa ra kết quả dự đoán tương lai cho năm mới. Tất nhiên không ai muốn thấy thiếc vỡ thành nhiều mảnh, vì đó là dấu hiệu của sự xui xẻo.

Cư dân Đc

Cũng là nung kim loại, nhưng không giống Phần Lan, trong dịp năm mới, người Đức lại nung chảy chì trong một chiếc thìa, ném vào nước lạnh và sau đó nhìn hình dáng viên chì để tiên đoán về những điều sẽ xảy ra trong năm mới, làm ăn phát đạt hay thất bại, có được đi du lịch hay không... Chẳng hạn, nếu là hình trái tim hoặc chiếc nhẫn thì sẽ có tin mừng về cưới xin, hình một con tàu thì sẽ phải đi xa, hình con lợn nghĩa là sẽ được thưởng thức những món ăn ngon.

Người Th Nhĩ Kỳ

Vào thời khắc chuyển sang năm mới, người dân Thổ Nhĩ Kỳ thường đập vỡ quả lựu như cách dự đoán tương lai. Càng nhiều hạt lựu văng ra xa, bạn sẽ gặp nhiều may mắn trong một năm sắp đến. Lựu có sắc đỏ rực rỡ với hàng trăm hạt nhỏ mọng nước, được xem như tượng trưng cho trái tim, sự may mắn, sung túc, dồi dào…

Đất nước El Salvador

Ở quốc gia Trung Mỹ này, người dân có niềm tin vào hình dạng lòng đỏ trứng để đoán vận may cho một năm sắp đến. Vào thời khắc giao thừa, người ta sẽ đập một quả trứng vào ly nước, đặt gần cửa sổ, để qua đêm, rồi quan sát lòng đỏ và đưa ra dự đoán tương lai cho năm mới.

Người dân Brazil

Vào năm mới, người Brazil lại cho rằng vận mệnh của năm mới phụ thuộc vào việc thả lễ vật và ném hoa xuống đại dương cho nữ thần biển cả. Nếu hoa, lễ vật quay trở lại, người ta cho rằng nữ thần đã từ chối  nhận chúng. Ngược lại, nữ thần biển cả đã chấp nhận, bạn sẽ gặp nhiều may mắn trong năm tới.

Xứ sở bò tót

Người dân Tây Ban Nha có truyền thống "12 quả nho may mắn" (las doce uvas de la suerte) cho năm mới. Khi đồng hồ điểm thời khắc giao thừa, người ta sẽ vội vàng ăn hết 12 quả nho theo nhịp chuông để cầu may mắn. Quan điểm phổ biến cho rằng 12 quả nho chính là tượng trưng 12 tháng trong năm, nên quả ngọt hay quả chua sẽ báo hiệu tháng đó tốt hay xấu.

Người Bolivia

Năm mới có may mắn hay không đối với người dân Bolivia lại phụ thuộc vào những đồng xu ngọt ngào. Đúng như tên gọi, những đồng xu được đặt trong những chiếc bánh ngọt. Mọi người cùng nhau thưởng thức bánh, ai là người tìm được đồng xu sẽ là người may mắn nhất trong năm mới. Tuy nhiên, mọi người phải vô cùng cẩn thận vì vô tình ăn bánh mà nuốt cả đồng xu thì sẽ chẳng biết may mắn đâu nhé.

Nước Pháp

Tại miền Tây nước Pháp xinh đẹp, sự thông hanh của năm mới được người dân đặt cả vào hướng gió. Vào sáng sớm ngày mồng 1 Tết, mọi người đều xem hướng gió, nếu là gió Nam thì năm ấy mưa thuận gió hòa, năm mới sẽ bình an, nếu là gió Tây sẽ là năm nghề cá và nghề vắt sữa bò phát đạt, nếu là gió Đông thì năm đó hoa quả được mùa, còn nếu là gió Bắc thì đó là năm mất mùa.

Nơi đây còn có một tục lệ rất vui trong ngày đầu xuân năm mới, đó là thanh niên nam nữ dắt nhau vào rừng tìm cây tầm gửi trong buổi chiều cuối năm - anh chàng nào tìm thấy, mang về trước tiên thì được coi là “vua tầm gửi” và suốt ngày mồng 1 Tết được quyền ôm hôn những cô gái đẹp đi qua nhà mình.

Người dân Trung Quốc

Với người dân ở khu vực phía Bắc Trung Quốc, một năm mới tài lộc, hoan hỉ lại phụ thuộc vào những chiếc bánh… sủi cảo, thực phẩm ngon và nổi tiếng của Trung Quốc. Khi ăn những chiếc bánh sủi cảo trông giống như những thỏi vàng có các loại nhân như đậu phộng, đường mật, đồng xu thì vận hạn trong năm mới của gia chủ cũng tương ứng: chiếc bánh có chứa nhân là đồng xu thì ắt sẽ gặp nhiều điều may mắn trong chuyện làm ăn, chiếc bánh có đường mật thì chuyện tình cảm sẽ rất ngọt ngào, còn nếu chiếc bánh có nhân đậu phộng thì có thể trong năm mới chủ nhân của chiếc bánh này sẽ sinh em bé.

Cũng như người Việt, để cả năm được may mắn, người Trung Quốc không bao giờ gội đầu hoặc cắt tóc vào ngày mồng 1 Tết. Theo tiếng Trung, ký tự đầu tiên trong từ tóc mang nghĩa thịnh vượng. Do đó, nếu cắt tóc và gội đầu, bạn đã tự mình gạt bỏ may mắn và cơ hội thịnh vượng trong Năm mới. Người dân ở đất nước này cũng tránh đặt mua sách trong 15 ngày nghỉ lễ Tết vì từ “sách” trong tiếng Trung phát âm gần giống với từ “mất”. Chính vì thế, việc mua một quyển sách ngay sau đêm Giao thừa được xem là hành động mời chào vận đen tới. Ngay cả việc tặng ai đó sách trong dịp Tết ở Trung Quốc cũng là việc không nên làm.

Xứ sở hoa anh đào

Người dân xứ sở hoa anh đào (Nhật Bản) lại đặt niềm tin vào 108 hồi chuông cho một năm mới thuận buồm xuôi gió với sự thanh bạch và trong sạch cho tâm hồn. May mắn sẽ mỉm cười với những người rung đủ 108 hồi chuông này trong những ngày đầu năm mới.

Việt Nam

Với nhiều người Việt, một năm mới lành hay dữ phụ thuộc vào việc rút quẻ đoán vận mệnh nhân dịp đầu năm. Người xin thẻ dâng lễ rồi chọn lấy một quẻ thẻ bằng tre viết chữ Hán, hoặc những tờ giấy chữ Quốc ngữ với lời giải được soạn sẵn ghi lời tiên đoán về tương lai. Tất nhiên, đó chỉ là những thông tin ước lễ phản ánh khát vọng của con người muốn gặp may mắn khi bước sang năm mới.

Quốc Việt
.
.
.